Khi lễ hội, di sản bị "sân khấu hoá"

Thứ Tư, 03/07/2013, 09:00

Với số lượng 8.000 lễ hội trong một năm, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nhiều lễ hội trên thế giới. Cùng với đó là kho di sản phong phú cả vật thể và phi vật thể. Đây cũng chính là thế mạnh của chúng ta trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xu hướng "sân khấu hóa" tại các lễ hội, di sản ngày càng phổ biến. Nếu không hạn chế, những hệ lụy của trào lưu này không chỉ khiến du khách xa rời lễ hội, di sản mà còn khiến những tài nguyên quý giá này không được bảo tồn đúng với giá trị thực.

Chỉ cần chịu khó xem các chương trình truyền hình, điều chúng ta dễ dàng nhận thấy là trong một thời gian ngắn nhưng có rất nhiều lễ hội được sân khấu hóa và truyền hình trực tiếp tưng bừng trên sóng truyền hình. Lễ hội dân gian thì có lễ hội Chùa Hương, Lễ hội khai ấn Đền Trần, Hội Lim…Hiện đại thì có lễ hội cà phê, lễ hội trái cây, lễ hội cồng chiêng, lễ hội hang động, lễ hội biển, lễ hội trên mây… Sân khấu hóa lễ hội được hiểu nôm na là việc sử dụng những đặc trưng của nghệ thuật sân khấu - nghệ thuật dàn cảnh và biểu diễn để chuyển tải chủ đề chính của lễ hội. Tuy nhiên, một điều đáng nói là những chương trình này đều có mô típ na ná nhau. Đó là một chương trình tạp kỹ với sự góp mặt của các loại hình sân khấu, các màn biểu diễn như ca nhạc, múa, hoạt cảnh và lồng ghép qua phim ảnh. Có ý kiến cho rằng, nếu không có lời bình, kịch bản những chương trình sân khấu hóa kiểu này có thể dùng cho tất cả các loại lễ hội ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Nếu cứ theo cách mà các lễ hội thể hiện trong thời gian vừa qua thì chúng ta đang phải trả một số tiền lớn cho mẫu kịch bản theo công thức toán học. Đã từng có những tác giả chỉ cần "thêm mắm thêm muối" sửa chỗ nọ, thêm bớt chỗ kia từ kịch bản trước là có thể ra một kịch bản lễ hội cho một địa phương khác. Theo thống kê, một trong những cách thường xuyên được những người viết kịch bản lễ hội áp dụng là theo kiểu mô tả lịch sử. Cứ viết về vùng đất nào đó là hầu như đều có cảnh miêu tả nhân dân trước đây đói khổ lầm than do bị thực dân phong kiến đàn áp, nhưng sau đó nhân dân vùng lên đánh đuổi quân thù, giành tự do độc lập… Cùng với đó là sự lặp đi lặp lại của diễn xuất. Để thể hiện giai đoạn đói khổ là trang phục rách rưới, xám xịt, âm thanh buồn bã, não nề, còn để thể hiện sự chiến thắng thì sẽ là cảnh nhảy nhót, reo hò, trang phục màu mè rực rỡ… Tất cả những điều đó không sai nhưng đem đến cho khán giả cảm giác nhàm chán, cũ kỹ. Những màn sân khấu hóa lễ hội nghèo nàn, khô cứng ấy thì sao có thể khiến khán giả rung động, nói gì tới việc giúp người xem hiểu và yêu lễ hội. Cách đây không lâu, tại một lễ hội diễn ra ở Huế có cảnh vua và hàng trăm vị bô lão. Điều đáng nói ở đây: Vua thì do diễn viên đóng thế còn các vị bô lão lại là bô lão thật từ các địa phương trong tỉnh đại diện cho trăm họ chọn lựa về. Trong khi vua cử hành nghi lễ rất trang nghiêm - nhưng là cái trang nghiêm của diễn xuất - thì các bô lão lại quỳ lạy vua với một niềm thành kính rất chân thật. Rõ ràng, sự "thật - giả lẫn lộn" ấy đã làm giảm rất nhiều giá trị của hoạt động tâm linh này.

Một lĩnh vực nữa cũng đang bị tình trạng sân khấu hóa một cách đáng bao động là di sản. Thế mạnh và cũng là niềm tự hào của chúng ta là kho di sản đặc sắc mà ông cha ta để lại qua nghìn năm lịch sử. Nhưng việc ứng xử với di sản hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề. Nhiều ý kiến kêu cứu rằng, di sản cồng chiêng đang bị mai một ngay trên chính mảnh đất khai sinh ra nó. Thay vì không gian văn hóa cồng chiêng chỉ được tổ chức mỗi khi có những lễ hội linh thiêng thì giờ đây đang mọc lên như nấm để phục vụ du lịch. Tại nhiều khu du lịch, người ta còn biểu diễn cồng chiêng pha trộn với các nhạc cụ hiện đại như guitar, organ hay các dàn âm thanh điện tử khác khiến cho cồng chiêng mất đi không gian nguyên thủy của nó.

Những màn sân khấu tưng bừng này thường dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ lễ hội nào.

PGS. TS nguyên Phó viện trưởng Viện âm nhạc Đặng Hoành Loan trong một buổi Hội thảo về Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời hiện đại đã chia sẻ về việc cồng chiêng đang bị sân khấu hóa khi ở Hòa Bình, người ta tổ chức đánh cùng một lúc 200 cái cồng chiêng. Theo ông Đặng Hoành Loan, trong khi mỗi chiếc cồng chiêng đánh ra một âm sắc, mỗi người đánh lại mang một nét cá tính riêng nên việc đem cả mấy trăm chiếc cồng chiêng đánh một lúc gây ảnh hưởng không tốt đến nghệ thuật cồng chiêng. Việc này cũng tương tự như việc đây đó từng tổ chức hát quan họ tập thể để lập kỷ lục. Tất cả những việc làm này đều đi ngược lại tinh thần của những di sản như cồng chiêng hay hát quan họ.

Tình trạng sân khấu hóa di sản còn thể hiện bằng việc biểu diễn lại các hoạt động của di sản nhưng không đúng thời điểm, không trong không gian riêng của di sản ấy. Ví dụ như chuyện Hội Gióng được biểu diễn đi, biểu diễn lại tới mấy lần trong một năm. Và, một trong những vấn đề khiến đờn ca tài tử ở phương Nam đang đánh mất bản sắc nghệ thuật là do chạy theo du lịch. Những sô diễn đờn ca tài tử phục vụ tại các điểm du lịch thường là của những người đàn, hát không giỏi. Chưa kể, họ phải gọt rũa theo nhu cầu của khách. Điều này khiến cho sự độc đáo, cái chuẩn mực của nghệ thuật đờn ca tài tử mất dần, thay vào đó là một thứ nghệ thuật tạp nham. Một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khi tham gia với tư cách là một sản phẩm du lịch cũng đang rơi vào trường hợp tương tự như quan họ, hát xoan…

Theo công ước của UNESCO, việc bảo tồn di sản, lễ hội là hướng tới việc giữ cho di sản, lễ hội ấy sống trong lòng cộng đồng cùng với quan niệm: "Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng". Việc sân khấu hóa di sản, lễ hội một cách tràn lan và cẩu thả khiến cho người dân không còn cảm thấy di sản văn hóa là của chính mình nữa. Một trong những lý do khiến di sản ngày càng bị sân khấu hóa là tâm lý của những người quản lý. Với những di sản văn hóa phi vật thể, sau khi được UNESCO vinh danh, những người quản lý địa phương đều muốn di sản của mình ngày càng "hoành tráng" hơn, ấn tượng hơn. Chính tâm lý ấy đã tạo ra sự lệch lạc trong việc bảo tồn. Chúng ta đang biến những lễ hội thành buổi biểu diễn văn nghệ có truyền hình trực tiếp. Một điều dễ thấy hiện nay là việc sử dụng sân khấu hóa lễ hội - di sản như một cách để quảng cáo tiềm năng du lịch tại các sân vận động, quảng trường với các hoạt cảnh ca nhạc do sinh viên, học sinh biểu diễn để thay thế cái có thật. Rõ ràng, chúng ta đang phải trả một số tiền không nhỏ cho những chương trình nghệ thuật hời hợt, đơn điệu và nhàm chán ấy. Được biết, các địa phương đã phải chi từ 4 tỉ đến 8 tỉ đồng cho ngót nghét hơn 1 giờ biểu diễn. Nhưng ít nhất, khi chọn hình thức nào đó lên sân khấu thì lúc đó nó phải là một tiết mục nghệ thuật đã. Cùng với đó, đã là hội thì tính dân gian được đề cao chứ không phải là tính chuyên nghiệp. Và nhân dân - lẽ ra là những chủ nhân của những lễ hội, di sản ấy lại trở thành những người đứng ngoài, trở thành khán giả. Đáng buồn là đã từng có những lễ hội mà thành phần tham gia chỉ có những người trong Ban tổ chức và… phóng viên báo chí, còn hầu hết những người đúng ra là "chủ nhân" thì lại không có điều kiện tham gia.

Không thể phủ nhận việc sử dụng lễ hội, di sản vào công tác phát triển du lịch đã mang lại một nguồn lợi đáng kể. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ chạy theo lợi nhuận làm đơn giản hóa lễ hội sẽ khiến cho lễ hội không còn giữ được những bản sắc tốt đẹp ban đầu. Ngay cả việc sử dụng sân khấu hóa để thu hút du khách đến với du lịch lễ hội cũng không phải là một cách lâu bền. Thực tế cho thấy, hiện nay, những lễ hội thu hút du khách lại là những lễ hội nằm trong đời sống nhân dân chứ không phải những lễ hội có màn biểu diễn hoành tráng trên sân khấu

K.T.
.
.