Giới hạn của truyền thông

Khi "hành trình công lý" bị tẩy chay

Thứ Năm, 11/12/2014, 08:00
Khác với những "cơn sốt" truyền thông từng có trước đây, ồn ào xung quanh hành trình điều tra tuổi "thật" của tuyển thủ bóng đá trên truyền hình thu hút cả tiếng nói phản biện của những nhân vật chính danh trong cộng đồng mạng, những nhà hoạt động xã hội có uy tín, tên tuổi. Từ đó nhiều ý kiến lại xới lên vấn đề, đâu là giới hạn của báo chí truyền thông?

Dường như sự kiện truyền thông gây chú ý nhất của dư luận trong suốt nửa cuối tháng 11, và đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại chính là những tranh cãi bất tận xung quanh nghi vấn về tuổi của một tuyển thủ bóng đá trẻ thuộc lứa U19. Sức nóng của vụ việc được đẩy lên đến đỉnh điểm khi một chương trình truyền hình mới tinh tươm, vừa ra mắt chưa bao lâu của đài truyền hình quốc gia đã vào cuộc, liên tiếp phát các phóng sự đưa ra bằng chứng đầy bất lợi cho tuyển thủ U19. Chương trình đã gặp phải sự phản ứng chưa từng thấy trên thế giới mạng. Mặc dù những nhà báo truyền hình đã nhấn mạnh đến yếu tố công lý, luôn khẳng định chức năng bổn phận của báo chí là đi tìm sự thật, nhưng sự thật (nếu có) mà họ đưa ra lại không thuyết phục được công chúng, không giành được sự đồng cảm, chia sẻ của số đông.

Khác với những "cơn sốt" truyền thông từng có trước đây, ồn ào xung quanh hành trình điều tra tuổi "thật" của tuyển thủ bóng đá trên truyền hình thu hút cả tiếng nói phản biện của những nhân vật chính danh trong cộng đồng mạng, những nhà hoạt động xã hội có uy tín, tên tuổi. Từ đó nhiều ý kiến lại xới lên vấn đề, đâu là giới hạn của báo chí truyền thông? Nhà báo Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông trên trang cá nhân của mình nêu quan điểm: "Một bài báo, một chương trình trên phát thanh truyền hình (PTTH) đều hướng tới mục đích cơ bản là đáp ứng nhu cầu và phục vụ cho nhu cầu của công chúng, mặt khác nó còn mục đích giáo dục, định hướng nhận thức, thẩm mỹ... cho công chúng. Nói chung là lấy công chúng làm đối tượng phục vụ và với mục đích vì công chúng. Không có công chúng chắc chắn sẽ không tồn tại báo chí, PTTH".

Theo nhà báo Đỗ Quý Doãn, khi bài báo, chương trình PTTH bị hầu hết công chúng bất bình, phản ứng thì phải xem lại tính mục đích, và chắc chắn bài báo, chương trình đó đã thất bại. Hơn nữa, nhà báo Đỗ Quý Doãn phân tích, người điều tra đã sử dụng phương pháp tiền chủ định (mang những chủ định trước để tiếp cận), thông tin gì, hình ảnh nào, lời nói nào... phù hợp với chủ định từ trước của mình thì đưa vào, những cái gì không phù hợp thì cắt bỏ. Phương pháp này luôn là bất công với đối tượng được điều tra, gây ra những thiệt hại khó bề định lượng và tất nhiên làm mất đi tính khách quan lẽ ra buộc phải có của truyền thông.

Đồng tình với nhà báo Đỗ Quý Doãn, nhiều người cho rằng, không phải tự thân vấn đề, mà chính cách đặt vấn đề, các bước thực hiện vấn đề thiếu công tâm, thiếu nhân văn và đầy hiếu thắng, ăn thua, áp đặt, vượt qua các giới hạn truyền thông của chương trình truyền hình nói trên đã làm bùng phát làn sóng phẫn nộ, lên án của một bộ phận không nhỏ cư dân mạng.
Khán giả Hà Nội với êkip làm phim “Hương Ga” tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội.

Trên thực tế, không chỉ tới bóng đá và các nhân vật liên quan đến bóng đá vốn có lượng người hâm mộ vô cùng to lớn, mà trước tới nay nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã rơi vào cảnh ngộ "éo le" một cách đầy oan ức khi bị đem ra làm mồi nhậu của truyền thông. Đơn cử, đã có những bộ phim, vở diễn sân khấu nhiều tính thử nghiệm của những đạo diễn trẻ vừa háo hức trình làng, gặp ngay cơn "cuồng nộ" chỉ trích của báo chí nhân danh những khái niệm như "bản sắc dân tộc", "thuần phong mỹ tục" khiến các nghệ sỹ trẻ chưa tôi luyện đủ bản lĩnh để đương đầu với dư luận đã hoang mang, phai nhạt khát vọng sáng tạo. Y như showbiz Việt, đôi khi chê, khen, đánh "hội đồng" một đối tượng nào đó đơn thuần chỉ là "chiêu trò" để báo chí câu view, thu hút độc giả, tạo ra sự chú ý mà bất chấp hậu quả xảy ra. Ví dụ mới nhất là rất nhiều báo, rất nhiều người viết tham gia "té nước theo mưa", dập vùi không thương tiếc bộ phim "nhà nước đặt hàng" "Sống cùng lịch sử" ngay cả khi chưa một lần quá bộ vào rạp xem phim này. Ngược lại, có những bộ phim phát hành không lâu sau đó đã may mắn nhận về mình tất cả những lời khen ngất trời, mặc dù ai cũng hiểu không ít lời vàng ý ngọc trong đó mang đầy màu sắc PR, lợi ích nhóm.

Từ đầu năm tới nay, gần như chưa bao giờ chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Thông tin - Truyền thông lại ban hành nhiều đến thế quyết định xử phạt các tờ báo, trang tin vi phạm. Biện pháp mạnh của cơ quan quản lý nhà nước được xem như một công cụ hữu ích hạn chế đi những "luống cải" đang sinh sôi nảy nở trong cánh đồng báo chí màu mỡ. Tuy nhiên, để báo chí truyền thông cân nhắc đến giới hạn của mình trước khi truyền tải một thông điệp, để ý thức rằng sau mỗi bài báo, chương trình PTTH là số phận một con người, lợi ích của một cộng đồng thì không giải pháp nào hay hơn quyền tẩy chay của công chúng. Bởi vậy dễ hiểu khi một "hành trình công lý" thiếu nhân văn, một cuộc điều tra vì sự thật thiếu tình người vẫn dễ dàng bị người xem, người đọc quay lưng chối bỏ...

Nhà báo, PGS,TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái: Không ai thích chạm tới một nửa sự thật

- Sau nhiều thập niên làm nghề, bà có thể nói ngắn gọn về điều gì đã tạo dựng nên tên tuổi và uy tín của nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái?

+ Có lẽ điều đó chính là tính chuyên nghiệp cao của một người tự quyết định trở thành nhà báo, tự học nghề báo và chuyên nghề bình luận về lĩnh vực văn hóa văn nghệ trên báo chí.

- Việc lập danh có cần thiết với một nhà báo? Và có phải vì áp lực của cái danh nên đôi khi, có nhà báo đã làm tất cả, kể cả các kỹ xảo, thậm chí mánh lới nghiệp vụ để đạt tới sự nổi tiếng, được nhiều người biết đến?              

+ Việc lập danh phải được coi là cần thiết, và có ý nghĩa tích cực, chứ không phải muốn được nổi tiếng bằng bất cứ giá nào. Bởi vì đã là nhà báo thì buộc phải chịu trách nhiệm về cái tên của mình trên mặt báo in, lời nói của mình trên báo phát thanh, lời nói và hình ảnh của mình trên báo hình và tất nhiên, cái tên của mình trên báo mạng. Cho nên tôi thú thực là rất ít khi dùng bút hiệu, chỉ khi nào cực chẳng đã mới dùng, thí dụ có hai bài trên một số báo chẳng hạn, hoặc tự nhiên có lúc thích làm thơ, nên lấy tên con gái, ghép với họ của người đàn ông có liên quan tới đời mình chẳng hạn: Đỗ Lê Diệu Cầm. Còn về sau này tôi lấy tên cháu ngoại, nhưng rất thi thoảng, làm bút hiệu: Đỗ Diệu Kỳ Duyên. Song, tôi vẫn thích nhất là để nguyên tên mình, cha sinh mẹ đẻ, vì muốn tự chịu trách nhiệm về cái tên ấy. Giản dị vậy thôi!

- Bà có cảm thấy có một bộ phận không nhỏ báo chí bây giờ mắc bệnh phán xét, tự cho mình đứng ở vị trí quan tòa, thậm chí tư thế của một nhà đạo đức học để hạch tội, kết án một đối tượng cụ thể nào đó. Đấy có phải là chức năng và nhiệm vụ của báo chí không?

+ Theo tôi, đấy không phải chức năng nhiệm vụ của một nhà báo tử tế. Nhà báo tử tế là người không chỉ làm công tác thông tin và truyền thông, mà còn phải bày tỏ khuynh hướng và chính kiến, bênh vực lẽ phải, ngợi ca những điều tốt đẹp trên cuộc đời, những người tử tế, và mạnh mẽ lên án, phê phán cái xấu, cái tiêu cực và những kẻ thiếu tử tế.

- Báo chí có cần cân nhắc đến số phận của một cá nhân, một con người cụ thể khi điều tra hành vi tiêu cực của cá nhân đó để nương tay, bỏ qua? Tuy nhiên một nửa sự thật không còn là sự thật, nếu báo chí mềm lòng, chùn bước, thì sự thật sẽ không có cơ hội trắng đen rõ ràng, phân minh rành rẽ?

+ Khi điều tra hành vi tiêu cực của một cá nhân, vốn là một người cụ thể, nhà báo cần cân nhắc đến số phận của họ chứ, tại sao không? Vì họ là con người này, đúng như ông già triết gia người Đức Hegel từng định nghĩa, bởi mỗi con người là một cá thể, chẳng ai giống ai, và chẳng ai muốn trở thành người khác cả. Tuy nhiên, tôi không hiểu tại sao báo chí "khi điều tra hành vi tiêu cực của con người cụ thể đó" lại nhắm phải "nương tay và bỏ qua". Nếu muốn nương tay và bỏ qua thì điều tra hành vi tiêu cực của con người đó để làm gì? Và là nhà báo mà làm gì nếu cứ mềm lòng, thích nương tay và bỏ qua những trường hợp tiêu cực sờ sờ như thế? Bạn thử tưởng tượng xem, nếu báo chí nương tay và bỏ qua một hiện tượng tiêu cực gần đây, như ông Trần Văn Truyền, nguyên là Tổng Thanh tra Chính phủ, vừa rồi đã bị báo chí vạch trần việc sai phạm về đất đai, nhà cửa… thì sự thể sẽ ra sao, dân chúng sẽ phản ứng thế nào? Tôi tin là dân chúng sẽ bớt quý yêu nhà báo đi đấy, nếu họ nương tay! Nếu báo chí lại mềm lòng bỏ qua, nương tay chùn bước trước những hiện tượng tiêu cực của những cá nhân rõ ràng tiêu cực, thì báo chí sẽ không chạm được vào sự thật, hoặc chỉ chạm được vào một nửa sự thật thôi. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng liệu có nhiều nhà báo thích chạm tới một nửa sự thật không? Còn tôi, tôi không muốn, không thích, và không thể!

-  Có giới hạn cho báo chí truyền thông khi thông tin, phản ánh, điều tra, tìm đến sự thật? Và nếu có giới hạn thì đâu là giới hạn của báo chí truyền thông khi đề cập đến các mặt tiêu cực của xã hội nói chung và cá nhân nói riêng?

+ Khi báo chí muốn đi tìm sự thật hoặc tìm đến tận bản chất của con người và sự vật nào đó, thì tôi nghĩ chẳng có giới hạn nào cả. Giới hạn chỉ đặt ra khi nhà báo hành xử sai lệch với sự thật được truyền thông, bởi nhà báo đánh tráo khái niệm, nhà báo quá đà khi thông tin về tội ác, say sưa về các vụ việc "tình tiền tù tội" đến mức khiến cho một số người đọc trẻ không những không tránh xa các vụ việc trên, mà lại gây tác dụng ngược, là người đọc muốn bắt chước hoặc muốn thử nghiệm gây tội ác chẳng hạn. Tôi vẫn thấy tác dụng ngược như thế, khi có nhiều người đọc, người xem bắt chước phim ảnh, sách báo… để làm những chuyện tày trời độc ác và phi nhân tính! Vậy đã là nhà báo tử tế thì phải biết đâu là giới hạn của truyền thông, đâu là ngưỡng của việc truyền thông tử tế!

- Một bài báo phản ánh, điều tra liệu có thuyết phục được công chúng, độc giả khi nhà báo thực hiện lại là người có nhân thân không tốt, mang nhiều điều tiếng xấu?

+ Lẽ dĩ nhiên, một bài báo có tác giả như thế thì rất khó hoặc không thể thuyết phục được độc giả. Nhưng ở môi trường truyền thông, dễ gì biết được nhân thân nhà báo là tốt hay không và có thật là mang điều tiếng xấu hay không, và những điều đó có ảnh hưởng trực tiếp đến một bài báo phản ánh, điều tra hay không? Tôi nghĩ là không chắc, bởi sự đời của các nhà báo đằng sau tác phẩm báo chí không đơn giản thế, nó phức tạp và phong phú hơn nhiều và khó có thể đoán định qua một bài báo, bạn thân mến ạ! Và một bài báo muốn thuyết phục bạn đọc thì nó phải hay, đặc sắc, hấp dẫn, còn nếu nó dở không chịu nổi, thì tác giả có trình ra nhân thân tốt và có cuộc sống không một điều tiếng gì thì cũng vô bổ, vô ích mà thôi!

- Trân trọng cảm ơn nhà báo, PGS,TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái.

Thứ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông Trương Minh Tuấn: Xao nhãng vai trò định hướng thông tin

Thời gian qua, báo chí, truyền thông của chúng ta đã góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, giáo dục truyền thống, lịch sử thông qua các chương trình văn hóa, văn nghệ, phim ảnh, các lễ hội, kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước. Báo chí đã bám sát tư tưởng chỉ đạo, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về những vấn đề đối nội, đối ngoại, nhất là những cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý trên biển Đông; khẳng định quan điểm giải quyết mọi mâu thuẫn, bất đồng thông qua đàm phán, hòa bình, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí đã phát hiện, cổ vũ, góp phần nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong học tập, lao động. Những tấm gương dũng cảm, hy sinh của cán bộ, chiến sỹ, của lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và của ngư dân đang ngày đêm bám biển, vừa làm ăn, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; những tấm gương trong phòng, chống bão lụt, trong đấu tranh phòng chống tội phạm; gương nông dân sản xuất giỏi; gương học trò nghèo vượt khó, học giỏi; nhiều tấm gương tiêu biểu khác được báo chí phát hiện, cổ vũ đã có tác động mạnh mẽ đến xã hội, nêu cao tính nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.

Bên cạnh những ưu điểm, báo chí, truyền thông của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, thiếu sót, chưa nhận thức được rằng, báo chí vừa là sản phẩm văn hóa, báo chí cũng vừa là phương tiện chuyển tải nội dung văn hóa. Không ít cơ quan báo chí còn đăng tải nhiều thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, không phục vụ đúng đối tượng bạn đọc được ghi trong tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; truyền hình còn chiếu quá tỷ lệ phim nước ngoài, một số cơ quan báo chí chưa làm tốt vai trò định hướng thông tin của báo chí.

Nhà viết kịch Chu Thơm: Bị đánh oan nên vở diễn càng hút khách

- Hằng ngày ông có duy trì và giữ được thói quen đọc báo không? Nếu đọc ông đọc báo mạng hay báo giấy?

+ Mỗi ngày tôi có thói quen ngồi làm việc 6 giờ trước máy tính nên thích đọc báo giấy. Đọc báo giấy có cái hay là có thể đọc ở bất kỳ ở đâu mà không  phụ thuộc vào mạng Internet, không phải dùng đến máy tính, điện thoại, iPad, lại không bị màn hình những thiết bị đó làm lóa, mỏi mắt. Hơn nữa báo giấy khiến mình có thể đọc kỹ từng con chữ, tìm ra từ chúng những thông tin và ẩn ý sâu xa.

- Là một nhà viết kịch từng có kỷ niệm không vui với báo giới, khi một tác phẩm của ông được dàn dựng, được công chúng đón nhận nhưng lại bị báo chí phản ứng, thậm chí nói theo ngôn ngữ đời thường là "đánh hội đồng" không thương tiếc. Ông có nghĩ tác phẩm của mình đã bị đánh oan không?

+ Khi còn làm việc ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, tôi được lãnh đạo Cục phân công làm việc với báo giới nên có quan hệ rất tốt với phóng viên các báo, thậm chí trở thành bạn thân của khá nhiều người trong số họ. Việc một số phóng viên a dua theo một số người đố kỵ với thành công vang dội của vở "Làm...", vở diễn đã gây ấn tượng lớn cho những người lần đầu tiên xem kịch ở thành phố của "Nhã nhạc cung đình" và có công kéo khán giả đến Liên hoan, nên đã có một số ý kiến không đúng về cảnh nóng của nó, khiến vở diễn không được đưa vào khung giải của Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012 là một điều không vui, làm ảnh hưởng đến nhiệt tình sáng tạo của các nghệ sỹ, diễn viên Sân khấu kịch Phú Nhuận, đơn vị xã hội hóa từng rất thành công. Có điều mặc dù không được huy chương vàng của Liên hoan nhưng "Làm..." đã nhận huy chương vàng của khán giả khi là một trong những vở diễn ăn khách và ấn tượng nhất trong năm của sân khấu kịch thành phố Hồ Chí Minh. Thế là, vì bị đánh oan nên nó càng trở nên nổi tiếng.

- Mối quan hệ giữa báo chí với đội ngũ văn nghệ sỹ, những người sáng tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật theo ông phải như thế nào? Nếu không có sự truyền thông của báo chí thì công chúng ít biết đến tác phẩm, ngược lại nếu báo chí phản ánh đánh giá chưa đúng, chưa đủ, thậm chí sẵn định kiến cá nhân thì công chúng có thể bị tác động dẫn đến tẩy chay, bỏ qua tác phẩm?

+ Nhiệm vụ tối thượng của báo chí là dẫn dắt dư luận, hướng khán giả đến những điều đúng, những tác phẩm nghệ thuật lành mạnh và đột phá trong sáng tạo. Vì vậy, các phóng viên viết về các bộ môn nghệ thuật nào cần phải có sự am hiểu thấu đáo về bộ môn nghệ thuật đó để có thể đánh giá chính xác về nó chứ không đánh giá chung chung, lại càng không được mượn dư luận để đánh giá, biến bài báo của mình thành dư luận hoặc ý kiến của những người khác. Tôi nghĩ, nếu có mối quan hệ tốt đối với văn nghệ sỹ, những người sáng tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật thì các phóng viên có thể trao đổi với họ một cách cởi mở, khiến bài viết của mình về một tác phẩm mới ra đời trúng và đúng hơn. Những kẻ tà tâm mượn diễn đàn nghệ thuật để nổi danh bằng việc thích dệt thị phi, cần tai tiếng để nổi tiếng thì họ có thể bất chấp dư luận, nhưng những nghệ sỹ tử tế coi trọng khán giả, coi "Miệng thế gian như làn sóng bể" thì lại dễ bị tổn thương một khi bị báo chí đánh giá chưa đúng, chưa đủ thậm chí bằng định kiến cá nhân. Nếu không có sự truyền thông của báo chí thì công chúng ít biết đến tác phẩm, vì vậy, báo chí hãy trở thành người đồng hành sáng tạo của văn nghệ sỹ.

- Trong nhìn nhận của ông, một nhà viết kịch cũng là người nhiều năm tham gia công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, một nhà báo chuyên viết về văn hoá văn nghệ cần những phẩm chất, yếu tố gì?

+ Tôi nghĩ họ cần 3 chữ T: Thứ nhất là Tâm, mà bất cứ một người tử tế làm việc gì cũng cần phải có để không bao giờ bị "những đồng tiền bẩn" bẻ cong ngòi bút. Thứ hai là Tầm, là trình độ hiểu biết, nhãn quan chính trị của người viết tử tế để có thể phân định rõ đúng sai, trắng đen của tác phẩm nghệ thuật, hướng khán giả đến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật mang tính nhân văn cao, cùng họ đả phá, thậm chí tẩy chay những tác phẩm bệnh hoạn, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thứ ba là Tình, phẩm chất của người viết báo - nhà phê bình phải có để thông cảm với những khó khăn trong sáng tác của các nghệ sỹ để không nóng vội chụp mũ, quy kết, thậm chí phũ phàng xổ toẹt tác phẩm đang trong quá trình hoàn thiện tác phẩm của họ.

- Trân trọng cảm ơn nhà viết kịch Chu Thơm.
My-Sol (thực hiện)
.
.