Khi cộng đồng chung tay phục hồi di sản

Thứ Sáu, 27/11/2015, 08:00
Di sản sẽ biến mất nếu không được gìn giữ, bảo tồn. Nhưng di sản sẽ có sức sống bền lâu hơn nếu được cộng đồng chung tay bảo vệ, phục dựng. Sự kiện triển lãm và bán đấu giá 61 tác phẩm với tên gọi "Nhà Lang- Giấc mơ hồi sinh" đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một minh chứng cho thấy  những người làm di sản đang chạm tới giấc mơ của mình.

Không chỉ chuyện phục dựng nhà Lang

Còn nhớ, khi Bảo tàng Không gian văn hóa Mường bị thiêu rụi vào tháng 10 năm 2013, chúng ta đã giật mình thảng thốt. Di sản biến mất vì một sự vô tình. Hay di sản vốn dĩ vẫn có đời sống lặng lẽ như thế, chỉ là mối quan tâm của số ít những người tâm huyết, trân quý những giá trị truyền thống. Việc điều tra vụ cháy, hỗ trợ để phục dựng lại bảo tàng dường như đang bị lãng quên. Nhưng, vẫn có những người nhớ đến nhà Lang, tha thiết với "giấc mơ hồi sinh" của nhà Lang. Những nỗ lực ấy đang được họa sĩ Vũ Đức Hiếu - (Hiếu Mường) và cộng đồng cùng chung tay.

Rất nhiều nghệ sĩ Nam Bắc đã góp các tác phẩm của họ để bán đấu giá cho sự kiện "Nhà Lang - Giấc mơ hồi sinh". 57 họa sĩ, nhà điêu khắc ở cả ba miền đất nước, thuộc bốn thế hệ nghệ sĩ với nhiều tên tuổi trong đời sống mỹ thuật đương đại, đã tặng 61 tác phẩm tranh, tượng cho chiến dịch gây quỹ ủng hộ cộng đồng này.

Từ trước đến nay đã có nhiều cuộc triển lãm bán đấu giá vì mục đích từ thiện. Nhưng đem các tác phẩm nghệ thuật nhằm phục dựng lại những di sản văn hóa với sự ủng hộ đông đảo như thế thì rất hãn hữu. Điều đáng trân trọng là các nghệ sĩ coi việc tặng tác phẩm để đấu giá cho mục đích phục hồi di sản này là một việc làm... bình thường. Họ làm vì di sản.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng chia sẻ: "Cuộc triển lãm diễn ra ngắn ngày này là một sự kiện nghệ thuật, không cần phải mang ý nghĩa bên ngoài nó nữa. Lâu lắm người ta mới thấy nhiều nghệ sỹ trong Nam, ngoài Bắc cùng nhau trưng bày như vậy. Họ vẫn đang sáng tác dù thị trường nghệ thuật những năm gần đây là hoàn toàn bất lợi với giới mỹ thuật. Sự quan tâm rất khác nhau giữa các thế hệ về cuộc sống và nghệ thuật cho thấy những nhát cắt vào các thế hệ, khiến mối liên kết truyền thống trở nên đứt đoạn".

Đó là cuộc hội ngộ của bốn thế hệ nghệ sĩ, có quá trình sáng tác khác nhau. Họ đang cùng chung tay phục hồi di sản. Nhưng họ cũng bày tỏ một thái độ không vô can trong việc phục hồi những giá trị truyền thống đang bị mai một bởi thời gian. Ngoài kỷ lục về số lượng, thì điều đáng nói ở đây là những tác phẩm có giá trị, kỹ lưỡng và tâm huyết của người nghệ sĩ. Những tác phẩm họ sáng tác cho chính mình, không vì mục đích thương mại. Cuộc hội ngộ nghệ thuật lần này đã vượt ra khỏi ý nghĩa ủng hộ để trở thành một sự kiện nghệ thuật đúng nghĩa. 61 tác phẩm của 57 tác giả đã giới thiệu với người xem cái nhìn phong phú về diện mạo mỹ thuật Việt Nam, đó là sự phong phú về lứa tuổi, phong cách, chất liệu…

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu lúc nào cũng mong ngóng cho "Giấc mơ hồi sinh nhà Lang" sẽ trở thành hiện thực. Sau cuộc bán đấu giá các tác phẩm này, công cuộc phục dựng nhà Lang sẽ bắt đầu. "Đó sẽ là một nhà Lang mới, nhưng đúng hình dáng, kết cấu của nhà Lang đã bị cháy, bằng nguyên liệu gỗ truyền thống, dưới bàn tay những người thợ mộc đất Mường và những kỹ thuật lắp dựng quen thuộc, như ngôi nhà Lang trước kia đã mọc lên như thế nào, đã được di chuyển về và tọa lạc tại bảo tàng từ năm 2007 đến 2013 ra sao. Và ngôi nhà đó sẽ kể tiếp những câu chuyện hôm nay". Còn họa sĩ Hoàng Phượng Vĩ, người tặng tác phẩm của mình thì "mong công trình nhà Lang được phục dựng vẫn lên được "tinh thần trăm tuổi" chứ không phải là một cái gì đó mới tinh. Phải giữ được cái thần thái đó thì nhà Lang ấy và bảo tàng Không gian văn hóa Mường mới có ý nghĩa".

Đưa nghệ thuật đến gần công chúng

Có thể nói, triển lãm bán đấu giá những bức tranh và tượng trong sự kiện lần này đã góp phần đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng. Họa sĩ Đào Hải Phong cho rằng, việc họa sĩ Vũ Đức Hiếu đang làm không phải cho riêng Hiếu mà cho tất cả chúng ta. Anh khẳng  định: "Với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thời gian tới sẽ được bán đấu giá, tôi cho rằng người mua sẽ được hai điều: tác phẩm giá trị và một việc làm có giá trị về văn hóa. Hy vọng sẽ đến ngày các bạn bè văn nghệ sĩ, những người mua tranh, những người đóng góp giúp đỡ bảo tàng sẽ cùng vui vẻ gặp nhau trên ngôi nhà Lang được phục dựng".

Các họa sĩ góp mặt trong triển lãm hy vọng sự kiện này sẽ được nhiều Mạnh Thường Quân, nhà sưu tập, công chúng yêu nghệ thuật quan tâm, hưởng ứng. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương nói về tác phẩm của mình: "Bức tranh của tôi thể hiện phong cảnh miền núi theo phong cách hiện đại của phương Tây với bút pháp biểu hiện. Các tác phẩm của tôi cũng đã được bày ở nước ngoài nhiều và được người xem hưởng ứng… Giá bức tranh hoàn toàn không đắt. Thay vì mua một chiếc ti vi, tủ lạnh hay đi shopping, thay vì mua tranh chép ở phố Nguyễn Thái Học giá vài triệu đồng, người ta có thể mua bức tranh độc bản này".

Còn họa sĩ Trương Bé, người lớn tuổi nhất trong triển lãm này chia sẻ: "Tôi mong giới doanh nghiệp và những người có điều kiện được thưởng thức, đánh giá các tác phẩm và sau đó tham gia hoạt động đấu giá. Bởi có một thực trạng là trong các cuộc bán đấu giá tranh quốc tế, còn có ít tác phẩm Việt Nam. Đó là điều đáng tiếc! Hy vọng chương trình này sẽ là bước khởi đầu cho sự khởi sắc của thị trường nghệ thuật Việt Nam trong tương lai, sẽ là sự bồi bổ lòng yêu nghệ thuật của những người khá giả muốn sở hữu, sưu tầm tác phẩm.

Chúng ta thường cho rằng, người Việt thích mua ô tô, nhà biệt thự hơn là sở hữu một bức tranh. Và thực tế, không nhiều người Việt có thói quen văn hóa sưu tập tranh, hay mua tranh thưởng lãm. Nhưng thiết nghĩ, vẫn có những người Việt luôn ấp ủ trong mình giấc mơ được sở hữu các tác phẩm nghệ thuật, nhưng họ chưa có cơ hội vì thị trường Mỹ thuật Việt Nam đang có quá nhiều bất cập. Thực tế, hoạt động thương mại mỹ thuật hiện nay rất khó kiểm soát, các sàn bán đấu giá tác phẩm mỹ thuật chưa được xây dựng chuyên nghiệp, nạn sao chép tranh tràn lan. Một sự hoạt động không minh bạch, khiến công chúng thiếu thông tin và cơ hội để tiếp cận với những giá trị đích thực. Vì thế, cuộc triển lãm lần này có thể khai mở một con đường mới, đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng, kéo theo những vấn đề ứng xử với văn hóa trong bối cảnh xã hội đang nháo nhào, góp phần đánh thức những điều tử tế trong xã hội.

Họa sĩ Thành Chương: "Phải làm thức dậy ý thức bảo tồn đúng đắn cho cả chính sách của nhà nước"

Anh em họa sĩ chúng tôi bày tỏ một sự thống nhất quan điểm: Chúng tôi không vô can trong sự việc này, để thức dậy ý thức cho xã hội. Có thể coi đây là một cuộc "xuống đường" vì văn hóa di sản của giới nghệ sĩ tạo hình. Vì phải đánh thức dậy ý thức bảo tồn đúng đắn cho cả chính sách của nhà nước... Trong bối cảnh rộng hơn là một số bảo tàng tư nhân, trong đó có Việt phủ của tôi, cũng không thể "ôm" hết văn hóa của 54 dân tộc. Thì đã có các cá nhân say mê bảo tồn văn hóa dân tộc của từng vùng. Ở Hòa Bình có anh Hiếu Mường, ở Lai Châu có chị Đỗ Thị Tấc bảo tồn văn hóa người Thái trắng Tây Bắc. Ở trong Quảng Nam còn có anh Nguyễn Thượng Hỷ với công tác bảo tồn văn hóa Chăm và bảo tồn kiến trúc gỗ cổ vùng Ngũ Quảng (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi)... Đó là những cá nhân đều nên động viên, khuyến khích.

Và hóa ra trong xã hội vẫn còn nhiều người tâm huyết, xả thân không biết mệt mỏi.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: "Góp một cái cây"

Một ngôi nhà như nhà Lang không đơn thuần chỉ là một ngôi nhà mà nó đã trở thành một biểu tượng nơi lưu trữ và truyền tải những những tầng ký ức suốt chiều dài lịch sử của một cộng đồng Người. Và việc ngôi nhà Lang cuối cùng bị cháy không đơn thuần là chuyện của một ngôi nhà bị cháy mà hơn nữa nó là sự đứt gãy ký ức tập thể của một cộng đồng có sức sống mạnh mẽ đã góp phần tạo nên văn hoá và bản sắc nơi đây. Vì vậy tôi cũng muốn góp một cái cây nhỏ (VINATREE) của người Kinh để cùng dựng lại ngôi nhà Lang của người Mường - người anh em vốn cùng chung một nhà, một ký ức từ thuở xa xưa…

Họa sĩ Lê Huy Tiếp: "Đó là một trong những cách giáo dục văn hóa tốt nhất"

Trong bối cảnh hiện nay, ai dũng cảm thành lập bảo tàng tư nhân là một điều rất đáng khích lệ. Chính vì vậy, tình cảm đối với tộc người Mường của anh Hiếu làm chúng tôi rất cảm kích ủng hộ dự án Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Khi nghe tin nhà Lang - một trong những hiện vật quan trọng nhất bị cháy, giới họa sĩ chúng tôi rất lấy làm tiếc. Khi có dự án xây dựng lại, chúng tôi rất muốn mỗi người đóng góp một phần nhỏ của mình để trùng tu. Qua việc này, hy vọng từng cá nhân trong xã hội cùng chung tay đóng góp hoàn thành dự án Bảo tàng Mường, cũng như cùng nhau tạo nên những bảo tàng tư nhân khác. Tất cả những việc làm của mọi cá nhân trong xã hội chúng ta tạo nên những không gian đẹp, những nơi lưu giữ các tác phẩm có giá trị lịch sử - nghệ thuật sẽ làm cho xã hội chúng ta tốt đẹp lên. Đó là một trong những cách giáo dục văn hóa tốt nhất.

Khánh Linh
.
.