Khi "cơ thể" phản ứng

Thứ Năm, 24/08/2017, 11:43
Có lẽ, từ khoá đang được nhắc đến nhiều nhất lúc này chính là ba chữ cái BOT. Các dự án BOT (Build - Operate - Transfer: Xây dựng - vận hành - chuyển giao) giao thông đã trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội. Câu chuyện một phần khởi nguồn từ những tài xế trả tiền lẻ ở các trạm thu phí và được lắng nghe bởi một Chính phủ hành động. 


Cuối tuần vừa rồi, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và có kết luận đầu tiên, trong đó chỉ ra rất rõ những sai phạm của các dự án BOT đường bộ. Sự vào cuộc lập tức của Thanh tra Chính phủ cho chúng ta nhận ra một điểm tích cực của câu chuyện điểm nóng ấy.

Phản ứng của giới tài xế (trả bằng tiền lẻ) là một phản ứng mang tính dân sự thuần túy. Họ không từ chối trả tiền để qua trạm nhưng có hành động để việc thu tiền ấy trở nên bất cập và từ đó các sai phạm bắt đầu được truyền thông bóc tách.

Từ phản ứng dân sự của họ, Chính phủ bắt tay vào hành động. Điều đó có nghĩa là thông tin đã được chuyển tải hai chiều, một chiều từ người dân (như những kiến nghị, phê bình) và chiều ngược lại là từ Chính phủ (các cuộc thanh tra, đề ra các phương án xử lý). Tất cả cho chúng ta hiểu rằng, xã hội dân sự như một cơ thể. Khi cơ thể ấy  nhiễm virus, ví dụ như các tiêu cực phát sinh từ các dự án BOT đường bộ chẳng hạn, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng các cơn sốt. Và khi cơ thể bị sốt, tất nhiên sẽ cần phải có thuốc chữa bệnh, mà phần lớn phải là kháng sinh. Sự tham gia lập tức của Thanh tra Chính phủ chính là liều thuốc kháng sinh cần phải có ấy cho cơ thể đang nhiễm virus kia.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đang làm nóng dư luận vì những lùm xùm xung quanh việc thu phí.

Chắc chắn, mối quan hệ giữa cơ thể - virus - kháng sinh kể trên sẽ để lại niềm tin không nhỏ trong quần chúng, khi người dân thấu hiểu rằng những quan ngại của họ đã, đang và luôn được Chính phủ lắng nghe, quan tâm và theo dõi. Thêm vào đó, nó cũng mang lại một cảnh báo mạch lạc đối với các cá nhân hoặc nhóm cá nhân đang cố tình đi ngược lại lợi ích chung nhằm trục lợi riêng cho mình.

Song, cái gì cũng luôn có hai bộ mặt của nó và ở câu chuyện BOT này, chúng ta cũng cần tỉnh táo để rút ra một bài học lớn. Đó chính là việc phản ứng dân sự phải thực sự dựa trên những cơ sở pháp luật với quan niệm hàng đầu "pháp luật là trên hết". Ở vào thời đại thông tin bùng nổ do sự phát triển của truyền thông mạng xã hội, virus nào là virus thật và virus nào là virus giả rất cần được những người tham gia phân biệt rõ ràng để tránh việc tạo ra những hỗn loạn xã hội ngoài tầm kiểm soát của mình.

Đưa ra một thông tin chính xác phải trở thành nghĩa vụ tự thân của tất cả những người sử dụng mạng xã hội như một công cụ truyền thông cá nhân. Và đã có không ít bài học đến từ việc chưa phân biệt rõ thông tin thật - giả đã vội vã phán xét, lan truyền và gây ra ảnh hưởng tiêu cực trong cộng đồng. Nên nhớ, không có bệnh mà đòi hỏi sử dụng thuốc kháng sinh sẽ là một đòi hỏi phi lý; không có bệnh mà cố tình tạo ra cơn sốt giả bằng cách nào đó thì chỉ mang lại tổn hại cho chính sức khoẻ cơ thể mình mà thôi.

Tiếng nói của người dân luôn luôn quan trọng đối với Đảng và Chính phủ. Chính vì thế, chúng ta luôn đề cao việc "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra". Song, trước khi bàn, người dân cần phải biết cái đã. Nếu không rành rẽ thông tin, dữ liệu, việc bàn luận sẽ chỉ là tầm phào hoặc nguy hại hơn, dẫn tới những phản ứng không đúng mực, gây mất trật tự, an toàn xã hội và có khả năng làm đình trệ việc kinh doanh, sản xuất ở vào đúng giai đoạn cấp bách của nền kinh tế.

Tất nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ các kênh truyền thông hiện nay, nhưng chẳng có thứ kiểm soát nào hữu hiệu bằng việc mỗi người tự có ý thức kiểm soát hành vi và phát ngôn của chính mình. Đặc biệt, ở thời đại công nghệ cho phép con người tiếp cận sự việc một cách tốc độ như hôm nay, việc thiếu kiểm soát tự thân dẫn tới chuyện lan truyền các thông tin thiếu trung thực một cách vội vã và dễ dãi, rất có khả năng mang lại rủi ro lớn cho chính những người đưa tin.

Xã hội như một cơ thể, và cơ thể ấy sẽ phản ứng lại những gì cố gắng làm hại đến mình. Vậy thì thông tin giả tạo cũng chính là một thứ virus mà cơ thể kia đang rất dễ lây nhiễm và cần phải có phản ứng chống lại một cách mạnh mẽ. Và với riêng thông tin giả, "kháng sinh" chỉ là biện pháp nhất thời. Cái cần là chính mỗi cá nhân tham gia vào cấu thành cái cơ thể kia phải có ý thức phòng ngừa bằng thứ vaccine tự thân của chính mình.

Hà Quang Minh
.
.