Khát vọng tâm hồn

Thứ Ba, 26/05/2015, 08:00
Ngày nay, nếu bước vào một căn nhà mới, một căn hộ mới của một cặp vợ chồng trẻ trung lưu đô thị, nhiều khả năng bạn sẽ bắt gặp một cây đàn được trưng bày ở phòng khách. Bạn thừa biết chủ nhân của căn nhà ấy "không quen với nhạc" nhưng bạn dễ dàng chấp nhận được cái sự trưng bày đó. Đơn giản, nó không phải là nhà của bạn và hơn nữa, có thể nhà của bạn cũng có một vật trưng bày tương tự.

Câu chuyện cây đàn trong phòng khách là một dạng hình mẫu của đời sống trung lưu thành thị. Nó thể hiện ước mơ của những bậc cha mẹ trẻ. Họ,do thiếu thốn của thời đoạn trước, đã không thể có được điều kiện mơ ước của mình, là có thể võ vẽ chơi được một nhạc cụ nào đó, hoặc rộng hơn là theo đuổi một đam mê nghệ thuật khác. Chính vì thế, họ gửi ước mơ của mình vào con cái, với kỳ vọng con mình có thể lớn lên với nền tảng kiến thức được trang bị đầy đủ, cả về chuyên môn nghề nghiệp lẫn khả năng cảm thụ nghệ thuật.

Nhưng thực tế, cây đàn cũng chỉ là vật trang trí nếu như nó không được một cá nhân nào đó chạm vào đúng nghĩa để rung lên những nốt nhạc. Và để có thể đủ khả năng làm cây đàn rung lên những nốt nhạc, người chơi đàn phải được đào tạo ít nhất là về căn bản. Song, được đào tạo căn bản cũng chưa chắc đã đủ để người chơi đàn có được một khả năng cảm thụ nghệ thuật tinh tế, như một tiếp nối duy trì những tinh hoa của văn minh loài người. Đơn giản, học thì phải đi đôi với hành và người học đàn, dù không phải để làm nghệ sỹ chuyên nghiệp đi nữa, cũng rất cần những cơ hội sinh hoạt văn nghệ cộng đồng đúng nghĩa.

Bấy lâu nay, chúng ta thường nói với nhau rằng thế hệ trẻ ngày càng khô cứng, ít gần gũi với văn chương, nghệ thuật. Lớp trẻ cảm thấy sợ môn Văn và thường học Văn theo kiểu đối phó. Nhưng đó là điều chúng ta không thể trách lớp trẻ mà phải trách chính chúng ta, những người đang đặt họ vào thế đã rồi trong một nền giáo dục khô cứng.

Để học văn, hay học sử, các trường học tiên tiến, hiện đại tiệm cận với nền giáo dục quốc tế vẫn thường xây dựng các hoạt cảnh về chính bài học ấy mà các em học sinh chính là những người tham gia thủ vai. Đó là cách mà họ để cho những người đi học được sống trong tác phẩm cần học và nhờ đó, học sinh sẽ hứng thú hơn với bài học ấy. Đó là còn chưa kể đến việc ở các nước tiên tiến, trường học vẫn thường có những hoạt động sinh hoạt văn nghệ hàng tháng với các tiết mục do chính học sinh biên soạn mà nhà trường hoàn toàn không can thiệp vào không gian sáng tạo của các em. Nhờ đó, công dân các nước ấy thường bước ra cuộc sống với kiến thức nền tảng hoàn thiện hơn.

Tất nhiên, sẽ có người cho rằng ở Việt Nam các trường vẫn thường có các buổi hội diễn văn nghệ đó thôi. Thực chất, hoạt động đó có định kỳ hay không hay chỉ mỗi năm học được một đôi lần chiếu lệ. Chừng đó không đủ để nuôi dưỡng tâm hồn của các em và vì thế, thế hệ sau ngày càng xa rời hơn với các di sản văn học, nghệ thuật, thứ gia tài lớn nhất mà nhiều thế hệ trước đã dày công để lại.

Trong mỗi căn nhà đều có một cây đàn thực chất chỉ là một ẩn dụ cho khát vọng cải thiện thế hệ sau của thế hệ đã trực tiếp sinh ra chúng. Nhưng nỗ lực của gia đình chỉ là những nỗ lực cô đơn dẫn tới sự thất vọng khi mà bản thân nền giáo dục của chúng ta không có nỗ lực nào để góp tay vào việc cải thiện ấy. Đó là thực tế đáng buồn mà chúng ta phải đối diện nhưng chúng ta không thể yên lặng bởi sự yên lặng sẽ chỉ khiến cho tình hình ngày một tệ hơn mà thôi.

Đan Anh
.
.