Hội chợ sách Frankfurt 2015:

Kêu gọi tự do và lòng bao dung thế giới

Thứ Tư, 04/11/2015, 08:00
Tham dự lễ khai mạc hội chợ sách lớn nhất thế giới, nhà văn từng đoạt giải Man Booker Salman Rushdie và các nhà tổ chức sự kiện đã chứng tỏ một điều, vượt qua khuôn khổ một ngành công nghiệp văn hóa, xuất bản còn đóng vai trò rất trọng yếu trong công cuộc bảo vệ tự do ngôn luận.

Với 7.200 đơn vị tham gia trưng bày đến từ 104 quốc gia, hơn 9.000 nhà báo được mời chính thức đưa tin và khoảng 4.000 sự kiện được tổ chức, Hội chợ sách Frankfurt lần thứ 67 trở thành một sự kiện giao lưu thương mại về sách lớn nhất thế giới.

Theo thông cáo báo chí của Công ty Văn hóa Phương Nam, ngày 15/10, bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Văn hóa Phương Nam cho biết, năm nay Việt Nam tham dự hội chợ sách quốc tế Frankfurt với không gian trưng bày rộng 32 mét vuông, lớn nhất từ trước tới nay. Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đã giao cho Công ty Văn hóa Phương Nam làm đại diện cho ngành xuất bản Việt Nam giao dịch với các đối tác quốc tế.

Các đơn vị xuất bản xuất hiện trong không gian trưng bày của Việt Nam tại hội chợ lần này gồm có Phương Nam, NXB Trẻ, Fahasa, Công ty Trí Việt, Công ty Nhân Văn, Đông A, Alphabook… Cũng theo ghi nhận từ bà Phan Thị Lệ, các đối tác châu Âu, châu Mỹ rất quan tâm tới thị trường sách Việt Nam.

Gian trưng bày của Việt Nam tại hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Ảnh: Phương Nam.

Hội chợ khai mạc ngày 14/10 và kéo dài tới hết ngày 18/10. Ban tổ chức kỳ vọng sẽ thu hút được khoảng 300.000 lượt khách tham dự. Vượt qua những con số thống kê ấn tượng và các hợp đồng "khủng" được ký kết, hội chợ sách Frankfurt năm nay có vẻ như mang tính "chính trị" hơn bao giờ hết trong cảm nhận của giới truyền thông.

Phát biểu của nhà văn Rushdie tại hội chợ sách có đoạn: "Con người là những động vật biết kể chuyện, do đó việc tấn công tự do biểu đạt chính là hành vi tấn công vào bản chất người". Nhà văn người Anh gốc Ấn Độ nổi tiếng này được mời tham gia phát biểu tại cuộc họp báo khai mạc hội chợ sách năm nay. Ngay trước  đó, Bộ trưởng Văn hóa Iran tuyên bố nước này sẽ tẩy chay Hội chợ vì sự có mặt của ông Rushdie. Một sắc lệnh tôn giáo đã được ban hành tại Iran từ năm 1989 về án tử hình dành cho tác giả cuốn tiểu thuyết "Những vần thơ của quỷ Satan" viết năm 1988. Đáp lại, trong bài phát biểu, nhà văn Rushdie nhắc lại rằng, tự do biểu đạt là giá trị toàn cầu và ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần phải bảo vệ các nhà văn cũng như tác phẩm của họ. Ông tin rằng ngành công nghiệp xuất bản đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này.

Thông cáo từ ban tổ chức cũng viết: "Xuất bản và văn chương vẫn luôn là "những kẻ gây rối" (với nhà cầm quyền)". Còn Giám đốc Hội chợ sách Jergen Boos nói thêm: "Vai trò của văn chương là mô tả hiện trạng của thế giới và chất vấn về những điều chúng ta mặc nhiên cho là đúng".

Các vấn đề thời sự như nhập cư, tự do biểu đạt và khủng bố cũng đã được đề cập thông qua hội chợ sách. Khu sảnh hội trường lớn có tên Weltempfang là nơi diễn ra một loạt tọa đàm tập trung theo chủ đề "Khám phá các đường biên giới", nhiều cuộc trao đổi chính trị đã diễn ra với những vấn đề như nữ quyền hay hành động trên mạng.

Mỗi năm hội chợ sách đều tập trung vào một quốc gia cụ thể và năm nay, khách mời danh dự là Indonesia. Các nhà xuất bản tại những nước đang xảy ra chiến tranh xung đột cũng vẫn góp mặt tại hội chợ sách lần này, trong đó có Syria.

Tất cả những chủ đề nói trên đã được trù liệu trước khi cuộc khủng hoảng người tị nạn trở thành vấn đề tâm điểm của châu Âu. Tuy nhiên, theo ông Heinrich Riethmüller, Giám đốc Hiệp hội các nhà phát hành và xuất bản sách của Đức, lượng người nhập cư quá lớn đã và đang đổ về nước Đức cũng có ảnh hưởng nhất định tới hội chợ sách Frankfurt năm nay. Ông Heinrich Riethmüller cho rằng hội chợ đã góp phần "kêu gọi sự tự do và lòng bao dung trên toàn thế giới".

Người nhập cư được miễn vé vào cửa tại hội chợ sách. Ban tổ chức cũng chuẩn bị sẵn các nhân viên hướng dẫn có thể nói được ngôn ngữ của người nhập cư để giúp họ thoải mái với các trải nghiệm tại sự kiện văn hóa có quy mô rất lớn này.

Năm ngoái, cũng tại hội chợ sách này, nhân viên Zhao Shuai của nhà xuất bản (NXB) Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh đã thương thuyết được 73 hợp đồng và hy vọng sẽ vượt qua con số đó tại hội chợ năm nay.

NXB Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh là đơn vị chuyên về mảng sách giáo khoa dành cho những người muốn học tiếng Trung Quốc như là ngôn ngữ thứ hai. Số lượng người học này ngày càng tăng trên thế giới. Zhao Shuai cho biết, các quốc gia Đông Nam Á là khu vực đang rất quan tâm tới dòng sách của đơn vị anh. Anh nói đã vừa bán được bản quyền của 33 cuốn sách giáo khoa cho một đối tác xuất bản ở Việt Nam.

Châu Âu cũng là một thị trường khác đang phát triển. Trong bối cảnh các quan hệ kinh tế giữa Đức và Trung Quốc nở rộ, ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc muốn học tiếng Đức. Zhao Shuai nói: "Nhu cầu về sách giáo khoa tiếng Đức trong các trường đại học cũng tăng đáng kể".

Vì lẽ đó, có mặt tại hội chợ sách lần này, anh Zhao Shuai không chỉ bán bản quyền các tài liệu học tập của Nhà xuất bản Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh (cả dạng in và dạng số), mà còn muốn mua được bản quyền các loại sách giáo khoa bằng các ngôn ngữ châu Âu khác. Zhao Shuai đã có cuộc hẹn làm việc với một nhà xuất bản của Anh để thương thuyết về bản quyền dòng sách dành cho những người học nói tiếng Anh.

Bà Petra Hardt, Giám đốc phụ trách bản quyền và giấy phép bản quyền của Nhà xuất bản Suhrkamp Verlag của Đức nhận định, hội chợ sách là trung tâm giao dịch quan trọng nhất về các bản quyền xuất bản quốc tế.

Bà miêu tả: "Các nhà xuất bản Trung Quốc làm ăn với các nhà xuất bản Mỹ, các nhà xuất bản Mỹ lại ký hợp đồng với các nhà xuất bản Na Uy, các nhà xuất bản Na Uy làm việc với các nhà xuất bản Đức, .... Danh sách có thể kéo dài mãi".

Bản quyền của tất tật các loại sách đều có thể được thương thuyết tại đây. Nhà xuất bản hàng đầu về văn chương của Đức nói riêng và của châu Âu nói chung Suhrkamp Verlag đã cấp hơn 100.000 bản quyền tác phẩm văn chương trên toàn thế giới, và ngược lại cũng đã mua được bản quyền xuất bản của những tựa sách quốc tế phù hợp với nhu cầu của họ.

Bà Petra Hardt nói: "Việc bán bản quyền tác phẩm đang rất phát triển vì tất cả các đơn vị xuất bản đều muốn bổ sung những tác giả bestseller vào bộ sưu tập của họ".

Chuyên gia của nhà xuất bản Suhrkamp Verlag này phân tích: "Do sự phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu có học thức cũng đang tăng dần tại nhiều quốc gia và truyền thống đọc sách đã được thiết lập từ lâu tại châu Âu cũng đang lan sang những quốc gia ấy". Theo bà Petra Hardt, cùng với thực tế là từ lâu giá trị giáo dục của sách đã được thừa nhận trong trường học thì những xã hội này cũng bắt đầu nhận ra việc đọc sách là điều căn bản để củng cố nền dân chủ.

Do đó, các sách dành cho trẻ em và độc giả trẻ của Đức chiếm phần lớn trong số các sách bán được bản quyền xuất bản cho nước ngoài. Theo Hiệp hội các nhà phát hành và xuất bản sách của Đức, năm 2013, thể loại này chiếm tới 36,5% lượng bản quyền sách bán được.

Các tác phẩm văn học kinh điển dành cho trẻ em viết bằng tiếng Đức không chỉ còn giới hạn trên những kệ sách của châu Âu nữa. Giờ đây chúng có thể được tìm thấy trong phòng của nhiều độc giả trẻ trên thế giới. Một trong những đối tác mua sách dành cho trẻ em của Đức nhiều nhất là Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thị trường rất sôi động thì cũng còn những quốc gia vẫn khá khiêm tốn trong hoạt động thị trường sách. Ông Prabda Yoon là Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà phát hành và xuất bản sách Thái Lan kiêm giám đốc nhà xuất bản và cũng là một tác giả cho biết: "Tại hội chợ lần này chúng tôi chủ yếu đàm phán để có được bản quyền xuất bản các loại tiểu thuyết và sách self-help. Bản quyền các sách của Thái Lan không bán được nhiều, ngoại trừ một số tiểu thuyết đồ họa nhất định".

Ông Prabda Yoon lý giải, sở dĩ có thực tế này là vì những rào cản ngôn ngữ và thiếu dịch giả. Cũng theo ông Yoon thì văn học đương đại Thái Lan đang bị ảnh hưởng quá nhiều vì văn chương thế giới nên không đủ sức hấp dẫn với các nước khác. Ông cho rằng, nếu các tác giả trong nước tìm ra được giọng điệu riêng, tác phẩm của họ sẽ dễ dàng tiếp cận hơn tới các thị trường châu Âu.

Đỗ Lương
.
.