Đạo diễn sân khấu trẻ:

Im hơi lặng tiếng trong “lãnh địa” của mình

Thứ Hai, 09/03/2009, 15:00
Trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập, sân khấu đang gặp phải nhiều vấn đề nan giải hơn cả. Dường như trong các kỳ hội diễn, các kế hoạch dựng vở của từng đoàn nghệ thuật, ở cả Trung ương và địa phương đều hiếm thấy tên của các đạo diễn trẻ.

Người ta tưởng như làng sân khấu chỉ vẻn vẹn những tên tuổi đạo diễn đã thành danh từ mấy chục năm qua như Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Xuân Huyền... Hàng năm, các Trường Sân khấu Điện ảnh vẫn đào tạo các khóa đạo diễn sân khấu.

Nhưng thảng hoặc mới thấy một vài gương mặt lấp ló trong chương trình của một số đơn vị nghệ thuật, hoặc là hội tụ trong liên hoan sân khấu dành cho nghệ sĩ trẻ, còn lại, họ có mặt rất ít trong đời sống sân khấu. Câu hỏi đặt ra là, các đạo diễn sân khấu trẻ đang ở đâu, đang làm gì, và cơ hội nào để họ có thể tỏa sáng?

Nhìn sang lĩnh vực gần gũi nhất là điện ảnh có thể thấy, mấy năm gần đây, rất nhiều tên tuổi đạo diễn trẻ được tôn vinh trong đời sống. Tác phẩm của họ chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng. Họ có nhiều cơ hội được làm nghề, được giao lưu, học hỏi trong và ngoài nước.

Phong trào xã hội hóa điện ảnh đang mang lại một nguồn sinh khí mới cho điện ảnh. Trong khi đó sân khấu, đặc biệt là khu vực phía Bắc vẫn cứ "dậm chân tại chỗ", và các đạo diễn trẻ thì "im hơi, vắng bóng" trong "lãnh địa" của mình.

Nhiều đạo diễn sân khấu được gọi là trẻ, nhưng tuổi đời cũng đều trên 40 cả rồi, vẫn chưa hề được dựng một vở kịch đầu tay nào, trừ vở diễn báo cáo tốt nghiệp đã lâu. Họ vẫn tiếp tục chờ đến ngày được tin tưởng trao vở diễn. Trong sự chờ đợi mòn mỏi ấy, nhiều người đã chán nản bỏ cuộc, quay sang làm việc khác.

Một số rất ít còn lại âm thầm theo đuổi niềm đam mê của mình. Thực tế thì các đơn vị nghệ thuật có lý khi họ ưu tiên hàng đầu những tên tuổi có thể đảm bảo cho vở diễn của đơn vị mình ăn khách, hay ít nhất là không có những sai sót đáng tiếc, nên thường không đưa phương án chọn đạo diễn trẻ.

Mặt khác, khán giả, theo thói quen, cũng chỉ hào hứng đón nhận những vở diễn với tên tuổi đạo diễn quen thuộc. Các đạo diễn trẻ gặp nhiều khó khăn, vì tên tuổi của họ chưa được mấy người biết đến, lại gặp nhiều định kiến, xét nét trong đánh giá của các nhà quản lý và công chúng.

Trong điều kiện như vậy, rất cần các nhà quản lý ở các đơn vị nghệ thuật dũng cảm tin tưởng và trao gửi kịch bản cho đạo diễn trẻ thử sức. Bởi vì nếu không được dựng vở, đạo diễn trẻ chẳng có cách nào để tích lũy kinh nghiệm cũng như chứng tỏ tài năng của mình.

Mặt khác, nếu không để các đạo diễn trẻ được thử nghiệm trên sàn diễn, thì năm này qua năm khác, những vở diễn vẫn theo tư duy, mảng miếng quá quen thuộc của các đạo diễn cao tuổi, sẽ khiến cho nền sân khấu thiếu sinh khí, rõ ràng không có lợi cho tình hình sân khấu vốn kém hấp dẫn và thưa vắng khán giả hiện nay.

Nhìn vào tương lai không xa, nếu các nhà quản lý nghệ thuật không lo lắng ngay từ bây giờ thì rất có thể sân khấu sẽ thiếu hụt một thế hệ đạo diễn kế cận, khi tất cả những "cây đa, cây đề" đã già yếu, không còn đủ sức cống hiến nữa

Tưởng Ngạn
.
.