Điện ảnh VIệt Nam 2010: Ấn tượng và triển vọng

Hướng dần tới chuyên nghiệp

Thứ Bảy, 05/02/2011, 08:42
Phỏng vấn ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh.

-  Trước tiên, xin ông đánh giá một vài điểm nổi bật về bức tranh điện ảnh Việt Nam năm vừa qua?

+ Trong năm qua chúng ta sản xuất được 18 phim truyện nhựa, là năm có số lượng phim nhiều nhất trong suốt thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. So với một đất nước 86 triệu dân, và so với số lượng phim nhập (khoảng 150 phim) thì con số này vẫn còn quá ít ỏi. Tuy nhiên, đây vẫn là con số đáng mừng, đáng khích lệ. Điều quan trọng nhất là cả các hãng phim tư nhân và các hãng phim Nhà nước đang cố gắng hướng tới một nền điện ảnh chuyên nghiệp bằng việc xây dựng một quy trình sản xuất phim công nghệ cao. Tức là chúng ta đang dần dần mang tới cho thực khách điện ảnh những món ăn trước tiên là chín, sau đó là ngon, chứ không sống sượng như trước nữa. Khán giả quay trở lại với điện ảnh vì chúng ta bắt đầu làm tốt điều này. Trong năm qua, những phim thành công cả về mặt nghệ thuật và khán giả có thể kể đến như "Đừng đốt" (đạo diễn Đặng Nhật Minh), "Cánh đồng bất tận" (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình). Đây là những phim đi vào những đề tài khó để ăn khách nhưng lại rất được khán giả ủng hộ.

- Ngoài những phim nêu trên, những phim lịch sử được sản xuất trong năm như "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long", "Khát vọng Thăng Long", "Long thành cầm giả ca"… vẫn còn vấp phải một số tranh cãi về vấn đề lịch sử, trong đó có trường hợp phải hoãn phát sóng như phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long", thiệt thòi cho cả nhà sản xuất và khán giả. Phải chăng chúng ta đang có cái nhìn quá khắt khe về phim lịch sử, nhiều tranh cãi đến nỗi không ít đạo diễn cảm thấy ngại ngần khi làm phim đề tài lịch sử? Đâu là quan điểm của ông về vấn đề này?

+ Quan điểm của tôi về làm phim lịch sử, nhất là trong điều kiện lịch sử Việt Nam rất ít tư liệu để lại thì người đạo diễn quan trọng nhất là phải nắm bắt tốt tinh thần của lịch sử dân tộc. Nắm bắt tốt tinh thần lịch sử thì khi làm phim chúng ta không sợ bị sai, bị mất gốc, na ná lịch sử nước khác… Còn cách thức làm thì chúng ta có thể được phép sáng tạo, sao cho hiệu quả điện ảnh được tốt nhất. Chúng ta không nên nệ quá vào những chi tiết cụ thể, vì xét nét như vậy thì không sai chỗ nọ cũng sai chỗ kia, và không còn đất để người làm nghệ thuật sáng tạo. Người làm phim lịch sử giỏi theo tôi là người nắm giữ được cái gốc ấy và làm cho lịch sử "lộng lẫy" thêm lên. Có thể còn những hạn chế nhưng chúng ta phải khuyến khích những người làm phim lịch sử, vì nếu không có họ, khán giả vẫn sẽ tiếp tục phải xem phim lịch sử nước ngoài mà thôi.

- Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, theo ông có thể mở ra những cơ hội gì cho điện ảnh Việt Nam trong việc hòa nhập với điện ảnh thế giới?

+ Liên hoan phim quốc tế được xem là một tiêu chí phản ánh nền điện ảnh phát triển. Một liên hoan phim quốc tế có thương hiệu sẽ thu hút được sự góp mặt của nhiều nền điện ảnh khác nhau, có lợi cho điện ảnh trong nước. Từ hoạt động này chúng ta có thêm cơ hội để học hỏi đồng nghiệp quốc tế, phát hiện và đầu tư cho những tài năng, quảng bá hình ảnh đất nước, kích thích ngành du lịch phát triển… Đông đảo khán giả cũng sẽ được hưởng thụ văn hóa điện ảnh đến từ nhiều nước khác nhau. Việc tổ chức một liên hoan phim quốc tế là điều kiện để nền điện ảnh chịu một cuộc "va đập" lớn, một cuộc va đập theo tôi là cần thiết để điện ảnh Việt Nam tự hoàn thiện mình, không bị tụt hậu. Có thể còn một vài điều chưa ưng ý trong lần tổ chức liên hoan phim quốc tế đầu tiên, nhưng theo tôi đây vẫn là một sự kiện quan trọng của ngành điện ảnh trong năm qua. 

- Theo ông, trong năm qua, những gương mặt nào của điện ảnh gây được sự chú ý nhất?

+ Đầu tiên phải kể đến đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh. Ở tuổi ngoài 70 ông vẫn làm phim và có thành tựu. Phim "Đừng đốt" là một phim gây được chú ý của khán giả trong nước và quốc tế. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã được tôn vinh tại chương trình "New voices from Viet Nam" (Những tiếng nói mới từ Việt Nam) do Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ tổ chức. Bên cạnh đó là những gương mặt trẻ xuất sắc như Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Vinh Sơn, Phan Đăng Di. Với sự thành công của phim "Cánh đồng bất tận", Nguyễn Phan Quang Bình cũng là một đạo diễn trẻ được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, các gương mặt diễn viên nổi bật trong năm thì lại hiếm, không gây bất ngờ.

- Để có một nền điện ảnh đúng nghĩa, theo ông điện ảnh Việt Nam cần phải hội tụ đủ những yếu tố gì?

+ Những yếu tố cần thiết cho một nền điện ảnh phát triển là phải có một đội ngũ đạo diễn - biên kịch giỏi, có kinh phí để làm phim, có công chúng nồng nhiệt và phải có những ngôi sao. Chúng ta hiện nay đang cố gắng để tiệm cận những yếu tố này, và mặc dù còn yếu và thiếu nhưng tôi tin rằng trong tương lai gần điện ảnh Việt Nam sẽ là một thị trường theo đúng nghĩa chuyên nghiệp của từ này để có thể xuất khẩu được những sản phẩm điện ảnh đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

- Trong những yếu tố ông vừa nêu trên, tôi có một chút băn khoăn về yếu tố khán giả. Chúng ta hiện nay đã có được công chúng thực sự của điện ảnh hay chưa?

+ Chúng ta đã từng có công chúng nồng nhiệt của điện ảnh. Bằng chứng là năm 1983 chúng ta đã từng có tới 350 triệu lượt khán giả đến rạp xem phim trong một năm. Nhưng rồi chúng ta đã để mất sự nồng nhiệt ấy. Những năm cuối của thế kỷ XX chỉ còn 5 triệu lượt khán giả/năm. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, con số này tụt xuống chỉ còn 1,2 triệu, trở thành một trong những nước có lượng khán giả đến rạp xem phim thấp nhất thế giới. Chúng ta đã làm mất thói quen đến rạp của khán giả, vì những sản phẩm điện ảnh thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự hấp dẫn. Tín hiệu đáng mừng là năm qua khán giả dường như đã quay trở lại với phim trong nước và chúng ta tin rằng một khi những người làm điện ảnh đã cố gắng hết mình thì khán giả sẽ không phụ lòng tin của họ.

- Là người làm công tác quản lý ngành điện ảnh, ông kỳ vọng gì ở điện ảnh Việt Nam năm 2011?

+ Tôi rất tin vào sự thành công của một số phim sản xuất trong năm 2011 là "Tâm hồn mẹ" (đạo diễn Nhuệ Giang), "Nếu anh còn được sống" (đạo diễn Việt Linh), "Mùi cỏ cháy" (đạo diễn Hữu Mười) và "Con đường huyền thoại" (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng). Đây là những bộ phim được đánh giá là có kịch bản hay, được làm bởi những đạo diễn có kinh nghiệm. Ngoài ra là rất nhiều dự án của các hãng phim tư nhân và Nhà nước đang thực hiện với nhiều thể loại khác nhau. Hy vọng sẽ có một năm điện ảnh sôi động đang ở phía trước chúng ta.

- Xin cảm ơn ông Lê Ngọc Minh

Bình Nguyên Trang (thực hiện) - VNCA Xuân 2010
.
.