Hộp thư toà soạn

Thứ Bảy, 03/12/2011, 08:00
Những thông tin của độc giả phản hồi tới toà soạn.

Bạn Trần Minh (địa chỉ email: tranminhnb@gmail.com): Cảm ơn bạn đã gửi thư cho chúng tôi, cảnh báo về một trường hợp hiện đang cư trú tại Tp Quy Nhơn, Bình Định đã thường xuyên có hành vi chép nguyên si hoặc xào xáo đôi chữ trong một số bài viết đã đăng sách, báo của các tác giả khác rồi ký tên (hoặc bút danh) của mình sao gửi tới nhiều tòa báo nhằm thu lợi bất chính. Chúng tôi xem đây là việc làm rất có trách nhiệm, giúp các tòa báo cảnh giác hơn trước những nhân vật chuyên sống bằng nghề "đạo văn". Tuy nhiên, có lẽ vì nội dung được soạn chung để gửi tới nhiều tờ báo, nên trong thư, bạn Trần Minh đã có một thông tin - có thể xảy ra ở đâu đó chứ chưa đúng trong từng trường hợp cụ thể. Ví như, trong lá thư gửi tới VNCA, bạn nhận định rằng, trong những năm qua, nhân vật mà bạn nêu trên "đã gửi nhiều bài cho quý báo của chúng ta và đáng tiếc là do mất cảnh giác, thiếu thông tin… Ban biên tập đã cho đăng một số bài". Về vấn đề này, Chuyên đề VNCA xin khẳng định rằng, từ khi báo chính thức ra bộ mới tới nay (đã gần chục năm), chưa bao giờ chúng tôi cho in một bài viết nào của tác giả có bút danh và địa chỉ như bạn Trần Minh nêu. Gần đây, chúng tôi cũng nhận được xấp bài liên quan đến tết con rồng của nhân vật nói trên và cũng đã nhận ra tính chất "xào xáo" của người gửi. Xin thông tin vậy để bạn Trần Minh yên tâm. Một lần nữa xin cảm ơn và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của bạn.

Ông Trần Hồng Hải (xóm 14, xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định): Tòa soạn đã nhận được bài "50 câu Kiều hay" của ông. Quả đúng như nhận định của tác giả Hoàng Kim Đáng trong bài viết về ông in trên VNCA số ra ngày 7/11/2011, ông thực sự là người yêu và hiểu "Truyện Kiều". Điểm đặc biệt trong bài "50 câu Kiều hay" là ông đã rất kỳ công và điệu nghệ trong việc xếp những cặp câu Kiều đơn lẻ thành một bài gồm 50 câu với vần điệu hoàn chỉnh, cặp câu nọ bắt vít vần điệu chặt chẽ với cặp câu kia mà nhiều đoạn vẫn lọn nghĩa. Ví như các cụm câu sau: "Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/ Bóng hồng nhác thấy nẻo xa/ Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai/ Người quốc sắc, kẻ thiên tài/ Tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Ngặt nỗi, bài ông gửi để "dự thi những câu Kiều hay", trong khi VNCA chưa từng mở một cuộc thi nào về vấn đề này (có chăng là trước đó in bài của nhà thơ Vương Trọng bình chọn 50 cặp câu Kiều hay nhất mà thôi).

Bạn Hà Quang (Hội Thủy lợi Việt Nam): Qua bài thơ "Nghe bìm bịp kêu bên hồ Suối Hai", chúng tôi đồng cảm với nỗi xa xót của bạn trước vẻ đẹp của một hồ nước đang ngày càng bị con người xâm lấn, làm hư hại. Tiếc là bài thơ không dài nhưng chữ nghĩa lặp lại nhiều (như các câu: Suối Hai hoang hoải đêm dài; Ngày mai… khắc khoải đêm dài; Tiếng chim hoang hoải đêm dài), chưa kể, với thơ lục bát, các tác giả thường rất kỵ cách dùng trùng vần như thế này: "Một thời thiếu nữ ngây thơ/ Một thời trai trẻ dại khờ, mộng mơ". Không nên để chữ thứ 6 và chữ thứ 8 ở câu bát cùng vần ơ như vậy, đọc lên nghe mạch thơ không… thoát.

Bạn Nguyễn Phúc Liêm (49 Lý Thái Tổ, TP Quy Nhơn, Bình Định): Bài "Thú chơi tranh và tranh tết của người xưa" của bạn có trích một số câu thơ không đề tên tác giả, tiếc là có chỗ chưa thật chính xác. Câu "Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông" là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nó là "lạch đào nguyên" chứ không phải "lịch đào nguyên" như cách trích dẫn của bạn. Cũng không phải cụ Nguyễn Du xem tranh "Tố nữ" mà thốt lên "Rõ ràng trong ngọc trắng ngà" như bạn Liêm viết đâu. Câu này Nguyễn Du dùng để tả nàng Kiều đang tắm đấy chứ

VNCA
.
.