Hộp thư bạn đọc

Thứ Sáu, 06/01/2012, 08:00
Bác Quốc Tăng (Nhà L4, ngõ 20, chùa Ngói, quận Hà Đông, Hà Nội): Đọc thư bác gửi VNCA, nhìn nét chữ ríu vào nhau, đặc kín cả trang giấy khổ A4, chúng tôi cũng đoán định tác giả hẳn phải là một bạn đọc đã đứng tuổi. Tuy nhiên, chúng tôi không thể hình dung người viết lá thư hiện đã ở tuổi 82...

Thật xúc động khi trong thư, bác Tăng đã dành những tình cảm trân trọng, ấm áp cho VNCA: "Báo hằng ngày cũng lắm, báo văn nghệ cũng nhiều, song tôi rất thích Báo Văn nghệ Công an nên tôi đặt mua báo thường xuyên". Dù tuổi cao, nét chữ run rẩy, song nội dung bức thư đã thể hiện ở bác Tăng một trí tuệ mẫn tiệp, một sức đọc bền bỉ, đáng kinh ngạc. Khen nhiều bài viết trên VNCA, với những ý kiến cụ thể song bác Tăng cũng không quên đưa ra những đòi hỏi của mình ở mảng truyện ngắn mà chúng tôi thấy không phải, không chính xác: "Bài của mấy anh chị Công an ta viết đầu thì hay, song đoạn kết thì hơi gò ép so với bài của các bạn khác". Đây là điều mà những người làm báo chúng tôi cũng như các cây truyện ngắn trong ngành luôn trăn trở. Làm sao để tác phẩm có nội dung hấp dẫn mà không trở nên khiên cưỡng, lộ bàn tay sắp đặt của tác giả? Tất cả là ở cách xử lý, là ở tài nghệ của từng người. Hẳn bác Quốc Tăng cũng đồng ý với chúng tôi như vậy. Một lần nữa xin cảm ơn và bày tỏ sự kính trọng với bác Quốc Tăng.

Bạn Hoàng Việt (Hộp thư 039 Bưu điện Đồng Tháp): Hiện nay, tình trạng trích dẫn thơ trên báo chí bị độc giả kêu sai nhiều quá. Có lẽ do các tác giả trích theo trí nhớ mà ít tra cứu lại nguồn tài liệu chuẩn? Bài viết "Danh ngôn mùa xuân" của bạn cũng rơi vào tình cảnh như vậy: Chỉ với 6 đoạn thơ trích, vậy mà ít nhất chúng tôi cũng nhận thấy bạn trích sai 2 chỗ. Trong đoạn thơ của thi sĩ Nguyễn Bính: "Lúa ở đồng tôi và lúa ở/ Đồng nàng và lúa ở đồng anh", bạn đã dẫn sai chữ "anh" thành chữ "xanh". "Đồng xanh" là cách nói quen thuộc, ở đây thi sĩ Nguyễn Bính muốn chơi chữ, muốn dùng chữ "anh" cho nó tương ứng với cách nói của cả bài: "lúa ở đồng tôi", "lúa ở đồng nàng" và "lúa ở đồng anh", qua đó cho thấy sức trẻ của mùa xuân nó hòa nhập cùng sức trẻ của hồn người. Còn hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm "Tháng giêng giông chuyển bồn chồn/ Hạt mưa vây ấm nỗi buồn cách xa" mà dẫn sai thành "hạt mưa vàng ấm" thì hình ảnh chỉ trở nên… đẹp mắt hơn thôi chứ không thể hiện được chiều sâu tâm trạng của tác giả. Nói chung, yêu thơ, thuộc thơ là điều hết sức quý trong bối cảnh hiện nay, song khi chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, thiết nghĩ các tác giả cũng nên tham khảo thêm một số nguồn tư liệu cho chắc. Trong thời đại Internet phổ cập hiện nay, theo tôi việc này hẳn cũng không mấy khó khăn?

Bạn Nguyễn Huy Hiệp (Xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh): Đọc bài thơ "Xuất bản" của bạn (kể chuyện một nhân vật suốt ba mươi năm làm thơ "tặng em" mà không hề một lần đưa thơ đến nhà xuất bản, để rồi mỗi lần đọc thơ cho "em" nghe, người phụ nữ ấy lại thắc mắc "Sao anh không xuất bản?"), chúng tôi bất giác liên hệ tới trường hợp nhà thơ Daghestan Rasul Gamzatov. Trong một bài thơ, ông nói ông không dám viết thơ về người yêu của mình, vì sợ người khác sẽ lấy bài thơ đó để tặng cho người yêu của họ. Hy vọng bạn Nguyễn Huy Hiệp sẽ có những bài thơ đặc sắc mà trước khi đưa xuất bản, nó sẽ đích thực là thơ "viết riêng cho một người" như bạn hằng mong đợi.

Bạn Nguyễn Xuân Tường (Khu 5, thị trấn Phố Mới, Quế Võ, Bắc Ninh): Truyện ngắn "Cuộc gọi nhỡ" của bạn có nội dung khá gay cấn, có thể thu hút bạn đọc. Tiếc là một số tình tiết trong truyện còn chưa được hợp lý. Tại sao cặp vợ chồng biết tin hai cô con gái của mình đã ra khỏi chỗ học thêm trong buổi chiều tối bão giông sấm sét, vậy mà cả đêm không thấy con về nhà, không liên hệ được điện       thoại, họ vẫn đắp chăn ngủ tới sáng. Rồi cách thể hiện tình cảm của người bố khi nghe tin hai cô con gái bị sét đánh chết xem ra vẫn còn... đuối. Như vậy, đọc truyện, người ta thấy tác giả mải chú tâm xây dựng các tình huống ly kỳ, hấp dẫn nhưng chưa chú ý tới tính hợp lý trong diễn biến tâm lý nhân vật. Dẫu sao, truyện cũng thể hiện ý thức tìm tòi về mặt cấu tứ của tác giả. Mong tiếp tục nhận được sự nhiệt tình cộng tác của bạn

VNCA
.
.