Đọc tập thơ " Hai bờ thời gian" của nhà thơ Hải Đường, NXB Hội Nhà văn, 2013

Hồn vẫn neo ở làng

Thứ Hai, 18/11/2013, 08:00

Đọc "Hai bờ thời gian", ta thấy rõ một Hải Đường với giọng thơ chân chất, mộc mạc nhưng lại giàu suy tư và man mác buồn.

Thơ Hải Đường nói những điều tưởng như giản dị, đôi khi rất đỗi bình thường, như cây ngải đắng, chỉ là: "Thứ rau trồng trong vườn, trong chậu/ thứ rau mọc hoang", nhưng: "chườm qua than nóng/ thành vị thuốc cứu người/ ngải đắng", bỗng mang ý nghĩa sâu xa, hàm chứa triết lý sống ở đời. Ngay trong một bài có cái tít bình dị "Ngoài vùng phủ sóng", nhưng lại để lại trong người đọc những suy tư, trăn trở về tình cảm giữa những người từng ra sống vào chết có nhau: "Bạn nhớ không, mai là ngày vào lính", nhưng bạn giờ thành ông nọ bà kia, thì đâu còn nhớ cái ngày sống chết có nhau, nên "mai mình tôi về thăm đơn vị cũ/ rót chén rượu cho người dưới mộ/ nỗi nhớ ngày thường phủ sóng cho nhau". Chỉ mấy dòng vậy thôi mà đủ làm nổi bật tâm thế của con người trong đời sống đương đại.

Trong tập"Hai bờ thời gian", thơ viết về nông dân, nông thôn của Hải Đường chiếm tới trên 1/3 (20 bài trên 56 bài) với nhiều cách cảm, cách nghĩ khác nhau về cùng một đề tài. "Sau mưa" có thể coi là một trong những bài thơ hay viết về nông thôn đang trên đường đổi thay mà vẫn giữ được nét tốt đẹp đã thành truyền thống, với khổ kết rất gợi: "Cánh đồng hoang vu/ chợt chiều nay bừng thức/ tinh khôi mây trắng bay về/ và chim hót, trời ơi trong trẻo quá/ có một cánh đồng rất mới sau mưa".

"Cánh đồng rất mới sau mưa" hay nông thôn sau bao ngày gian khó tìm đường, nay đã vững bước trên con đường đổi thay từng ngày, có lẽ cả hai. Thơ kìm nén mà gợi mở và rộng đường liên tưởng. Nhưng điều làm nhà thơ quan tâm, dằn vặt nhiều có lẽ là ở hoàn cảnh và số phận người nông dân trong thời kỳ mới, khi mà khu công nghiệp đã xóa sổ cả cánh đồng "thẳng cánh cò bay" và đô thị hóa đang làm biến dạng cả một làng, một xã, thì không ít người nông dân có lẽ cũng không tránh khỏi con đường ly hương, như chị nông dân trong bài "Lang thang chiều ba mươi" này: "Tôi nhà quê ra tỉnh/ nửa đời rồi chưa quen/ chiều Ba mươi ngơ ngẩn/ tiếng gọi đò mênh mang".

"Tiếng gọi đò", hay tiếng gọi về quê, có lẽ cả hai, bởi chị có ly quê đâu, mà chỉ ly hương đi làm ăn xa thôi, thì sao không canh cánh nhớ về quê hương. Vì dẫu đã ra làm thuê ngoài phố đến "nửa đời rồi" thì người nông dân ấy vẫn "chưa quen", vẫn "ngơ ngẩn" trước cảnh phố phường tấp nập, nhốn nháo, bởi một lẽ giản đơn là "hồn vẫn neo ở làng". Và đó là điều may mắn đối với chị, vì khi chị: "Lang thang con phố nhỏ/ gặp toàn người ế hàng/ ngẫm mình còn may chán/ hồn vẫn neo ở làng". Bài thơ ngắn, với bốn khổ thơ ngũ ngôn nhưng đã giúp người đọc nhận ra giá trị vĩnh hằng của quê hương. Đừng khi nào quên nghĩ đến làng.

Với tôi, ấn tượng nhất trong tập thơ của Hải Đường có lẽ là chùm thơ ba bài đặt liền nhau: "Làng", "Tiếng làng", "Nhớ làng" với ba cách thể hiện thơ gần như khác biệt. Bài "Làng" viết theo lối thơ tự do, tạo cho tác giả có dịp trải lòng với bao suy nghĩ về làng quê bộn bề qua năm tháng, mà khổ thơ này là một ví dụ: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm/ bữa cơm cha nhiều lần chân lấm/ nhưng lưỡi cày thì sáng quanh năm". Đến "Tiếng làng" lại mang đậm chất dân dã, với lối thơ lục bát mượt mà, rất gợi: "Hội xuân mấy độ hoa xoan/ tiếng sênh, tiếng phách, tiếng làng chông chênh/ chiếu chèo luyến láy, chênh vênh/ thang trời mây níu, mái đình mây xô". Đến bài "Nhớ làng", nhà thơ sử dụng lối thơ năm chữ súc tích, lắng đọng, rất hợp với điều tác giả cần thể hiện: "Giần sàng cùng thúng mủng/ liềm hái và cối xay/ một ngày xa bồ hóng/ son phấn trong bảo tàng/ Chợ mới trên ao cũ/ cá quẫy trong chiêm bao/ chẳng bánh đa bánh đúc/ còn đâu phiên chợ làng". Đúng là một khi đã mất đi những nét đặc trưng của làng, truyền thống và văn hóa làng, thì dẫu khang trang, to đẹp đến mấy cũng không thể gọi là làng được nữa.

Viết về nông thôn thời hiện đại, nhà thơ Hải Đường như muốn tìm một cách nói riêng cho thơ mình, khi anh không ngần ngại đưa vào thơ gần như "nguyên bản" những dụng cụ nhà nông từ giần sàng, thúng mủng. Không những thế, để tạo cách nói và giọng điệu riêng, nhà thơ Hải Đường còn để nhiều công khai thác lời ăn tiếng nói của người nông dân ở làng, và chính điều này đã làm cho thơ anh đến gần hơn với người đọc, với hiện thực đời sống, mang đến cho thơ cách cảm, cách nghĩ vừa dân dã lại vừa hiện đại.

Ở Việt Nam ta, phương ngữ lâu nay vẫn được coi là nét đặc trưng văn hóa của từng địa phương. Thế nên không có gì lạ, mỗi khi người ta xa làng quê, chỉ nghe tiếng nói của ai đó giông giống tiếng người làng mình là đã nhận ra người quen, người đồng hương ngay rồi. Thế nhưng lâu nay trong thơ, và cả văn xuôi, điều này còn ít được người viết chú ý tới. Với Hải Đường thì khác. Đây là cảnh những người lang thang kiếm việc làm giữa nơi đô hội người, nhưng chỉ nghe giọng nói là nhận ra ngay "người làng mình": "Rượu quê tha thủi giữa đàng/ kìa, như giọng nói người làng đấy ư".

"Tiếng làng" chính là sự đồng điệu, đồng tình của những người cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng, thấm đậm tình người mà "Hai bờ thời gian" mang đến cho người đọc, và có lẽ cũng là ý nguyện của nhà thơ muốn tạo cho thơ mình một giọng điệu, một tiếng nói riêng, như "tiếng làng" chăng?

Cao Năm
.
.