"Nhí hóa" truyền hình thực tế:

Hồn nhiên ai bán, ai mua?

Thứ Hai, 13/10/2014, 08:00
Ngày 3/10, "Gương mặt thân quen nhí" chính thức lên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Thành công của "Gương mặt thân quen" dành cho người lớn hai mùa đầu (2013, 2014) khiến nhà sản xuất nhanh chóng ra mắt phiên bản "nhí" để giữ độ nóng sốt, nhất là sau dư âm vang dội mùa thứ hai với sự lên ngôi của ca sĩ Hoài Lâm. Điều này cũng chứng tỏ sự thức thời của nhà sản xuất khi trào lưu "nhí hóa" truyền hình thực tế đang là "mốt".

1. Ngoài chương trình vốn dành cho trẻ em, thiếu niên như "Đồ Rê Mí", "Vũ điệu tuổi xanh", có thể kể đến ba cuộc thi truyền hình thực tế có phiên bản nhí như:  "Giọng hát Việt nhí", "Bước nhảy hoàn vũ nhí" và "Gương mặt thân quen nhí". Dự kiến thời gian tới còn ra mắt "Đầu bếp Việt Nam - Masterchef  Vietnam nhí".

Vì sao các chương trình truyền hình thực tế lại đua nhau "nhí hóa" như vậy? Đơn giản vì trong khi truyền hình thực tế dành cho người lớn ngày càng ồ ạt và bị khán giả ngán ngẩm thì các chương trình dành cho thiếu nhi chưa nhiều. Do đó, các bé dường như đang trở thành miếng mồi ngon để truyền hình thực tế lấy lại phong độ. Trẻ em vốn hồn nhiên, ngây thơ. Các em có nhiều câu nói, hành động rất ngô nghê, đáng yêu. Nếu thí sinh người lớn vốn đã quá trải đời, khóc cười giả tạo, thậm chí lọc lừa, nói khóe lẫn nhau hay chê bai ban giám khảo dễ gây khó chịu cho công chúng thì những cảm xúc chân thành, trong sáng của các thí sinh nhí trong từng vòng thi lại níu chân khán giả. Truyền hình thực tế dành cho trẻ em có vẻ như đang làm tròn vế "thực tế" vốn có của mình.

Tài năng của trẻ em còn là "mỏ vàng" mới mẻ để truyền hình thực tế tha hồ khai thác khi những "hạt vàng" người lớn đã quá khan hiếm. Rất nhiều tài năng nhí đã được phát hiện và được đông đảo khán giả yêu mến. Người lớn hát hay, nhảy giỏi rõ ràng sẽ lép vế so với trẻ con hát hay, nhảy giỏi. Vậy nên thấy một Phương Mỹ Chi 10 tuổi nhưng ca "Quê em mùa nước lũ" ngọt như Hương Lan, một Quang Anh biểu diễn điêu luyện, lên đồng với "Chiếu khăn Piêu" như ca sĩ Tùng Dương, khán giả không khỏi thích thú, xuýt xoa.

Nhưng áp lực tàn nhẫn từ cuộc thi nặng tính thắng thua của người lớn đã khiến những tâm hồn non nớt bị tổn thương. Ở Vòng Giấu mặt chương trình "Giọng hát Việt nhí", để câu kéo các bé về đội của mình, các huấn luyện viên không ngại ngần tung hô các bé lên mây, hứa hẹn đủ điều kiểu như "con là ngôi sao của đêm nay", "cô không thể kìm được cảm xúc khi nghe giọng ca của con" hoặc "tài năng tuyệt vời như con mà về đội cô/ chú thì cô/ chú sẽ cùng con đi đến hết cuộc thi". Những lời nói tẩm mật ngọt lịm ấy khiến các bé không say đứ đừ trong ảo tưởng mới lạ. Nghe các huấn luyện viên "chiêu dụ" thí sinh, có cảm giác bé nào cũng là thiên tài và không thể có chuyện bé ấy bị loại. Cho nên khi bị loại ở vòng tiếp theo, sốc là điều mà các bé không thể tránh khỏi.

Các thí sinh chương trình "Gương mặt thân quen nhí".

Trong liveshow 4 của Giọng hát Việt nhí mùa thứ 2, bé Quỳnh Anh và hai bạn thí sinh gần như ngộp thở, mặt tái mét, chực khóc khi hồi hộp chờ sự phán quyết của hai huấn luyện viên Hồ Hoài Anh và Lưu Hương Giang. Để tăng thêm kịch tính, căng thẳng, bao giờ phần đưa ra quyết định chọn người của các huấn luyện viên cũng kéo dài thời gian, lấp lửng đủ kiểu. Với thí sinh người lớn, sự chờ đợi đã khiến người ta muốn "vỡ tim" thì với trẻ em, đây có khác nào màn tra tấn tinh thần tàn nhẫn nhất. Đến khi nhận quyết định bị loại, cô bé đã khóc thét lên, lịm đi trong vòng tay của gia đình. Bước vào hậu trường, được động viên rất nhiều nhưng cô bé đến từ Hà Tĩnh vẫn không thôi nức nở, mắt sưng húp, giàn giụa. Ở chương trình "Bước nhảy hoàn vũ nhí", bé Phương Trinh cũng không giữ được bình tĩnh và khóc òa trên sân khấu khi nghe Đoan Trang - Phan Hiển loại mình và chọn bé Hoàng Sơn. 

Còn nhớ, trong chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên, ban tổ chức cho biết sẽ có chuyên gia tâm lý hỗ trợ cho các bé. Thế nhưng trong suốt chương trình, vai trò của chuyên viên tâm lý vô cùng mờ nhạt. Và đến mùa thi thứ hai, những cú sốc của các bé trên sân khấu, đôi mắt hoe đỏ giàn giụa ở hậu trường khiến người ta đặt câu hỏi: vậy chuyên viên tâm lý mà chương trình hứa hẹn đang ở đâu?

Là chương trình truyền hình thực tế, để tăng lượng người xem, chạy theo doanh thu, nhà sản xuất không ngại ngần khai thác triệt để những yếu tố kịch tính, khắc nghiệt như trên. Sự hồn nhiên của các em bị người lớn đem ra bán mua bằng cách thức tàn nhẫn như thế.

2."Gương mặt thân quen nhí" mới ra mắt nhưng đã vấp phải nhiều nghi ngại bởi quy định: nam thí sinh nhí không được phép giả gái nhưng nữ thí sinh nhí thì lại được phép giả nam. Vì mỗi thí sinh nhí sẽ kết hợp cùng một thí sinh lớn để tạo thành một đội (là các ca sĩ nổi tiếng từng tham gia "Gương mặt thân quen") nên việc giả nữ, giả nam vẫn xảy ra với những thí sinh lớn, còn thí sinh nhí thì chỉ có bé gái giả nam, bé trai sẽ chuẩn "men" từ đầu đến cuối chương trình. Trong buổi họp báo ra mắt chương trình, khi hỏi lý do tại sao lại có sự phân biệt rối rắm đó mà không cấm luôn việc nữ thí sinh nhí giả nam thì ban tổ chức không trả lời được. Việc cấm nam thí sinh nhí giả gái theo lý giải của ban tổ chức là để các em không bị trêu chọc khi bước ra cuộc thi, tránh ảnh hưởng đến tâm lý. Nói vậy, nghĩa là nữ thí sinh nhí giả nam thì không bị trêu và không ảnh hưởng đến tâm lý?

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm TP HCM khuyến cáo: "Nếu việc giả giới tính diễn ra trong một chương trình dành cho đối tượng thiếu nhi thì rất không nên, bởi các em thiếu nhi chưa nhận thức đầy đủ về giới tính và bản sắc giới tính về mặt tâm lý của các em cũng chưa định hình rõ rệt. Tôi lưu ý rằng, rất không nên có những tiết mục hoán đổi giới tính cho trẻ nhỏ, đặc biệt là tuổi thiếu nhi trở xuống. Và dù người nghệ sĩ diễn đạt hay là không đạt, vào vai ngọt hay là không ngọt, thì bọn trẻ cũng sẽ thắc mắc và rối rắm trong chuyện xác định giới tính của nhân vật. Ngoài ra, tâm lý trẻ con rất hay bắt chước, chúng thấy cái gì lạ, thú vị, thì chúng sẽ bắt chước làm theo".

Cũng ở "Gương mặt thân quen nhí", giám đốc âm nhạc của chương trình, nhạc sĩ Minh Khang cho biết: "Các ca khúc được chọn theo hướng ưu tiên phù hợp tuổi tác và tâm sinh lý của các bé, nên sẽ không quá gợi cảm, ca từ trong sáng, vui tươi". Điểu này khiến người ta nhớ tới lời hứa hẹn "hồn nhiên, vui tươi trong sáng" của ban tổ chức "Giọng hát Việt nhí", "Đồ Rê Mí", "Bước nhảy hoàn vũ nhí" trước đó. Thực tế ra sao?

Nhiều tiết mục của các em vẫn "sặc" mùi người lớn. Bé thì hát nhạc Trịnh như "Hoa vàng mấy độ", "Còn tuổi nào cho em"; bé hát nhạc cách mạng; bé hát nhạc yêu đương như "Thương nhau lý tơ hồng"; bé hát nhạc kịch "Bóng ma trong nhà hát"…  Ở "Bước nhảy hoàn vũ nhí", nhạc nền cho tiết mục của thí sinh Khánh Vân (13 tuổi) và anh trai là ca khúc gợi dục 18+ "S&M" của Rihanna. "S&M" là tên viết tắt của hai loại hình tình dục là Sadism và masochism (bạo dâm và thống dâm). 

Vì nội dung quá nhạy cảm, ca khúc này đã bị nhiều quốc gia cấm phát hành. Thế nhưng, Khánh Vân vẫn tự tin với những bước nhảy gợi cảm và còn mấp máy môi hát theo. Không những vậy trong đêm chung kết, các bé tuổi đời chưa quá 10 ngón tay còn vào vai các nghệ sĩ như Lady Gaga, Hồ Ngọc Hà, Psy… để biểu diễn những vũ điệu nóng bỏng, sexy. Riêng trong đêm liveshow thứ 5 của Đồ Rê Mí - một chương trình thiếu nhi được đánh giá là "sạch" và biểu diễn các bài hát thiếu nhi đúng nghĩa, tiết mục "Và tôi cũng yêu em" do nhạc sĩ Đức Huy biểu diễn cùng các thí sinh nhí khiến người xem giật mình. Phần lời của bài hát xuất hiện "thuốc lá", "rượu", "và tôi cũng yêu em" hoàn toàn không phù hợp với trẻ em. Các em vô tư hát: "Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa, mái tranh dưới hàng dừa và yêu trẻ thơ, bữa cơm canh cà và điếu thuốc, giấc ngủ không mộng mị... Tôi yêu đi bộ dưới hàng cây, đố vui với bạn bè và ly rượu ngon ... Và tôi cũng yêu em, và tôi cũng yêu em, yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn, yêu em chứa chan!".

Đồng ý rằng những chương trình dành cho thiếu nhi hoặc phiên bản nhí của các chương trình truyền hình thực tế ra đời ngày càng nhiều sẽ tạo cho các em nhiều sân chơi để vui chơi và thi thố tài năng. Từ đó góp phần tìm ra những mầm non đầy triển vọng để bồi dưỡng trong các lĩnh vực nghệ thuật. Thế nhưng để chương trình đúng với mục đích tốt đẹp đó thì chương trình phải tự lọc sạn, phải để nó là chương trình của trẻ em. Người lớn đừng bất nhẫn làm thương tổn hay lạm dụng sự hồn nhiên của các em mà biến nó thành một món hàng để rao bán, tạo tiếng thị phi để hút khách. Trẻ em như tờ giấy trắng, khi quyết định viết gì lên đó hãy cân nhắc kỹ bởi vết tích nó để lại khó mà xóa mờ

N.T.
.
.