Kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và Ngày thành lập CAND (19/8/1945 - 19/8/2014)

Hơn cả lời tri ân

Thứ Hai, 25/08/2014, 08:00

Không ai hiểu mình bằng chính những người "trong cuộc". Vậy sự thực các tác giả lớn này đã phát biểu về sự chuyển biến trong bước đường nghệ thuật của mình từ khi gặp được ánh sáng cách mạng ra sao? Xin trích ra đây một số ý kiến cùng lời bộc bạch, tâm sự của họ để bạn đọc dễ bề xác định đúng - sai.

Cách đây trên nửa thế kỷ, khi trong đời sống văn hóa văn nghệ nước nhà xảy ra vụ Nhân văn - Giai phẩm, đây đó trên văn đàn đã xuất hiện những lời nhận xét có tính "đúc kết" theo kiểu "được mùa cách mạng, mất mùa văn chương", mục đích không gì khác hơn là hạ thấp nền văn học kháng chiến, đối lập thành quả của kháng chiến với nền văn học mới, còn non trẻ mà chúng ta đang xây dựng. Và rồi từ đó, những ý kiến kiểu này cứ ngày một loang ra, loang ra, đến lúc trở thành một dòng suy nghĩ chủ lưu của không ít người, rằng thì kể từ ngày tham gia cách mạng, một số văn sĩ lừng danh thời tiền chiến đã sáng tác ngày một "thụt lùi". Thậm chí những tác giả họ nhằm vào có không ít cây đa cây đề: Nguyễn Công Hoan, Huy Cận, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Xuân Diệu… v.v và vv.

Không ai hiểu mình bằng chính những người "trong cuộc". Vậy sự thực các tác giả lớn này đã phát biểu về sự chuyển biến trong bước đường nghệ thuật của mình từ khi gặp được ánh sáng cách mạng ra sao? Xin trích ra đây một số ý kiến cùng lời bộc bạch, tâm sự của họ để bạn đọc dễ bề xác định đúng - sai.

Nhân dân Hà Nội đánh chiếm Phủ Khâm sai ngày 19/8/1945.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan - người vốn dĩ được xem là sự nghiệp sáng tác cơ bản đã hoàn tất từ trước Cách mạng Tháng Tám, trong cuốn hồi ký "Đời viết văn của tôi" cũng tiết lộ: "Đời viết văn của tôi, cho đến năm 1943, có thể gọi là tàn tạ, sắp chết". Giữa lúc ấy thì cách mạng đến. Nguyễn Công Hoan hân hoan thông báo: "Cách mạng Tháng Tám đến đã cứu sống tôi. Cách mạng Tháng Tám giải phóng cho gia đình tôi, đồng thời, giải phóng cho ngòi bút viết tiểu thuyết của tôi". Thế là, mặc dù tuổi đã ngoài bốn mươi, nhà văn bỗng cảm thấy mình trở nên sung sức lạ. Ông lao vào công tác và viết. Nếu như trước cách mạng, tiểu thuyết của ông đa phần là ngắn, chỉ chừng 100, 200 trang, thì bây giờ, ông đã có thể viết bộ tiểu thuyết "Đống rác cũ" lên tới trên nghìn trang. 

Cũng tương tự Nguyễn Công Hoan, đã hơn một lần Chế Lan Viên khẳng định ý nghĩa của cách mạng đối với sự nghiệp thơ ca của ông. "Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi" - một bài thơ của Chế Lan Viên đã có tiêu đề như vậy.

Với các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, chẳng khó khăn gì chúng ta không tìm thấy ở họ những bài tụng ca, tri ân cách mạng. Với họ, Cách mạng Tháng Tám đã như một luồng gió mới, khơi thông tâm hồn đang bế tắc, tù đọng... Thậm chí, như nhà văn Nguyễn Tuân đã viết, cách mạng đã giúp ông "lột xác". Còn Xuân Diệu, trong bài viết về thơ Huy Cận ít ngày trước khi mất, đã khẳng định: "Phải nói rằng sự giác ngộ cách mạng, đời sống hiện thực, cụ thể và hơi sống quảng đại quần chúng nhân dân làm ra lịch sử, đối với chúng tôi, lứa thi sĩ từng làm thơ trước Cách mạng Tháng Tám, đã tái tạo, tái sinh chúng tôi".

Không chỉ chào đón, tri ân Cách mạng bằng những lời phát biểu, những mẩu hồi ức, không ít tác giả còn hòa mình vào không khí sôi động toàn dân nổi dậy giành chính quyền, xây dựng chế độ mới. Dường như, bằng những hành động rất cụ thể của mình, họ muốn chứng thực với đời: Như bất kỳ một người công dân chân chính nào, họ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với dân tộc.

Đêm 17 rạng ngày 18/8/1945, nhà văn Như Phong (một thành viên của Hội Văn hóa cứu quốc) đã cùng Đội Tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu võ trang đột nhập ba nhà in nhật báo Tin mới, Đông Pháp và Bình minh. Ở đây, anh em đội Công nhân cứu quốc dường như đã chờ sẵn. Họ nhanh chóng bóc gỡ bài cũ, đưa đăng trang nhất bài của Như Phong tường thuật cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh ở Quảng trường Nhà hát Lớn chiều hôm đó.

Cũng như nhà văn Như Phong (có chân trong Hội Văn hóa cứu quốc), khi thấy tín hiệu ngày độc lập tới gần, nhà văn Tô Hoài hỏi đồng chí Lê Quang Đạo (bấy giờ là Bí thư Ban cán sự Đảng ở Hà Nội): Trong ngày khởi nghĩa thì Hội Văn hóa cứu quốc làm gì? Đồng chí Lê Quang Đạo trả lời: "Văn hóa cứu quốc cũng như mọi đoàn thể khác, cầm vũ khí chiến đấu". Thế là "chúng tôi chuẩn bị dao găm, đèn pin, lắc lê phá đường tàu, quyên quần áo ủng hộ chiến khu Bắc Sơn..."  - như sau này nhà văn kể Iại.

Sống lang bạt kỳ hồ tại một số tỉnh miền Nam, gần đến ngày tổng khởi nghĩa, nhà thơ Nguyễn Bính cùng các bạn đồng hương tích cực tham gia phong trào đuổi Nhật, trừ Việt gian. Ngày 23/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân Cần Thơ nổi dậy. Nguyễn Bính hăng hái cầm cờ đỏ sao vàng, không ngớt miệng hô khẩu hiệu: "Đả đảo Minh Hoàng" (vua Nhật), "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!". Thi sĩ hòa cùng đoàn người nườm nượp đổ về tòa thị chính giành lấy chính quyền từ tay bọn thân Nhật, lập lên chính quyền lâm thời thị xã Cần Thơ.

Khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, nhà thơ Thế Lữ và Đoàn kịch Anh Vũ (Thế Lữ phụ trách chỉ đạo nghệ thuật) đang biểu diễn ở Thanh Hóa. Trước khí thế cách mạng đang dâng như nước vỡ bờ, Thế Lữ và cả đoàn kịch thấy tâm hồn như được chắp cánh. Từ Thanh Hóa, đoàn đi biểu diễn suốt lượt miền Trung. Nội dung vở kịch đề cập tới lịch sử anh hùng của dân tộc, với các nhân vật: Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung...

Thật tầm vóc một cuộc Cách mạng được làm nên bởi sức mạnh của toàn dân, trong đó thu hút được cả những thành phần văn nghệ sĩ tiêu biểu nhất

Lê Huy Văn
.
.