Hội và "hè" - những chuyện cần nói

Thứ Hai, 19/01/2015, 08:00
Trong tháng 12 vừa qua, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức xong đại hội của mình với việc bầu ra ban chấp hành và các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch. Cả 3 vị Chủ tịch đương nhiệm của 3 Hội đều tái đắc cử và gây ra những băn khoăn tranh cãi, nhất là trường hợp Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - họa sĩ Trần Khánh Chương...

Vẫn quẩn quanh chuyện nhân sự

Sự kiện họa sỹ Thành Chương và nhà điêu khắc Đào Châu Hải xin rút khỏi Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa VIII ngay khi vừa được Đại hội bầu đã tạo nên điểm nhấn thu hút sự chú ý của dư luận trong “mùa đại hội” định kỳ các hội nghệ thuật. Theo thông lệ 5 năm một lần, bắt đầu từ tháng 12/2014 sang tới năm 2015, các hội sẽ lần lượt tổ chức đại hội đại biểu hay toàn thể tùy theo đặc thù riêng của từng hội. Dù có được kỳ vọng hay tán dương thế nào chăng nữa, thực tế mối quan tâm hàng đầu của chính người trong cuộc với đại hội chủ yếu chỉ là vấn đề nhân sự, ai và những ai sẽ trúng cử vào ban chấp hành, sẽ đảm nhiệm các vị trí chủ chốt... 

Trong tháng 12 vừa qua, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức xong đại hội của mình với việc bầu ra ban chấp hành và các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch. Cả 3 vị Chủ tịch đương nhiệm của 3 Hội đều tái đắc cử và gây ra những băn khoăn tranh cãi, nhất là trường hợp Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - họa sĩ Trần Khánh Chương khi ông tiếp tục tại vị tới nhiệm kỳ thứ 4. Độ tuổi trung bình của các thành viên ban chấp hành quá cao cũng là lí do khiến một bộ phận hội viên thất vọng khi những người “cầm trịch” hoạt động nghệ thuật vốn đòi hỏi sự trẻ trung lại (hầu như) đã bước vào giai đoạn hưu trí.

Ban Chấp hành Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa VIII.

Thẳng thắn thừa nhận, dù công việc chuẩn bị cho các đại hội có tiêu tốn thời gian, chất xám (nếu có) và tiền bạc tới đâu thì nhân sự vẫn là yếu tố làm đau đầu bạc tóc nhất. Nhiều kỳ đại hội của một số hội, tận ngày khai mạc, ban chỉ đạo vẫn còn phải họp "kín" với đoàn chủ tịch, với các thành viên ban chấp hành và Đảng đoàn tới tận đêm khuya cũng chỉ để chốt lại "ai đi, ai ở" hay giải đáp các thắc mắc, thậm chí kiện cáo về nhân sự. Những dịp này, công chúng rộng rãi mới vỡ lẽ, ồ hóa ra giới văn nghệ sỹ cũng có quá nhiều người còn "tơ vương khanh tướng" bởi các công đoạn bóc mẽ, đấu tố nhau đã được "bánh đúc bày sàng" qua truyền thông báo chí. Tuy nhiên, với đại đa số các văn nghệ sỹ, thì về Hà Nội dự họp chỉ là cơ hội để anh chị em làm nghề giao lưu gặp gỡ, sống trong tình đồng nghiệp bạn nghề thân ái và thăm thú Thủ đô, đi đây đi đó. Thế mới có chuyện, ở một kỳ đại hội đại biểu của hội có số hội viên đông vào hàng kỷ lục, cũng căng thẳng tranh đấu nhân sự là thế, nhưng đến giờ khắc bầu ban chấp hành thì Nhà hát Lớn suy tư trầm mặc lại lỗ chỗ ghế trống, đại biểu trốn đi chơi  mặc cho các khách mời (theo điều lệ là không được quyền bầu cử), thậm chí có cả chuyện lực lượng phóng viên theo dõi đưa tin lại mắt tròn mắt dẹt vì được người của ban tổ chức dúi vào tay hàng xấp phiếu bầu. Mặc sự tình diễn ra đầy tính bi hài, ngày hôm sau ban chấp hành mới vẫn ra mắt trong những tràng vỗ tay rào rào của hội trường lẫn sự hỉ hả của các gương mặt đã bớt đi sự căng thẳng dưới ánh đèn sân khấu...

Thực ra trừ Hội Nhà văn, việc trở thành hội viên đúng nghĩa là một cuộc maraton mà đôi khi người không đủ sức cán đích thất vọng bi quan tràn trề, còn hầu hết các hội khác, vào hội, cầm tấm thẻ hội viên chỉ là công đoạn đến kỳ thì làm đơn hợp thức hóa. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực ấy, năng nổ tràn đầy nhiệt tình, hội tụ đủ cả tài năng lẫn danh tiếng mà cứ cười trừ lảng tránh khi có ai đó đề nghị vào hội. Các hội viên đang đắt sô làm nghề, vắt chân lên cổ chạy cũng chưa hết việc thì hội gần như không nằm trong suy nghĩ của họ trừ lúc có những thủ tục buộc phải liên quan. Vậy nên NSND Doãn Hoàng Giang, giai đoạn chưa đảm trách chức phận Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu mới tuyên bố: “Tôi vẫn đến Hội, nhưng thường không lên văn phòng mà chỉ ngồi ở hè (các quán cà phê vỉa hè trụ sở 51 Trần Hưng Đạo) để tán chuyện với anh em bạn bè, lấy không khí vui vẻ, cảm hứng sáng tạo là chính”. Cũng tương tự, trong tư duy của không ít người, nhìn từ thực tế những gì đang diễn ra, hội chỉ là nơi tập hợp của những bậc hưu trí lão thành thừa khát khao cống hiến. Rốt cục, Hội cũng mới giải quyết được yếu tố đầu tiên: vui là chính, dù niềm vui chưa hẳn lúc nào cũng đủ để phân chia đều cho tất cả các cá nhân có yêu cầu.

Một mô hình hoạt động nào thực chất, hợp lí hơn cho các hội và cả cách thức tổ chức đại hội sao cho hiệu quả, thu hút được tinh hoa, trí lực của người làm nghề là điều chính người trong cuộc cũng ít bận tâm tính đếm. Đơn giải bởi các hội vẫn duy trì sự hoạt động bằng nguồn tiền từ Nhà nước cấp, thậm chí sáng tác rồi giới thiệu các sáng tác mới cũng bằng tài trợ từ bầu sữa ngân sách được gọi sang trọng là "tác phẩm do Nhà nước đặt hàng" thì năng động, tự vận động để làm mới mình, hòa nhập chính mình vào môi trường đầy tính cạnh tranh của thời đại là điều mà các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành, những tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp quy tụ các thành phần được coi là tinh hoa của xã hội lại chưa coi là thách thức, là nhiệm vụ tiên quyết cho chính mình...

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Còn yếu tố à uôm, cho xong chuyện

- Xin chung vui về sự kiện phim “Quyên” do Công ty BHD sản xuất dựa trên tiểu thuyết cùng tên của ông đang trong giai đoạn hoàn thiện nước rút, chuẩn bị ra mắt vào quý 1 năm 2015. Vậy là lại thêm một nhà văn có duyên với điện ảnh. Trước hiện thực đầy lạc quan này, liệu ông có dấn thêm một bước, chuyển sang viết kịch bản điện ảnh khi mà tiểu thuyết của ông đang được xưng tụng là đầy chất cinema?

+ Trước hết xin cảm ơn chị. Tiểu thuyết “Quyên” được chuyển thể, dựng phim với kinh phí lớn và Công ty Truyền thông BHD rất trân trọng tác giả văn học, đó là một việc rất đáng mừng. Dù cho thế tôi không tự huyễn hoặc mình vì tôi hiểu rằng, biên kịch là một nghề. Ở nước ngoài, người ta đào tạo rất bài bản, cẩn thận và nếu như không qua bài bản thì để trở thành nhà biên kịch, cũng phải học rất nhiều ở sách vở hay thực tế. Tôi chưa dám làm điều này mặc dù trong truyện ngắn hay tiểu thuyết của tôi giàu chất điện ảnh: có hình.

- Thực ra trong Hội Nhà văn cũng có không ít tên tuổi còn là hội viên Hội Điện ảnh, thậm chí có đợt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, kịch bản điện ảnh còn được phân công cho Hội Nhà văn xét duyệt và thông qua. Ông thấy chuyện giao việc cho các Hội kiểu này là hợp lý chứ?

+ Không hợp lý. Nhà văn nếu chọn vào hội đồng nào đó ngoài việc văn thì chỉ nên là thành viên phụ thôi, bởi điện ảnh là ngành nghệ thuật riêng, đòi hỏi yếu tố nghề nghiệp cao. Còn nếu có nhà văn nào được chọn vào hội đồng xét duyệt cho kịch bản điện ảnh thì phải là nhà văn có tác phẩm kịch bản điện ảnh xuất sắc, ví dụ như nhà văn Ngụy Ngữ thì nên chỉ ông ta đích danh vào hội đồng xét duyệt gì đó.

- Là nhà văn nhiều năm sống và viết tại Đức, đã bao giờ ông có cơ hội trở về và tham dự một kỳ Đại hội toàn quốc của Hội Nhà văn? Và trở thành nhà văn được một phiếu tham dự đại hội hội nghề nghiệp của mình có là mong muốn của ông?

+ Tôi đã tham gia hai lần Đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng khối anh em hội viên Hội Nhà văn ở hải ngoại rất tản mạn, không tham gia sinh hoạt vào một hội địa phương hay khối nào, do vậy nếu chọn ra đại biểu tham dự, chúng tôi sẽ không có phiếu nào đâu, bởi vì người ta sẽ chọn những ai quen thuộc với họ làm đại biểu tham dự đại hội cho họ. Tôi không rõ các đại biểu hải ngoại khác suy nghĩ ra sao, còn tôi quan tâm tới sự phát triển của hội, nếu có chúng tôi tham dự chỉ tốt lên mà thôi.

- Việc của nhà biên kịch là viết kịch bản, của đạo diễn là chỉ đạo làm phim, của nhà văn đương nhiên là viết văn. Vậy theo ông việc trở thành hội viên của các hội nghề nghiệp có là yếu tố thúc đẩy năng lực sáng tạo, cũng như nâng đỡ cho tài năng của các văn nghệ sỹ?

+ Thực ra về bản chất, việc nhà văn hay nhà biên kịch có tác phẩm là chủ yếu bởi yếu tố tự  thân. Do vậy vào hội đoàn cũng chỉ là yếu tố rất phụ có ít nhiều tác động tới sáng tác của họ. Nếu thực sự người viết có bản lĩnh và có tài năng có lẽ họ sẽ nghĩ như thế. Nhưng hội đoàn cũng có thể như liều thuốc kích thích sự sáng tạo, dù điều ấy rất nhỏ. Ở nước ngoài, nhiều nước tiên tiến việc hội đoàn vẫn duy trì, nó như một giá trị, một tiếng nói tranh đấu cho quyền lợi của người viết. Ở Đức các hội nghề nghiệp vẫn duy trì và nhà nước, chính quyền địa phương vẫn trợ cấp tài chính khi có một đề tài cụ thể nào đó.

- Dịp cuối năm 2014 và nửa đầu 2015 sẽ là mốc định kỳ để tổ chức đại hội đại biểu của các hội nghề nghiệp. Thông thường giai đoạn này, qua báo chí truyền thông, nhân dân cũng biết được nhiều chuyện hậu trường kém vui của các hội, liên quan đến nhiều người của công chúng. Ví như mới đây là chuyện họa sỹ Thành Chương, người bạn rất thân của ông xin rút khỏi Ban chấp hành Hội Mỹ thuật sau khi được tín nhiệm bầu vào. Liệu những chuyện tương tự thế này có là bình thường cho sinh hoạt văn nghệ?

+ Tôi thấy đây là việc bình thường. Lòng tự trọng để khi cần, tỏ rõ thái độ người nghệ sĩ biểu hiện tối thiểu của sự trung thực đã thúc đẩy họa sĩ Thành Chương tới việc này. Chơi thân với Thành Chương nên tôi hiểu anh. Họa sĩ Thành Chương là một nghệ sĩ rất tài năng, sống và lao động hết mình, nói và làm luôn đi đôi với nhau. Ông luôn đau đáu với cặp phạm trù dân tộc và hiện đại trong sáng tạo của ông và bè bạn. Tôi ủng hộ việc ông ấy đã làm, nếu tôi rơi vào tình trạng của Thành Chương tôi cũng sẽ như vậy. Người nghệ sĩ chân chính tối thiểu phải biết tự trọng tránh xa sự giả dối.

- Vậy nếu được lựa chọn, ông sẽ chọn mô hình thế nào cho một hội nghề nghiệp hoạt động?

+ Thực ra mô hình tổ chức của hội nghề nghiệp bấy nay chả có gì cần thay đổi, có điều chọn ai vào điều hành nó? Đó là việc hết sức cần suy nghĩ trách nhiệm của từng hội viên.

- Nhìn vào giới lãnh đạo của các hội, điều dễ nhận thấy là... quá ít gương mặt trẻ. Phải chăng người trẻ chưa tạo dựng được uy tín nên không được bầu hoặc những bậc lão làng, thâm niên tuổi tác mới là lựa chọn an toàn?

+ Không phải thiếu người trẻ tài. Chỉ thiếu lòng tin vào họ mà thôi. Nếu các cấp sâu sát và mạnh dạn, các hội viên trách nhiệm cao, quyết đổi mới theo tinh thần mà các nghị quyết Đảng đã vạch ra, tôi nghĩ sẽ chọn ra nhân tố tích cực. Yếu tố phong trào, à uôm cho xong chuyện ở các đại hội vẫn còn là một nguyên nhân cản trở tinh thần tích cực mà chị đề cập...

- Trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Phải thay đổi cách thức bầu cử

- Trước hết xin chúc mừng ông đã tái đắc cử vào vị trí Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam (NSSKVN) nhiệm kỳ 2014-2019. Xong một kỳ đại hội, ông thở phào nhẹ nhõm được rồi chứ?

+ Cũng có cái nhẹ nhõm nhưng cũng có những điều căng thẳng mệt mỏi. Những mối bận tâm, những mối lo cho sân khấu thì chưa bao giờ là điều có thể khiến tôi yên lòng được.

- Vâng, dù gì Hội NSSKVN cũng đã có một kỳ đại hội yên bình, suôn sẻ, không gặp phải những thị phi điều tiếng ì xèo như các hội nghề nghiệp bạn bè vốn đang được truyền thông khai thác?

+ Thực ra mỗi hội đều có đặc thù riêng, nhưng nhìn chung Đại hội lần thứ 8 Hội NSSKVN đã diễn ra trong bầu không khí dân chủ đoàn kết. Đó là điều rất đáng mừng và giúp mọi người nhẹ đầu. Hay nhất là kỳ này chưa thấy thư từ kiện cáo gì, chưa hề có một cái thư từ nặc danh nào gửi đi bất cứ đâu cho đến tận phút cuối cùng. Anh em trong Ban chấp hành cũng đoàn kết không phe cánh gay gắt. Tất nhiên cuộc đời mà, bao giờ cũng có vấn đề này vấn đề kia, được cái mình cứ dân chủ mà làm. Dân chủ tuy nhiên phải nghiêm khắc nếu không thành quân hồi vô phèng ngay. Đại hội còn vinh dự và vui vì được Chủ tịch nước quan tâm đến thăm, tiếp các anh chị em nghệ sỹ. Giới báo chí cũng ủng hộ đưa tin đậm nét...

- Tuy vậy cũng vẫn còn những ý kiến băn khoăn là thành phần Ban chấp hành như thường lệ, quá ít gương mặt mới và trẻ, thưa ông?

+ Theo tôi cần thay đổi phương thức bầu cử thì mới có thể tạo ra sự đột phá. Ví dụ nên đưa ra những quy định hết sức ngặt nghèo như độ tuổi đến đâu thì phải nghỉ, làm bao nhiêu khóa thì thôi chứ cứ chung chung “có uy tín có kinh nghiệm có nhiệt tình” cũng khó. Nhân sự là do đại hội bầu, tất cả các đại biểu bầu ra. Ví dụ như Hội Sân khấu, có những người như NSND Doãn Hoàng Giang đã lấy lí do tuổi tác từ chối, nhưng Đại hội vẫn bầu. Hay nhà văn Chu Lai cũng kiên quyết xin rút. Anh ấy giải thích rằng nhiệm kỳ 5 năm vừa qua trong Ban chấp hành đã làm tròn trách nhiệm, làm với tâm thế của người lính không nề hà nhiệm vụ. Tại các phiên họp trù bị, nhà văn Chu Lai vẫn được giới thiệu ứng cử với số phiếu tín nhiệm cao. Tôi phải gọi cho anh ấy, anh ấy vẫn khăng khăng "bỏ tên tôi ra", rút bằng được. Những tình huống thế này chúng tôi cũng phải báo cáo Ban chỉ đạo, báo cáo Ban chấp hành. Nhà văn Chu Lai giải thích, cứ theo việc của Ban sáng tác, một năm ba lần mở trại, đọc của anh em, góp ý cho anh em, rồi bao công việc khác, anh ấy sợ không còn thời gian để viết. Đấy, có những người có tài năng, có uy tín, có trách nhiệm thì lại không thu xếp được việc riêng. Nhiệm kỳ vừa qua, cũng có gương mặt trẻ, hoạt động xã hội hóa rất năng nổ, thậm chí được xưng tụng như hiện tượng. Nhưng suốt 5 năm trong Ban chấp hành, họ cũng không đóng góp gì, thậm chí ra họp còn ngồi ngủ gật. Trẻ đúng là càng tốt nhưng trẻ như thế nào, trẻ cũng phải nhiệt tình với công việc chung. Người trẻ hầu hết còn mải lo công việc của họ, có ai bỏ quản lý nhà nước sang làm lãnh đạo hội không? Ví như ông đang làm giám đốc nhà hát, lãnh đạo này lãnh đạo kia, đời nào ông bỏ sang làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội. Rồi cũng có những người trẻ, nổi tiếng lắm, nhưng bầu vào có làm gì đâu, chỉ để đẹp đội hình. Mà các hội tình hình chung ai chả biết, tiền thì không có, khó khăn đủ bề, thậm chí càng ngày càng khó khăn hơn.

- Ông nói phải thay đổi cách thức bầu cử. Nhưng cách thức bầu cử cũng là do chính mình tạo ra và nếu muốn, mình có thể tự thay đổi chứ?

+ Không, thực tế còn do ở trên nữa, do Ban chỉ đạo phía trên. Ví dụ nếu cơ cấu thành phần ngay từ giai đoạn thăm dò ở cơ sở thì phải có một tác giả trong Ban sáng tác. Khóa trước có được nhà văn Chu Lai mừng quá, đến khóa này lại trắng. Ban lý luận không có người, đối ngoại cũng không có. Nếu có cơ chế để Liên hiệp hội cơ cấu, đưa ra đại hội bỏ phiếu thông qua sẽ được thành phần đầy đủ, các hội cũng đỡ bị động hơn.

- Ông từ cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chuẩn bị đến tuổi nghỉ chế độ được anh chị em nghệ sỹ tín nhiệm bầu vào cương vị Chủ tịch Hội NSSKVN từ nhiệm kỳ trước (2009-2014). Đang làm quản lý nhà nước sang đảm đương công tác hội, hội viên lại toàn giới nghệ sỹ, với ông có những sự khác biệt nào không?

+ Tất nhiên cũng có, nhưng bảo quá khác biệt thì không. Bên Bộ công việc thường trôi chảy thuận lợi hơn, như mình "nhất hô" thì "bá ứng". Ở bên Hội ngược lại, "nhất hô" thậm chí chỉ "nhất ứng", tự mình đáp lời mình. Hay có những hoạt động xã hội hóa mà đi vận động tài trợ hợp tác là cực lắm, trầy trật mới xin được ít tiền. Bên Bộ xướng một câu có người tham gia ngay. Đấy cũng là tình hình chung thôi. Được cái, anh chị em nghệ sỹ sân khấu cũng đoàn kết, chia sẻ cùng nhau, luôn ủng hộ Chủ tịch Hội nên khó khăn gì đi nữa rồi cũng qua, cũng giải quyết được hết.

- Trân trọng cảm ơn NSND Lê Tiến Thọ.

Mi Sol (thực hiện)
.
.