Danh hiệu cho người xứng đáng:

Hội đồng chuyên ngành làm khó Hội đồng quốc gia

Thứ Ba, 22/08/2006, 09:00
"Nhìn vào danh sách của nhiều hội đồng chuyên ngành gửi tới, tôi cảm thấy vài ba nơi làm cho xong, “dĩ hòa vi quý”, lấy lòng anh em nghệ sĩ là chính. Mấy chục nghệ sĩ mà ai cũng tỉ lệ 100% phiếu bầu cả, như thế có cái gì đó không hợp lý. Mà như thế thực ra là làm hại anh em và làm khó cho Hội đồng quốc gia”, NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH – TT, nói.

-  Thưa thứ trưởng, NSND Lê Tiến Thọ, xin ông cho biết nét mới của việc xét giải thưởng và phong tặng danh hiệu nghệ sĩ lần này là gì?

- Tôi cho rằng nét mới của đợt phong tặng NSND - NSƯT và việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước lần này là sau khi có được kết quả đề nghị của các hội đồng chuyên ngành, Hội đồng quốc gia xem xét, thảo luận và bỏ phiếu.

Theo quy định tạm thời của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT (thường trực Hội đồng quốc gia) thông báo các danh sách trên để lấy ý kiến đóng góp của văn nghệ sĩ, các nhà chuyên môn và công chúng quan tâm đến VHNT. Sau khi tổng hợp ý kiến, Hội đồng quốc gia sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng xem xét.

-  Việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ hoạt động tự do đương nhiên là rất cần thiết. Nhưng công chúng thắc mắc là, tiêu chí bình chọn cho nghệ sĩ tự do và nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật của nhà nước có gì khác nhau, thưa ông?

- Tôi nghĩ không có gì khác biệt nhiều. Tất cả các nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT đều phải là những người trung thành với Tổ quốc, có tài năng nghệ thuật, có thành tích lao động nghệ thuật vượt trội, có thời gian cống hiến nhất định và được công chúng ghi nhận, yêu mến...

-  Nhiều nghệ sĩ có đủ thành tích để xét tặng danh hiệu, được bạn nghề và khán giả thừa nhận, yêu mến, nhưng lại chưa đủ thời gian lao động nghệ thuật như trong quy chế quy định, vì tuổi đời còn trẻ. NSƯT Thành Lộc là một ví dụ. Nên chăng chúng ta cần uyển chuyển, linh hoạt hơn về vấn đề này trong việc xét tặng, để các nghệ sĩ không bị thiệt thòi, hoặc gây cho họ một tâm lý ức chế?

- Hội đồng quốc gia cũng căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đưa ra bình xét, mà không quá cứng nhắc về mặt thời gian cống hiến của nghệ sĩ. Tôi có thể ví dụ một số trường hợp như nghệ sĩ Trung Hiếu (NH Kịch Hà Nội), nghệ sĩ Thu Huyền (NH Chèo Hà Nội)... Riêng trường hợp NSƯT Thành Lộc đề nghị phong NSND nhưng chưa đủ thời gian thì Hội đồng chuyên ngành đã nhất trí để xét tặng vào đợt sau. Tôi nghĩ, 2 năm một đợt xét tặng không phải là dài, nghệ sĩ sẽ không phải chờ đợi lâu, nếu họ xứng đáng.

- Thưa thứ trưởng, nhìn vào công tác tổ chức xét giải, và đặc biệt là Hội đồng quốc gia, nhiều người lo ngại nó không được khoa học, khách quan, công bằng. Là bởi không có gì đảm bảo các thành viên của Hội đồng có đi xem, nghe, đọc, thẩm định đầy đủ các loại hình nghệ thuật mà họ sẽ là người có vai trò quyết định trao tặng giải thưởng, danh hiệu cho tác phẩm và nghệ sĩ bằng lá phiếu của mình. Ông nói gì về điều này?

- Tôi phải nói ngay là các thành viên của Hội đồng thẩm định không thể nào quan tâm được hết tất cả các loại hình nghệ thuật. Họ chỉ có thể hiểu biết nhiều nhất về ngành mà họ đang hoạt động thôi. Việc xem xét, trao tặng giải thưởng và danh hiệu  là dựa trên cơ sở danh sách đề nghị của các Hội chuyên ngành. Các hội nghề nghiệp phải hiểu rõ nhất về các nghệ sĩ của ngành mình, tài năng và cống hiến của họ, để có được những đề cử xứng đáng. Có nghĩa là các hội chuyên ngành phải làm việc này hết sức nghiêm túc và công minh.

Nhìn vào danh sách của nhiều hội đồng chuyên ngành gửi tới, tôi cảm thấy vài ba nơi làm cho xong, “dĩ hòa vi quý”, lấy lòng anh em nghệ sĩ là chính. Mấy chục nghệ sĩ mà ai cũng tỉ lệ 100% phiếu bầu cả, như thế có cái gì đó không hợp lý. Mà như thế thực ra là làm hại anh em và làm khó cho Hội đồng quốc gia.

Tôi ví dụ, nghệ thuật Rối chẳng hạn. Làm cách nào để biết mặt, biết tên, biết tài của từng nghệ sĩ cụ thể, khi họ luôn là các nghệ sĩ ở sau sân khấu? Khán giả chẳng bao giờ nhìn thấy họ cả. Hay như một số lĩnh vực khác mà hoạt động của họ chìm hơn, như họa sĩ thiết kế sân khấu, điện ảnh, những người ít có điều kiện cọ xát với dư luận, giới thiệu trên báo chí... có thể có rất ít tác động tới hội đồng, dù có thể họ rất xứng đáng. Vậy công việc của Hội đồng chuyên ngành là gì? Là đánh giá, ghi nhận thật cụ thể, chính xác năng lực của từng nghệ sĩ thuộc ngành mình. Đừng có mang một kết quả bỏ phiếu cào bằng để gửi cho Hội đồng quốc gia, như thế là làm khó và tạo áp lực dư luận cho Hội đồng quốc gia.

Hội đồng chuyên ngành đưa lên một kết quả bình chọn khách quan, chọn lọc, chính xác, thì công việc xét tặng danh hiệu của của Hội đồng quốc gia sẽ đỡ phức tạp hơn, không phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, đánh giá, thẩm định lại từng trường hợp. Rõ ràng có những trường hợp nghệ sĩ rất thiệt thòi trong xét tặng danh hiệu, mà lý do chỉ vì những đánh giá của Hội đồng chuyên ngành không kịp thời, không xác đáng...

- Thưa ông, vì sao chúng ta không xét tặng danh hiệu cho diễn viên truyền hình?

+ Chúng ta chưa có Hiệp hội truyền hình. Các diễn viên truyền hình hầu hết là diễn viên của điện ảnh và sân khấu. Ai thuộc ngành nào thì sẽ xét theo ngành ấy.

- Nhiều nghệ sĩ không thấy thoải mái trong khâu xét tặng danh hiệu. Họ cảm thấy khó khăn khi phải làm đơn kể lể thành tích và xin được tặng danh hiệu. Ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi nghĩ các nghệ sĩ cũng chẳng nên phiền lòng về chuyện làm đơn. Việc xét tặng giải thưởng danh hiệu là có tiêu chí, và đương nhiên là phải dựa trên một cơ sở nào đó. Việc này nên hiểu nó bình thường đi, không phải vì thế mà danh dự của người nghệ sĩ bị suy giảm. Các nghệ sĩ cũng không nên biến mình thành quá dị biệt.

Việc phong tặng danh hiệu cho nghệ sĩ chỉ nhằm mục đích tôn vinh những đóng góp của người làm nghệ thuật, đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, và của toàn xã hội đối với vai trò của người nghệ sĩ. Tất nhiên, không phải sự đánh giá nào cũng được dư luận, công chúng đồng tình. Muốn có được một kết quả khách quan, công tâm, phải bắt đầu từ việc khách quan, công tâm của các Hội đồng chuyên ngành.

-  Lĩnh vực nào cũng đang tồn tại việc “chạy”. Là thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia, trong lần xét tặng này ông có chứng kiến trường hợp nào “chạy” danh hiệu không? Nếu có thì Hội đồng sẽ xử lý thế nào?

- Tôi chưa chứng kiến trường hợp nào “chạy” danh hiệu cả. Cũng có nghệ sĩ này nghệ sĩ kia nhắn tin lưu ý trường hợp này trường hợp khác, nhưng đó không thể gọi là “chạy” được. Tôi nghĩ người nghệ sĩ đích thực không ai làm việc này cả. Họ không “mua danh” bằng cách ấy. Họ mà không hài lòng, phong danh hiệu cho họ rồi, họ còn trả lại ấy chứ. Công việc của các nghệ sĩ là công việc luôn được theo dõi, ghi nhận bởi dư luận, công chúng, xứng đáng hay không rất dễ dàng nhìn thấy.

- Như vậy là các nghệ sĩ và công chúng có thể tin tưởng vào một kết quả khách quan về việc xét giải và phong tặng danh hiệu nghệ sĩ đợt này, thưa ông?

- Tôi không thể trả lời ngay câu hỏi này. Chúng ta hãy cùng nhìn vào danh sách các nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu lần này được công bố rộng rãi trước dư luận xem họ có phải là những người thực sự xứng đáng nhận danh hiệu không

Bình Nguyên Trang
.
.