Hình tượng người công giáo trong tiểu thuyết Vũ Huy Anh

Thứ Năm, 09/06/2011, 10:02
Trong văn chương Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết viết về đề tài người công giáo trước đây đã có những thành công được khẳng định. Tiểu thuyết "Xung đột" của Nguyễn Khải đã đánh dấu cột mốc đầu tiên của đề tài khó khăn và khá phức tạp này của các nhà văn. Đặc biệt bộ tiểu thuyết tương đối đồ sộ "Bão biển" của Chu Văn đã ghi được thành công lớn...

Thú thật khi cầm tập sách dày gần một nghìn trang (do NXB Lao động ấn hành) mà tác giả không phải là nhà văn hàng đầu trên văn đàn, tôi rất ngại đọc. Lần giở mục lục, thấy tập sách gồm 4 tiểu thuyết: "Cuộc đời bên ngoài", "Đường trở về", "Dang dở" và "Người đẹp trước nhà", mà truyện "Cuộc đời bên ngoài" được giải thưởng chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984, tôi thử đọc truyện này. Thế rồi tôi bị cuốn hút và đọc hết toàn bộ 4 truyện trong một thời gian không lâu. Thì ra trong rừng sách vở của ta hôm nay, bên cạnh nhiều cuốn sách chất lượng thấp làm lãng phí thời gian của độc giả, vẫn có những tập sách dù dày nhưng cũng rất đáng bỏ thời gian để đọc, bởi nó đem lại cho tâm hồn ta những điều tốt đẹp giữa cuộc đời không dễ dàng nhận biết những giá trị đích thực hiện nay.

Đúng là 4 tiểu thuyết đã được chọn lọc. Mỗi truyện chiếm được tình cảm của người đọc ở những góc độ khác nhau. Nhưng cả 4 truyện đều có một điểm chung là tuy dung lượng cuộc sống không nhiều nhưng đã mang đến cho người đọc những bài học về cuộc đời bằng một nghệ thuật khá hấp dẫn.

"Cuộc đời bên ngoài" là một truyện khá giản dị cả về nội dung và văn phong. Cô tu sĩ xinh đẹp tên Lành từ lúc vào nhà tu cho đến khi rời bỏ nhà tu của Đức Chúa Trời để về với cuộc đời trần tục được mô tả khá lôgic, tự nhiên về diễn biến tâm lý và cuộc sống sinh hoạt, không hề có những chi tiết giật gân hay những cảnh ngộ khác thường đặc biệt. Cũng không hề có cuộc đấu tranh tư tưởng lớn hay những sự vận động được tổ chức mang tính chính trị gây xung đột gay gắt giữa các lực lượng trong xã hội. Đơn thuần là cuộc đời bên ngoài tự nó hấp dẫn, mang lại niềm vui sống và hạnh phúc cho con người đã có sức thúc giục con người tự giải phóng. Tuy nhiên sự tự giải phóng ấy đã được đặt trong hoàn cảnh giải phóng chung của dân tộc, nên nó thêm hợp lý và ý nghĩa. Nội dung và cốt truyện càng giản dị càng phải có một giá trị nghệ thuật đủ mạnh để lôi cuốn bạn đọc. Càng khó hơn cho tác giả khi không dùng những thủ pháp nghệ thuật kỳ lạ, đặc biệt mà vẫn hấp dẫn người đọc. Vì thế, Vũ Huy Anh đã tự khẳng định mình ở tiểu thuyết này.

Vẫn nối tiếp chủ đề về người công giáo, nếu như tiểu thuyết "Cuộc đời bên ngoài" nói về cuộc sống người công giáo miền Bắc trong thời điểm kháng chiến chống thực dân Pháp, thì "Đường trở về" nói về người công giáo miền Nam, hay nói đúng hơn là người công giáo di cư vào Nam, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau giải phóng. "Đường trở về" có sức hấp dẫn ở cốt truyện và số phận các nhân vật với những xung đột đan chéo nhau. Một vài nhân vật đã được tác giả tập trung làm nổi rõ như: Tư Đức, Nguyễn Rừng Xanh, Sa... Tuy nhiên, "Đường trở về" nghệ thuật kém giản dị và tự nhiên so với "Cuộc đời bên ngoài". Tác giả phải nương tựa vào cốt truyện nhiều chỗ ly kỳ và số phận khá lắt léo của một số nhân vật, nhưng do chưa thật hiểu cuộc sống người công giáo phía Nam, hoặc phải lý giải những diễn biến mới mẻ sau ngày miền Nam giải phóng, nên tác giả còn bộc lộ những kiến giải vội vàng, khiến người đọc không khỏi có một chút ấn tượng về sự minh họa chưa thật tự nhiên.

Tiểu thuyết "Dang dở" lấy lại được tình cảm của người đọc khi tác giả tập trung vào xây dựng số phận một nhân vật chính là cô Thảo. Cuộc sống nông thôn một vùng công giáo miền Bắc sau giải phóng xây dựng chủ nghĩa xã hội cho đến thời kỳ đầu đổi mới được tác giả miêu tả khá chân thực. Cuộc đấu tranh không đơn giản giữa cái thiện và cái ác, mà cái ác có khi lại nhân danh cái thiện. Cô Thảo trở thành nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh ấy. Tất nhiên là do cô không thắng nổi mình và thắng hoàn cảnh, do hám danh không dám sống thật, từng bước bị tha hóa để kẻ xấu lợi dụng và điều khiển, đến khi thức tỉnh thì mọi sự đã muộn... Tác giả tập trung nhiều tâm sức xây dựng nhân vật này bằng một nghệ thuật dựng truyện khá mới nên đã gây được ấn tượng cho người đọc. Với một thái độ phê phán nhưng bao dung, cảm thông sâu sắc với số phận con người có những lỗi lầm do hoàn cảnh, đã tạo nên giá trị nhân văn của tác phẩm. Tác giả mạnh dạn để cho cái kết cục bi thảm đối với nhân vật chính của mình, tạo khả năng thức tỉnh. Điều này đòi hỏi nhà văn phải khá cao tay để không bị nhào ngã cùng với nhân vật. Sự phê phán những yếu kém của một thời tác giả cũng đứng vững được nhờ tấm lòng thành thực của mình.

Khác với ba truyện trên, tiểu thuyết "Người đẹp trước nhà" lại viết về tình yêu của người thành phố. Một mối tình tay ba, "tam giác muôn đời" là đề tài cũ, nhưng tác giả lại thổi vào tư tưởng mới, những suy nghĩ khá hiện đại trước sự tấn công của đồng tiền trong cơ chế thị trường. Phần đầu của truyện, ta dễ tưởng truyện chỉ viết như khá nhiều truyện tình nhan nhản hiện nay. Nửa phần sau truyện làm cho truyện đứng vững, khắc họa rõ số phận từng nhân vật và đều khá hợp lý. Trần Duy, Ngọc và Hiền, mỗi người đều có tính cách riêng và đều là nạn nhân của cơ chế thị trường. Họ chỉ thực sự thức tỉnh khi đã phải trải qua, phải trả giá một phần cuộc đời của mình. Trần Duy và Ngọc thì thực sự đánh mất tình yêu, mà không có cách gì lấy lại được. Truyện càng về sau càng hấp dẫn và chân lý cuộc sống mà tác giả muốn nói với mọi người là hạnh phúc chỉ có trong tình yêu chứ không phải ở giàu sang và tiền bạc đã được toát lên khá tự nhiên và lôgic. Chỉ tiếc rằng, tác giả không biết dừng khi vừa đủ để cho hình tượng tự toát lên mà lại viết thêm hẳn một trang diễn giải triết lý thừa với độc giả.

Thảo trong "Dang dở" và Ngọc, Trần Duy trong "Người đẹp trước nhà" là những nạn nhân của hai cơ chế khác nhau, đứng cùng nhau trong một tập sách đã bổ sung để cùng làm nổi rõ điều tác giả muốn nói với mọi người: Hãy làm chủ cuộc đời mình, chỉ như vậy mới có hạnh phúc. Tư tưởng này được lặng lẽ toát lên từ hình tượng thực sự có giá trị đối với đông đảo bạn đọc.

Một điều hạn chế đáng lẽ có thể khắc phục trong tiểu thuyết của Vũ Huy Anh là anh không biết loại bỏ những chương thừa, đoạn thừa trong tác phẩm. Âu cũng là cái "tham" của nhiều nghệ sĩ khi quá yêu những đứa con tinh thần của mình, mà không biết rằng cần phải cắt bỏ những cái đuôi hay ngón thứ sáu của bàn tay thì đứa con của mình sẽ trở nên hoàn thiện, đẹp hơn. Chẳng hạn, ở truyện "Dang dở" có thể bỏ hẳn chương XII, tuy ở đây có hai ghi chép của sư bà Đàm Thanh, mà mỗi ghi chép nếu đứng riêng có thể là truyện ngắn khá, nhưng ghép vào đây nó lại trở thành ngón tay thứ sáu. Hay ở truyện "Người đẹp trước nhà", tác giả lan man kể về chuyện nhà ở Hà Nội thời bao cấp dài hẳn ba trang. Tuy đó là những nhận xét sắc sảo và lý thú, nhưng ghép vào đây nó trở thành miếng vá trên lớp da mặt bằng phẳng làm giảm sự hoàn hảo của khuôn mặt. Nhà văn Nga Sêkhốp nói đại ý về các chi tiết trong nghệ thuật: Nếu sân khấu mở màn có thấy treo khẩu súng, thì rồi đến cuối vở kịch khẩu súng ấy cũng phải nổ đùng một tiếng. Suy rộng ra, với nghệ thuật cũng như văn chương không thể để một câu thừa, một dòng thừa. Tiếc rằng, trong tiểu thuyết của Vũ Huy Anh không phải chỉ có hai ví dụ về sự thừa đáng tiếc ở trên. Dẫu vậy tiểu thuyết của Vũ Huy Anh vẫn là khá hấp dẫn, đáng tìm đọc.

Trong văn chương Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết viết về đề tài người công giáo trước đây đã có những thành công được khẳng định. Tiểu thuyết "Xung đột" của Nguyễn Khải đã đánh dấu cột mốc đầu tiên của đề tài khó khăn và khá phức tạp này của các nhà văn. Đặc biệt bộ tiểu thuyết tương đối đồ sộ "Bão biển" của Chu Văn đã ghi được thành công lớn. Đây là một hiện thực được phản ánh khá phong phú, sinh động và sâu sắc, dẫu hoàn cảnh khách quan đã thay đổi nhưng ý nghĩa của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị. Chính từ tác phẩm này, đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp đã đạo diễn thành công bộ phim "Ngày lễ thánh" nổi tiếng, khẳng định tên tuổi của mình trong làng điện ảnh. Những tiểu thuyết Vũ Huy Anh là những thành công tiếp theo của mảng đề tài này. Tuy chưa thật nổi trội, chưa in được dấu ấn thật đậm đặc trong lòng độc giả, nhưng những tiểu thuyết viết về người công giáo của Vũ Huy Anh có những thành công riêng, đã để lại những ấn tượng tốt đẹp của những người công giáo trong sự nghiệp xây dựng đất nước

Đ.Q.T.
.
.