Hiểu đúng về tự chủ đại học

Thứ Năm, 06/05/2021, 07:59
Kỳ thi và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021-2022 đang bắt đầu. Một số trường đại học thực hiện tự chủ, thông báo học phí tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Lý do tăng học phí nhằm bù trượt giá của thị trường, đảm bảo chế độ lương cho giảng viên, nhân viên góp phần cải thiện chất lượng giáo dục, xác lập một cơ chế công bằng hơn trong dạy và học; có khoản dư để tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sinh viên.

Nhiều ý kiến lo ngại việc thực hiện tự chủ ở đại học khiến học phí tại một số trường hiện nay quá cao, gây nhiều khó khăn, giảm đi cơ hội cho học viên khi muốn vào trường đó. Và với tình hình học phí cứ tăng mỗi lúc một cao như hiện nay, thì chẳng mấy sẽ cho ra lò các kỹ sư, cử nhân chủ yếu từ các gia đình khá giả, còn con em những người lao động có năng lực, học giỏi, nhưng không có tiền theo học sẽ phải từ bỏ ước mơ, phải bỏ học về quê làm thuê, làm mướn.

Con nhà nghèo được học đến bậc cao là xuất phát từ bản chất ưu việt của chế độ ta. Dù tăng học phí, song các đại học cam kết tăng các gói học bổng, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Những em học giỏi, nhà nghèo có thể được miễn học phí suốt khoá học. Bên cạnh đó, Chính phủ có những chương trình cho sinh viên vay vốn với mức lãi suất thấp để trang trải cho việc học tập.

Sinh viên Khoa Điện tử viễn thông Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong giờ thực hành. Ảnh: Phương Vy.

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 77/ NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, Việt Nam hiện đang có 24 trường đại học được thí điểm cơ chế tự chủ.

Ngày 25/11/2020, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), Vương quốc Anh đã công bố kết quả xếp hạng các đại học tốt nhất châu Á năm 2021. Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, gồm: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Duy Tân, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Từ công bố này cho thấy, những trường đại học Việt Nam ghi danh trên các bảng xếp hạng nói trên đa phần đang thực hiện tự chủ.

Tự chủ, sẽ tạo điều kiện cho trường tăng cường huy động các nguồn thu ngoài ngân sách để bù đắp đủ chi phí của đơn vị. Từ đó có nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút được nhiều sinh viên giỏi; có cơ sở và điều kiện để xây dựng bộ máy quản lý và phục vụ tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; tăng thu, tiết kiệm chi, có nguồn tài chính để cải thiện đời sống cán bộ, giảng viên, tạo động lực để họ tích cực lao động nâng cao chất lượng đào tạo,

Chi phí tùy thuộc vào ngành học, vào chất lượng sẽ tránh được sự cào bằng trong việc đóng học phí cũng như trong đào tạo. Vì chi phí không cao, nên rất nhiều người muốn và có thể tham gia mà không cần phải cân nhắc nhiều về chi phí, về thái độ học tập và về những gì họ thật sự thu được. Nó khiến cho việc lấy tấm bằng đại học trở thành một việc đầu tư rẻ tiền, mà đem lại nhiều cơ hội trong tương lai, nên không mấy ai muốn con em mình vào các trường nghề. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” trong thời gian qua.

Vì vậy, chủ trương tăng học phí là cần thiết nếu đặt đúng mục tiêu làm tăng chất lượng giáo dục, đào tạo đại học. Đi đôi với đó phải là sự công khai tiêu chuẩn đầu ra của sinh viên, điều kiện đào tạo, chất lượng đào tạo để toàn dân cùng giám sát.

Trong thời điểm đang thí điểm áp dụng tự chủ đại học, thì việc một số trường tùy tiện đưa ra mức học phí là khó tránh khỏi. Vì vậy, các cơ quan quản lý theo dõi sát và yêu cầu các trường giải trình nếu có dấu hiệu tiêu cực và xử lý nếu cần thiết để tạo niềm tin cho người học. Nếu cơ quan quản lý và các trường đại học thực hiện không tốt, dễ dẫn đến việc người học hiểu tự chủ có nghĩa là phải đóng học phí nhiều hơn mà không nhìn thấy những lợi ích của tự chủ đại học mang lại. Tự chủ đại học không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư tiền nữa. Ở tất cả các nước, các trường đại học tự chủ, Nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư không chỉ đặt hàng đào tạo, cấp học bổng mà còn xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Tự chủ đại học là một quá trình chuyển đổi, có nhiều điểm chưa có tiền lệ, nên chúng ta cần bình tĩnh và xu hướng phải ủng hộ. Thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học là nhu cầu bức thiết để thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cù Tất Dũng
.
.