Hễ nổi là ngồi... ghế nóng?

Thứ Sáu, 24/10/2014, 08:00
Chuyện "cô bé dân ca" Phương Mỹ Chi mới 11 tuổi đầu đã được chương trình "Cùng nhau tỏa sáng" mời làm giám khảo cùng với các nghệ sĩ như Việt Trinh, Phương Thanh, nhạc sĩ Đức Huy, danh hài Tấn Beo mới đây gây ra không ít tranh cãi trái chiều.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh, đại diện ban tổ chức giải thích: "Đêm Thiếu nhi" là một trong 9 đêm thi của chương trình. Và Phương Mỹ Chi chỉ là một trong số rất nhiều giám khảo khách mời nổi tiếng mà chúng tôi sẽ mời. Ở đêm thi thứ hai này, chúng tôi mời Phương Mỹ Chi vì muốn cô bé đại diện cho thiếu nhi nói lên những cảm nghĩ và cảm xúc của mình khi theo dõi từng tiết mục, chứ không hẳn để nhận xét những đàn anh, đàn chị của mình. Thông qua những cảm nhận hồn nhiên, vô tư của Phương Mỹ Chi, các nghệ sĩ và khán giả có thể hiểu thêm phần nào về các bé cũng như cách nhìn thú vị, khác lạ của các em so với người lớn… Những khán giả đã xem chương trình "Cùng nhau tỏa sáng" phát sóng hôm đó có thể thấy rất rõ sự vô tư, hồn nhiên của Phương Mỹ Chi khi cô bé chia sẻ cảm nhận của mình về từng tiết mục".

Ca sĩ Phương Thanh cũng bênh vực cho bé Phương Mỹ Chi ra mặt: "Phương Mỹ Chi, cô thương con quá à, áp lực khi "bị làm giám khảo" nghe có vẻ lớn lao quá nhỉ. Trẻ thơ là hồn nhiên thích và không thích đúng không con. Chuyên môn có tụi cô lo rồi, con cứ thoải mái nhé. Tối nay sau khi xem xong chương trình, cô nghĩ là mọi người sẽ quý con hơn. Đúng là trẻ con nhận xét vui, hồn nhiên…".

Cả hai ý kiến trên không sai. Thậm chí, việc cho trẻ con nhận xét tiết mục của người lớn khi người lớn biểu diễn các bài hát thiếu nhi là điều rất đáng khuyến khích vì các em có quyền bày tỏ ý kiến, giúp cho chương trình thêm phong phú. Nhưng có vẻ như cả Ban tổ chức lẫn Phương Thanh đều quên rằng, Phương Mỹ Chi đang tham gia chương trình với tư cách là giám khảo. Rõ ràng, theo thông báo của Ban tổ chức, "Đêm Thiếu nhi" là đêm thi tính điểm đầu tiên của chương trình. Ngoài số điểm của bốn giám khảo chính, số điểm từ giám khảo khách mời là Phương Mỹ Chi sẽ được cộng vào để quyết định đội thi nào sẽ phải tạm dừng cuộc chơi đầu tiên ở đêm thi tiếp theo. Nghĩa là cô bé không chỉ nêu lên suy nghĩ, cảm xúc của mình mà phải nhận xét, đánh giá và cho điểm tiết mục của các đội…

Phương Mỹ Chi (giữa) làm giám khảo chương trình "Cùng nhau tỏa sáng".

Cần nói rõ thêm đây là đêm thi mà các ca sĩ chuyên nghiệp như Lân Nhã, Lan Trinh… sẽ trình diễn các ca khúc thiếu nhi như "Ba bà đi bán lợn con", "Giấc mơ của Cám"… Như thế chủ đề thiếu nhi chỉ là cái cớ để các ca sĩ thể hiện khả năng của mình chứ không phải chỉ là một đêm thi đơn thuần của trẻ em. Thậm chí, có đội còn hát cả opera để thể hiện các tiết mục mang âm hưởng thiếu nhi. Phương Mỹ Chi có đủ trình độ để thẩm thấu loại nhạc kén người nghe này mà phát biểu cảm nghĩ? Nhìn con đường sự nghiệp của Phương Mỹ Chi, nếu tính từ khi em bước vào cuộc thi The Voice Kid - Giọng hát Việt nhí 2013 thì tuổi nghề chỉ mới hơn một năm. Phương Mỹ Chi hiện tại là ca sĩ nhí đang rất được lòng fan hâm mộ khi em hát dân ca rất hay. Lực lượng fan hâm mộ của em có thể còn hơn cả những ca sĩ chuyên nghiệp đương thời.

Ca sĩ Ánh Tuyết bức xúc: "Chuyện Phương Mỹ Chi làm giám khảo là chiêu trò hút khách của nhà sản xuất. Đi thẳng vào vấn đề một cách nghiêm túc thì việc làm này của Ban tổ chức rất lệch lạc. Bé Chi có thể ngồi nhận xét cô chú này hát hay hoặc không hay tùy cảm nhận trẻ thơ của em. Nhưng nếu bé ngồi ở vị trí khán giả hay khách mời và cho ý kiến như thế thì được, chứ bé ngồi làm giám khảo mà nhận xét tiết mục của người lớn rồi cho điểm thì rất kỳ. Bởi chức danh giám khảo đã nêu rõ nhiệm vụ "cầm cân nảy mực", phải hiểu biết và có kinh nghiệm chuyên môn trên cả thí sinh để cho điểm, nhận xét thí sinh. Đằng này bé quá non nớt, chưa biết gì nên chuyện bé làm giám khảo sẽ vô tình xúc phạm, làm tổn thương đến nhiều người, đó là thí sinh, là khán giả và những người làm giám khảo chân chính".

Giám khảo là một danh xưng cao quý đi kèm với tư cách và trình độ đáng trọng của người giữ vai trò ấy. Nhưng trong làng giải trí Việt hiện nay, các danh xưng đang bị lạm dụng một cách bừa bãi để gắn mác "sang, chảnh" nhằm kiếm thêm kiểu như: siêu mẫu, hotgirl, hotboy, hoa hậu, ca sĩ…  Danh xưng giám khảo cũng đang bị bán buôn một cách rẻ mạt và dễ dãi như thế.

Trong các chương trình truyền hình hiện nay, nhà sản xuất không thể bỏ qua những ngôi sao tên tuổi để đưa vào vị trí ghế nóng. Nhưng người nổi tiếng có số lượng giới hạn, nên quanh đi quẩn lại chỉ có vài người đủ khả năng chuyên môn lẫn độ hot để phù hợp với vị trí "cầm cân nảy mực" và níu chân khán giả. Tình thế này buộc nhà sản xuất phải ngó lơ khả năng chuyên môn để chạy theo tên tuổi của sao. Họ nói nhăng nói cuội gì kệ họ, miễn sao họ kéo được lượng fan của mình ngồi trước màn hình.

Tăng Thanh Hà (bìa trái) đành tạm biệt ghế nóng "Vua đầu bếp" vì áp lực dư luận.

Cho nên mới có chuyện đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chuyên gắn bó với phim ảnh lại ngồi ghế nóng chương trình ca hát Vietnam Idol mấy mùa liền. Thúy Hạnh vốn là người mẫu cũng có thể ngồi chấm đủ mọi tài năng tả pí lù trong "Vietnam Got Talent". Nhạc sĩ Trần Tiến không am tường về nhảy nhót cho lắm cũng được mời vào vị trí giám khảo của "Bước nhảy hoàn vũ". Không phải là đầu bếp nổi danh hay chuyên gia ẩm thực nhưng Tăng Thanh Hà vẫn nếm và nhận xét món ăn như một vị "quan tòa"  trong "Vua đầu bếp" mùa giải thứ 2. Đông Nhi và Ông Cao Thắng chưa hẳn là vợ chồng nhưng cũng nhanh chóng chấm thi cho chương trình "Vợ chồng mình hát".

Đạo diễn Lê Hoàng từng ví giám khảo như cái nghề mà tính nguy hiểm của nó chẳng khác nào nghề "cưa bom": "Mình chấm thí sinh có nghĩa là thiên hạ chấm mình". Ca sĩ Phương Thanh sau khi tham gia "Bước nhảy hoàn vũ" mùa thứ 3 cũng chua chát thừa nhận mình chỉ là "con rối" trong cuộc chơi. Ngay chính những người có chuyên môn làm ban giám khảo, sự cắt ghép của nhà sản xuất do thời lượng, do câu khách đã khiến họ lắm phen lao đao. Ca sĩ Ánh Tuyết kể: khi nhận xét tiết mục của Hoàng Tôn trong chương trình "Những bài hát còn xanh", chị và nghệ sĩ Quang Lý đều khen chê đầy đủ về mặt được và chưa được của tiết mục. Thế nhưng khi phát sóng, Ánh Tuyết tá hỏa khi phần nhận xét của ban giám khảo toàn lời khen, phần chê đã bị nhà sản xuất cắt bỏ hết. Bức xúc, Ánh Tuyết gọi điện hỏi nhà sản xuất thì nhận được câu trả lời rằng do tuần trước Hoàng Tôn bị chê tơi tả quá nên tuần này bù hao cho anh ấy.

Ca sĩ Cẩm Ly vốn là một tên tuổi sạch sẽ, không scandal, nhưng khi nhận lời tham gia chương trình Giọng hát Việt nhí 2014 chị cũng bị không ít điều tiếng. Lúc thì khán giả cho rằng chị không đủ tư cách chuyên môn dẫn dắt các bé thiếu nhi, lúc thì họ bảo chị thiên vị thí sinh chỉ vì hoàn cảnh của các em…

Đã có nhiều người vì không chịu nổi áp lực của cái nghề "cưa bom" này và vì tự trọng nghề nghiệp, họ phải từ giã ghế nóng như Tăng Thanh Hà, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Quốc Bảo…

Vậy vì sao đến thời điểm này, nghề giám khảo vẫn hấp dẫn các nghệ sĩ, dù nhiều người biết chắc mình không đủ khả năng để làm tròn bổn phận, thậm chí sẽ bị "hứng đá" khi nhận lời? Đơn giản vì mức cát-sê quá hấp dẫn và đây cũng là dịp để họ đánh bóng tên tuổi. Lâu nay, không ít người nổi tiếng nhẵn mặt với vị trí giám khảo các chương trình truyền hình nhưng những sản phẩm nghề nghiệp của họ thì gần như không thấy đâu.

Phương Mỹ Chi bị lợi dụng tên tuổi, bị kéo vào một chương trình nặng về tính giải trí, câu khách thì đó cũng là chuyện bình thường. Bức xúc như lâu nay người ta vẫn bức xúc. Nhưng điều khiến người ta bức xúc hơn ở chương trình này là sự quá lố của Ban tổ chức khi mời một em bé vào ghế giám khảo chứ không phải người lớn. Người lớn không có chuyên môn đã là "thảm họa", nhưng ít ra họ còn có thể chịu đựng hoặc đối phó được với sự "ném đá" của công chúng. Còn Phương Mỹ Chi thì sẽ đối phó thế nào khi em ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới? Ở trường hợp này, không thể trách Phương Mỹ Chi vì em là trẻ con, em biết gì khi người lớn bắt tay nhau. Trách em, bất nhẫn lắm!

Mai Quỳnh
.
.