Nghệ thuật chèo với đề tài hiện đại

Hãy nói tiếng lòng người đương thời

Thứ Hai, 19/12/2011, 08:00
Phỏng vấn nhà viết kịch Chu Thơm.

- Thưa tác giả Chu Thơm, Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc về đề tài hiện đại vừa được tổ chức tại tỉnh Thái Bình, dù quy chế đã được nới lỏng nhưng chỉ có 12/18 đơn vị với 15 vở diễn tham dự. Theo ông, điều này có phản ánh đúng thực trạng sân khấu về đề tài hiện đại hay không?

+ Theo tôi, việc tổ chức Liên hoan Chèo về đề tài hiện đại năm 2011 là một bước đột phá có ý nghĩa của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Đây cũng là phép thử của các nhà quản lý biểu diễn sân khấu đối với độ "nhạy", sự bám sát cuộc sống hiện đại của nghệ thuật chèo - môn nghệ thuật vốn chỉ được xây dựng trên các tích truyện dân gian, đề tài lịch sử. Làng Chèo đã hồ hởi tích cực tham gia Liên hoan vì lẽ ra Liên hoan phải tổ chức từ lâu chứ không đợi đến bây giờ - khi người làm nghề đã thực sự cảm thấy không thể mãi mãi diễn các tích xưa, nếu muốn được khán giả quan tâm nhiều hơn.

Sở dĩ có sự muộn mằn này vì nhiều năm nay, trong sâu thẳm tâm thức, sân khấu chèo đã coi 7 vở chèo cổ là "khuôn vàng thước ngọc" của nghệ thuật chèo truyền thống. Khi phục dựng lại những vở chèo đề tài dân gian, lịch sử, chúng ta thường loay hoay mãi về quan điểm thế nào là truyền thống, thế nào là "phá" chèo? Và sợ nhất bị quy kết làm chèo thành "kịch pha ca" hay "gieo vừng ra ngô". Bên cạnh đó, để xây dựng các vở chèo hiện đại phải tuân thủ luật bất thành văn: văn học chèo là văn học thơ, tính ước lệ cao, tích của chèo phải có tính "kỳ"...  Đó là một thách đố với các tác giả viết kịch bản chèo về đề tài đương đại mà nhân vật của nó không phải là Thị Mầu, Lưu Bình - Dương Lễ, Xúy Vân... mà là anh bộ đội, ông cán bộ, cô người mẫu chân dài… của ngày hôm nay. Họ không thể dễ dàng múa hát trong những chiếc quần bò ống chẽn, hoặc bộ complê hộp. Và một nguyên nhân căn bản khiến việc xây dựng những vở chèo hiện đại gặp nhiều khó khăn nằm ở khâu "đầu ra" của tác phẩm. Lâu nay, khán giả mê chèo vẫn hoài cổ, không mấy mặn mà với những vở chèo hiện đại.

Vì vậy, Liên hoan lần này là cú hích với các đơn vị nghệ thuật Chèo. Mặc dù không có sự góp mặt đầy đủ của các đơn vị, lại đa phần là vở cũ nhưng Liên hoan vẫn là một dấu hiệu đáng mừng. Nó chứng tỏ khát vọng xây dựng những tiết mục chèo hiện đại đã và đang có trong các đơn vị.

- Hiện nay, cuộc sống đang bộn bề rất nhiều vấn đề cần quan tâm như hệ lụy của việc đô thị hóa nông thôn, tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng...Theo quan sát của ông, sân khấu truyền thống đã theo kịp những bước phát triển của đời sống chưa?

 + Không chỉ sân khấu truyền thống mà ngay cả những loại hình nghệ thuật khác, nếu được thực hiện bởi những người có trái tim nguội lạnh với cuộc sống hiện đại, chỉ quanh quẩn với những đề tài "lãng xẹt" về tình yêu, quanh quẩn về trai nhảy, gái nhảy, người mẫu và đại gia thì chưa theo kịp bước phát triển của đời sống. Những gì phản ánh đó chỉ là một phần rất nhỏ của đời sống, những giấc mơ quái gở của một bộ phận tiểu thị dân đang sống lay lắt trong xã hội hiện đại chứ không bao giờ có thể phản ánh sinh động, đầy đủ  những vấn đề của đời sống đầy biến động hôm nay.

Nhiều năm theo dõi sân khấu, tôi nhận thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển tải những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống qua nghệ thuật kịch hát nhưng có không ít tác giả đã phả được hơi thở cuộc sống hôm nay vào vở diễn, phân tích lịch sử bằng tư duy biện chứng của người đương thời. Tôi nghĩ, loại hình nghệ thuật nào cũng có thể phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống hiện đại nếu những người sáng tạo ra nó có tài và tâm, dám lăn xả vào cuộc đời và phát hiện những nhân tố sống động của nó.

- Hiện nay, kịch mục ở nhiều nhà hát cũng như tại các kỳ liên hoan sân khấu, những vở diễn về đề tài lịch sử luôn chiếm số lượng lớn và thường nhận được những giải thưởng cao. Dường như các nhà viết kịch chưa mặn mà lắm với đề tài hiện đại?

+ Chuyện của lịch sử là chuyện của ngày hôm qua, đã được kiểm nghiệm, minh chứng và được khẳng định bằng văn bản, sách, truyện. Vì vậy, phần lớn các đoàn khi tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn thường sử dụng các tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử để được tương đối yên tâm về khâu kiểm duyệt vở diễn. Và, điều quan trọng là trong các bộ trang phục cổ, nghệ sĩ có thể thỏa sức trổ tài "ca trong diễn", "diễn trong ca" để diễn tả nhân vật của mình. Còn đề tài hiện đại, tưởng chỉ cần ngồi trong phòng lạnh, lang thang trên mạng, lấy ra tư liệu và cốt truyện, từ đó chẳng phải đi thực tế ở đâu. Thực ra vấn đề không đơn giản. Phải biết chắt lọc, tìm ra tính "kỳ" của câu chuyện, nếu không sẽ là "chuyện xưa như trái đất", "biết rồi, khổ lắm, nói mãi!". Khán giả chỉ cần xem cảnh một có thể đoán kết của vở diễn, khiến người xem ngủ gà gật trong rạp hát và mong cho việc "hành xác" bằng tác phẩm nghệ thuật rẻ tiền chóng kết thúc.

- Vậy thì, chúng ta có thể nói gì về tương lai của sân khấu chèo hiện đại, thưa ông?

 + Chẳng có gì sinh ra đã là cổ. Chèo cổ đã từng là chuyện của người đương thời. Nó chỉ trở thành cổ khi mang trong mình hồn cốt thời đại và được chắt lọc, hoàn thiện qua truyền khẩu trong dân gian hay các nghệ sĩ biểu diễn qua nhiều thế hệ.

Chèo hiện đại là chuyện của người hôm nay. Nhưng không phải tất cả những vở hiện đại hôm nay vài trăm năm nữa sẽ trở thành chèo cổ của thế kỷ XXI mà chỉ những vở mang hồn cốt cuộc sống hôm nay, có giá trị về văn học, nghệ thuật qua sự gọt giũa, bồi đắp của các thế hệ nghệ sĩ dám sống chết với nghề mới có thể trở thành cổ. Cổ thường là quý nhưng bao nhiêu mảnh sành, sứ và rác thải của thời gian có thành cổ, có được người đời quý trọng  đâu?

- Là người sáng tác, và hiện đang lập kỷ lục trong tháng 11/2011 có 2 vở diễn được công diễn ("Khi hoa nở trái mùa"- Nhà hát Cải lương Hà Nội, "Giếng thơi trong lòng phố"- Nhà hát Chèo Việt Nam) và 1 vở đang dàn dựng tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận, theo ông thì những người làm sân khấu cần có những động thái gì để sân khấu về đề tài hiện đại phát triển?

+ Tôi cho rằng, chả ai điên đến mức sau một ngày làm việc căng thẳng ở cơ quan lại bỏ tiền đến rạp hát để xem những chuyện về lỗ thủng tầng ô zôn, dự án dùng 60 triệu tấn nguyên tử phá hủy mặt trăng...khi họ đang lo tiền mua căn hộ chung cư, mua ôtô trả góp hoặc tìm cách khắc phục nạn triều cường hàng tháng... Chẳng ai muốn xem và nghe những câu chuyện vô bổ với những ngôn từ sáo rỗng...Muốn khán giả đừng quay lưng với sân khấu thì các nhà quản lý, các tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ biểu diễn đừng vội trách khán giả mà hãy tự vấn xem cái tâm mình khi xây dựng tác phẩm sân khấu đã sáng hay chưa. Đừng là kẻ trục lợi khi nhận dàn dựng những kịch bản kém chất lượng với cốt chuyện tầm phào, những lời thoại ngô nghê và những câu cù dung tục, phản cảm hành hạ khán giả. Theo tôi, muốn kéo được khán giả đến rạp, ngoài việc được xây dựng nghiêm túc, bài bản, vở diễn đề tài nào cũng cần phải có được các yếu tố sau: Tính "kỳ" đến mức "thiên biến vạn hóa", tính hình sự, hơi thở của cuộc sống. Phải nói được tiếng lòng của người đương thời, gỡ rối tơ lòng của họ một cách "thấu tình, đạt lý". Chuẩn bị thật tốt cho kết thúc vở diễn theo nguyên tắc muốn hết phải hay, hay là sắp hết, khiến khán giả vẫn còn thòm thèm muốn xem chứ không lẵng nhẵng chẳng biết kết ở đâu. Mà như tôi đã nói ở trên, muốn có những vở diễn hay như vậy thì những người xây dựng vở diễn trước hết phải là những người tử tế, có tài và đặc biệt có tâm, không vụ lợi và dám nhận trách nhiệm về mình khi tác phẩm bị khán giả chê trách.

- Xin cảm ơn nhà viết kịch Chu Thơm

Thảo Duyên (thực hiện)
.
.