Hãy học gương con trẻ

Thứ Hai, 28/10/2013, 08:00
Tôi không sao quên được hình ảnh Đại tướng trong những thước phim tài liệu phát trên truyền hình cách đây mấy ngày: Ngón tay run run, cặp mắt đỏ hoe, giọng rung rung, ở tuổi gần trăm, Đại tướng nhắc về sự hy sinh của những người lính. Ông nói, biết an ủi thế nào những bà mẹ mất con. Ông nói, Thánh Gióng đánh giặc xong bay về trời, còn những người lính của chúng ta thì nằm lại trong lòng đất. Ông nói mà như khóc, giọng ông nghẹn lại...

Trong những ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta đã xúc động chứng kiến lòng yêu mến, kính trọng vô bờ bến của nhân dân ta đối với Người, cũng như thật tự hào khi đọc thấy, nghe thấy những lời đánh giá hết sức trân trọng, chân thành của các học giả, các chính khách trên thế giới, kể cả của những nhân vật từng một thời là đối thủ của Đại tướng. Tuy nhiên, bên cạnh dòng cảm xúc chủ lưu ấy, chúng ta cũng không khỏi chạnh buồn khi bắt gặp đây đó những bài viết về Đại tướng với những nhận xét hết sức chủ quan, phiến diện, thậm chí là quá khích… của những người từng chung một giống nòi, chung một tổ tiên con Hồng cháu Lạc. Những ý kiến, nhận xét đó là những ý kiến lạc điệu, lạc lõng của những người thuộc diện lạc loài đã và đang tự tách mình khỏi nhịp sống chung của dân tộc.

Bài viết có tiêu đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như tôi từng biết" của ông Bùi Tín, được tải trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 4/10 vừa qua là một ví dụ.

Học sinh Trường THCS và THPT Chu Văn An (Đồng Hới, Quảng Bình) trong ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong bài viết này, sau khi đưa ra lời nhận định của Tướng Westmoreland rằng tướng Giáp là người có tài, nhưng nếu ông "là một viên tướng Hoa Kỳ thì ông đã bị mất chức từ lâu rồi", vì Quốc hội Hoa Kỳ "không thể chấp nhận những tổn thất sinh mạng của quân đội mình cao đến vậy", ông Bùi Tín đã đưa ra một nhận định - có thể nói là một nhận định hết sức bậy bạ, rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta "mang danh là một viên tướng "sát quân", sát quân một cách lạnh lùng". Một người từng khoe mình đã có lúc được cắt cử làm trợ lý báo chí của Đại tướng, từng nhiều lần được ăn sáng cùng Đại tướng, vậy mà không biết căn cứ vào đâu ông Bùi Tín lại đưa ra một nhận xét hàm hồ làm vậy, trong khi, chính những vị tướng từng kề vai sát cánh với Võ Đại tướng trong những năm tháng chiến tranh cam go, ác liệt trước đây như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên… đều có chung nhận định: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người "biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc giọt máu của mỗi chiến binh".

Mà cũng chẳng cần tìm tòi tư liệu đâu xa, ngay trong bài viết nói trên, sau khi đề cập tới việc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", bản thân ông Bùi Tín cũng đã đưa ra nhận xét: "Về sau, nhiều sĩ quan công nhận rằng, không thay phương châm, cứ liều húc vào một hệ thống phòng thủ vững chắc như tướng Pháp Navare và Cogny mong muốn thì 4 sư đoàn tiến công - vốn liếng quân sự của cuộc kháng chiến - sẽ bị tổn thất nặng nề ra sao, và diễn biến của cuộc chiến tranh chắc chắn sẽ khác hẳn". Nội điều ấy đã quá đủ để chứng minh việc Đại tướng biết trân quý công sức và xương máu của cán bộ, chiến sĩ ra sao.

Nói tới đây tôi không sao quên được hình ảnh Đại tướng trong những thước phim tài liệu phát trên truyền hình cách đây mấy ngày: Ngón tay run run, cặp mắt đỏ hoe, giọng rung rung, ở tuổi gần trăm, Đại tướng nhắc về sự hy sinh của những người lính. Ông nói, biết an ủi thế nào những bà mẹ mất con. Ông nói, Thánh Gióng đánh giặc xong bay về trời, còn những người lính của chúng ta thì nằm lại trong lòng đất. Ông nói mà như khóc, giọng ông nghẹn lại. Tôi đã không cầm được nước mắt trước cảnh huống ấy và nghĩ, phải yêu thương con người đến độ nào mới có thể thốt ra những lời giản dị mà lay động tâm can đến vậy…

Nhân đây, thiết nghĩ cũng cần phải nói lại một vấn đề: Hiện không phải không có ý kiến cho rằng, chúng ta đã để tổn thất quá nhiều, hy sinh quá nhiều (sinh mệnh đồng bào, chiến sĩ) trong mấy cuộc kháng chiến vừa qua, và có nên chịu tổn thất, hy sinh như vậy không? Câu hỏi đặt ra khiến tôi không thể không nhớ tới chuyện cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng có lần phải "uốn nắn" một nhà văn (chuyện đã được nhà văn Bùi Bình Thi kể lại trên Báo Văn nghệ) khi nhà văn này kêu rằng, chúng ta tổn thất quá lớn trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968.

Tổng Bí thư Lê Duẩn nói, đại ý, Mỹ mạnh như vậy, nếu không chịu tổn thất thì làm sao đánh đuổi nó được. Có thể nói, đây là một quan điểm rất biện chứng. Nên nhớ, hòa bình, độc lập, tự do không phải là thứ người ta dễ dàng "cho" nhau. Cái gì cũng có giá của nó.

Trở lại với bài viết của ông Bùi Tín. Sinh thời, nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng đưa ra một nhận xét rất đáng chú ý: "Một người có nhiều tri thức về vật lý học không bao giờ ngu dốt về vật lý, trái lại, một người dù có nhiều tri thức xã hội, nếu tình cảm bị sai lạc thì vẫn ngu dốt hơn cả những người không học".

Nhận định của nhà phê bình văn học Hoài Thanh có thể được xem như một cách lý giải tại sao một người thuộc thành phần trí thức như ông Bùi Tín lại có những nhận xét hàm hồ thể hiện một cách xử sự kém cỏi như vậy trong những ngày diễn ra lễ tang Đại tướng. Nhận xét ấy, cách xử sự ấy rất khác với những gì mà chúng ta được chứng kiến từ các bạn trẻ hôm nay - những người trong đời tuy chưa một lần được may mắn như ông Bùi Tín tiếp xúc với Đại tướng nhưng đã không hề hiểu sai những gì mà Đại tướng đã làm cho dân, cho nước và cho chính bản thân họ

Phạm Thành Chung
.
.