Hãy để thị trường đào thải

Thứ Năm, 19/11/2015, 13:02
Nếu bạn gõ thử từ khóa "Vợ người ta" để kiếm tìm trên Google, chắc bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả. Đó là một bài hát của một ca sỹ mới toanh, Phan Mạnh Quỳnh, với hai video clip khá dí dỏm có lượng lượt xem lên tới hàng triệu. "Vợ người ta" đã trở thành một hiện tượng thực sự, với những câu hát lạ tai như "nhạc tung toé thanh niên hòa ca, vài ba đứa lên lắc lư theo" hay "nhạc cũng tắt thanh niên rời bar"…, những câu hát chắc chắn sẽ nhận được nhiều tranh luận trái chiều từ dư luận, đặc biệt là những công kích từ những người khó tính, luôn nhìn vào thế giới âm nhạc như một lâu đài nghệ thuật long lanh và đáng ngưỡng mộ.

Thực tế, chuyện ca từ dễ dãi trong các ca khúc mới đã là chuyện được nhắc đến từ lâu, thậm chí đã từng có những diễn đàn công kích mạnh mẽ, coi những ca từ ấy là dung tục, rác rưởi, dễ dãi hay thảm họa. Song, càng công kích bao nhiêu, những ca từ ấy lại càng xuất hiện nhiều bấy nhiêu, và thậm chí lại còn được... thích hơn nữa. Đó là một vấn đề xã hội thực sự rất cần chúng ta nghiên cứu một cách nghiêm túc, để tránh những tranh luận quá đà không cần thiết của những người đứng từ góc nhìn quan điểm khác nhau và từ những khoảng cách thế hệ khác nhau.

Tân nhạc Việt Nam thực ra chưa có bề dày và lối viết ca khúc xưa nay vẫn ảnh hưởng theo nền tảng truyền thống (dân ca) kết hợp với những gì du nhập từ phương Tây hồi đầu thế kỷ 20. Đó là ca từ của ca khúc thường giàu tính văn học, giàu chất thơ. Chính chương trình "Bài hát Việt 2015" cũng đưa ra tiêu chí "chất văn học" để đánh giá ca khúc và ở live show "Bài hát  Việt" tháng 10 vừa rồi, hội đồng bình chọn đã quyết định không trao giải ca khúc xuất sắc nhất cũng bởi một phần những ca từ của các ca khúc tham dự còn nghèo nàn, dễ dãi quá.

Nhưng giới trẻ thì lại suy nghĩ khác với thế hệ đi trước của mình. Chúng hình dung mọi thứ nhanh gọn, thẳng thắn và "đời sống" hơn. Lối viết ca khúc của giới trẻ hôm nay bị ảnh hưởng nhiều của văn hóa hip-hop của người Mỹ gốc Phi và bởi thế, sự trực diện trong cách sử dụng ca từ cũng mạnh mẽ hơn. Họ xác lập mục tiêu xây dựng một sản phẩm văn hóa là gì (chẳng hạn như hơi dí dỏm) rồi sau đó sử dụng chính ngôn ngữ gần gũi với đời sống nhất để thể hiện mục tiêu đó. Và trong khi giới trẻ hào hứng với những sản phẩm của mình tạo ra thì thế hệ đi trước lại nhăn nhó cho rằng chúng phản văn hóa và đáng bị loại bỏ khỏi đời sống văn nghệ.

Thực tế, mâu thuẫn thế hệ này đến từ cách nhìn nhận một sản phẩm văn hóa chứ không hẳn do những nguyên nhân kiểu như "giới trẻ hiện nay không còn yêu văn chương nữa nên viết ra những thứ dễ dãi hơn". Từ những ca khúc kiểu như "Vợ người ta", chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn đề rằng trong đời sống văn hóa không chỉ có nghệ thuật mà còn có cả giải trí. Những thứ thuộc về thế giới giải trí, như "Vợ người ta" hay những bộ phim hài nhảm, không nên bị mổ xẻ bằng con mắt coi chúng như tác phẩm nghệ thuật. Chấp nhận sự tồn tại của giải trí như một phần độc lập, tách biệt khỏi nghệ thuật là chấp nhận thị trường và những quy luật của thị trường.

Và vượt trên hết, đừng lo những sản phẩm giải trí tồi có thể làm hỏng giới trẻ. Cứ để "nhạc tung toé thanh niên hòa ca" đi, chúng ta sẽ thấy rõ sức đào thải của thị trường không hề yếu ớt chút nào. Đơn cử, đã từng có những sản phẩm kiểu như "Làn da nâu" bị thị trường thẳng tay gạt bỏ bởi cuối cùng, mục tiêu duy nhất của nó là "giải trí" đã không thể đạt được. Sự đào thải đó mới chính là thước đo quan niệm, tư duy, trí tuệ của giới trẻ chứ không chỉ những tác phẩm nghệ thuật giàu chất thơ.

Đan Anh
.
.