Hài tình huống: Tiếng cười ngày càng đơn giản!

Chủ Nhật, 06/12/2015, 08:00
"Ơn giời, cậu đây rồi" mùa thứ hai đã quay trở lại vào khung giờ vàng mỗi tối thứ 7 hằng tuần trên VTV3. Sự nồng nhiệt, háo hức, kỳ vọng của khán giả về chương trình vẫn còn, nhưng những gì mà "Ơn giời, cậu đây rồi" mang đến trong mấy tuần gần đây đã khiến khán giả thất vọng. Tiếng cười từ những tình huống kịch khiên cưỡng, thậm chí lố bịch, dễ dãi rất phản cảm phải chăng đã nói lên một điều: Khi nhà đài có một format chương trình tốt nhưng ê kíp thực hiện không xây dựng được kịch bản hay, không sáng tạo được tình huống hấp dẫn, không có sự trường sức của những tài năng thực thụ thì chương trình tự đi vào con đường đào thải của chính khán giả.

Gây cười bằng tình huống nhạy cảm

Trấn Thành và Trường Giang đang bị chỉ trích khá nhiều vì "có hành vi thái quá" với các khách mời nữ khi tham gia chương trình "Ơn giời, cậu đây rồi" 2015. Nhiều trang báo mạng đã không ngần ngại giật tít là Trấn Thành, Trường Giang "cưỡng hôn" người chơi, "thả dê" trên sân khấu hài kịch…

Trong tập 4 của chương trình, Trấn Thành đã khiến khách mời là diễn viên Phương Trinh Jolie kinh ngạc vì màn cưỡng hôn được cho là không liên quan gì đến tình huống kịch. Trấn Thành và Phương Trinh Jolie vào vai một cặp tình nhân yêu nhau lén lút, dựa trên câu chuyện tình yêu của ma cà rồng Edward. Để thể hiện tình yêu của mình, Trấn Thành đã ôm chặt, hôn lên má Phương Trinh Jolie. Chưa hết, khi hai người ngã xuống khu vực đồi thông, Trấn Thành tiếp tục ôm, hôn Phương Trinh Jolie khiến nhân vật khách mời phải lên tiếng đề nghị "tạm dừng cuộc chơi".

Cảnh "cưỡng hôn" của “Trưởng phòng” Trấn Thành và khách mời Phương Trinh Jolie bị đánh giá là phản cảm, không phù hợp với tình huống kịch.

Cũng trong tập 4, Trường Giang khiến diễn viên Kim Tuyến "đỏ mặt" vì màn cưỡng hôn táo bạo. Trong tiểu phẩm, Trường Giang vào vai hoàng thượng đương triều còn Kim Tuyến vào vai Hoàng hậu nương nương. Để nói lời xin lỗi Hoàng hậu nương nương, Trường Giang đã lao tới, ôm cổ, hôn lên má Kim Tuyến kèm theo lời nói: "Ngàn lần xin lỗi nàng". Trước đó, trong tập thứ 3, khách mời Vân Trang cũng phải đối mặt với tình huống oái oăm do trưởng phòng Trường Giang và Chí Tài đưa ra. Trong tiểu phẩm, Vân Trang và Trường Giang không ngại diễn cảnh ôm ấp nhau. Có đoạn, Vân Trang đã dùng sức, quặp hai chân lên người Trường Giang gần một phút để thoát khỏi sự giằng co của hai hồn ma trinh nữ xấu xí xuất hiện trong công viên.

Trong tập 5, lên sóng hôm 28/11 vừa qua, diễn viên Chipu cũng không ngần ngại chia sẻ đại ý rằng, cô "sợ" nhất gặp phải trưởng phòng Trấn Thành vì nghệ sỹ này hay "thả dê" trên sân khấu. Diễn viên Quý Bình liên tục bị Trấn Thành làm khó khi thường xuyên đề cập đến vấn đề tình yêu đồng tính, với những câu nói rất "nhạy cảm" như "môi không phải để biện hộ mà để chạm vào nhau", hay "ngay cả long bào còn cho ngươi được thì lông gì ta không cho ngươi được"… Diễn viên Trương Thế Vinh cũng liên tục bị trưởng phòng Việt Hương đòi hôn khi hai người vào vai đôi tình nhân sinh viên sống thử phải tìm cách che giấu ông bố ở quê lên.

Tương tự như vậy, "Bí mật đêm chủ nhật" một chương trình hài kịch tình huống phát sóng trên kênh Truyền hình TP Hồ Chí Minh kết thúc cách đây không lâu cũng bị chỉ trích là gây cười lố, phản cảm. "Nổi bật" nhất trong chương trình này là trào lưu giả gái. Theo thống kê, có đến hơn 2/3 chương trình "Bí mật đêm chủ nhật" có màn giả gái. Các diễn viên hài giả gái và sự tung hứng của các diễn viên, khách mời cũng xoay quanh chuyện giới tính, động tác chụp, vỗ vào những phần nhạy cảm của nhau để gây cười. Dù biết rằng, giả gái là thủ pháp gây cười khá hiệu quả và được các danh hài triệt để khai thác nhưng sự lạm dụng thủ pháp này lại gây nên "tác dụng phụ", không như mong muốn của nhà sản xuất.

Đâu rồi giá trị đích thực của hài kịch?

"Ơn giời, cậu đây rồi" 2014 từng được đánh giá là chương trình hài kịch ăn khách, hấp dẫn nhất. Với format mới lạ, đặc biệt là cách xử lý tình huống linh hoạt, thông minh, ứng biến, tung hứng nhịp nhàng của các diễn viên và khách mời không theo kịch bản định sẵn đã đem đến những tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Tuy nhiên, "Ơn giời, cậu đây rồi" 2015 đã không "kế thừa" và "phát huy" được những ưu điểm của mùa trước. Kịch bản nhàm chán, nhạt nhòa, tình huống thiếu độ sâu sắc mà thay vào đó là những chi tiết gây cười vụn vặt.

Bên cạnh đó, sự thiếu vắng của những gương mặt mới cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng "hụt hơi" của sân khấu kịch. Quanh đi quẩn lại, những chương trình ăn khách, đình đám nhất đều có sự xuất hiện của một số danh hài phía Nam như Hoài Linh, Chí Tài, Trường Giang, Trấn Thành, Việt Hương… Có thể sân khấu Việt không thiếu những danh hài trẻ, tài năng nhưng họ vẫn đang "ẩn náu" ở đâu đó, chờ cơ hội phát triển. Với các nhà sản xuất truyền hình, yếu tố quan tâm hàng đầu là lợi nhuận và các danh hài tên tuổi có khả năng bảo đảm cho sự ăn khách của chương trình. Chính điều này dẫn đến sự "quá tải", "bội thực" một số gương mặt hài quá quen thuộc.

Một người dù tài giỏi đến đâu thì sự sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật cũng cần có thời gian để bồi đắp, tái tạo sức lao động. Ngay cả như Hoài Linh - danh hài có duyên và sức ảnh hưởng hàng đầu showbiz Việt hiện nay cũng khiến khán giả cảm thấy thất vọng bởi sự nhàm chán trong diễn xuất. Xuất hiện ở quá nhiều sân chơi truyền hình, từ Trung ương đến địa phương, từ Bắc chí Nam, với nhiều vai trò khác nhau như MC, giám khảo, diễn viên… nên cái tên Hoài Linh bắt đầu khiến khán giả cảm thấy nhàm chán. Những lời nhận xét của anh đã không còn dí dỏm, sâu sắc như những năm trước, thay vào đó là những câu na ná nhau như: "Cảm ơn các bạn đã đem đến cho khán giả những tiết mục hài thú vị" hay "bạn đã mang đến một tiết mục xuất sắc"…

“Trưởng phòng” Trường Giang và màn hôn má khách mời Kim Tuyến bị phê là quá đà.

Có thể nói rằng, trong những năm gần đây, hài kịch ngày càng phát triển và trở thành món ăn tinh thần phổ biến trong đời sống xã hội. Sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của những nhà sản xuất là không ngừng tìm tòi cách thể hiện mới. Kịch tình huống được công chúng đón nhận vì sự mới lạ, tự nhiên, đầy ngẫu hứng. Với loại hình này, sự thành công hay thất bại của tiểu phẩm phụ thuộc rất lớn vào khả năng diễn xuất, ứng biến của diễn viên cũng như khách mời. Nếu khách mời không linh hoạt, dí dỏm, hài hước thì kịch tình huống coi như thất bại. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng đã đưa vào sử dụng những sân khấu kịch "phi truyền thống" như sân khấu nghiêng, sân khấu nằm; yêu cầu các diễn viên đóng tiểu phẩm phải hoán đổi liên tục các tư thế trên sân khấu là đứng, nằm, ngồi; "diễn viên hai trong một" - tức là một diễn viên diễn xuất bằng lời nói, còn diễn viên kia thể hiện hành động qua điệu bộ, tay chân… Những thay đổi về hình thức thể hiện này góp phần tạo nên sức hút của hài kịch nói chung, hài tình huống nói riêng.

Tuy nhiên, sự đổi mới, phát triển hài kịch không chỉ dừng lại ở sự thay đổi hình thức thể hiện mà cái quan trọng và cốt lõi nhất là nội dung tác phẩm. "Dạo qua" các chương trình hài kịch trên truyền hình, quanh đi quẩn lại vẫn là những tình huống, bối cảnh cũ… Yếu tố hài hước ngày càng ít đi, thay vào đó là sự nhàm chán và phản cảm. Chương trình hài kịch thì nhiều, lên sóng rầm rộ trên các kênh sóng nhưng để "điểm danh" tiểu phẩm thực sự hấp dẫn, sâu sắc thì lại vô cùng khó khăn. Tiếng cười đang được tạo ra từ những chi tiết nhạt nhẽo, vô vị và các diễn viên không ngừng "bày trò" để gây cười cho khán giả.

Khán giả luôn tự hỏi rằng, giá trị đích thực của hài kịch nằm ở đâu? Đồng ý rằng, nghệ thuật cũng như hài kịch phải có yếu tố giải trí, nhất là với hài kịch thì yếu tố gây cười cho khán giả là rất quan trọng. Tuy nhiên, giá trị của hài kịch không đơn thuần nằm ở yếu tố gây cười mà còn phải thực hiện chức năng khác của nghệ thuật là giáo dục và định hướng thẩm mỹ. Hài kịch phải là những tiếng cười sâu sắc, là "vitamin cười" để qua đó đấu tranh, phê phán với thói hư, tật xấu trong xã hội. Để làm được việc đó, hài kịch cần rất nhiều thứ, đặc biệt là vấn đề kịch bản. Kịch bản hay, sâu sắc thì diễn viên mới có "đất" diễn, không phải "nặn" ra những chi tiết gây cười vụn vặt. Khi nào còn coi trọng yếu tố giải trí, câu khách mà quên đi giá trị đích thực của hài kịch thì khán giả sẽ vẫn còn phải xem hài nhảm nhí. Điều gì sẽ xảy ra khi tiếng cười vượt qua ranh giới của sự nhạt nhẽo và nhảm nhí? Phải chăng, đó sẽ là cái bi của chính hài kịch?

Tường Phạm
.
.