Tản văn

Hạ thấp và đề cao

Thứ Năm, 02/08/2012, 10:27

Tôi có gần một phần tư thế kỷ làm phóng viên, biên tập viên một tờ báo của Nhà nước. Nói như mọi người vẫn nói là: "Nói chung, tôi luôn luôn hoàn thành tốt mọi việc được giao". Vậy mà vẫn không được gọi là công chức. Thế mới lạ!

Một đồng nghiệp của tôi to nhỏ:

- Anh muốn được chính danh thì phải đi …thi.

Tôi bộc bạch:

- Tôi già rồi, ngại thi cử lắm. Được thêm mấy đồng lương còi, cũng chẳng giải quyết được gì. Với lại, nếu muốn đi thi, thì lại phải có bằng đại học báo chí kia.

Nghe tôi "bộc bạch", đồng nghiệp của tôi tỏ ra ái ngại:

- Chả nhẽ người như anh, đến bây giờ,  mà vẫn chưa…ư?

Tôi nói luôn:

- Không phải chưa…Tôi có bằng Tổng hợp văn từ lâu lắm rồi. Nhưng theo quy định, đối với người làm báo, dù có bằng cử nhân văn chương, vẫn không đủ tiêu chuẩn để thi công chức. Mà muốn có tấm bằng báo chí thì chí ít cũng phải mất thêm mấy năm đèn sách nữa. Với tôi, cái giá phải trả ấy, hơi mất thì giờ. Tôi nghĩ, không phải cứ có bằng báo chí là làm báo giỏi, cứ có bằng văn chương là làm văn chương hay. Ở đời, thiếu gì người làm báo, làm văn thành đạt, có khi lại không có bằng đại học hoặc có bằng đại học ở một ngành khác, chẳng liên quan gì…Bởi vì, ngoài việc học ở nhà trường, con người ta còn tự học và học ở ngoài đời nhiều lắm.

Vậy là rốt cục, khi đã U60, tôi vẫn chưa phải là công chức chính ngạch.

Chuyện liên quan đến "công chức" rắc rối là vậy. Thế còn chuyện liên quan đến "nhà" thì sao đây?

Cách đây không lâu, một người bạn của tôi kể một chuyện: Có một ông là trưởng chòm một câu lạc bộ những người yêu thơ. Trong một cuộc sinh hoạt thường kỳ, ông này diễn một chiêu rất không… giống ai với ý đồ "bốc thơm" đậm nét: "Người trồng cấy gọi là "nhà nông". Người dạy học gọi là "nhà giáo"…Còn chúng ta làm thơ thì gọi là "nhà thơ". Hôm nay, tôi xin chào các nhà thơ và công nhận các vị là những nhà thơ. Nhân tiện, tôi cũng xin thông báo: Sắp tới, chúng ta sẽ in một tập thơ, đề nghị mỗi "nhà"  hãy chuẩn bị dăm trăm nghìn đồng. Đây là tập thơ đầu tay của chúng ta. Sau này, sẽ có nhiều tập thơ kiểu như thế này, tiếp tục ra đời. Và như vậy, cũng có nghĩa là chúng ta sẽ có nhiều nhà thơ ra đời. Cuối cuộc gặp mặt này, các nhà thơ hãy nhanh chóng nộp tiền cho tôi".

Nghe ông này nói, một người vui tính vặn vẹo:

- Chả nhẽ mấu chốt của vấn đề là "Hãy nhanh chóng nộp tiền cho tôi" sao? Chả nhẽ để trở thành một nhà thơ, chỉ đơn giản thế thôi ư? Vậy thì nước ta có quá nhiều nhà thơ. Dễ hiểu vì hễ là người Việt, trong đời ai chẳng có lúc cầm bút viết dăm ba câu thơ hoặc dăm ba câu văn vần, kiểu như "Năm nay cụ đã bảy mươi/ Xem ra còn trẻ hơn hồi sáu nhăm"; "Du khách toàn là người quen/ Vừa đi vừa ngắm hô-ten, nhà hàng/ Du khách toàn là người sang/ Vừa đi vừa ngắm nhà hàng, hô- ten"…Theo tôi, đây là một kiểu "phong" danh hiệu nhà thơ quá ư dễ dãi và vô hình trung đã hạ thấp danh hiệu nhà thơ.

Lại một chuyện khác. Năm ngoái ở tỉnh Q., có một người làm thơ lâu năm tên là T. đoạt liền một lúc 2 giải thưởng (một giải nhì về thơ và một giải nhì về ca từ trong một ca khúc cũng đoạt giải nhì) trong một cuộc thi thơ và ca khúc về biển đảo do báo V. tổ chức. Sau đó không lâu, dư luận ngợi khen và gọi người đoạt giải kép trên nhà nhà thơ T.

Ngay lập tức, có một nhà văn tên là L. - người vừa trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (không hoàn toàn qua con đường văn chương) đã lên tiếng. Nhà văn L. cho rằng: Không nên gọi ông T. là nhà thơ vì ông T. chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Theo ý ông L., chắc chỉ những ai như mình mới được gọi là "nhà" chăng?

Theo tôi, đây là một kiểu đề cao danh hiệu nhà thơ đến mức không cần thiết

Ngọc Trân
.
.