Hạ tầng vật chất, hạ tầng ý thức

Thứ Năm, 19/01/2017, 15:05
Kẹt xe, tắc đường có lẽ là hai vấn đề nổi cộm nhất của hai đô thị lớn, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong suốt thời gian qua, đặc biệt là thời gian cận Tết Nguyên đán. Nếu chúng ta mở facebook của mình lên, và xem các chia sẻ của bè bạn ở Hà Nội, chắc chúng ta sẽ cảm thấy hoảng sợ thế nào với những tấm ảnh, những dòng trạng thái mà họ nói về tình trạng tắc đường diện rộng. 


Giữa mùa Đông giá rét, mưa phùn, việc cả đoàn người chôn chân hàng giờ đồng hồ không qua được một nút giao thông qủa thực là một ám ảnh nặng nề. Và với hình dung về việc người nhập cư tiếp tục đổ về hai đô thị ấy mỗi năm, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng, thời điểm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh quá tải đã rất gần, nếu không nói bi quan là nó đã xảy ra rồi.

Trong bối cảnh ấy, việc Hà Nội treo giải 200 ngàn USD cho sáng kiến chống tắc đường cũng như chuyện ở thành phố Hồ Chí Minh có ý tưởng về việc xây dựng hệ thống cáp treo từ Công viên Hoàng Văn Thụ và công viên Gia Định đi vào sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy chúng ta đang vô cùng bối rối với tình trạng kẹt xe, tắc đường “mãn tính” ấy. Nó đẩy chúng ta vào một bế tắc lớn, và chúng ta vùng vẫy muốn thoát ra ngay lập tức bởi mỗi ngày, sự bế tắc kia càng bóp nghẹt chúng ta hơn, khiến chúng ta hoảng sợ hơn về sự phình to và giãn nở của dân số trong khi không gian đô thị lại quá chật hẹp.

Kẹt xe luôn là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông tại các đô thị lớn hiện nay.

Đúng lúc đó, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là rất đáng lưu ý. “Làm mới hạ tầng rồi mới làm nhà cao tầng”, quan điểm ấy của Thủ tướng là điều phải thực thi mà chúng ta đã bỏ quên suốt nhiều năm qua.

Một công trình xây dựng mới không thể tự thân nó độc lập tồn tại so với quy hoạch chung của cả một khu vực, một vùng, nếu không nói là cả một thành phố. Chính vì những công trình được làm mới theo kiểu phát triển bong bóng, bỏ qua mọi đòi hỏi, yêu cầu bức thiết về quy hoạch chung đã khiến tình trạng giao thông ngày một hỗn loạn hơn.

Và cũng từ khía cạnh này, chúng ta nhận ra rằng, quy hoạch đô thị của Việt Nam đang rất thiếu khoa học, nên từ đó, các ý tưởng đối phó, vội vàng kiểu như “đề xuất làm cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất” mới được đưa ra và chắc chắn sẽ gây ra những bất cập cho quy hoạch đô thị trong tương lai gần.

Việc sắp xếp lại các khu vực trong các đô thị thực sự là việc cần phải thực hiện ngay và một khi có một quy hoạch chuẩn được đưa vào thực tế, lưu lượng giao thông mới được điều tiết ổn thỏa. Đơn cử như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, khu trung tâm không thể nào được sử dụng là nơi đặt các công sở, văn phòng, chung cư cao cấp được nữa. Nó phải trở thành khu vực phục vụ du lịch, dịch vụ của thành phố.

Các khu dân sinh, như dạng chung cư, phải được quy hoạch về một vùng riêng của thành phố, và thường là vùng ngoại vi. Việc điều tiết lượng dân cư tập trung theo giờ hàng ngày một cách thực sự khoa học sẽ là điều kiện tiên quyết để quyết định khu vực nào là khu vực kinh doanh, sản xuất, văn phòng, khu vực nào là khu vực sinh sống, khu vực nào là khu vực vui chơi giải trí, khu vực nào là khu vực của giáo dục bậc đại học trở lên.

Chúng ta hiện đang ở tình trạng “nước chảy chỗ trũng”, tức là ở giờ cao điểm của mỗi ngày, dân cư toàn thành phố gần như đổ dồn vào một khu vực nào đó và từ đó, sự hỗn loạn trong giao thông cũng là tất nhiên.

Song, việc cải tạo hạ tầng vật chất như kể trên chỉ là một yếu tố, yếu tố cần. Yếu tố đủ vẫn phải là hạ tầng ý thức của dân chúng. Hạ tầng ý thức trong tham gia giao thông quyết định rất nhiều tính kỷ luật của luồng giao thông ấy. Không thể phủ nhận, nhiều người Việt hôm nay tham gia giao thông rất “ích kỷ”, với mục đích chỉ cần mình thoát là đủ và họ sẽ tìm mọi cách, kể cả phạm luật, để đạt mục đích của mình. Sự tắc nghẽn đơn thuần trở thành hỗn loạn cũng là bởi thế. Và chúng ta có thể quả quyết rằng, tắc đường là do hạ tầng vật chất còn kém, còn hỗn loạn giao thông là do hạ tầng ý thức còn quá kém.

Song song với hạ tầng ý thức chính là hạ tầng tri thức. Hiểu biết về quy hoạch, quy hoạch và xây dựng một cách thông thái là thứ chúng ta gần như còn thiếu lúc này. Bởi vậy, chúng ta không có đô thị đẹp mà chỉ có đô thị ngày càng bị tàn phá bởi sự thiếu tôn trọng các giá trị văn hoá và lịch sử của chính những người sinh sống và chịu trách nhiệm với đô thị mình đang sinh sống.

Hạ tầng là điều quan trọng nhất. Và nếu coi Chính phủ là thượng tầng, thì hạ tầng chính là mỗi chúng ta. Nếu mong mỏi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh của mình trở thành những đô thị hiện đại, chính hạ tầng ý thức, tri thức phải được cải thiện trước. Đồng thời với đó, quyết sách của Thủ tướng Chính phủ cũng phải được coi là mệnh lệnh, được thực hiện một cách rốt ráo và khoa học nhất.

Hà Quang Minh
.
.