Kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015)

Giữ bút sắc lòng trong

Thứ Năm, 25/06/2015, 08:00
Rõ ràng chúng ta có thể nhìn thấy gần đây, ở một số tờ báo, nhất là báo mạng, đã làm méo mó bức tranh xã hội, do khai thác và thông tin quá nhiều mặt trái xã hội, nên bạn đọc cảm thấy dường như bức tranh xã hội trở nên tăm tối và đây chính là vấn đề của báo chí trong thời điểm hiện nay. Báo chí phải tự điều chỉnh về ngưỡng "chấp nhận được" ở cả góc độ người đọc, dư luận và cơ quan quản lý nhà nước"... 

Khi nhà báo... giật mình

Đúng dịp kỉ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội đồng giải báo chí quốc gia lần thứ 9 năm 2014 đã họp, thông báo kết quả. Trong số 1.468 tác phẩm dự thi, Hội đồng đã chọn 177 tác phẩm vào chung khảo, 118 tác phẩm được chọn trao giải gồm 9 giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải khuyến khích. Lễ trao giải sẽ diễn ra đúng tối 21/6 tại Cung Văn hóa lao động Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam. Đây được coi là hoạt động thường niên quen thuộc những người làm báo nhiều năm qua, một sự tưởng thưởng xứng đáng cho đội ngũ báo chí và sự tri ân với bạn đọc, công chúng đã đồng hành cùng những người làm báo suốt hành trình 9 thập niên dằng dặc...

Kể từ ngày 21/6/1925, thời điểm ra đời tờ Báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập ngay giữa đêm trường nô lệ, đội ngũ những người làm báo Việt Nam đã có một sự trưởng thành vượt bậc. Theo suốt tiến trình lịch sử, những người làm báo, hết lớp này đến lớp khác, hết thế hệ này đến thế hệ khác, trực tiếp tham góp vào tất cả các sự kiện trọng đại của dân tộc và đã để lại dấu ấn không thể phai mờ theo tháng năm. Một chặng đường vẻ vang đã được xây đắp nên bằng công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao thế hệ những người làm báo trong dặm dài 90 năm qua.

Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia họp báo về Giải Báo chí Quốc gia năm 2014.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là khi Internet bùng nổ, xâm lấn vào tận ngõ ngách cuộc sống thường ngày của mỗi cá nhân, những người làm báo đã đồng nghĩa với việc phải đương đầu cùng nhiều trở ngại, thách thức. Số lượng đầu báo, kể cả báo mạng lẫn đài truyền hình, phát thanh ngày một nhiều, tiếc thay chưa tỉ lệ thuận với chất lượng thông tin, chất lượng thẩm mỹ được nâng lên.

Ngược lại, người đọc báo, xem truyền hình đương đại đang có "khoái cảm" nhặt "sạn" báo chí, và tất nhiên đó là công việc không hề phải dụng tâm hay mất thời gian gì nhiều, bởi "sạn", những sai sót, kể cả những lệch lạc phản cảm trên báo đã thành chuyện thường ngày...

Đáng tiếc hơn nữa là có cả những nhà báo đã vi phạm pháp luật, phải đứng trước vành móng ngựa và tự biến mình thành "tin" cho các đồng nghiệp dõi theo, thao tác.

Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, chiếu theo luật hiện hành, đã có những quyết định xử phạt thuộc hàng "kỷ lục" với các cơ quan báo chí truyền thông lẫn các nhà báo vi phạm, đúng như Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã khẳng định: "Không một cá nhân và không một tổ chức nào có quyền đứng ngoài pháp luật, kể cả các cơ quan báo chí và nhà báo, phóng viên báo chí. Luật pháp cần phải được tôn trọng và việc sống, làm việc tuân thủ theo pháp luật phải được được đặt lên hàng đầu, nên việc kiểm soát chính đáng có mục đích duy trì trật tự là điều không thể phủ nhận được. Dư luận cũng đòi hỏi phải được nhìn thấy một bức tranh khách quan, toàn diện của xã hội dưới hình thức thông tin báo chí.

Rõ ràng chúng ta có thể nhìn thấy gần đây, ở một số tờ báo, nhất là báo mạng, đã làm méo mó bức tranh xã hội, do khai thác và thông tin quá nhiều mặt trái xã hội, nên bạn đọc cảm thấy dường như bức tranh xã hội trở nên tăm tối và đây chính là vấn đề của báo chí trong thời điểm hiện nay. Báo chí phải tự điều chỉnh về ngưỡng "chấp nhận được" ở cả góc độ người đọc, dư luận và cơ quan quản lý nhà nước"...

Năm 2015 được coi là năm bản lề trong việc thực hiện Đề án quy hoạch và phát triển báo chí đến năm 2025. Nhiều khó khăn còn tiếp diễn, những xáo trộn (có thể) sẽ diễn ra nhưng trên một lộ trình có sẵn, những người làm báo luôn tin và hy vọng, con đường đi sẽ quy củ, đúng định hướng và lạc quan hơn rất nhiều... 

Nhà báo Hữu Thọ: Thời tôi không ai làm báo như vậy!

Đều đặn mỗi năm ra ít nhất một quyển sách, vẫn cập nhật các tin tức thời sự diễn ra hằng ngày trên khắp đất nước, theo dõi sát sao các hoạt động báo chí đương thời, có cơ hội trực tiếp nói chuyện, giảng dạy, truyền kinh nghiệm cho các đồng nghiệp trẻ..., nhà báo lão thành Hữu Thọ chưa giây phút nào bớt suy tư trăn trở về nghề, dù sức khỏe của ông mỗi lúc lại một thêm hư hao...

Nhà báo Hữu Thọ.

- Thưa nhà báo Hữu Thọ, mỗi dịp 21-6 đến, nhiều người làm báo trẻ lại có dịp nhớ về câu chuyện Đoàn Xá, nhớ thời kì nhà báo Hữu Thọ đã rất can đảm và kiên trì ủng hộ hợp tác xã Đoàn Xá ở Hải Phòng tiên phong thực hiện khoán trong nông nghiệp, ủng hộ những nhân tố tích cực làm động lực cho sự phát triển của xã hội?

+ Chúng ta làm báo cần phải hiểu, sự đổi mới, nhân tố mới nào cũng có tính phủ định một phần hoặc toàn bộ những chính sách đương thời, vậy việc ca ngợi, tuyên truyền về nhân tố mới đều phải tế nhị. Chính sách nào cũng động chạm đến tập thể, đặc biệt là con người. Chống tiêu cực là công việc hết sức gay gắt nguy hiểm. Ủng hộ đổi mới trong thời kì đổi mới cũng không kém phần nguy hiểm.

Đồng chí Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân thời kì ấy khuyên chúng tôi khi viết chớ có lập luận mơ hồ, đừng lí luận phức tạp, mà phải đi từ thực tiễn, người làm báo phải nắm chân lí từ thực tiễn. Đường lối nào, sự đổi mới nào cũng bắt đầu từ hành động, hành động nào cũng bắt đầu từ cơ sở chứ không phải từ trong phòng giấy. Đoàn Xá ở Hải Phòng đi đầu trong khoán "chui". Nhưng chủ nhiệm hợp tác xã lại bị "treo" thẻ Đảng. Lúc về Đoàn Xá, chúng tôi nghe tin Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đang công tác ở Hải Phòng, nên buổi tối đến nhà khách tìm cách gặp Thủ tướng cốt minh oan cho đồng chí chủ nhiệm. Tuy nhiên, nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chỉ một câu chúng tôi đã vỡ lẽ, à thì ra các đồng chí lãnh đạo cũng nắm được thông tin, nắm được tình hình: "Ủng hộ sự nghiệp đổi mới phải ủng hộ từ khi còn là cái nụ cái mầm, chứ khi đã thành hoa rồi ai cũng vỗ tay hoan hô thì cần gì nữa".

- Nhưng người làm báo bây giờ khác với thời của ông, đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Và cũng hình như chưa có giai đoạn nào, báo chí lại đương đầu với nhiều áp lực đến từ chủ quan lẫn khách quan như hiện tại, thưa ông? 

 + Theo cá nhân tôi, chưa thời nào báo chí chúng ta lại sa sút uy tín nghiêm trọng như trong hai năm 2013, 2014. Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ đến việc nhà báo có thể ngồi ở nhà nghe vợ đi chợ về kể chuyện bố chồng con dâu quan hệ với nhau bị tai nạn mà dám viết bài rồi gửi ra Đài báo ở Trung ương. Sai đến mức đấy, ẩu đến mức đấy thì dễ hiểu sao uy tín nhà báo thê thảm thế này.

Báo chí là một thế lực, báo chí không thể là quyền lực thứ tư vì báo chí không ra lệnh được cho ai nhưng báo chí là một thế lực. Bây giờ có ba thế lực đang tồn tại chi phối toàn bộ xã hội là thế lực chính trị, thế lực tài chính và thế lực truyền thông. Cả hai thế lực kia đều muốn được thế lực truyền thông ủng hộ. Nhà báo không cảnh giác rất dễ bị lạm dụng. Sự lạm dụng uy tín nhà báo trên bốn phương diện: Qua báo chí tạo ra dư luận xã hội đề cao cá nhân; lợi dụng nhà báo hạ đối thủ cạnh tranh; lợi dụng nhà báo để trả thù cá nhân hay che chắn tội ác bảo vệ tội phạm. Thi vào trường báo chí hiện nay điểm cũng cao ngất ngưởng. Là vì người ta nghĩ nghề báo có khả năng kiếm được tiền, lại dễ dàng nổi tiếng.

Một số ít các nhà báo cũng đang lạm dụng quyền của mình làm hại cho xã hội như ép doanh nghiệp quảng cáo, viết bài khen chê theo hướng quảng cáo, mang thư bạn đọc đi đe dọa, hùa vào đánh thuê. Tiền tài danh hão đã làm hại nhiều ngòi bút. Người làm báo có mối quan hệ rất rộng nên cũng có khả năng tham gia vào việc chạy chức chạy quyền. Đây tuy là số ít nhưng lại gây ảnh hưởng rất lớn cho cá nhân, tập thể và xã hội.

- Có những người cho rằng làm báo là công việc mà nghề chọn người. Hơn nữa giới hạn nghề nghiệp của báo chí hiện thời cũng có những lúc rất mong manh, và sự cạnh tranh đào thải cũng luôn căng thẳng, đau đầu nhức óc thưa ông?

+ Người tài thì không bao giờ thiếu việc. Người giỏi có uy tín sẽ không dính vào việc ảnh hưởng đến danh tiếng xây dựng cả đời của mình... Chống tiêu cực luôn là chủ trương đúng. Nhưng nhà báo không thể lợi dụng chủ trương này làm hại doanh nghiệp, làm hại cá nhân, tập thể. Tại sao lại có thể lấy đơn tố cáo đăng lên báo. Đơn tố cáo có cái đúng, có cái sai, người làm báo không xác minh mà lại đăng ngay như thế thì không thể chấp nhận được.

Thời chúng tôi không ai làm báo như thế, thế giới cũng không làm báo như thế. Ngày xưa tôi có đọc được câu, tham gia vào nền kinh tế thị trường có rất nhiều cạm bẫy với báo chí, nhưng chưa hiểu. Giờ thì hiểu rồi. Có thực tiễn nên đã hiểu được. Làm việc gì cũng có ưu điểm, khuyết điểm nhưng làm báo hết sức tránh vì có những khuyết điểm cả đời không sửa được. Anh viết sai, anh cải chính theo đúng luật, tuy nhiên người đọc có đọc tờ báo có dòng cải chính không? Và dù có đọc thì theo tâm lí học, thông tin ban đầu bao giờ cũng gây ấn tượng sâu sắc.

Ông cha ta đã dặn dò: "Đâm dao có lúc liền thương tích. Lời nói theo nhau hận suốt đời". Không thận trọng là nhà báo có thể giết chết cả một doanh nghiệp, một dòng họ, tạo nên những hậu quả xã hội nghiêm trọng. Vẫn biết báo chí đang giai đoạn khó khăn, phải tìm cách thương mại hóa, số phát hành cao mới có quảng cáo có tiền nuôi quân và giữ người viết giỏi. Cơ quan quản lý thông cảm với anh em nên cho ra thêm các số phụ. Sai lầm cũng chủ yếu nằm trong số phụ và những trang thông tin điện tử.

- Cũng có quan điểm rằng, nghĩa vụ của các cơ quan báo chí truyền thông là thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, đúng chức năng quyền hạn được ghi trên giấy phép, thưa ông?

+ Thời tôi còn làm lãnh đạo, tôi cũng từng giải quyết vấn đề này. Ví dụ báo Thanh niên thì ta phải hiểu thế nào, là báo của thanh niên hay báo cho thanh niên. Nếu là báo của thanh niên thì đúng là chỉ cần thông tin các hoạt động của giới trẻ. Còn nếu xác định là báo cho thanh niên thì cần phải cho họ biết tất, vì thanh niên là lực lượng trẻ, là người chủ trẻ của xã hội... nên càng cần phải giúp thanh niên được biết, được tham gia vào tất cả các vấn đề của đời sống, của đất nước.

- Trân trọng cảm ơn nhà báo Hữu Thọ.

Phát huy sức mạnh của truyền thông hôm nay

Cùng một mối bận tâm về vai trò của báo chí và trách nhiệm của người làm báo hiện nay, mỗi cá nhân, từ các nhà quản lí, các nhà báo, nhà nghiên cứu đều có những suy tư trăn trở lẫn đau đáu cho bổn phận, nghĩa vụ chung:

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Trong giai đoạn hiện nay, tác động bởi mặt trái của toàn cầu hóa, trong đó có toàn cầu hóa về thông tin, truyền thông, đặc biệt là tác động của sự bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là Internet; sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, lối sống lệch lạc làm thay đổi thị hiếu của lớp trẻ; âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch, đặc biệt là nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ta, đang đặt ra cho chúng ta những nhiệm vụ mới, đó là vấn đề làm tốt công tác quản lý thông tin mạng; phát huy mặt tích cực; hạn chế, khắc phục những mặt trái của Internet và các phương tiện thông tin, truyền thông mới để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho thanh, thiếu niên; đó là vấn đề phát huy hơn nữa sức mạnh của truyền thông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, coi đó là nhiệm vụ, là mục tiêu tối thượng. Phải có cơ chế phối hợp thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên, liên tục giữa văn hóa với truyền thông. Chúng ta phải coi trọng và đưa nội dung giáo dục lòng yêu nước vào các chương trình giáo dục trong nhà trường.

Các nhà báo đang tác nghiệp khi có sự kiện nóng.

Kích hoạt các giá trị văn hóa từ trong gia đình, nhà trường, xã hội; hình thành văn hóa ứng xử, văn hóa gia đình, cơ quan, công sở, văn hóa chính trị. Cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, đảng viên về vị trí, vai trò của văn hóa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí, phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, báo chí là chủ thể tham gia vào quá trình phát triển văn hóa, truyền phát thông tin mang giá trị văn hóa đến với người dân, là phương tiện để người dân thể hiện quyền được thông tin của mình.

Các phương tiện thông tin đại chúng góp phần quan trọng truyền tải nội dung của văn hóa, từ đó định hướng, xác lập những giá trị tinh thần tích cực của xã hội, tạo nên cơ chế tự điều chỉnh trong mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, truyền thông phải mở rộng về phạm vi, đối tượng, ngôn ngữ, cả trên bình diện quốc tế.

PGS-TS Nghệ thuật học - nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái: Bạn thử bắt đầu một ngày mới bằng việc mở mạng ra xem. Đập vào mắt bạn là biết bao chuyện khủng khiếp, éo le trên trời dưới đất, nhất là chuyện hậu trường của những người nổi tiếng ở trong nước và khắp nơi trên thế giới được cập nhật từng giờ từng phút.

Năm 2014, cả nước có trên 50 chương trình truyền hình thực tế chèn sóng, làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ. Đáng tiếc là báo mạng lẫn truyền hình thực tế phần nhiều đều được chế biến sơ sài, sống sượng, khó tiêu hóa với truyền thống ẩm thực văn hóa của người Việt. Thế nhưng, mặc dù thực tế có đáng để bi quan đến đâu, tôi vẫn tin có rất nhiều nhà báo tử tế, hành nghề với tính chuyên nghiệp cao, đặt trách nhiệm và sự tự trọng nghề nghiệp của mình lên trên hết.

Chắc chắn, không một cơ quan quản lý nào đủ ba đầu sáu tay để quản lý cụ thể được hết từng nhà báo, từng tác phẩm báo chí. Vậy tôi xác định phải tin vào bản lĩnh của từng cá nhân người làm báo, khi có bản lĩnh nghề nghiệp, họ sẽ tự biết mình phải điều chỉnh thế nào để không bị sa chân vào sự quá đà phản cảm. Tôi luôn bảo lưu quan điểm, báo chí là một nghề có thể tự học để thành nghề. Đơn giản, không ai có thể dạy ai thành nhà báo, trừ phi chính người đó muốn trở thành!

Nhà phê bình Nguyễn Văn Thành: Phó trưởng Ban lý luận phê bình - Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam: Cũng là một thách thức lớn bởi thực tế, truyền thông càng hiện đại, càng văn minh, càng có nhiều tiện ích phục vụ đời sống xã hội, lại càng bộc lộ mặt trái không ai mong muốn. Yếu tố khách quan làm nên những khó khăn chính là chúng ta mới tiếp nhận tiện ích của truyền thông hiện đại nên còn nhiều bỡ ngỡ choáng ngợp, thiếu định hướng. Bởi vậy, nếu sự phát triển còn lệch lạc cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Văn hóa truyền thông hiện đang có nhiều hạt sạn lớn.

Éo le nỗi là bóc tách thành công những hạt sạn này không phải việc dễ dàng. Hiện đang có xu hướng nhiều cơ quan báo chí đã nhẹ tay để cỏ dại chen chân nẩy mầm trên mảnh đất lẽ ra phải dành để nhân rộng cái hay, cái đẹp. Tuy nhiên, làm báo giờ quả có khó hơn xưa, vì bản thân nhà báo, cơ quan báo chí cũng phải đối mặt với quá nhiều thách thức, quá nhiều áp lực không dễ gì hóa giải trong ngày một ngày hai, mà áp lực đầu tiên chính là phải sống, phải tồn tại, phải lo nỗi lo cơm áo gạo tiền trong bối cảnh cạnh tranh quá sát sao, gay gắt.

Ngô Hương Sen (thực hiện)
.
.