Gìn giữ nét đẹp văn hóa gia đình Việt Nam

Thứ Tư, 12/05/2021, 10:29
Ngày 20-9-1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15-5 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình (International Day of Families - IDF), với mục đích tôn vinh và khẳng định tầm quan trọng của gia đình trong việc xây dựng cộng đồng và xã hội.


Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa hội nhập quốc tế.

Gia đình hạnh phúc là nền tảng của một xã hội phát triển.

Quá trình mở cửa, hội nhập, những biến đổi tích cực, tính độc lập, năng động, sáng tạo của gia đình được phát huy, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, nó cũng có những tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực xã hội, trong đó có gia đình. 

Tình trạng ly hôn, ly thân, ngoại tình giai đoạn này diễn ra phổ biến hơn bao giờ hết, bạo lực gia đình cũng không giảm, hiện tượng bất bình đẳng trong gia đình vẫn còn, những xung đột, kiện tụng tranh chấp từ nội bộ gia đình cùng những cảnh báo tội ác từ những mâu thuẫn gia đình cũng là hiện tượng không thể xem nhẹ của gia đình Việt Nam hiện nay.

Những người trẻ tuổi có điều kiện kinh tế tìm cách thoát ra khỏi một sự ràng buộc của gia đình và coi đó là một cách tự giải phóng mình, từ bỏ những ảnh hưởng của nền nếp, tư tưởng lạc hậu, lỗi thời. Không chỉ ở thành phố, mà ngay cả ở nông thôn, nam nữ thanh niên khi đã có vợ có chồng, nhất là khi đã có thu nhập ổn định thường tìm cách xoay xở một chỗ riêng, không muốn ở chung với bố mẹ. Những gia đình sống theo truyền thống "Tam đại đồng đường", "Tứ đại đồng đường" cùng chung sống đã ít đi khá nhiều.

Nhu cầu tự do của một số người đã phát triển phức tạp, vượt ra ngoài những định chế của một gia đình nền nếp, một xã hội trật tự ổn định. Không ít gia đình hằng ngày, có khi hằng tuần không thể có một bữa cơm chung đầy đủ cha, mẹ và các con… Muốn thực hiện một buổi sum họp toàn gia đình là rất khó. 

Có người thường xuyên vắng nhà từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya. Khi cần trao đổi với nhau điều gì lại phải giải quyết bằng điện thoại di động. Người già thấy cô đơn lạnh lẽo và hay mặc cảm về sự hiếu thảo của con cái. Trẻ nhỏ chìm vào thế giới ảo… Những mặt tiêu cực đó nếu để kéo dài sẽ dần phá vỡ cấu trúc gia đình, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, mất đoàn kết trong chính nội bộ gia đình.

Ở thời đại nào và trong hoàn cảnh nào thì mỗi người dân Việt Nam cũng cần phải kiên định rằng, gia đình luôn vẫn là tổ ấm, để mãi mãi không bao giờ quên trách nhiệm xây dựng gia đình mình thành một gia đình văn hóa lành mạnh. Thấy rõ tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường vào cuộc sống gia đình như thế để có những biện pháp thích hợp phòng ngừa và xóa bỏ nó có hiệu quả, đồng thời biết phát huy những điều kiện thuận lợi mà thời đại tạo ra cho gia đình.

Từ xưa, gia đình Việt Nam là một trong những môi trường quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức, tác phong, nền nếp sinh hoạt của mỗi cá nhân. Những giá trị truyền thống tốt đẹp như tinh thần yêu nước, yêu lao động, hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, kính già, yêu trẻ... luôn được các thế hệ gia đình Việt Nam trân trọng gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời liên tục bổ sung, tiếp nhận những giá trị mới, tốt đẹp của nhân loại, làm giàu thêm truyền thống của dân tộc.

Ðể gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là "tế bào" lành mạnh của xã hội, mỗi người chúng ta cần xây dựng gia đình hiện đại dựa trên sự kế thừa những truyền thống tốt đẹp của gia đình xưa, chú trọng đến việc giáo dục con cháu tình thương và lẽ phải, sự hiếu thuận, đoàn kết. Mỗi thành viên cần có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của gia đình; nâng niu, chăm sóc và nương tựa lẫn nhau bằng tình thương và sự sẻ chia để góp phần xây dựng nền tảng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Có thể khẳng định rằng, gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi con người. Trước mọi sóng gió của cuộc đời, gia đình luôn là tổ ấm hạnh phúc, là nơi để các thành viên chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn, sự thành đạt cũng như nỗi bất hạnh. Chính nền tảng tốt đẹp của gia đình sẽ tạo môi trường thuận lợi để mỗi người học tập, rèn luyện, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập xã hội.

Mỗi thành viên hãy cùng hành động ngay hôm nay để góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của gia đình mình, góp sức xây dựng một xã hội hiện đại, văn minh, một đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cù Tất Dũng
.
.