Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam:

Gìn giữ cho muôn đời sau

Thứ Tư, 22/07/2015, 08:31
Quyết định thành lập trung tâm là một quyết định liều lĩnh, nhưng sự liều lĩnh ấy là có cơ sở. Tôi là người làm chuyên môn nên tôi nhìn thấy rất rõ thực trạng văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong tôi có một sự băn khoăn dồn nén từ lâu về nguy cơ mai một rất lớn của sân khấu. Nhưng cũng trong nguy cơ ấy tôi lại nhìn thấy tiềm lực của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Trong dòng chảy hổi hả của đời sống, khi những giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một thì có một địa chỉ văn hóa, nơi có những con người đang từng ngày, từng giờ mang hết sức lực, tâm huyết của mình để gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Vượt lên vô vàn khó khăn, 15 năm qua đã ghi dấu những thành quả đáng tự hào của những trái tim đầy nhiệt huyết để Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam không chỉ là nơi hội tụ của đông đảo giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước mà còn trở thành một trong những đơn vị hàng đầu của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Chúng tôi tới gặp Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam (từ đây xin được gọi tắt là "Trung tâm" - TG) sau khi Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập trung tâm vừa được tổ chức ấm cúng, trang trọng. Những tưởng vị giáo sư đã bước vào ngưỡng cửa bát thập, người được mệnh danh là "linh hồn" của trung tâm sẽ có những giây phút nghỉ xả hơi nhưng không phải. Từng chồng bản thảo đầy ắp xung quanh, liên tục những cuộc điện thoại chỉ đạo công việc cho thấy những dự án mới đang chờ ông phía trước.

Nhớ lại quãng thời gian cách đây 15 năm, Giáo sư Hoàng Chương là người đưa ra ý tưởng, đặt nền móng đầu tiên cho việc hình thành trung tâm chia sẻ: "Ngày ấy, có nằm mơ tôi cũng không hình dung được trung tâm sẽ đi vào hoạt động như ngày hôm nay. So sánh thì luôn khập khiễng nhưng với tôi, việc thành lập trung tâm ngày ấy giống như sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Lực lượng Quân đội nhân dân hùng mạnh sau này. Tức là chúng tôi không có gì trong tay cả.

Quyết định thành lập trung tâm là một quyết định liều lĩnh, nhưng sự liều lĩnh ấy là có cơ sở. Tôi là người làm chuyên môn nên tôi nhìn thấy rất rõ thực trạng văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong tôi có một sự băn khoăn dồn nén từ lâu về nguy cơ mai một rất lớn của sân khấu. Nhưng cũng trong nguy cơ ấy tôi lại nhìn thấy tiềm lực của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Những hoạt động của trung tâm như thế này đã góp phần xây đắp tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Chúng ta có nhiều NSND, NSƯT đã về hưu nhưng sức khỏe còn tốt, nhiều nghệ sĩ tài năng ở nhiều địa phương mà không có cơ hội, điều kiện để bộc lộ, thể hiện mình. Tôi thấy tiếc vô cùng. Chính vì nhìn ra được nguồn lực ấy nên tôi đã quyết tâm thành lập trung tâm để huy động được nguồn lực tri thức rất lớn trong xã hội. 15 năm qua, nhiều người đặt câu hỏi là tại sao trung tâm lại thu hút được nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đến thế?

Tôi trả lời là vì tôi nhìn thấy sự khát khao trong họ, khát khao được cống hiến, được phục vụ cho văn hóa nghệ thuật. Sự thực đã có những tài năng, những khát khao không được trọng dụng rất lãng phí. Thậm chí có tài năng đã phải mang sang thế giới bên kia. Điều ấy đáng tiếc vô cùng. Tôi may mắn vì tôi đã khêu đúng vào tâm lý ấy của các văn nghệ sĩ. Tiếp xúc với họ, tôi hiểu rằng, với nhiều người, họ không cần trả lương mà quan trọng hơn là tài năng của họ được trân trọng và được phát huy đúng chỗ".

Giáo sư Hoàng Chương tâm sự những thành tựu mà trung tâm đạt được ngày hôm nay là dựa vào sự ủng hộ rất lớn của nhiều tổ chức, cá nhân từ vật chất tới tinh thần. Ngay sau khi thành lập, trung tâm đã mở màn bằng Hội thảo "Bác Hồ với Đào Tấn". Sự chuẩn bị tài liệu công phu, cách thuyết trình hấp dẫn của nhà văn Sơn Tùng đã giúp cho Hội thảo thành công tốt đẹp, tạo ấn tượng đặc biệt với người tham dự. Ngay sau đó, năm 2001, tọa đàm khoa học "Văn hiến Việt Nam" lại được tổ chức do báo An ninh Thế giới tài trợ ngay tại trụ sở của báo ở 100 Yết Kiêu. Tại hội thảo này, tất cả những văn nghệ sĩ nổi tiếng đều có mặt như Hà Xuân Trường, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh… đã có những lý giải, đóng góp hết sức thuyết phục về "Văn hiến là gì?” Cũng như đề ra định hướng phát triển cho trung tâm và tạp chí Văn hiến.

Một trong những thành tựu lớn không thể không nhắc đến của Trung tâm là dự án "Sân khấu học đường". Giáo sư Hoàng Chương nhớ lại, năm 1999, đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành khi ấy là Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn là người đầu tiên đưa ra ý tưởng làm dự án này. Tuy nhiên, sau khi thực hiện được 1 năm thì dự án có nguy cơ phải dừng lại vì hết hạn tài trợ của UNESCO. Nhìn thấy ý nghĩa xã hội rộng lớn của dự án, Ban lãnh đạo Trung tâm đã quyết tâm bắt tay vào việc chuẩn bị tài liệu, thuyết trình đề xuất lên Chính phủ. Và kết quả là dự án với ý nghĩa giáo dục và thẩm mĩ ấy đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện. Đến nay, dự án đã đi được chặng đường 15 năm với sự ủng hộ của nhiều nhà hát, sân khấu lớn, nhiều nghệ sĩ tài năng trên cả nước. Bộ môn sân khấu cũng đã chính thức được đưa vào trường học.

Khi tai nạn giao thông trở thành một vấn nạn của xã hội, các cơ quan chức năng tìm mọi cách để hạn chế số lượng các vụ tai nạn giao thông. Một trong những biện pháp quan trọng là làm thế nào để nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông. Khi ấy, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã rất tâm đắc với ý tưởng xây dựng văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông nhưng cũng băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu. Trung tâm đã bắt tay vào hợp tác thực hiện dự án này bằng việc huy động được các nghệ sĩ tham gia, tổ chức các hoạt động văn hóa cụ thể. Nhiều cuộc thi vẽ tranh về văn hóa giao thông đã được tổ chức với sự tham gia đông đảo của các em thiếu nhi. Giáo sư Hoàng Chương quan niệm thế hệ trẻ khi đã vẽ ra được, viết ra được tức là đã có ý thức về việc này trong tư duy các em.

Thật khó có thể kể hết những công việc mà Trung tâm đã làm được cho sự bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trong 15 năm qua từ phục hồi nghệ thuật bài chòi trên miền Bắc, phục hồi nghệ thuật quan họ cổ, hát xẩm... Bằng tất cả sự cố gắng và lòng nhiệt tình không mệt mỏi thực hiện chính sách xã hội hóa, trung tâm đã liên kết với các bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố để làm các công trình về văn hóa dân tộc, nghiên cứu về văn hiến và danh nhân các tỉnh, liên kết với các nhà hát nghệ thuật truyền thống tổ chức nghiên cứu và bảo tồn nghệ thuật dân tộc…

Ngoài ra, trung tâm còn liên kết với một số nhà xuất bản, một số địa phương để in ấn, phát hành trong toàn quốc một số cuốn sách, tài liệu về văn hóa, văn hiến một số địa phương. Đặc biệt từ năm 2004, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Trung tâm thực hiện được các đề tài nghiên cứu về nghệ thuật múa rối, hát quan họ, cải lương, về danh nhân Đào Tấn…Không chỉ quảng bá nghệ thuật văn hóa dân tộc ở trong nước, trung tâm còn được một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Đức…đến trung tâm tìm hiểu trao đổi và mời chuyên gia của trung tâm sang nước bạn giới thiệu về văn hóa dân tộc.

Công trình nối tiếp công trình, kết quả của những tháng ngày dốc sức vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống không chỉ được ghi nhận  bằng tấm Huân chương Lao động của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ mà bằng sự tin yêu của các văn nghệ sĩ, bằng tình yêu văn hóa xây đắp cho các thế hệ trẻ. Từ buổi đầu thành lập, trung tâm chỉ có hơn 10 người nhưng đến nay trung tâm đã trở thành nơi hội tụ đông đảo giới tri thức khoa học xã hội, văn nghệ sĩ tâm huyết với văn hóa dân tộc, trong đó phải kể tới sự đóng góp của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Giáo sư, AHLD Vũ Khiêu, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Phạm Thị Thành, NSND Đàm Liên…

Các GS.TS ở nước ngoài như Trần Văn Khê, Nguyễn Thuyết Phong, Thái Kim Lan, nữ danh cầm piano Mỹ Margaret Bartreseur cũng luôn yêu mến và ủng hộ trung tâm… Có những người, công việc luôn bận rộn như Giáo sư Vũ Khiêu nhưng cũng chưa vắng mặt bất kỳ một cuộc họp nào của trung tâm. Luôn đối mặt với những khó khăn về kinh phí, điều kiện hoạt động nhưng đã quy tụ các nghệ sĩ nổi tiếng để rồi năm 2011, 9 cơ quan hội, ngành Trung ương đã đến tìm hiểu học tập kinh nghiệm ở trung tâm về cách quy tụ tài năng và sử dụng tài năng, về việc thi đua thực hiện chính sách xã hội hóa có hiệu quả cao.

Ngồi nghe Giáo sư Hoàng Chương chia sẻ, chúng tôi càng hiểu vì sao một trung tâm với nhân lực ít ỏi, cơ sở vật chất nghèo nàn lại có thể làm được một khối lượng cộng việc khổng lồ như vậy. Bởi mái nhà ấy đã quy tụ được những trái tim tâm huyết luôn làm việc với một mục đích để những thế hệ mai sau biết yêu văn hóa truyền thống mà không đòi hỏi bất kỳ một sự đãi ngộ nào về vật chất cũng như danh tiếng.

Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó còn rất nhiều việc phải làm. Giáo sư Hoàng Chương cũng bày tỏ lo lắng về tương lai của trung tâm, khó khăn về kinh phí làm công trình, đặc biệt về nhân lực quản lý: "Chúng ta không thiếu người tài nhưng làm việc trong điều kiện "tay không bắt giặc" như lâu nay thì không phải ai cũng làm được. Đã từng có những trường hợp được bổ nhiệm nhưng chỉ được mấy tháng họ không làm nữa vì khó khăn quá".

Khánh Thảo
.
.