Giải trí đang "soán ngôi" giải thưởng văn hóa nghệ thuật?

Thứ Sáu, 03/05/2019, 08:24
Năm qua, số phim điện ảnh lên tới gần 40 phim nhưng số lượng tham gia chỉ vỏn vẹn 14 phim. Nếu trước đây giải Cánh Diều giảm sức hút vì cách trao giải "hòa cả làng" thì bây giờ, giải thực sự bị xem là sân chơi của phim giải trí. 


Giải trí “đè bẹp” nghệ thuật?

Mai Quỳnh Nga

“Song lang” thất bại trước “Chàng vợ của em” ở giải Cánh Diều. Đông Nhi lần đầu với tới cúp vàng hạng mục “Ca sĩ của năm” ở giải Cống hiến... Kết quả trên khiến nhiều người theo dõi các giải thưởng văn hóa nghệ thuật chua xót, bởi ngay cả giải thưởng vốn được xem là thuần chuyên môn cũng thực sự nhuốm màu thị trường.

Trái với những đánh giá rất cao của giới chuyên môn dành cho “Song lang” - bộ phim duy mỹ, đậm tính nghệ thuật và đi sâu vào thời hoàng kim của cải lương thập niên 60-70 thế kỷ trước, nhưng khi xướng tên thì phim “Chàng vợ của em” đã được gọi tên ở giải Cánh Diều 2018 khiến công chúng chưng hửng. Công bằng mà nói, “Chàng vợ của em” của đạo diễn Charlie Nguyễn chỉn chu về mọi mặt. Thế nhưng, so với “Song lang” thì  phim hài tình cảm này còn thiếu nhiều điều.

Với tiêu chí “Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực trong năm qua” của giải Cánh Diều, lẽ ra “Song lang” là ứng viên số một.

Dù được đánh giá cao về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật, nhưng phim “Song lang” chỉ giành Cánh diều bạc tại giải Cánh Diều 2018.

Bởi dù “Chàng vợ của em” cuốn hút nhưng nó vẫn triển khai kịch bản từ bộ tiểu thuyết nước ngoài. Trong khi “Song lang” là kịch bản thuần Việt. Độ cuốn hút của “Song lang” cũng không hề kém cạnh, và hơn cả, phim chứa chiều sâu tư tưởng, những tìm tòi khai phá mà dàn giám khảo kỳ vọng.

Nhiều người cho rằng trao Cánh diều bạc cho “Song lang” thì giải Đạo diễn xuất sắc hoặc Kịch bản xuất sắc phải thuộc về tác phẩm này. Tuy nhiên, hai hạng mục quan trọng trên cũng rơi vào hai nhân tố của dòng phim thương mại: đạo diễn Charlie Nguyễn với “Chàng vợ của em” và nghệ sĩ Đức Thịnh của “Siêu sao siêu ngố”.

Cả hai phim là những tình huống tréo ngoe khiến khán giả bật cười chứ ít cài cắm tư tưởng thâm thúy, càng không phải là đại diện tiêu biểu để bạn bè thế giới nhận diện phim Việt Nam vì nó lẫn vào, na ná phim Hàn, phim Thái.

Năm qua, số phim điện ảnh lên tới gần 40 phim nhưng số lượng tham gia chỉ vỏn vẹn 14 phim. Nếu trước đây giải Cánh Diều giảm sức hút vì cách trao giải "hòa cả làng" thì bây giờ, giải thực sự bị xem là sân chơi của phim giải trí. E rằng sự thất bại của “Cha cõng con” tại Cánh Diều 2016 và lần này là “Song lang” khiến giới làm phim nghệ thuật càng thờ ơ với giải.

Các giải thưởng âm nhạc cũng không khá khẩm hơn. Giải Cống hiến được xem là Grammy của Việt Nam, là nơi tôn vinh những nghệ sĩ có khai phá sáng tạo, đầy cống hiến ở dòng âm nhạc đại chúng. Thế nhưng vài năm gần đây, giải này cũng chuyển dịch sang hướng tôn vinh nhân tố đậm màu giải trí thời thượng, rộ theo mốt không khác gì các giải thưởng âm nhạc trực tuyến.

Trước đây, Sơn Tùng M-TP đoạt giải “Ca sĩ của năm” khiến giới chuyên môn giãy nảy thì hiện tại, nhiều hạng mục của Cống hiến là sự lên ngôi của các gương mặt mà giới trẻ ưu ái. Tóc Tiên ẵm giải “Bài hát của năm” với “Có ai thương em như anh”. Nếu so độ tìm tòi, cá tính sáng tạo và ẩn ý nghệ thuật trong giai điệu lẫn ca từ thì rõ ràng bài hát này thua đứt các ứng viên như “Hôm nay tôi buồn” (Phùng Khánh Linh), “Huyền thoại” (Phan Mạnh Quỳnh)...

Ca sĩ Đông Nhi không xa lạ với các giải thưởng nhạc số như Zing Music Awards, Vpop 20 Awards, Pops Awards... nhưng cô là người lạ với Cống hiến. Vậy nên khi Đông Nhi đánh bại Thanh Lam, Lan Anh, Tùng Dương và Bích Phương để giành giải “Ca sĩ của năm” thì chính cô cũng vô cùng ngạc nhiên chứ đừng nói khán giả. Đông Nhi thành thật tâm sự cô không dám mơ có ngày mình chạm vào giải thưởng danh giá này.

Thậm chí, “Chạy ngay đi” của Sơn Tùng cũng lọt vào danh sách đề cử “MV của năm” khi MV này vẫn gây nhiều tranh cãi. Dòng giới thiệu về “Chạy ngay đi” khiến công chúng có cảm giác lượt view khủng do lượng fan hùng hậu của Sơn Tùng ra sức “cày” ngày “cày” đêm đã làm nên chuyện.

Thiết nghĩ, ưu ái cho gương mặt trẻ thì cũng phải chọn những cái tên tài năng, có đột phá bất ngờ đóng góp cho âm nhạc như Thái Vũ, Phùng Khánh Linh, Bùi Lan Hương, Lê Khoa, Lộn Xộn Band, Phan Mạnh Quỳnh...

Thế nhưng ngoài Bùi Lan Hương được tôn vinh ở hạng mục “Nghệ sĩ mới của năm” thì những gương mặt trên hoàn toàn trắng tay. Giải Cống hiến do gần 100 nhà báo mảng văn hóa nghệ thuật bỏ phiếu bình chọn. Sự thắng thế của những gương mặt thuần giải trí cũng dễ hiểu khi các nhà báo ngày càng trẻ hóa nên họ dễ dàng đi theo xu hướng âm nhạc ồn ào bề nổi mà hời hợt bề sâu của giới trẻ hiện nay.

Tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 5 năm lần 2 (2012- 2017) vừa qua, ở hạng mục Điện ảnh, phim điện ảnh chỉ có mỗi “Cô Ba Sài Gòn” và “Thiên mệnh anh hùng”, còn lại là phim tài liệu, phim truyền hình. Cuối cùng “Thiên mệnh anh hùng” giành giải nhất.

5 năm mà chỉ có hai phim điện ảnh dòng thương mại góp mặt thì quả là thiếu sót lớn. Bởi không thiếu phim có chất lượng cao hơn, ít “sạn” so với hai phim trên, vừa hài hòa yếu tố giải trí và nghệ thuật hoặc chỉ thuần nghệ thuật như “Sài Gòn, anh yêu em”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Lô tô”, “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”...

Chính những điều trên khiến giải thưởng văn hóa nghệ thuật dần mất thiêng trong mắt nghệ sĩ lẫn công chúng bởi nó không còn là nơi tôn vinh lao động nghệ thuật đúng nghĩa.

Ca sĩ Ánh Tuyết: Nhiều giải thưởng lợi dụng nghệ sĩ để kiếm chác

Nguyễn Trang (ghi)

Là nghệ sĩ, ai mà không thích mình được tôn vinh, xướng tụng? Nhưng cái quan trọng là mình có xứng đáng với sự tôn vinh đó hay không? Giải thưởng đó là giải thưởng nào, có uy tín, danh giá hay không? Tôi thấy nhiều người nhận giải không hề xứng đáng.

Hồi trước, nghe một nữ ca sĩ hát live trong đêm tôn vinh, trao thưởng, tôi sửng sốt tự hỏi vì sao cô ấy đoạt giải. Cô hát hụt hơi, chênh phô đủ kiểu. Mang tiếng là khán giả bình chọn hoặc có dàn giám khảo, hội đồng chuyên môn nhưng lắm giải do ban tổ chức sắp đặt để phục vụ ý đồ của mình.

Đáng lẽ người ngồi ghế giám khảo phải là những nghệ sĩ tên tuổi, có đẳng cấp và uy tín thì người được trao giải mới thuyết phục công chúng. Đằng này, ai cũng có thể làm giám khảo: từ một ngôi sao mới nổi lẫn những người ở các lĩnh vực khác cũng nhảy vào chấm và phán như đúng rồi.

Giải thưởng kiểu này rất tai hại vì nó tôn vinh không đúng người, khiến khán giả nhầm lẫn các giá trị. Ban tổ chức dắt mũi thị hiếu khán giả, ấn định khán giả thích cái gì bằng những giải thưởng sắp đặt. Một số nghệ sĩ ra sức chi tiền mua giải, vin vào giải để đánh bóng tên tuổi. Ban tổ chức thì bám vào tên tuổi nghệ sĩ để kinh doanh. Chúng ta chỉ cần ít giải thưởng mà trung thực, chính xác nhưng các giải thưởng như vậy quá hiếm.

Cách đây nhiều năm, tôi cũng từng được mời làm khách trao giải ở một giải thưởng âm nhạc lâu năm. Sau khi lên mở phong bì công bố và trao cúp cho ca sĩ đó, tôi trở lại ghế ngồi để nghe cậu ấy hát. Nói thật tôi không hiểu cậu ấy đang hát cái gì. Tôi đỏ mặt tía tai vì quá xấu hổ khi mình được mời trao giải cho một người như vậy. Sau này, Ban tổ chức có mời nhiều lần nhưng tôi luôn tìm cách từ chối.

Hơn 20 năm trước, tôi từng từ chối một giải thưởng vì biết họ lợi dụng mình để kiếm chác. Giải thưởng này tôn vinh nghệ sĩ có đĩa bán chạy nhất trong năm đó. Trong thư mời ghi rõ là người đoạt giải phải biểu diễn trong đêm trao thưởng để ban tổ chức quay video.

Một người đàn ông nói giọng Bắc tự xưng là người của Bộ Văn hóa gọi điện thoại cho tôi để xác nhận tôi có tham gia hay không. Tôi thấy giải thưởng này quá mới, lại do Bộ tổ chức nên gọi điện cho mấy chú, mấy bác nhạc sĩ tên tuổi ở Hà Nội để dò hỏi trước khi quyết định. Ai ngờ các bác cũng không hay biết giải thưởng này.

Điều này làm tôi càng nghi ngờ hơn vì một giải thưởng lớn như thế, toàn tên tuổi uy tín được vinh danh mà sao mấy bác không biết. Tôi bèn mời người đàn ông nói tiếng Bắc tới nhà để tiện trao đổi một số vướng mắc thì nhận ra đó là người em đồng nghiệp. Tôi càng tá hỏa hơn khi biết “chủ xị” giải này là một đồng nghiệp quen thuộc khác. Cậu ta phối hợp cùng Bộ tổ chức để có uy mời các nghệ sĩ nổi tiếng đến nhận giải, từ đó dễ kêu gọi tài trợ và đánh bóng tên tuổi mình. Vụ quay video là để bán đĩa, kinh doanh.

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn: Vực dậy giá trị điện ảnh, Nhà nước không thể thờ ơ

Phan Thi Uyên (ghi)

Hiện nay, thị trường điện ảnh rất sôi động. Nhưng tôi có cảm giác Nhà nước không mấy quan tâm đến điện ảnh nữa. Thị trường điện ảnh gần như thuộc về tay tư nhân, nhất là mảng phim truyện. Trong khi đó, phim truyện là xương sống, là gương mặt của một nền điện ảnh. Các nước trên thế giới coi phim truyện là nơi truyền tải hiệu quả tư tưởng văn hóa dân tộc, mang đậm tính nghệ thuật và các biểu đạt mới mẻ.

Đến dự các liên hoan phim quốc tế hay tuần phim nước ngoài như Nhật Bản, Israel, New Zealand..., chúng tôi nhận thấy phim của họ phản ánh rất phong phú về đất nước, cuộc sống và văn hóa nước họ. Vậy mà ở Việt Nam, chúng ta lại để mặc tư nhân thao túng. Hầu hết hãng phim tư nhân chạy theo lợi nhuận, theo thị trường mà bỏ qua việc khai thác vẻ đẹp văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, đào sâu chất liệu nghệ thuật của điện ảnh thứ 7.

Ngay cả khâu phát hành, Nhà nước cũng thất thế trước tư nhân. Trung Quốc có đến 33.000 cụm chiếu phim nằm trong tay Nhà nước thì chúng ta chỉ có một. TP Hồ Chí Minh là trung tâm của thị trường điện ảnh nước ta nhưng gần như không có rạp nào của Nhà nước mà chỉ toàn của tư nhân, đặc biệt là của những “ông lớn” nước ngoài như CGV, Lotte... 

Do đó nhiều phim hay, quảng bá được văn hóa Việt Nam, có giá trị nghệ thuật sâu sắc thì lại không được lòng các rạp này. Phim hoạt hình, phim tài liệu càng không có chỗ chiếu. Đây là bi kịch rất lớn của người làm phim Việt Nam.

Rạp nằm trong tay tư nhân đã đành, chúng ta lại cho nhập khẩu phim nước ngoài ồ ạt mà không có hạn mức. Trung Quốc mỗi năm nhập 34 phim. Trong khi chúng ta có năm nhập tới 300 phim nước ngoài. Các phim này chúng ta cũng nhập toàn phim giải trí theo dòng hài và hành động mà không mặn mà nhập những dòng phim khác rất nhân văn, rất độc đáo.

Khán giả quen với khẩu vị hài và hành động vì ngay cả phim nội địa cũng chạy theo xu hướng này. Phần lớn số phim trong 14 phim dự giải Cánh Diều 2018 tập trung ở mảng giải trí với dòng hài, hành động. Hài đã bớt nhảm nhưng phim hành động lại na ná, bắt chước phim Hong Kong, Thái Lan cách đây nhiều thập niên. Chúng ta không sợ kiểm duyệt, không sợ thiếu tài năng mà sợ nhất là Nhà nước không quan tâm đến giá trị nghệ thuật của điện ảnh.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi: Hệ quả tất yếu khi vắng bóng phê bình âm nhạc tử tế

Giải thưởng âm nhạc rất quan trọng. Nếu nó đàng hoàng, uy tín, chuyên nghiệp thì tất yếu sẽ như bà đỡ góp công tạo ra một showbiz có giá trị giải trí cao và chất lượng về chuyên môn. Ngược lại, nó sẽ góp phần sinh ra sự hỗn độn và các “giá trị” thảm họa trong âm nhạc.

Việt Nam có quá nhiều giải thưởng âm nhạc nhưng trong đó có nhiều giải manh mún, cục bộ, thiếu uy tín và trên hết là kém chuyên nghiệp. Nhiều khi nó chỉ như trò hề âm nhạc. Nhưng ai cũng ngầm tự cho mình là nhất, là khách quan, là chính xác và… chất nhất! Ban giám khảo thì nhiều người ngồi sai chỗ, người ngồi đúng ghế thì chưa đủ chín hay cái tâm bị bó bột rồi. Hiếm tìm được người tài đức anh minh. Hệ thống và quy cách bình chọn không đáng tin như giao trứng cho ác. Tôi cho rằng có quá ít giải thưởng nào ở ta có uy tín, vì kết quả bình chọn của khán giả khó có thể tin tưởng còn điểm số của hội đồng chuyên môn thì không bao giờ minh bạch, công khai. 

Hồi năm 2016, việc Sơn Tùng đoạt giải Cống hiến ở hạng mục “Ca sĩ của năm” làm những người chuyên môn có lòng tử tế với âm nhạc phải cay đắng mà hỏi nhau rằng: Giá trị nghệ thuật của âm nhạc đã chết rồi sao? Bây giờ là thời của giải trí. Giải trí là vua, là tôn chỉ duy nhất của mọi hoạt động âm nhạc. Và vì thế, cái gọi là phê bình âm nhạc, hay là những nhà phê bình âm nhạc đã hết thời và nhường chỗ cho số đông tạp nham, những trò hề giám khảo và những lá phiếu a dua.

Nhưng điều đó cũng chỉ là hệ quả tất yếu của một nền âm nhạc vắng bóng phê bình âm nhạc tử tế. Thay vào đó chỉ là sự phê bình của số đông, phê bình của những giám khảo game show mang tính vuốt ve và kịch hóa hơn là chân thành với học thuật. Và nếu có phảng phất chút phê bình âm nhạc nào đó, nó lại bị hạn chế về nghệ thuật vì bị chèn ép bởi đồng tiền của các đầu nậu âm nhạc. Và các đầu nậu âm nhạc này cũng chỉ chăm chăm thoả mãn trò giải khuây dễ dãi và hời hợt của người nghe để tạm quên đi bao vấn đề thế sự đang cần tiếng nói và chung tay giải quyết của những con người sâu sắc có trách nhiệm, có tấm lòng với đất nước.

Khi vai trò phê bình và định giá trị âm nhạc không còn thuộc về những người có chuyên môn âm nhạc tử tế thì âm nhạc dứt khoát chỉ đơn thuần là trò giải trí rẻ tiền. Vì thế, xin đừng mượn danh nghệ thuật để mặc lên cho anh hề hát ca trong phòng karaoke. Không nên có kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” trong các giải thưởng âm nhạc như vậy nữa!

Hiện nay, trên cả nước có ba hội chuyên ngành lớn về âm nhạc: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội và Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh. Trong ba Hội chuyên ngành lớn kể trên đều có tiểu Ban lý luận phê bình (TBLLPB), cho thấy các hội đều thấy rõ tầm quan trọng của LLPB trong việc thúc đẩy và kích thích sáng tác phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là trên mặt văn bản trong việc đề ra chức trách và phân công cụ thể cho tiểu ban này.

Trên thực tế, khi nhìn vào dòng chảy sôi nổi và những biến động của âm nhạc đương đại thì vai trò của các TBLLPB này hết sức mờ nhạt, nặng tính hình thức chứ ít có những giải pháp về lý luận và học thuật sát sườn. Những hạn chế trên không hẳn do năng lực của các TBLLPB yếu mà quan trọng hơn là do tính lãnh cảm và nhiệt tình âm độ của họ trước các vấn đề thời sự của sáng tác ca khúc cần nắm bắt hoặc mổ xẻ, giải phẫu một cách căn cơ. Các TBLLPB không làm được điều đó nên phê bình chỉ chạy sau lưng sự kiện, mang tính chữa cháy và nhiều khi bị gạt ra ngoài lề thời sự.

Vì thế với nền âm nhạc phổ thông ở Việt Nam (chúng ta phải xác quyết lại dù là phổ thông nhưng nó vẫn là một bộ môn nghệ thuật) chúng ta thấy vắng bóng hoàn toàn LLPB. Có thể nói, nếu như âm nhạc phổ thông đương đại Việt bị đánh giá thấp về sáng tạo và rất nhiều những vấn đề nhố nhăng trong các hoạt động của nó thì LLPB chỉ là cái xác không hồn, và nó cũng phải chịu trách nhiệm nặng nề trong thực trạng âm nhạc phổ thông bị khủng hoảng vì không làm tròn chức năng của mình.

Có người nói LLPB không hoàn toàn vắng bóng. Vâng, nó có đó nhưng cũng như không. Chúng ta có LLPB, nhưng đó chỉ là một nền LLPB nghiệp dư với cảm tính cực đoan và đầy tính bạc nhược. LLPB của ta nếu có và tham gia vào sinh hoạt âm nhạc thì cũng chỉ xuất hiện trong các bài báo do những phóng viên báo chí ít có một kiến thức đầy đủ về âm nhạc (dù là âm nhạc phổ thông) viết và nhận định. Lẽ ra, công việc của họ chỉ là phản ánh tình hình âm nhạc chung trên mặt bằng sinh hoạt bếp núc hoặc hậu trường mà thôi. Vì thế những ý kiến, nhận định của báo giới cho dù là tâm huyết, là đầy tinh thần trách nhiệm thì nó cũng chỉ mang tính phản ánh, tổng hợp, ghi nhận những bề nổi của tảng băng âm nhạc không hơn không kém.
PV
.
.