Giải thưởng Cánh Diều Vàng 2011: Cuộc chiến giữa các dòng phim

Thứ Tư, 21/03/2012, 09:00

Đến hẹn lại lên, "Cánh diều vàng" - giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 3 tại Hà Nội. Một điểm đặc biệt của giải thưởng năm nay là những bộ phim tham dự khá phong phú về số lượng và đa dạng về thể loại. Đó có lẽ là một tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam, hứa hẹn một mùa giải sôi động và không kém tính cạnh tranh.

1. Nếu như "Bông sen vàng" được trao tại các Liên hoan phim Việt Nam được ví là giải thưởng của số đông công chúng thì giải thưởng "Cánh diều vàng" thường được quan niệm là giải thưởng mang tính chuyên môn cao, là đánh giá của những người làm nghề với những phát hiện tìm tòi của các đạo diễn. Chính vì vậy, dù được tổ chức thường niên nhưng mỗi kỳ "Cánh diều vàng" luôn được chờ đón như một bản tổng kết đánh dấu những trồi sụt trong một năm hoạt động của điện ảnh Việt Nam. Riêng lễ trao giải "Cánh diều vàng" năm nay còn dành thời gian để tôn vinh 2 đạo diễn gạo cội có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam là NSND Bùi Đình Hạc và NSND Đặng Nhật Minh.

Theo thông tin từ Hội Điện ảnh Việt Nam, cho đến thời điểm này, ở hạng mục quan trọng nhất là phim truyện nhựa đã có tới 12 phim tham gia tranh giải. Một điều đặc biệt so với các năm trước là trong số này có tới 10 bộ phim giải trí thuộc về các hãng phim tư nhân. Chỉ có 2 phim là "Mùi cỏ cháy" và "Tâm hồn mẹ" là thuộc Hãng phim truyện Việt Nam. Lâu nay, có một tâm lý thường trực là các hãng phim tư nhân thường quan trọng doanh thu và không mặn mà với giải thưởng mang đậm tính chuyên môn này. Tuy nhiên, sự góp mặt hào hứng  của các hãng phim tư nhân cũng đã phản ánh chân thực bộ mặt của điện ảnh Việt Nam. Không thể phủ nhận, các hãng phim tư nhân đã tạo nên một diện mạo mới, sinh động, phong phú hơn cho điện ảnh Việt Nam.

Nhìn vào danh sách các phim tham dự, một điều dễ nhận thấy là sự đa dạng về đề tài phản ánh. Nhiều người cho rằng, giải thưởng "Cánh diều vàng" năm nay sẽ là một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng bởi mỗi phim có một lợi thế riêng. Dòng phim nghệ thuật, chính thống thì có "Tâm hồn mẹ", "Mùi cỏ cháy", dòng phim thị trường có sự góp mặt của "Hotboy nổi loạn và câu chuyện về cô cái điếm, thằng Cười và con vịt", "Vũ điệu đường cong", phim hài thì có: "Hello cô Ba", "Lệ phí tình yêu", phim võ thuật có "Lệnh xóa sổ", "Long ruồi", phim kinh dị có "Lời nguyền huyết ngải", "Ngôi nhà trong hẻm". Đặc biệt, "Cánh diều vàng" năm nay còn có sự góp mặt của một phim thuộc trào lưu mới của thế giới với một cái tên cũng khá lạ: "Đó... hay đây?" của nữ đạo diễn Việt kiều Siu Phạm.

Rõ ràng, với danh sách này, Ban giám khảo sẽ không hề dễ dàng để chọn phim cho ngôi vị cao nhất bởi các phim khá đồng đều về chất lượng. Hầu như không còn bóng dáng những bộ phim với nội dung nhạt nhẽo hay theo kiểu "xem xong không hiểu gì" như mọi năm. Chưa kể, mỗi phim đang giữ trong mình một thế mạnh riêng. Nếu như "Long ruồi" từng phá kỷ lục về doanh thu phòng vé năm 2011 với số tiền mà nhà sản xuất thu về là trên 40 tỉ đồng hay "Ngôi nhà trong hẻm" cũng đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu trên toàn quốc thì "Tâm hồn mẹ" của nữ đạo diễn Nhuệ Giang lại có bảng thành tích khá đáng nể là phim từng được chọn để chiếu khai mạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, tiếp đó còn tham dự Liên hoan phim Quốc tế Dubai lần thứ 8 được tổ chức tháng 12 vừa qua. Đặc biệt là giải thưởng "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất khối Á - Phi" mà diễn viên nhí Phùng Hoa Hoài Linh mang về.

Dù chưa ra mắt đông đảo khán giả trong nước nhưng bộ phim "Đó... hay đây" cũng đã từng được đánh giá cao khi tham gia tranh giải "Những trào lưu mới" (New Currents) tại Liên hoan phim Quốc tế Bussan (Hàn Quốc) lần thứ 16. Chưa kể, những bộ phim như "Hotboy nổi loạn và câu chuyện về cô gái điếm, thằng Cười và con vịt" từng được nhận khá nhiều giải tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 cũng như nhận được phản hồi tích cực từ phía dư luận.

Với những giải thưởng quốc tế, liệu bộ phim “Tâm hồn mẹ” có làm nên chuyện tại Cánh diều vàng năm nay?

2. Phim tư nhân chiếm số lượng áp đảo, đồng nghĩa với việc dòng phim giải trí, thị trường chiếm số lượng lớn. Một vấn đề đặt ra là liệu ban giám khảo năm nay có mạnh dạn để phim thị trường lên ngôi? Bởi thực tế lâu nay, tại nhiều giải thưởng Cánh diều, dù có sự góp mặt của dòng phim giải trí nhưng cuối cùng, giải thưởng cao nhất vẫn thường rơi vào những bộ phim do Nhà nước sản xuất và mang tính chính luận cao. Cách trao giải an toàn này đã diễn ra khá nhiều năm mà chưa hề có sự phá cách nào. Năm nay, khi số lượng phim giải trí tăng cao cũng đang kéo theo hy vọng, Ban giám giảo sẽ mạnh dạn trao cho những bộ phim xứng đáng mà không quan trọng do đơn vị nào sản xuất. Mới đây, ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh cho biết tại giải "Cánh diều vàng" năm nay, dòng phim giải trí có vẻ chiếm ưu thế hơn nên Ban Tổ chức cũng sẽ xem xét thay đổi cách xét giải. Nếu phim giải trí đạt giá trị nghệ thuật, thể hiện tay nghề cao thì vẫn sẽ trao giải.

Giống như mọi năm, ngoài một số phim ra rạp từ lâu thì “Cánh diều vàng” năm nay vẫn rơi vào tình trạng có những phim vừa mới ra rạp ít ngày hoặc chưa có cơ hội tiếp cận khán giả trong nước như "Tâm hồn mẹ", "Mùi cỏ cháy", "Đó...hay đây"... Điều này sẽ tạo ra tình trạng không công bằng giữa các phim tranh giải. Nhiều phim không có điều kiện đo hiệu ứng khán giả - một thước đo rất quan trọng với tác phẩm điện ảnh. Tình trạng này xuất phát từ quy định lâu nay của Hội Điện ảnh: Chỉ cần phim hoàn thành trước thời điểm diễn ra giải thưởng Cánh diều đều có thể tham dự. Chính vì thế, đã từng có nhiều bộ phim vinh danh tại giải "Cánh diều vàng" nhưng cái tên vẫn thật sự lạ lẫm với khán giả.

Cũng có thể trước đây, vì tâm lý lo sợ quá ít phim tham dự nên chúng ta nới rộng quy định nhưng thiết nghĩ, trong tình trạng điện ảnh sôi động như hiện nay, để mỗi tác phẩm đoạt giải thực sự khiến ban giám khảo cũng như khán giả tâm phục khẩu phục cần có quy định về độ lùi thời gian nhất định. Hoặc, công tác phát hành phim cần được thúc đẩy để phim đến được với khán giả ngay sau khi hoàn thành. Điều này tạo cơ hội cho khán giả có điều kiện tiếp cận các phim trước khi tranh giải.

Bên cạnh chất lượng các phim, một vấn đề lâu nay cũng được dư luận quan tâm đó là khâu tổ chức chương trình. Khác với Liên hoan phim Việt Nam mỗi kỳ được tổ chức ở một địa phương và mỗi địa phương đều có thời gian chuẩn bị tới 2 năm thì "Cánh diều vàng" được ấn định tổ chức luân phiên tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù diễn ra ở hai thành phố lớn - hai trung tâm văn hóa giải trí sôi động nhất nước nhưng đã không ít lần xảy ra tình trạng chạy đôn chạy đáo tìm địa điểm tổ chức hoặc thay đổi thời gian liên tục. Chưa kể tới việc, lâu nay, tại các đêm trao giải "Cánh diều vàng", vì sự tham gia của quá nhiều chân dài ngoại đạo dẫn đến xảy ra những hạt sạn đáng tiếc.

Được biết, đạo diễn đêm trao giải năm nay sẽ được trao cho đạo diễn Trịnh Lê Văn và người dẫn chương trình trong đêm trao giải "Cánh diều vàng" 2012 sẽ là người trong giới điện ảnh để tránh những sự cố nhầm lẫn không đáng có. Tất nhiên, để chọn được một người dẫn chương trình vừa am hiểu điện ảnh vừa hóm hỉnh, thú vị chắc chắn là điều không dễ dàng nhưng rất cần thiết nếu không muốn biến một ngày lễ điện ảnh thành một hội nghị trang nghiêm, cứng nhắc.

Có một sự thú vị là giải thưởng "Cánh diều vàng" của điện ảnh Việt Nam thường chỉ diễn ra sau lễ trao giải Oscar danh giá của thế giới không lâu. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nếu như giải thưởng Oscar thường được khán giả tâm phục khẩu phục thì giải thưởng của điện ảnh Việt Nam thường nhận được phản ứng trái chiều của dư luận. Để đuổi kịp trình độ làm phim của thế giới là điều quá khó, nhưng cách tổ chức hay chấm giải lại là điều chúng ta hoàn toàn có thể học tập

.
.