Giá của bình yên

Thứ Hai, 02/03/2015, 08:05
Năm mới, Xuân mới là dịp để người ta hi vọng và đặt ra dự định, mong mỏi. Tuỳ tính cách và tham vọng, mỗi người có mục đích và ước muốn theo thứ bậc của sự quan trọng: của cải, địa vị, danh vọng, tình cảm... Với tôi, quý giá nhất là sự bình yên - kho báu bao hàm những gì cần nhất. Góp phần kiếm tìm, bảo vệ, gìn giữ kho báu này là những chiến sĩ Công an...

Công an - danh từ này thốt ra, lập tức nơi tôi hiện lên hình ảnh các chiến sĩ Cảnh sát giao thông trên đường phố mà tôi thấy mỗi ngày. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, coi trọng "trung với Đảng, hiếu với Dân", chữ Hiếu ấy là sự tận tụy, miệt mài. Với đám trẻ ngày ấy, hình ảnh các chú Công an rất oách và có phần bí hiểm. Không ít đứa còn nói phét: "Bố tớ là Công an có súng" để ra oai với bạn. Sự uy nghiêm và sức mạnh của Công an ngấm vào tâm trí nhân dân như mặc định của tin cậy, đến độ hễ có bất thường, mọi người sẽ nói: "Báo công an đi!", "Gọi Công an ngay".

Trước kia, tôi nhiều lần chứng kiến khi đứa trẻ hư hoặc không nghe lời, bị đe: "Còn hư nghịch nữa, chú Công an bắt đấy". Chú Công an không "bắt" đứa trẻ nào cả, chú chỉ bắt tội phạm; còn cách nói ấy toát ra niềm tin của dân về sự vững vàng, sức mạnh, uy thế của người quyền năng trấn áp, bảo vệ. Từ đời sống, hình tượng Công an lên màn ảnh. Mà cuộc sống phức tạp bao nhiêu thì khó khăn vất vả của Công an nhiều bấy nhiêu.

Hồi niên thiếu đến giờ, tôi rất mê ca sĩ Lệ Quyên. Khi cô sang Pháp định cư năm 1988, sự vắng mặt của cô trên sân khấu trong nước càng khiến đồng nghiệp và khán giả nhận thấy danh hiệu Nữ hoàng nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam cho Lệ Quyên là chuẩn xác và đích thực. Chưa đầy 20 tuổi, cô được mời đóng phim nhựa của Điện ảnh CAND: "Kế hoạch P76".

Bất chấp là thời hoàng kim của lứa diễn viên điện ảnh khóa 2, đạo diễn Châu Huế vẫn cất công mời Lệ Quyên đóng vai chính - nữ chiến sĩ Công an Thanh Tâm, chuyên hoạt động bí mật để bắt các vụ vượt biên và phiến loạn, quay tại Sài Gòn, Vũng Tàu, âm nhạc Hồng Đăng.

Phim ra rạp, ảnh "nữ chiến sĩ Công an Lệ Quyên" cầm súng được thanh niên Hà Nội hâm mộ cài vào ví. Sau phim "Săn bắt cướp", "Kế hoạch P76" gây ấn tượng càng khiến tôi ngưỡng mộ thêm về Công an, hóa ra không chỉ là chú Công an hộ khẩu hay gặp, mà Công an thật anh dũng, mưu trí nơi nguy hiểm. Sự thiện cảm và yêu mến Công an này là duyên đẹp với tôi và Lệ Quyên. Chị cho biết, sau phim ấy, chị quen nhà báo, nhà văn Hữu Ước: "Thuở ấy, anh rất gầy, anh mới đi học báo chí khóa 2 ở Trường Tuyên giáo Trung ương". Tình anh em của họ tốt đẹp đến giờ, sau gần 40 năm.

Duyên với Công an còn là các nghệ sĩ ở khu tôi sống.

Tôi vẫn tự hào về khu Văn công Cầu Giấy, nơi định cư của nhiều người nổi tiếng. Bạn học cấp 1 của tôi, Lê Minh Thu học múa từ năm lớp 6. Năm 1995, khi 16 tuổi, Thu được nhà thơ Phan Vũ, tuổi 70 mời đóng vai Võ Thị Sáu, phim "Như một huyền thoại", do ông đạo diễn; kịch bản Nguyễn Quang Sáng. Việc Thu được mời đóng vai một nữ anh hùng, đóng cùng Robert Hải, Đào Bá Sơn, khiến chúng tôi trầm trồ và không ít người lớn ghen tị.

Hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng dân.

Chữ duyên, còn bởi cây bút Công an mà tôi khâm phục nhất về sức lao động chính là nhà văn - nhà báo Hữu Ước, đồng môn mà tôi và các thầy vẫn dẫn chứng để tự hào về cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đa tài, Hữu Ước cống hiến đa dạng thể loại, lĩnh vực. Năm Minh Thu đóng Võ Thị Sáu, thì phim nhựa khác của Điện ảnh CAND quay từ kịch bản của Hữu Ước - "Người con gái đất đỏ", do NSND Lê Dân đạo diễn. Ông chọn Thanh Thuý vào vai Võ Thị Sáu khi cô 17 tuổi, vừa được giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh với ca khúc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu".

Hàng xóm nữa tôi quý mến, nhạc sĩ Vũ Thảo - cha của bình luận viên bóng đá Vũ Quang Huy. Series phim "Cảnh sát hình sự" ông làm nhạc, ca khúc chủ đề phát générique "Những bàn chân lặng lẽ" do Thùy Dung hát, phát sóng nhiều nên người xem nhớ. Vai Cảnh sát Chiến, do NSƯT Võ Hoài Nam thủ vai. Võ Hoài Nam là một trong bộ tứ: Hoa Thuý (Thu Hiền), Hoàng Hải (Minh), Nguyễn Văn Báu (Thiếu tá Khắc Trường). Bảnh trai và phong độ nhất là cảnh sát Chiến, Võ Hoài Nam nhập vai đến mức khán giả dõi theo từng tập vì yêu thích nhân vật.

Võ Hoài Nam đóng mọi cảnh võ thuật, nhào lộn, bơi lặn, leo trèo, trực tiếp thực hiện các pha nguy hiểm không cascadeur. Cảnh khoá tay tội phạm, đẩy hắn sát vào tường, Võ Hoài Nam bị va mạnh, gãy ngón út bàn tay trái. Con trai đầu lòng Võ Hoài Vũ ra đời, anh để vợ - diễn viên múa Phùng Lan Anh và con ở nhà để lăn lộn theo đoàn phim. Số phận của cảnh sát trong phim thật trắc trở, diễn viên đóng vai cảnh sát cũng vất vả muôn phần.

"Giờ tuổi 50, có kịch bản hay, tôi tin mình vẫn đóng tốt, kể cả pha hành động khó, thậm chí còn hay hơn vì lửa nghề vẫn nguyên mà kinh nghiệm nhiều hơn" - Võ Hoài Nam khẳng định. Hay giữa bao thất tán niềm tin, có một người chiến sĩ cảnh sát giao thông ở TP HCM ngày ngày đẩy xe máy giúp đỡ bà con qua đoạn đường ngập được bình chọn nhân vật “Việc thực tế của tháng” trên VTV1 tháng 12/2014 vừa qua. Anh hồn hậu chia sẻ: "Có gì đâu, giúp được thì tôi giúp thôi".

Thật cảm động, lúc trời mưa lớn, Thủ đô là... Hà Lội, thấy những Cảnh sát khi mặc áo mưa, mặt vuốt nước mưa không kịp, bền bỉ điều phối luồng xe, giải quyết ách tắc chen lấn của đám đông "hiếu chiến giao thông". Họ dãi dầu nắng mưa bão lũ thật vất vả.

Đúng như danh xưng Công an - vì an ninh cộng đồng, những chiến sĩ Công an trên mọi lĩnh vực, gìn giữ bảo vệ bình yên cuộc sống. Cảnh sát hình sự, Cảnh sát phòng chống tội phạm trực tiếp đối diện với hiểm nguy, tiếp đến là Cảnh sát giao thông. Nhiều chiến sĩ đã thành liệt sĩ khi giáp lá cà với tội phạm, để lại vợ góa con côi, có khi con vừa sinh hoặc vợ đang mang thai. Sự bình yên cho nhân dân phải trả bằng máu, bằng mạng sống, bằng sự mất mát hạnh phúc riêng tư.

Gần đây ở Hà Nội, thỉnh thoảng ở ngã tư Cửa Nam, Hàng Bài, thật dễ chịu khi gặp nữ Cảnh sát điều khiển giao thông. Tôi đã có lần dừng lại ngắm họ: trẻ, gương mặt khả ái, khiến hình ảnh Công an mềm hơn, gần gũi hơn với mọi người.

Thực ra, chiến sĩ Công an rất gần gũi, họ bên ta, quanh ta, chúng ta cần họ mà chưa quý trọng xứng đáng và hành xử công bằng với cống hiến của họ. Đường phố từ ngõ nhỏ, thôn làng, tới đường đông - đường vắng, miền núi - đồng bằng, xa lộ - hải đảo, luôn có các chiến sĩ Công an, vệ sĩ của pháp luật, của thanh bình. Mỗi người ra đường, đi theo tín hiệu màu đèn. Sự chỉ dẫn của Công an, theo tín hiệu tiếng còi và cánh tay đeo găng trắng. Xã hội không thể thiếu họ một ngày. Cần, không chỉ khi đèn giao thông hỏng. Đấy chính là lí do Công an, cứu hỏa, bệnh viện phục vụ nhân dân 24/24 giờ. Công an nắm vững hoàn cảnh từng nhà, quan tâm mỗi công dân khu vực mình phụ trách, chia sẻ buồn vui, kể cả bỏ tiền túi giúp đỡ.

Trung uý Phạm Tuấn Anh - Cảnh sát khu vực nhà tôi là người như thế. Anh tuổi 30, năng nổ và mẫn cán, trẻ nhất trong số các đồng chí từng phụ trách khu tôi ở từ trước đến nay, đã nhanh chóng chiếm cảm tình của bà con bởi sự năng động, tình cảm.

Bình yên khi ta có thể hát một mình hay giai điệu vang lên trong tâm. Bài hát về Cảnh sát giao thông tạo sự cộng cảm triệu người: "Từ một ngã tư đường phố", tiết tấu rộn ràng reo vui - ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Qua ca khúc này, cảnh phố phường Hà Nội nhịp sống sôi động thời chiến cho thấy sự tin tưởng của nhân dân ta vào ngày thắng lợi đến gần, vào tương lai tươi đẹp. Đây là ca khúc hay về ngành Công an, đặc biệt là về lực lượng Cảnh sát giao thông. Khó có tác phẩm nào lột tả hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giao thông chan hoà, gần gũi thế.

Ốm đau, lo lắng, thiếu thốn… đều không thể bình yên. Bình yên là tất cả, là vô giá. Việt Nam được coi là nước ổn định chính trị nhất khu vực, dẫu hiện nay đang phức tạp về thông tin nhiễu loạn, con số thống kê 16,1 triệu người dùng Internet, vào các trang mạng xã hội nhiều nhất, lại đặt nhiệm vụ mới phức tạp cam go cho ngành Công an.

Giá của cuộc sống bình yên trả bằng bao mồ hôi, nhọc nhằn, máu và nước mắt, đấy không chỉ là việc làm công ăn lương của những chiến sĩ sắc phục vàng - xanh, không chỉ là 6 điều Bác Hồ căn dặn lực lượng Công an, mà còn là lý tưởng nghề nghiệp. Cái giá ấy, cần được trả bằng niềm tin và sự trân trọng của chúng ta - những người được thụ hưởng sự bình yên vô giá.

Vi Thùy Linh - Xuân 2015
.
.