Gây tò mò bằng chiêu trò... đồng tính

Thứ Sáu, 16/11/2012, 09:22
Đọc trên một tờ báo, thấy thông tin từ lời của một nam ca sĩ: "60% nam ca sĩ là đồng tính"; từ một nhà văn: "90% nghệ sĩ là gay". Thấy rất nhiều nghi hoặc. Lại đến khi đọc trên một tờ báo in khác, một ca sĩ nam thổ lộ rằng khi mới vào nghề, anh đã bị một đàn anh trong nghề nhận xét: "Em hát hay đấy. Nhưng nếu không chịu làm pê đê thì khó nổi tiếng lắm". Tự nhiên thấy buồn, rồi thấy cần nói một điều gì đó…

Đồng tính là đề tài nhạy cảm, nhiều người muốn tránh bàn luận. Thứ nhất, rất khó định lượng bao nhiêu trong số người ở độ tuổi nhu cầu tình dục cao là đồng tính vì việc này chủ yếu vẫn phải dựa vào sự tự nhận của người trong cuộc mà thôi, chưa thể xác nhận chắc chắn, khách quan bằng khoa học. Trong khi ở nước ta, có tài liệu nói số người đồng tính là  2,3 triệu thì theo một tài liệu mới nhất ở nước Anh, số người đồng tính của họ chỉ 0.0035%. Thứ hai, trên thế giới và ngay trong nước ta, xu hướng bảo vệ quyền con người của người đồng tính đang lên cao. Có nơi biểu tình, đòi pháp luật thừa nhận hôn nhân đồng tính. Một trào lưu rầm rộ viết sách, sản xuất phim, dựng kịch… phơi bày, nhiều lúc còn ca ngợi sự đồng tính. Người ta mô tả, có phần cường điệu những dằn vặt, đau khổ, lạc loài của người đồng tính như một kẻ bị hắt hủi, bị gạt ra bên lề xã hội một cách oan ức. Trong trào lưu này, hễ ai đứng ra phát biểu những ấn tượng không hay về đồng tính là lập tức bị "ném đá", bị la ó là bảo thủ, là vô cảm, độc ác. Tôi cũng như vậy, và vì như vậy, đã định im lặng.

Nhưng rồi đọc trên một tờ báo, thấy thông tin từ lời của một nam ca sĩ: "60% nam ca sĩ là đồng tính"; từ một nhà văn: "90% nghệ sĩ là gay". Thấy rất nhiều nghi hoặc. Lại đến khi đọc trên một tờ báo in khác, một ca sĩ nam thổ lộ rằng khi mới vào nghề, anh đã bị một đàn anh trong nghề nhận xét: "Em hát hay đấy. Nhưng nếu không chịu làm pê đê thì khó nổi tiếng lắm". Tự nhiên thấy buồn, rồi thấy cần nói một điều gì đó…

Dù có hình dung nó bí ẩn đến đâu, mô tả nó hoa mỹ đến đâu, nói cho cùng cái gốc của tình yêu là tình dục và chức năng khởi thủy của tình dục là sinh sản. Như thế, gốc của tình yêu chẳng qua cũng là để sinh sản, để duy trì nòi giống. Để duy trì nòi giống, từ các sinh vật đơn bào đến các sinh vật cao cấp nhất như con người đều cần làm mình nổi trội hơn, hấp dẫn hơn, có nhiều lợi thế sinh sản hơn để dễ nhận biết và hấp dẫn bạn khác giới. Màu sắc sặc sỡ, dáng vẻ đẹp (như con công chẳng hạn), giọng hót hay, thể lực sung mãn (như một số loài chim chẳng hạn), mùi thơm quyến rũ của bông hoa hay con chồn hương, hôi hám như mùi chuột chù, mùi gián, mùi bọ xít… đều là những lợi thế. Tất cả những cái đó, ngay cả sự âu yếm, ve vuốt, chiều chuộng nhau, gắn bó với nhau trong tự nhiên đều vì một lý do tối thượng và lành mạnh, đó là duy trì nòi giống, bảo đảm cho thế hệ sau có ưu thế, ít nhất là bằng thế hệ trước. Vì mục đích là duy trì nòi giống nên trong thiên nhiên hoang dã và ngay cả trong tập đoàn cây, đàn thú nuôi không có chuyện lạm dụng tình dục, không có chuyện tình dục đồng tính. Nếu có trường hợp nào đó thì nó rất cá biệt, nó là sự sai lạc hãn hữu, không đại diện cho xu hướng chung. Chọn lọc tự nhiên, trong đó có chọn lọc tình dục đã tạo ra những bầy đàn khỏe mạnh, thích nghi với môi trường, ít dị tật, đời này qua đời kia.

Đến con người thì có khác đi chút ít. Con người cũng là một sinh vật nên cũng có đầy đủ những đặc tính như mọi sinh vật, tức là có nhu cầu tình dục vì mục đích sinh sản, duy trì nòi giống. Nhưng là sinh vật cao cấp, có ý thức nên ngoài những hấp dẫn bản năng, con người còn sáng tạo ra tình yêu, một loại tình cảm chỉ con người mới có. Tình yêu làm tăng thêm sức hấp dẫn cho tình dục, biến tình dục từ một bản năng sinh vật trở thành không chỉ có vậy mà còn là một phẩm chất người. Không chỉ thế, con người còn lợi dụng những lạc thú (vốn để cho việc duy trì nòi giống không chỉ là một nghĩa vụ nhàm chán) phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ của mình, tách khỏi bản năng sinh sản. Tình yêu và tình dục từ đó trở thành vấn đề vô cùng phức tạp, là nguyên nhân của không biết bao nhiêu hỷ, nộ, ái, ố, ưu, ai, lạc; của biết bao cao cả và suy đồi; đẹp đẽ và xấu xa; nhân văn và tội ác… Đồng tính, mua bán dâm cũng ra đời từ đó. Nói khởi thủy của tình yêu là tình dục, là sự thăng hoa của tình dục theo hướng cao đẹp là vì thế.

Nhưng dù có đi xa bao nhiêu thì tình yêu và tình dục của con người vẫn không thể thoát ly hoàn toàn cái gốc của nó, đó là duy trì nòi giống. Tình yêu, tình dục chủ yếu và tuyệt đại đa số là mối quan hệ khác giới. Có như thế, muôn loài, nói gọn hơn là loài người mới tồn tại đến ngày nay. Nếu nói như một ca sĩ hoặc nhà văn nọ, trên 50% các mối quan hệ tình dục là quan hệ đồng giới, nghĩa là không đi đến sinh sản, thì thế giới này tàn lụi lâu rồi. Tóm lại, trong thiên nhiên cũng như trong xã hội, không thể có tình dục đồng giới lành mạnh, hợp với tự nhiên. Nếu thảng hoặc có chăng là những cá thể không bình thường, đáng thương do sự sai lệch nào đó của tự nhiên trong gene, trong cấu tạo cơ thể. Những người này (xin nhắc lại là hết sức ít) cũng là một dạng khuyết tật, cần được đối xử nhân đạo, tôn trọng quyền sống của họ, không xa lánh, kỳ thị, như mọi trường hợp khuyết tật khác. Còn đa số những trường hợp đồng tính khác là một căn bệnh xã hội hoặc giả bệnh để kiếm lợi.

Chúng ta từng chứng kiến trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó có sự mất cân bằng giới tính như trong các trại tập trung của phát xít hay ở nhiều xưởng máy, nông trường, đơn vị quân đội. Ở những nơi này, xuất hiện nhiều hiện tượng tình dục trái tự nhiên, nhưng đó là do hoàn cảnh. Khi hoàn cảnh thay đổi, những biểu hiện đó sẽ mất. Ở nước ta, một nước trải qua 30 năm chiến tranh, do yêu cầu của cuộc chiến, tình trạng mất cân bằng giới tính diễn ra căng thẳng. Các đơn vị bộ đội hầu hết toàn là nam, các đơn vị thanh niên xung phong có đơn vị toàn nữ phải sống cách biệt hàng năm trời trong rừng sâu; những nhà kho, xưởng vũ khí cô lập hẳn với bên ngoài; hàng nghìn làng mạc, xóm thôn ở cả hai miền Nam, Bắc trai tráng ra mặt trận hết, nhà chỉ còn đàn bà, trẻ con. Nhưng ngay trong những hoàn cảnh khốc liệt ấy, tình trạng tình dục đồng tính hầu như không xảy ra, không trở thành một vấn đề xã hội gay gắt, cần lưu tâm. Có người nói sở dĩ vấn đề đồng tính không ồn ào là do giấu giếm, người đồng tính giấu giếm và xã hội giấu giếm. Tôi nghĩ ai nghĩ như vậy là người đó suy diễn không có căn cứ thực tế.

Nhưng hãy rời bỏ những vấn đề phổ quát ấy để trở về một nội dung hẹp hơn nhưng là mục đích chính của bài báo này: Vấn đề tình dục đồng tính trong văn học - nghệ thuật. Lâu nay, đồng tính trong văn học - nghệ thuật rất ít được quan tâm vì nó gần như không trở thành "vấn đề" trong thực tế sáng tác, hưởng thụ. Nhưng từ ngày thị trường hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật, vấn đề tình dục đồng tính đã được đặt ra và ngày càng bức xúc. Có thể có nguyên nhân từ ảnh hưởng các trào lưu nghệ thuật bên ngoài. Có thể có nguyên nhân từ việc văn học - nghệ thuật được giải phóng, được mở rộng phạm vi sáng tạo, không  từ chối bất cứ thứ gì thuộc về con người. Nhưng theo tôi, về cơ bản, đó là từ nguyên nhân văn học - nghệ thuật đã phải chạy theo những nhu cầu thương mại, gây lạ, gây tò mò để thu hút công chúng, thu nhiều lợi nhuận. Trong phim ảnh, trong các cuộc triển lãm, trên sân khấu, trong các chương trình biểu diễn ca nhạc, trong tác phẩm văn học ngày càng la liệt các tác phẩm, những diễn viên đồng tính hoặc có hơi hướm (mà trong giới gọi là có mùi) đồng tính. Những hồi ký, tiểu thuyết, phóng sự kiểu như "Bóng", "Tôi là gay" thu hút nhiều cuộc hội thảo, những bài báo. Có những đạo diễn đang trong quá trình khẳng định mình ở những tác phẩm "điện ảnh nghệ thuật" bỗng nhảy sang làm phim "mì ăn liền", phim nào cũng thấp thoáng "bóng". Có những triển lãm công khai bênh vực các "gay", các "bian". Rõ nhất là trên sân khấu ca nhạc, các ca sĩ thường đóng giả giới đồng tính, từ chất giọng, dáng điệu, trang phục đến các scandan ầm ĩ. Trên truyền thông, họ la lối mình là "bóng" để gợi tò mò. Đến lượt báo chí, không chịu đứng ngoài trong cuộc đua hút khách, cũng ra sức thổi phồng hay bóp méo thông tin liên quan đến đồng tính. Sau những động thái này, có một sự thật là môi trường văn học - nghệ thuật nước ta đã bị vẩn đục, bị sa đà vào các chủ đề liên quan đến đồng tính.

Để tránh mọi hiểu lầm có thể xảy ra, xin nhắc lại là hiện tượng đồng tính là có thật, nhưng rất ít, trong tự nhiên hoang dã lại càng ít. Đối với những cá thể khuyết tật về tình dục này, không nên xa lánh, xúc phạm họ, cả về thể chất và tinh thần. Nhưng rất nên kiên quyết chống lại việc đồng tính như một căn bệnh do thói ích kỷ cực đoan, thói hưởng lạc phi nhân tính tạo nên. Nó cũng như bệnh ấu dâm, ác dâm, khổ dâm… là sản phẩm bệnh hoạn của xu hướng con người ngày càng xa lánh thiên nhiên, đi ngược lại tự nhiên. Đấy là khía cạnh xã hội. Còn trong văn học - nghệ thuật, càng không nên cổ súy cho hiện tường tìm cái lạ để câu khách, giả bệnh đồng tính để gợi tò mò ở một vài cá nhân, vài sàn diễn. Thị hiếu, nhất là những thị hiếu nhất thời thường rất nhanh sôi sục và cũng nhanh phai tàn, thay đổi. Khác với những thị hiếu chân chính, khi đã trôi qua, nó không đóng góp gì, không để lại dấu tích gì trong văn hóa. Thị hiếu của công chúng về đồng tính, theo tôi cũng là thứ thị hiếu nhất thời, cả thèm chóng chán như thế. Bởi vậy, tuy chưa được mươi năm, đã xuất hiện dấu hiệu nhàm cũ, kém hấp dẫn của đề tài này

Cái gì giả, trước sau cũng bị phơi bày, bị ruồng bỏ, nhất là trong văn học - nghệ thuật

V.T.
.
.