Gánh nặng tuổi học đường

Thứ Hai, 31/03/2008, 09:30
Nội dung chương trình Sách giáo khoa của chúng ta hiện nay… nặng thật - đó là ý kiến của không ít bậc làm cha làm mẹ "kêu" lai rai từ mấy năm trước và được một số nhà quản lý giáo dục chính thức thừa nhận trong cuộc giao ban báo chí nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề trẻ em bỏ học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng ngày 12/3 vừa qua.

Vẫn biết, trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, một ngày bằng mấy mươi năm, thì việc chúng ta phải có những cải tiến trong phương pháp giảng dạy nhằm tăng lượng tri thức đưa đến cho các em… là điều không có gì phải bàn cãi. Nhưng "cải tiến" hay "cải lùi", khi mà nhiều bài tập - tiếng là dành cho các em nhỏ - thực tế lại là sự "thách đố" ngay cả với các bậc phụ huynh, trong đó có những bậc đầu óc rất anh minh.

Và môn ngữ văn, tiếng là để giúp các em cảm thụ được cái hay, cái đẹp của những tác phẩm văn học, cũng như cái hay, cái đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt, thế nhưng trong không ít trường hợp, với ngôn ngữ vừa "bí rì rì", vừa nặng như đá đeo, các nhà làm sách đã khiến các em phải rất khó nhọc mới nắm bắt được một phần của câu hỏi và vấn đề mà họ đặt ra để "thử trí" các em.

Không rõ cái hay, cái đẹp của một áng văn chương "thấm" vào các em được đến đâu, chỉ thấy các em ngày càng chán học, sợ học. Theo thống kê, ở nhiều khu vực nông thôn, tỉ lệ học sinh bỏ lớp vì không theo được chương trình là khá cao!

Trước sau tôi vẫn nghĩ: Nhân loại ngày càng hướng tới sự văn minh thì những kiến thức mà con em chúng ta cần phải học hỏi, phải nắm bắt cũng sẽ ngày một nhiều. Song như vậy lại càng đòi hỏi các nhà sư phạm phải có được những bộ giáo trình, những phương pháp truyền thụ sao cho các em nắm bắt được vấn đề một cách nhanh nhất, giản tiện nhất.

Được biết ngày xưa, nội việc để người học nhanh chóng nắm bắt được mặt chữ mà có nhà sư phạm đã phải mày mò soạn bài giảng thành những câu thơ: "O tròn như quả trứng gà/ Ô thì có mũ, ơ thì có râu".

Đáng buồn là hiện nay, không ít nơi đã xảy ra trường hợp: Khi giám thị công bố đề thi; ngoài việc đọc "đề chính", họ còn phải đọc thêm một bản hướng dẫn "ngoài lề" nữa để học sinh có thể … hiểu đúng được câu hỏi! Thật hài hước hết chỗ nói!

Trong tay tôi là quyển Ngữ văn lớp 6 tập một. Ngay ở phần "Lời nói đầu", các nhà làm sách đã khiến tôi phải kinh ngạc khi họ sử dụng quá nhiều từ ngữ không hề phù hợp với trình độ hiểu biết và sức tiếp thu của lứa tuổi 11, 12 (thậm chí còn là khó hiểu ngay cả với các bậc phụ huynh chúng ta).

Đọc đoạn văn: "Bên cạnh những hướng cải tiến chung của bộ chương trình như giảm tải, tăng thực hành, gắn đời sống, nét cải tiến nổi bật nhất của chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ văn là hướng tích hợp", tôi tin là không ít bậc cao niên phải toát mồ hôi hột để giải thích cho các cháu bé hiểu "những hướng cải tiến chung của bộ chương trình" này là như thế nào?

Những chữ "giảm tải" ta có thể đã nghe đây đó, nhưng để giải thích ngữ nghĩa của nó một cách rành rọt cũng không hề đơn giản. Trong cuốn "Từ điển tiếng Việt" rất thông dụng hiện nay (do Hoàng Phê chủ biên; Viện Ngôn ngữ học phối hợp với Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004) không có từ này.

Còn từ "tích hợp" thì được các nhà làm từ điển cắt nghĩa là "Lắp ráp, nối kết các thành phần của một hệ thống theo quan điểm tạo nên một hệ thống toàn bộ". Thì ra, ngữ nghĩa của nó là vậy. Nhưng chẳng lẽ ngày ngày tới trường, ta lại yêu cầu những đứa trẻ sức vóc nhỏ nhoi kia phải kè kè mang theo bên mình cuốn từ điển nặng tới vài cân để tra hay sao?

Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu từng khuyên những người viết trẻ, rằng khi làm thơ, thật hãn hữu mới in kèm lời giải thích. Và những lời giải thích này chớ nên nhiều hơn phần thơ, bởi làm thế sẽ khiến người đọc giảm hứng thú khi thưởng thức vẻ đẹp ngôn từ của thơ.

Cũng vậy, với những bài trong sách Ngữ văn, các nhà biên soạn phải phấn đấu làm sao để lời lẽ dễ hiểu, trong sáng hơn nữa. Chứ như cách họ đặt tên cho bốn loại ẩn dụ thường gặp là: ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, thì thiết nghĩ, ngay đến các nhà văn - những người sử dụng biện pháp nghệ thuật này nhiều nhất - cũng chưa dễ mấy người hiểu và cắt nghĩa sự khác nhau của chúng được, nói chi đến những đứa trẻ ở độ tuổi 11, 12.

Với các em nhỏ của chúng ta, sách giáo khoa quả là... nặng! Nặng không chỉ bởi số kilôgam các em phải cõng trên lưng, mà nặng còn bởi những điều rối rắm, khó hiểu trong chính nội dung của nó

Phạm Thành Chung
.
.