Gần dân nên như thế nào?

Thứ Năm, 03/03/2016, 17:01
Phải thừa nhận, khi ông Đinh La Thăng tiếp nhận cương vị Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông đã tạo được một làn gió mới trong cộng đồng cư dân thành phố. Họ cảm thấy ông quan tâm đến đời sống thị dân, cởi mở và năng động. 


Nhất là khi ông công bố số điện thoại đường dây nóng để dân có thể phản ảnh bất kỳ lúc nào. Người dân thấy tin tưởng hơn về việc lãnh đạo thành phố sẽ giải quyết rốt ráo những sự vụ phát sinh, nhằm làm cho đời sống ổn định và phát triển hơn.

Có thể nói, ông Đinh La Thăng và một số lãnh đạo thế hệ mới đã rất biết gần dân trong cách thức chỉ đạo sâu sát của mình. Và nhiều cư dân ở các địa phương khác cũng đang đòi hỏi, mong mỏi lãnh đạo địa phương mình cũng hành động như thế, cho đúng với tiêu chí "gần dân, vì dân".

Thực chất, gần dân luôn là chủ trương lãnh đạo được đề cao từ cội nguồn dân tộc. Thời xưa, quan huyện, quan phủ đều có cái trống trước công đường, dân có việc chỉ cần đánh trống, quan sẽ mở cửa đón tiếp và giải quyết sự vụ. Cái trống của lịch sử chẳng khác gì đường dây nóng của ngày hôm nay. Nó là một chỉ dấu cho mối nối không thể thiếu giữa lãnh đạo với nhân dân, mối nối quan trọng tạo đà phát triển cho xã hội.

Cán bộ Công an huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) xuống bản Mông xã Pà Cò làm chứng minh nhân dân cho dân bản.

Song, suy cho cùng, làm lãnh đạo càng cao cấp mà suốt ngày cứ phải bận tâm lo giải quyết các phản ảnh trên đường dây nóng thì đến kiệt sức mất. Mà cắt bỏ không tiến hành đường dây nóng thì dân sẽ thất vọng vô chừng. Nhiệm vụ của các lãnh đạo tỉnh, thành phố đâu chỉ có chuyện đi giải quyết những khiếu nại từ con ong, cái kiến kiểu đó. 

Nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… tầm chiến lược cho một tỉnh, thành phố mới là quan trọng nhất. Vậy thì phải cân bằng thế nào giữa nhiệm vụ chiến lược và cái mối nối liên lạc chặt chẽ với dân để người dân lúc nào cũng giữ trong lòng niềm tin, niềm hi vọng vào lãnh đạo nói riêng và thể chế nói chung?

Cán bộ phải gần dân để lắng nghe dân.

Câu trả lời thực ra đơn giản lắm. Các lãnh đạo cơ sở phải là những người gần dân hơn cả, gần sát với dân hơn cả chứ không phải để mỗi người lãnh đạo cao cấp nhất trong địa phương làm điều đó. Nếu ông chủ tịch phường, chủ tịch quận, giám đốc các Sở ban ngành chịu lắng nghe dân bằng những đường dây nóng riêng của mình, áp lực phản ảnh từ dân lên lãnh đạo cấp cao sẽ giảm rất nhiều.

Và thực chất, chính những cán bộ cơ sở ấy mới là những người trực tiếp giải quyết cho dân chứ không phải việc đó là của lãnh đạo cỡ Bí thư Thành uỷ hay Chủ tịch Thành phố. Các cán bộ cao cấp chỉ xử lý khi dân oan ức, bị chính những "quan cơ sở" chèn ép, trù dập và phản ánh lên cấp cao nhất mà thôi. Phân nhiệm xưa nay rõ ràng rồi. Và bây giờ rõ ràng hơn là cả một bộ máy cấp dưới cồng kềnh, quan liêu nên những cán bộ cao cấp cỡ như ông Đinh La Thăng mới phải tận tay chỉ việc giải quyết cho dân mừng là vì thế.

Suy cho cùng, gần dân là chủ trương đúng đắn nhưng chuẩn mực hơn cả, cán bộ phải coi mình chính là những người cung cấp dịch vụ và dân chính là khách hàng nhận được dịch vụ đó,. Đây chính là tư duy hiện đại, văn minh cần phải có trong việc xây dựng cán bộ quản lý nhà nước hôm nay. Có coi nhân dân như khách hàng, chắc chắn sẽ tìm mọi cách để khách hàng được hài lòng nhất, không phải phiền muộn gì, không phải thắc mắc gì và không phải khiếu kiện chi.

Cán bộ cao cấp đã thể hiện thiện chí với dân rồi. Có lẽ những cán bộ cấp cơ sở cũng nên tự ý thức về trách nhiệm của mình, thay vì lên mạng xã hội bàn luận chuyện thiên hạ rôm rả nhưng quay lại nhìn nhân dân với gương mặt lạnh như tiền.

Hà Quang Minh
.
.