20 năm đổi mới, văn học trên đường ra biển lớn:

GS.TS. Trần Đăng Suyền: Nếu không thể dẫn đường, phải là người đồng hành

Thứ Ba, 31/10/2006, 10:30

Người làm công tác phê bình văn học là người có sứ mệnh phát hiện ra các tác phẩm và tác giả mới có giá trị, là người đề xuất, cổ vũ những khuynh hướng mới. Anh ta phải là người có cảm xúc, có năng lực thẩm mỹ, am hiểu sâu sắc về văn học nghệ thuật.

Trong những năm đổi mới đã qua, văn học Việt Nam vận động theo khuynh hướng dân chủ hóa, phát triển đa dạng về đề tài, chủ đề, phong phú và mới mẻ về thủ pháp nghệ thuật. Nó cũng đồng thời đề cao cá tính sáng tạo của nhà văn, đổi mới cách nhìn nhận và tiếp cận về con người và hiện thực đời sống, khám phá con người trong những mối quan hệ đa dạng, phức tạp, thể hiện con người ở nhiều phương diện, kể cả đời sống tình dục, đời sống tâm linh. Câu hỏi đặt ra là, vậy nhiệm vụ đích thực của các nhà phê bình văn học là gì?

Người làm công tác phê bình văn học là người có sứ mệnh phát hiện ra các tác phẩm và tác giả mới có giá trị.  Là người đề xuất, cổ vũ những khuynh hướng mới. Người làm phê bình phải là người có cảm xúc, có năng lực thẩm mỹ, am hiểu sâu sắc về văn học nghệ thuật. Bằng những nghiên cứu, khám phá của mình, anh ta phải tạo ra một tác động nào đó đối với đời sống văn học, khích lệ những tìm tòi mới. Nếu không đạt tới trình độ là người dẫn đường thì anh phải trở thành một người đồng hành với người sáng tác. Anh phải là người nhìn nhận ra những quy luật của sáng tạo.

Ngày hôm nay, công việc lý luận phê bình thiếu những người tâm huyết, có khả năng sống cùng với nhịp đập của văn học thời đại mới. Tôi cũng thấy là người làm phê bình ngày càng ít đọc. Hoặc có đọc thì cũng lõm bõm, thiếu tính hệ thống. Các bài phê bình trên báo chí hiện nay thiếu chiều sâu, có phần “ăn xổi”, không thể gọi là phê bình theo nghĩa chân chính của nó. Cố nhiên, một số tìm tòi của các tác giả trẻ chưa thực sự xuất phát từ nội dung tư tưởng mới, thích thú cách viết cầu kỳ, có phần bí hiểm mà chưa tạo nên được một cái “mạch ngầm” cần thiết, để hé mở  được một cánh cửa thực sự cho cả độc giả lẫn người làm phê bình.

Tôi vẫn cho rằng, phê bình thực sự muốn phát triển và phát triển một cách lành mạnh, rất cần đến vai trò tổ chức của các tờ báo, đặc biệt là các tờ báo chuyên sâu về văn học nghệ thuật. Họ phải dành chỗ cho các bài phê bình công phu. Người làm phê bình hôm nay không thể đi săn sách ở các cửa hàng, rồi viết bài gửi vu vơ được... Họ không thể làm nghề trong tâm thế như vậy. Cần có những địa chỉ cụ thể để họ có thể tâm huyết với công việc của mình

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.