20 năm đổi mới, văn học trên đường ra biển lớn:

GS. Nguyễn Đăng Mạnh: Vận dụng lý thuyết để phê bình tác phẩm còn rất kém

Thứ Ba, 31/10/2006, 10:30

Làm phê bình thực chất là một nghề “lao tâm khổ tứ” không kém gì người sáng tác. Bây giờ đời sống ào ào, không cho phép người ta nhẩn nha như vậy nữa. Tôi thấy người có tài cũng nhiều, không hiếm, nhưng nói thật là không còn ai đủ bình tĩnh, đủ thời gian để làm công việc này.

Thưa GS. Nguyễn Đăng Mạnh, những đổi mới tìm tòi của các nhà văn như GS có thực sự trở thành thành tựu của văn học Việt Nam giai đoạn đã qua?

Theo tôi, đổi mới trước hết là đổi mới về mặt tư tưởng. Khi anh có tư tưởng mới tự khắc anh sẽ tìm được một hình thức mới để thể hiện. Các nhà văn theo trào lưu đổi mới của chúng ta viết thì lạ đấy nhưng thực ra là không có tư tưởng mới. Hoặc nếu có thì cũng rất mong manh. Chính vì vậy mà chúng ta có rất ít tác phẩm thành công, có giá trị lớn, được ghi nhận.

Về công tác lý luận phê bình văn học 20 năm qua, GS nhận thấy, đã có những thay đổi cơ bản nào?

Điều quan trọng nhất trong thời kỳ đổi mới vừa qua, là chúng ta có cơ hội được tiếp cận với lý luận phê bình của nhiều nước khác nhau trên thế giới, không chỉ là lý luận phê bình của các nước cùng hệ thống như trước đây nữa. Điều này cho phép chúng ta có được một cái nhìn phong phú, đa diện vào đời sống văn học nghệ thuật. Chúng ta không còn nghĩ đơn giản, sơ lược như trước nữa. Đã hình thành một hệ thống khái niệm mới để soi văn chương. Sách lý luận được in ấn, xuất bản nhiều. Nhưng, cũng phải nói thẳng thắn rằng, việc vận dụng lý thuyết để phê bình tác phẩm văn học vẫn còn rất kém.

Có nghĩa là công tác lý luận phê bình văn học đang xa rời thực tế sáng tác, không theo kịp đời sống sáng tác, thưa GS?

Tôi thấy những bài phê bình trên báo chí hiện nay thực chất là những bài điểm sách. Nó thiếu sự công phu, tính khoa học của người viết. Ngày xưa cụ Hoài Thanh viết phê bình một ai đó là phải đọc thiên kinh vạn quyển. Tôi viết về ông Nguyễn Tuân cũng phải mất tới 10 năm nghiên cứu, nghiền ngẫm và 6 tháng ngồi trước bàn viết.  Làm phê bình thực chất là một nghề “lao tâm khổ tứ” không kém gì người sáng tác. Bây giờ đời sống ào ào, không cho phép người ta nhẩn nha như vậy nữa. Tôi thấy người có tài cũng nhiều, không hiếm, nhưng nói thật là không còn ai đủ bình tĩnh, đủ thời gian để làm công việc này. Sự say mê của các nhà phê bình cũng không còn nữa.

Thưa GS, theo ông, với những vấn đề mà đời sống phê  bình văn học đang gặp phải như vậy, chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề gì căn bản, trước mắt, để lý luận phê bình có được một gương mặt mới, theo kịp với đời sống sáng tác vốn rất sôi động, và thực sự hữu ích trong việc đánh giá, thẩm định các giá trị mới của văn học đương đại?

Nhìn vào thực tế đời sống có thể thấy rằng phê bình văn học vẫn là một lĩnh vực bị coi nhẹ, chưa được tôn trọng, đánh giá đúng mức. Trong công tác đào tạo chúng ta cũng chú trọng người sáng tác hơn là người làm phê bình. Mà muốn có được những bài viết phê bình tốt, là “ý thức của sáng tác” thì phải dụng công nghiên cứu, đọc, nghiền ngẫm, để có được một hệ thống, lớp lang đàng hoàng. Công việc này thực sự là công việc “đãi cát tìm vàng”, rất khó khăn. Với tình hình đời sống văn học phát triển đa dạng như hiện nay thì càng khó khăn hơn nữa, trong việc vận dụng các lý thuyết lý luận để nhận định các giá trị văn học mới. Tôi cho rằng, trước mắt chúng ta phải đầu tư thích đáng cho những người tài năng và đam mê công việc phê bình văn học, để làm một cuộc tổng kết lớn, sâu sắc về giai đoạn văn học đã qua, đúc kết thành một hệ thống lý luận mới, chỉ ra một cách chính xác, hoàn chỉnh những mặt tích cực và tiêu cực của cả một giai đoạn phát triển. Mỗi một giai đoạn rất cần thiết phải có một cuộc tổng kết. Hiện nay, không có những công trình có quy mô và hệ thống về văn học đổi mới. Đó là điều mà những người làm công tác lý luận phê bình phải suy nghĩ.

Xin cảm ơn GS Nguyễn Đăng Mạnh

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.