Đưa tin, phản ánh trên báo chí: Phải "đông tây y kết hợp"

Thứ Hai, 10/03/2014, 08:00
Những ai am hiểu nghề y, hẳn đều biết đến hai nguyên lý chữa bệnh có tính khác biệt của người phương Đông và người phương Tây. Nếu như người phương Tây chú trọng việc dùng phẫu thuật, dùng thuốc kháng sinh mạnh để tiêu diệt các mầm mống gây bệnh, thì người phương Đông chú trọng dùng thuốc bổ dưỡng, tăng cường các bài tập dưỡng sinh nhằm tăng khả năng đề kháng cho cơ thể (một cách "chữa bệnh từ xa"). Hiện cả hai phương pháp đều có mặt ưu, mặt khuyết. Bởi vậy mới có câu "đông tây y kết hợp".

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, không dưng tôi lại nghĩ tới mấy cụm từ thuộc về "thuật ngữ y học".

Vâng, những ai am hiểu nghề y, hẳn đều biết đến hai nguyên lý chữa bệnh có tính khác biệt của người phương Đông và người phương Tây. Nếu như người phương Tây chú trọng việc dùng phẫu thuật, dùng thuốc kháng sinh mạnh để tiêu diệt các mầm mống gây bệnh, thì người phương Đông chú trọng dùng thuốc bổ dưỡng, tăng cường các bài tập dưỡng sinh nhằm tăng khả năng đề kháng cho cơ thể (một cách "chữa bệnh từ xa"). Hiện cả hai phương pháp đều có mặt ưu, mặt khuyết. Bởi vậy mới có câu "đông tây y kết hợp".

Với chuyện đưa tin, phản ánh trên báo chí cũng vậy, thiết nghĩ, nếu thực sự vì một xã hội phát triển lành mạnh, không cách nào khác hơn là chúng ta phải kết hợp cả hai cách chữa bệnh theo kiểu "đông tây y kết hợp". Nói như các vị lãnh đạo Nhà nước thường vẫn nhắc: Phải vừa xây vừa chống; chống để xây, xây để chống. Đặc biệt, việc "xây để chống", theo tôi trong bối cảnh hiện nay càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Các y, bác sĩ đang khẩn trương cấp cứu cho nạn nhân vụ đứt cầu treo Chu Va 6 (xã Sơn Bình, huyện Cam Đường, tỉnh Lai Châu).

Nói một cách cụ thể, báo chí phải tăng cường hơn nữa việc phát hiện ra những gương tốt (thật ra, những gương này không phải là quá hiếm) trong đời sống, để rồi đưa tin, phản ánh, góp phần biểu dương kịp thời và nhân rộng những nhân tố này ra toàn xã hội. Đành rằng, với một xã hội đang thời kỳ hội nhập, với không ít những tiêu cực diễn ra hằng ngày, gây bức xúc dư luận và làm mai một nhân tâm, chúng ta cần phải "chỉ mặt, gọi tên" những kẻ thủ ác đã lộ diện và còn ẩn mình đâu đó, dưới những vỏ bọc nào đó. Nhưng thử hỏi, nếu ai đó chỉ nhăm nhăm tìm kiếm những thông tin một chiều, thiên về khai thác những "mặt tối" như vậy thì thử hỏi, rốt cuộc sẽ đem lại cho xã hội điều gì? Sẽ đưa các thế hệ tương lai của chúng ta về đâu?

Thì cứ đồng ý với nhau rằng, hiện xã hội ta đang mắc nhiều căn bệnh, như có đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng nhận định, song đã là con bệnh thì - nói như thơ Chế Lan Viên - chúng ta phải "Lấn bệnh tật mà đi, máu đỏ lấn da xanh", tức là lấy cái tích cực (máu đỏ) để đẩy lùi cái tiêu cực (da xanh) chứ. Còn cứ lấy cớ là phải đấu tranh chống tiêu cực, để rồi chuyện bé xé ra to, đánh đồng tất cả người tốt với người xấu, reo rắc sự hoang mang trong xã hội, tạo nên hình ảnh một đất nước bệ rạc, với bầu không khí nặng nề, u ám trong con mắt của bạn bè quốc tế, thì thử hỏi, cái lợi ở đâu và ai - nếu không phải là chính người dân chúng ta - sẽ phải gánh chịu sự thua thiệt từ những thông tin kiểu này.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong cuộc họp bàn về công tác thông tin đối ngoại diễn ra tại Hà Nội cách đây ít ngày đã cảnh báo rằng, việc thông tin một chiều, quá nặng về khai thác cái xấu, cái tiêu cực như vậy đã tạo nên một hình ảnh méo mó về đất nước, khiến nhiều khách quốc tế không có điều kiện tận mắt chứng kiến cuộc sống thực ở Việt Nam đã hiểu rất sai về chúng ta. Và chỉ cần mỗi lần đất nước bị giảm chỉ số tín nhiệm một bậc thì thiệt hại là vô cùng lớn.

Trong vụ đứt cáp treo làm chết và bị thương nhiều người xảy ra ở cầu Chu Va 6 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) ngày 23/2 vừa qua, tôi để ý thấy nhiều tờ báo giấy cũng như các trang báo mạng tập trung đưa tin diễn biến từng ngày, thậm chí từng giờ về tình hình sức khỏe của các nạn nhân và hướng giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng. Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng, hy hữu và rất đỗi thương tâm nên sự quan tâm của báo chí như vậy là cần thiết. Nó đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc cũng như của đông đảo người dân.

Việc các phóng viên xoáy vào đặt vấn đề đâu là nguyên nhân gây ra tai nạn và ai là người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này thiết nghĩ cũng là việc cần làm. Thậm chí, cả việc có tờ báo yêu cầu lãnh đạo đơn vị này, cơ quan nọ phải có lời xin lỗi các nạn nhân và gia đình họ, tôi cho cũng là điều ta có thể chia sẻ. Tuy nhiên, có một điều mà tôi và nhiều bạn đọc cũng rất quan tâm: Đó là sự vào cuộc, hết mình vì người bị nạn của đội ngũ y, bác sĩ địa phương và Trung ương ra sao để có được kết quả khả quan như chúng ta thấy hiện nay thì dường như nhiều báo còn để… trống. Và tôi rất mừng khi Báo Lao động Online ra ngày 27/2 đã cho đăng tải một bài báo rất xúc động (bài "Chuyện bây giờ mới kể về các bác sĩ tham gia hỗ trợ cấp cứu vụ sập cầu treo ở Lai Châu", tác giả Bảo Duy) về những việc làm đầy trách nhiệm và ân nghĩa của tập thể các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai được tăng cường lên cứu chữa đồng bào gặp nạn.

Thiết nghĩ, với những tấm gương hết lòng vì người bệnh như bài báo phản ánh, chúng ta càng thêm yêu và tin hơn ở cuộc đời này, tin vào những người tốt vẫn còn rất nhiều ở quanh ta. Và tôi nghĩ rằng, chỉ có niềm tin vào cuộc đời, vào con người mới giúp ta có động lực để sống tốt hơn, sống có ích hơn, góp phần tạo dựng nên một xã hội ngày càng lành mạnh hơn…

Phạm Thành Chung
.
.