(Trao đổi với nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vương Trí Nhàn)

Đời thường hóa hay tầm thường hóa?

Thứ Hai, 08/06/2009, 11:00
Trước hết xin được nói rằng, Vương Trí Nhàn là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học mà tôi nể phục. Anh luôn có cách suy nghĩ "độc lập, tự chủ", sẵn sàng cày đi xới lại những vấn đề từng được người đời "định giá". Và ở khía cạnh nào đó, anh đã có những phát hiện thú vị, độc đáo. Cách diễn đạt của anh cũng sinh động, hấp dẫn.

Điều tôi lấy làm tiếc là trong một số trường hợp, cách nhìn sự việc, con người của Vương Trí Nhàn quá ư "thuần lý", và vì thế mà nó hơi nghiệt ngã, chưa được thể tất nhân tình.

Trong bài viết "Xuân Sách hay là một đặc sản văn chương" từng được in trên tạp chí Nhà văn cũng như được tải trên nhiều trang web thời gian vừa qua, Vương Trí Nhàn đã tỏ ra thán phục lối dựng chân dung đồng nghiệp của Tô Hoài: "Những nét sinh hoạt của những người cầm bút thời nay đã được nhiều người trình bày lại một cách tự nhiên, trong số này giỏi nhất phải kể Tô Hoài. Ông biết gỡ đi phần hào quang chói lọi mà người ta hay lấy ra để lãng mạn hóa các nhà văn. Ông làm cho cái nghề gọi là sáng tạo này gần gũi với đời thường".

Cũng như Vương Trí Nhàn, tôi rất tâm đắc với cách viết này, bởi có như thế, dung mạo nhà văn mới hiện lên "thực" hơn, dễ nhận được sự đồng cảm của người đọc hơn, bởi như hết thảy mọi người, họ cũng phải sống một cuộc đời với bao nỗi lo toan nhọc nhằn cơm áo.

Tiếc rằng, Vương Trí Nhàn tâm đắc với một lối viết như vậy nhưng trong một số trường hợp, anh chưa làm được như vậy.

Đành rằng, việc viết về cái xấu, cái tốt đều là cần thiết. Viết về cái tốt để mọi người noi theo, thấy yêu cuộc đời hơn. Viết về cái xấu để mọi người cảnh giác, tránh xa. Nhưng với đối tượng phản ảnh là các nhà văn nổi tiếng đã quá cố, câu hỏi đặt ra là: Viết về cái xấu của họ để làm gì? Để giúp độc giả nhận ra "chân tướng" của họ ư? Để độc giả bớt yêu tác phẩm của họ hơn? Vả chăng, những điều gọi là xấu ấy ai kiểm chứng? Chưa nói điều anh cho là xấu chắc gì đã xấu?

Trước đây, trong tập "Cây bút, đời người" của Vương Trí Nhàn (từng được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội - một tập sách không phải không có những nét thú vị, đặc sắc), tôi đã không khỏi ngỡ ngàng khi thấy Vương Trí Nhàn viết về những nhà văn, nhà thơ lớn bằng những cách nhìn có phần không được khoáng đạt, nếu không nói là còn sa vào tiểu tiết.

Như với Xuân Diệu, Vương Trí Nhàn lấy làm lạ khi thấy ở một số cuốn sách của ông, ngay phần đầu sách luôn được tác giả ghi danh sách những cuốn mình đã in trước đó ở mục "Cùng một tác giả". Và "cùng với thời gian, bảng kê này ở sách Xuân Diệu ngày một kéo dài ra, và chữ ngày một nhỏ bớt đi". Chỉ một chuyện ấy thôi, mà Vương Trí Nhàn đã vội buông câu kết luận "sao nhà thơ yêu quý của mình háo danh đến thế?".

Tờ báo đăng tải bài viết của anh về nhà văn Xuân Sách.

Ai đó từng nhận xét: Các vĩ nhân nhiều khi cũng có những thú vui riêng, và cũng nhỏ nhoi thôi. Là người có may mắn được quen thân nhà văn Tô Hoài, tôi biết ông không có thói quen "liệt kê" đầu sách đã viết như Xuân Diệu, hơn thế, ông cũng không lưu trữ sách của mình một cách cẩn thận. Ấy thế nhưng, khi có một nhà nghiên cứu viết rằng, người có nhiều đầu sách nhất Việt Nam từ trước tới nay là Lê Văn Trương thì Tô Hoài đã không quên gửi thư cho người chủ biên một cuốn từ điển văn học, khẳng định rằng người viết nhiều đầu sách nhất Việt Nam phải là ông, là Tô Hoài, bởi Lê Văn Trương tiếng vậy chứ có nhiều cuốn là cho mượn tên, còn thì do đàn em viết.

Nhắc vậy để thấy, thật ra Tô Hoài cũng ý thức về cái "kỷ lục văn chương" mà ông lập ra lắm chứ. Và đây là điều hoàn toàn chính đáng. Văn hào Pháp Balzac chẳng từng ước vọng phải viết được một lượng tác phẩm mà nếu xếp theo chiều dọc, chí ít nó phải cao bằng chiều cao của ông cơ mà. Chẳng lẽ như vậy, ta cũng cột cho Balzac là "háo danh"?   

Cũng vẫn viết về Xuân Diệu, Vương Trí Nhàn đã quá sa vào tiểu tiết khi mô tả những ấn tượng của anh "về con người Xuân Diệu lúc về già". Đó là "Ông béo cái thứ béo riêng của người ít lao động chân tay. Những túi thịt đầy không căng lên song trông vẫn ngồn ngộn. Da như trơn láng hơn, và cả người toát ra vẻ nồng nồng mà người ta thường cảm thấy ở những phụ nữ cả hơi". Không biết nhà phê bình viết vậy thì thêm gì cho Xuân Diệu, thêm gì cho độc giả trong quá trình tìm hiểu sự nghiệp thi ca của ông?

Chưa hết, cũng trong bài viết nói trên, Vương Trí Nhàn còn tỏ ra thái quá khi cố tìm cách chứng minh sự "tham lam", "thực dụng" và "nhẫn nhịn" trong lối sống của Xuân Diệu, đến độ buông ra những câu: "Này là những ngọt ngào của Xuân Diệu khi cần lấy lòng ai đó, cái đầu nghiêng nghiêng, con mắt đắm đuối Xuân Diệu hạ mình khác chi Người kỹ nữ". Thật khó tìm được những lời nặng hơn khi nhận xét về sự "hạ mình" của một nhà văn. Mà chúng ta cùng thử xem, cái điều khiến Xuân Diệu bị Vương Trí Nhàn cho là "hạ mình" thật ra có gì là quá quắt đâu. Cũng chỉ là muốn được đưa thêm bài này, bài kia vào một trang báo, một tập sách...

Trở lại với bài viết "Xuân Sách hay là một đặc sản văn chương". Đây đó trong bài viết này, Vương Trí Nhàn đã bộc lộ những cách nhìn về đồng nghiệp không thực sự ấm áp. Nào là, nhà văn Hữu Mai "với bộ dạng nửa kín nửa hở muốn chứng minh rằng mình quen biết nhiều vị cấp trên, được dự vào nhiều việc quan trọng"; nhà văn Hải Hồ thì "ranh vặt". Với nhà văn Xuân Sách, nhân vật chính được tôn vinh trong bài viết, Vương Trí Nhàn cũng không quên ghi lại một tình tiết: "Mặt khác anh vẫn không giấu được một nỗi vênh vang ngấm ngầm. Ta đã có sách in, ta cũng chả kém đời. Sự trâng tráo, giá thấy ở ai anh sẽ cười giễu ngay, thì lại trở thành cách xử thế chủ yếu của anh".

Thú thực, đọc những dòng trên, tôi cảm thấy có điều gì đó rất khó nói. Bảo nó đúng hay sai cũng không phải, bởi dẫu sao Vương Trí Nhàn cũng là người trong cuộc. Cái chính là rất hiếm người có cách nhìn như thế này, bởi cứ cách nhìn ấy thì ở đâu mà chẳng thấy... vi trùng. Rồi thì những từ như "vênh vang", "trâng tráo”. Nhà văn viết về nhau như vậy là nặng lắm. Mà đấy là với người anh viết yêu đấy.

Hãy xem, đây - Vương Trí Nhàn viết về Hồ Phương: "Chung quanh Hồ Phương có một chuyện vặt nữa mà cả cơ quan truyền tụng, đó là thói quen làm việc vội vội vàng vàng băm băm bổ bổ (Vũ Cao cũng có lần nói đùa là cái ông này sáng sáng vừa nhá bánh mì vừa viết lia lịa) làm lấy được, bất cần chất lượng". Thiết nghĩ, nếu nhà thơ Vũ Cao có nhận xét thế thật thì cũng chẳng nên dẫn ra ở đây, bởi suy cho cùng, ông Hồ Phương có ăn sáng bằng bánh mì hay phở thì cũng có "ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới"? Sao nỡ viết về nhau như thế.

Cũng vậy, tiếng là ca ngợi Nguyễn Khải, song những nhận xét sau đây của Vương Trí Nhàn, theo tôi là cũng không hay cho bậc đàn anh: "Nguyễn Khải là một tính cách rất mềm mại, ở chỗ bản thân không có quyền lợi gì thì anh hiện ra rất đáng yêu, khen ai mà không làm mất ở mình chút gì, thì anh hào phóng ra mặt". 

Vương Trí Nhàn từng không dưới một lần bày tỏ sự ái mộ trước những bài viết ở thể chân dung văn học của Tô Hoài, song thú thật, đọc Tô Hoài, dù không ít chỗ thấy các nhân vật ông đề cập không được thi vị như ai đó tưởng, thậm chí họ có phần ngờ nghệch, nhếch nhác, song toát lên toàn bộ bài viết vẫn là chất trữ tình, là cái nhìn đầy xa xót, thương cảm. Dưới ngòi bút của ông, người đọc thấy nhà văn đáng yêu, đáng thương hơn. Cũng có lúc ông viết những điều mà nhiều người cho là không nên (như chuyện "tình trai" của Xuân Diệu), nhưng đấy là vì ông muốn chứng minh một nét lạ trong cảm hứng thơ Xuân Diệu. Và nếu gọi là "sai lầm" thì đấy cũng là sai lầm hiếm hoi trong thể tài hồi ký, chân dung của ông.

Trong khi ở một đôi bài viết của Vương Trí Nhàn, dù cảm hứng chung là "khen" đấy, song chỉ với đôi câu buông ra một cách bỏ nhỏ, thì thấy các nhà văn thật thảm hại, đặc biệt là về nhân cách. Và như vậy, không hiểu anh muốn gửi thông điệp gì tới độc giả?

Trước đây, ở một bài viết đăng trên Văn nghệ Công an, tôi có nhắc tới cách viết chân dung của nhà văn Nga Pauxtốpxki và cho rằng, Pauxtốpxki là người có biệt tài tìm thấy trong cống rãnh những viên ngọc trai (như ông từng nhận xét về Anđécxen). Với cái nhìn thật nhân văn, ông đã tìm thấy trong cuộc đời dài dặc buồn thảm, thậm chí lầm lỗi của các nhà văn những khoảnh khắc thật thánh thiện. Và ông đã chớp lấy chúng để đưa vào trang sách. Với ông, đó mới đích thực là con người thật của họ, cái phần trong trẻo mà cuộc sống bụi bặm đã luôn tìm cách phủ lấp. 

Phải chăng, chỉ bằng cái tâm của mình, ta mới nhìn ra cái đẹp ẩn khuất đâu đó trong mỗi con người. Và các sự kiện diễn ra trong cuộc sống luôn cần có những con mắt xanh mổ xẻ, phân tích, lý giải?.

Trước kia, Vương Trí Nhàn từng tham gia biên soạn một số cuốn chân dung văn học của các tác giả nước ngoài (như các cuốn "10 nhà thơ lớn của thế kỷ", "Chân dung văn học"...). Công việc này rất có ý nghĩa đối với các nhà văn Việt Nam. Song tôi để ý thấy, trong những cuốn sách này, chân dung các nhà văn, nhà thơ lớn hiện lên rất đẹp, dù các tác giả viết về họ từ khía cạnh đời thường và với cách nhìn cũng bình dân. Nhiều lúc tôi băn khoăn tự hỏi: Không biết Vương Trí Nhàn nghĩ gì về điều này nhỉ? Phải chăng, khi viết về các nhà văn, anh có quan niệm khác biệt so với những tác giả nói trên?

Phạm Khải
.
.