Đôi nét nghĩ về nghề

Thứ Sáu, 28/11/2008, 09:30
Mỗi nhà văn là một vũ trụ riêng. Điều đó là đương nhiên rồi. Thực ra mỗi người bình thường cũng đã là một vũ trụ, có điều vũ trụ đó có sắc thái không thật rõ để phân biệt với các vũ trụ khác.

Nhà văn và nhân cách văn hóa

Ở các văn nghệ sĩ thì sắc thái riêng này nổi hẳn lên, không ai giống ai, nên mỗi nhà văn, nhà thơ và các nghệ sĩ có gương mặt hoàn toàn khác nhau, những cá tính trong cuộc sống ảnh hưởng đến phong cách trong văn chương nghệ thuật.

Người ta có thể nhốt cả bầy ngựa trong một chuồng mà không có chuyện gì lớn. Bởi những con vật này không có ý thức nên chúng chỉ tranh ăn, tranh con cái mà đá nhau, cắn nhau vớ vẩn thôi, rồi đâu lại vào đấy cả. Nhưng những con người có ý thức thì không như thế.

Từ những bất đồng đến những tính toán sâu xa hình thành những thủ đoạn mưu mô, chỉ đạo những hành động vô cùng phức tạp. Các văn nghệ sĩ thì hơi khác một chút, mưu mô thủ đoạn thì không cao, nhưng sự bồng bột tự phát thì lại hơi thái quá, thường ít bản lĩnh để kiềm chế, nên có sự việc gì là cứ um xùm cả lên, việc bé cũng thành to chuyện.

Từ đầu thế kỷ XX đến trước thời kỳ đổi mới (1986), các nhà văn nhà thơ ở nước ta không có nhiều, chỉ trên dưới một trăm người. Mỗi nhà văn nhà thơ cũng là một nhà văn hóa. Độc giả có thể chưa yêu thích thơ văn của họ, thậm chí có thể chưa đọc những sáng tác của họ, nhưng khi được giới thiệu thì luôn trân trọng.

Sự trân trọng này trước hết là trân trọng nhân cách văn hóa của họ. Và quả thực các nhà văn nhà thơ thời ấy cũng rất ý thức giữ gìn nhân cách của mình. Ai cũng biết Hải Triều và Hoài Thanh đã từng đối lập nhau trong cuộc tranh luận về nghệ thuật giai đoạn 1930-1945, cuộc tranh luận lớn nhất thế kỷ XX của văn chương nước nhà. Nhưng các ông không bao giờ xúc phạm nhau.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan với tác phẩm "Kép Tư Bền" là khởi nguồn của cuộc tranh luận ấy, khi ông ở Hà Nội vào Huế, thì ban ngày ông ở nhà Hải Triều, ban đêm ông lại đến nhà của Hoài Thanh.

Sau này con của Hải Triều và Hoài Thanh là các nhà thơ nhà văn Nguyễn Khoa Điềm, Từ Sơn và Phan Hồng Giang thì lại rất thân thiết với nhau. Các nhà văn nhà thơ khác trong những giai đoạn này cũng không hoàn toàn thích nhau, có người còn ghét nhau nữa, điều ấy cũng bình thường thôi, nhưng chưa bao giờ họ để cho bạn đọc thấy giữa họ để có điều tiếng gì. Đúng là những người có nhân cách.

Từ khi đất nước đổi mới, con người được tự do hơn. Điều này đương nhiên là một thành tựu, rất đáng quý rồi. Văn nghệ sĩ thì đã được "cởi trói", được tự do sáng tác và tự do ngôn luận. Ai cũng thấy mừng, ai cũng thấy sung sướng.

Quần chúng bạn đọc thì được thưởng thức những món ăn đa dạng hơn, tuy có món chưa ngon nhưng cũng đỡ đơn độc, nhàm chán. Thôi thì món ngon còn ít, bởi của quý bao giờ cũng hiếm, nhưng độc giả luôn hy vọng đã đào đúng mạch sa thạch thì trước sau cũng có vàng. Chỉ có điều, đôi khi hội này hội nọ của các văn nghệ sĩ lại có chuyện lùng sùng.

Lình sình lùng sùng cũng là việc bình thường, bạn đọc rất biết điều ấy đối với hàng trăm cá tính, hàng trăm phong cách ở trong một hội. Họ chỉ phàn nàn, khi có chuyện thì các nhà thơ, nhà văn, các văn nghệ sĩ cần ứng xử sao cho có văn hóa tương xứng với sự trân trọng của xã hội dành cho mình.

Kinh nghiệm cho thấy, những người không có bản lĩnh cứ thóa mạ người khác thì mất nhiều hơn được. Họ chỉ được một điều là nói cho bõ tức, giải tỏa được cơn giận của mình, nhưng lại bộc lộ hết bản chất con người mình trước tất cả bàn dân thiên hạ. Mà những nhân cách văn hóa thì không bao giờ làm thế.

Trân trọng người đối thoại, đừng coi mình hơn người ta. Xã hội loài người đã bước vào thế kỷ văn minh rồi, sự nhường nhịn có khi lại thắng sự giành giật. Con lắc của chân lý cuối cùng bao giờ cũng về đúng vị trí của nó dẫu có bị chao lắc mạnh mẽ của bão gió. Tài năng thì có thể không cố được, nhưng nhân cách văn hóa thì có thể cố gắng, có thể rèn luyện, tu dưỡng được. Mà cụ Nguyễn Du thì nói: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".

Nhà thơ, nhà văn sướng hay khổ?

Đầu thế kỷ trước, thi sĩ Tản Đà đã thốt lên: "Văn chương hạ giới rẻ như bèo!". Vậy chắc ở thiên đình văn chương được giá chăng? Ai mà biết được. Bởi nửa sau của thế kỷ XX loài người mới bay được vào vũ trụ. Mà từ khi ấy đến nay cũng chưa nghe thấy nhà du hành nào nói trên ấy có văn chương không, và nếu có thì đắt hay rẻ?

Cuối thế kỷ trước, khi tôi còn công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Hưng, một tác giả thơ trong tỉnh, anh Đàm Đức Lợi có viết hai câu thơ: "Nghe đồn ở dưới âm cung/ Người cầm bút được ăn cùng với vua". Vâng, cũng chỉ là nghe đồn vậy thôi. Trong các truyện dân gian của ta, rồi truyện nôm khuyết danh "Phạm Tải Ngọc Hoa", đến "Tây du ký" của Trung Quốc… có nói về âm cung, cả thủy cung nữa, nhưng cũng không thấy nói đến văn chương và những người cầm bút ở các nơi ấy!

Tôi đồ rằng đó chỉ là khát vọng của các thi sĩ ở trần gian. Khát vọng chỉ xuất hiện khi người ta chưa được thỏa mãn. Ở đầu thế kỷ XX, khát vọng ấy được nhiều thi sĩ nói đến. Nguyễn Bính đã chua chát dặn con: "Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con!". Vũ Hoàng Chương thì giận đời: "Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ". Nguyễn Vĩ thì thốt lên một cách tủi nhục: "Nhà văn An Nam khổ như chó!". Xuân Diệu xót xa giận dỗi: "Cơm áo không đùa với khách thơ!". Vâng đầu thế kỷ trước nước ta còn nghèo, chưa đủ bánh mỳ ăn thì ai nghĩ tới hoa hồng!

Tôi đi tìm giá trị của văn chương ở các nơi khác trong cùng hành tinh chúng ta qua các thời kỳ lịch sử. Thì thấy một cách khái quát rằng cũng có khi được trân trọng, được đề cao, được đắt giá, nhưng rất ít. Đến như thi tiên Lý Bạch được vua Đường trọng dụng, nhưng cũng chỉ coi như một thứ để mua vui.

Mặt trời của thi ca nước Nga cuối thế kỷ XIX A. Puskin tuy được các tầng lớp trong xã hội hâm mộ nhưng rồi cũng phải chết một cách bi đát trong một cuộc đấu súng tầm thường mà đến nay vụ án vẫn chưa có đáp số chính xác.

Thi hào Nadim Hitmét của Thổ Nhĩ Kỳ, "người đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ" như nhận định của nhà thơ Tố Hữu thì cũng bị trục xuất khỏi đất nước, suốt đời lưu vong và phải đau khổ thốt lên: "Đi đày là một cái nghề gay lắm!"…

Có chăng chỉ nhà văn Côlômbia Mackét là giàu có không cần đến tiền. Ông đã không đồng ý để cho chuyển thể tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" của mình lên phim với giá một triệu đôla vì sợ họ làm hỏng hình tượng nhân vật chính trong tác phẩm của mình.

Nhìn chung, giá của văn chương và vị thế của nhà văn lúc lên lúc xuống khá thất thường theo thời tiết xã hội. Thì ở đời cái gì mà chẳng thế! Có những ông vua thời này được tôn sùng, thời khác lại bị khinh rẻ. Có những họa sĩ đương thời cực khổ nghèo đói, đời sau mỗi bức tranh của họ lại có giá nhiều chục triệu đôla…

Thì các nhà văn ơi, chớ nên than thở! Hãy "lấy bất biến ứng vạn biến". Văn chương chỉ là nghiệp thôi, chứ đừng nên coi nó là nghề. Hãy tìm một nghề mà sống để từ đó mà nuôi nghiệp văn.

Nhà văn cũng đã hơn người đời rất nhiều rồi, đó là có cái thú để mà yêu, ở đời đâu phải ai cũng có được, kể cả những người có quyền và có rất nhiều tiền. Nhà văn đích thực quả là những người sung sướng, tạo hóa đã ưu đãi họ hơn hẳn những người thường. Nếu ý thức được sự sung sướng thì sự sung sướng sẽ được nâng lên gấp nhiều lần.

Một cuốn sách

"Ở đời cần trồng một cây, sinh một con và viết một cuốn sách!". Đó là châm ngôn của người dân Cu Ba. Một phương châm sống tích cực, không phải nhấn mạnh sống cho mình mà sống cho tương lai. Kể ra, cứ làm tốt được ba điều ấy thì mỗi người khi nhắm mắt xuôi tay cũng có thể thanh thản.

Nhưng châm ngôn này làm tôi lưu ý bởi từ số lượng "một": Một cây, một con, một cuốn sách. Vâng, không cần nhiều. Nhưng để được công nhận là một cái cây, một con người và một cuốn sách không phải dễ. Cây thì cũng có thể là cây cỏ, mà cũng có thể là cây cổ thụ.

Người thì vùng núi cao Đaghextan (Nga) có một câu đáng lưu tâm: "Cho đến già anh ta vẫn chưa sinh ra trên trái đất" để chỉ những người vô tích sự. Còn "một cuốn sách" thì đúng là khó thật! Thế nào thì được gọi là sách? Có phải cứ viết cứ in ra và phát hành thì gọi là sách không? Tất nhiên nó là sách về mặt hình thức, nhưng nó sẽ không phải là sách nếu nó không có tác dụng đối với mọi người.

Vâng, ở đời nếu đã gắn với nghề viết thì cũng chỉ cần viết được một cuốn sách. Mà suy cho cùng, mỗi người viết cũng chỉ có một cuốn sách. Đó là cuốn mà tác giả tập trung cao độ tư tưởng, quan niệm sống và hệ thống thẩm mỹ của mình. Nếu là sách văn học nghệ thuật, thì điều đó được thể hiện bằng hệ thống hình tượng.

Còn những cuốn sách khác của cùng tác giả chỉ là hình bóng của cuốn sách đó nhưng nó nhạt hơn hoặc không đầy đủ bằng. Ngoài cuốn sách đỉnh cao thì những cuốn sách khác cũng làm cho sự nghiệp của tác giả vững chãi hơn, nó làm nền để tôn thêm đỉnh.

Cuốn sách của Nguyễn Du là "Truyện Kiều", Lép Tônxtôi là "Chiến tranh và hòa bình", Tago là "Thơ Dâng", Gơttơ là "Phauxtơ", Oan Uýtman là "Lá cỏ", Sôlôkhốp là "Sông Đông êm đềm", Lỗ Tấn là "AQ chính truyện", Víchto Huygô là "Những người khốn khổ", Sếchxpia là "Hămlét", Xécvăngtéc là "Đônkihôtê"…

Rất nhiều nhà văn không vừa lòng với những sáng tác của mình, thường nói cuốn sách của đời mình vẫn chưa viết ra. Đó là một điều đáng quý. Nhưng để viết ra được cuốn sách của đời mình thì cũng cần phải có sự chuẩn bị. Đó là phải học, phải sống và phải thức.

Việc học và việc sống thì tôi đã có dịp nói ở các phần trên. Còn việc "thức" thì là thế nào? Nhà thơ Tú Xương có viết "Thiên hạ mọi người đang ngủ cả/ Tội gì mà thức một mình ta". Thức là luôn đau đáu, trăn trở về cuộc đời và thân phận con người. Đã là nhà văn thì phải "thức".

Không ai thức hơn Nguyễn Du khi ông thốt lên: "Đau đớn thay, phận đàn bà!". Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng phải thức để chiêm ngưỡng "Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng". Thi sĩ Xuân Diệu cũng phải thức mới viết nổi câu thơ "Vũ trụ ba phần tư nước mắt"…

Không thức với con người và cuộc đời thì không thể có sách. Trước đây, có sách rồi thì mới trở thành nhà văn. Nhưng bây giờ có nhiều người mang danh nhà văn rồi nhưng chưa có sách dù đã in nhiều tập. Vì vậy, "một cuốn sách" vẫn là mục tiêu phấn đấu của nhiều nhà văn!

.
.