Chấn hưng nghệ thuật:

Đòi hỏi bức thiết của thời đại

Thứ Hai, 01/09/2014, 08:00
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã chỉ ra: "So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh". Trong bài này, chúng tôi xin đề cập đến lĩnh vực nghệ thuật.

Hiện trạng một số ngành nghệ thuật

Chúng ta đang đối mặt với một thực tế phũ phàng, đó là: Sự khủng hoảng văn hóa trong đời sống xã hội hiện nay. Văn hóa, hiểu theo đúng bản chất là bao gồm các giá trị tinh thần và vật chất mà con người sáng tạo ra. Như vậy các ngành nghệ thuật (nằm trong phạm trù văn hóa) cũng đang khủng hoảng. Nhiều nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật than thở: "Bao giờ trở lại... ngày xưa" - cái thời mà văn hóa nghệ thuật hoạt động tưng bừng, sôi nổi; và những người làm nghệ thuật đầy tinh thần say mê, hứng khởi, sáng tạo và cống hiến...

Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, cái gì trôi thì cứ trôi, cái gì lắng thì sẽ đọng mãi có khi đến muôn đời. Có khác chăng ở một khúc đoạn nào đó của thời gian, "cái hôm nay là quá khứ của ngày mai", cái quá khứ ấy có là kết tinh để trở thành tinh hoa đời sau noi mãi; hay hậu thế sớm quên lãng? Chưa xa, vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, với chủ trương lớn của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lớp lớp các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà hoạt động nghệ thuật đã háo hức, phấn khởi đi vào thực tế cuộc sống tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, chấn hưng nhiều loại hình nghệ thuật và nghệ thuật dân gian có nguy cơ mai một. Rồi một lực lượng không nhỏ những người làm nghệ thuật được đào tạo bài bản ở nước ngoài về; đã cùng tạo dựng nên diện mạo nghệ thuật đáng tự hào của giai đoạn đó cho đến cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước.

Khi xã hội Việt Nam chuyển động theo hướng đổi mới, cũng bắt đầu là sự "nhảy múa" của nhiều loại hình nghệ thuật theo vòng quay thị trường. Lâu nay khi nói đến sự yếu kém của văn hóa - nghệ thuật, người ta hay đổ lỗi cho đời sống thị trường, kinh tế thị trường, như vậy thật chưa thỏa đáng. Và,  hậu quả là hôm nay văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng đang trong cơn khủng hoảng.

Thật nghịch lý: Khi kinh tế và đời sống của chúng ta mỗi ngày một khấm khá lên, hiện đại hơn thì đời sống văn hóa, tinh thần lại phát triển chưa tương xứng, nếu không muốn nói có phần sa sút. Nghị quyết Trung ương 9 của Đảng đã nêu rõ: "Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn". Chưa bao giờ mọi giá trị trong cuộc sống lại bị đảo lộn như hiện nay; đặc biệt những giá trị văn hóa, nghệ thuật, nhân phẩm. Khủng hoảng văn hóa không chỉ ở nước ta, một số quốc gia khác cũng đang trong "căn bệnh thời đại".

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương khóa XI khẳng định: "So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh". Trong ảnh: Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 do Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 12/8/2014.

Xin trích dẫn đánh giá của nhà văn Nga I.M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên Ủy ban Văn hóa Phủ Tổng thống Nga: "Truyền hình, sân khấu, âm nhạc, âm nhạc quần chúng... bị suy thoái rõ rệt. Dẫn đến sự xuất hiện của thế hệ những công dân có trình độ văn hóa thấp kém. Chúng ta sẽ hiện đại hóa đất nước cùng những người như vậy sao? Song đây lại là vấn đề mà những kẻ mang tâm lý buôn bán không quan tâm..." ("Công chức Nga thời nào tốt hơn?", Báo Văn Nghệ số ra ngày 6/8/2011).

Mấy chục năm nay, âm nhạc đã hầu như chịu sự thả nổi, buông xuôi; khiến mọi ngõ ngách từ thôn quê hẻo lánh đến giường ngủ sang trọng chốn thị thành đâu đâu cũng vang lên những giai điệu, lời ca sặc mùi sến, não tình... Và đến hôm nay, thôi thì ngập tràn đủ mọi thứ hỗn tạp trong thị trường âm nhạc. Âm nhạc đích thực cứ thưa vắng dần!

Chúng ta đã từng có một nền điện ảnh cách mạng trong sáng, đầy chất lãng mạn và tính nhân văn (tuy non trẻ) của những thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ trước; với nhiều gương mặt nghệ sĩ đáng tự hào. Hôm nay, cả một nền điện ảnh một năm sản xuất được khoảng 7, 8 bộ phim. Làm xong, chiếu cho quan chức ngành, cho nhà báo, xong cất vào kho. Còn phim truyền hình thì "hoành hành" trên các kênh truyền hình, nhiều phim dở đến mức "không chịu được".

Sân khấu đã từng là thánh đường nghệ thuật, là môn nghệ thuật đi tiên phong trong trào lưu đổi mới; ngày nay sống lay lắt nhờ chút tiền bao cấp của nhà nước; bởi diễn thì quá ít khán giả. Sân khấu truyền thống còn thảm hại hơn nhiều.

Vì sao nên cơ sự hôm nay? Như trên đã nói - là hệ lụy tất yếu của khủng hoảng văn hóa. Nhưng một điều không né tránh là bản thân nhiều loại hình nghệ thuật đã tự mình hạ thấp mình; trong đó tài năng và nhân cách người nghệ sĩ có những sa sút trầm trọng.

Con người - yếu tố quyết định   

Nhìn vào bức tranh tổng thể "chiến lược con người" của nghệ thuật hiện nay mới thấy còn quá nhiều điều mà - nếu không sớm thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nhiều ngành nghệ thuật nước nhà.

Các ngành âm nhạc, điện ảnh, sân khấu ngày trước đều được nhà nước gửi đi đào tạo tại nước ngoài (Liên Xô, Trung Quốc, Bungari, Hunggari, CHDC Đức...). Nhờ thế, chúng ta có một đội ngũ khá đông những người làm nghệ thuật được đào tạo bài bản, có kiến thức phong phú; và họ là lực lượng nòng cốt của các đơn vị nghệ thuật. Cũng chính họ là những người hoạt động nghệ thuật xuất sắc, những cánh chim đầu đàn của các môn nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, múa, kiến trúc... Song hành là đội ngũ những nghệ sĩ, nghệ nhân trưởng thành từ sự bồi đắp của cuộc sống, từ sự nỗ lực tự vươn lên; đặc biệt trong những nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương, quan họ, ca trù, xẩm, âm nhạc dân gian... Khi hệ thống XHCN ở Đông Âu sụp đổ (1991), cũng đồng thời chấm dứt đào tạo nghệ thuật tại nước ngoài.

Tài sản con người quý giá ấy, nhiều người nghỉ hưu đã lâu; lớp cuối cùng được đào tạo ở nước ngoài thì nay cũng cận kề tuổi hưu.

Ở các ngành nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật truyền thống thì những nghệ nhân lừng lẫy nay không còn ai, nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - nghệ nhân cao tuổi nhất cũng đã giã biệt cõi nhân gian cách đây ít lâu ở tuổi ngoại chín mươi.

Các ngành âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, múa thì đào tạo ở nước ngoài rất quan trọng; bởi lẽ nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động đào tạo tại nước ngoài là những dịp để văn hóa nghệ thuật Việt Nam tham gia hội nhập và giao lưu quốc tế. Hơn hai mươi năm nay, việc đào tạo những tài năng nghệ thuật theo hướng gửi đi học ở nước ngoài đã hầu như vắng bóng. Và tất nhiên, việc đào tạo sẽ dồn lên những đơn vị trong nước. Mà, việc đào tạo trong nước còn quá nhiều bất cập và yếu kém. Vì thế nên sản phẩm con người qua đào tạo nghệ thuật ở các trường trong nước cứ teo tóp và yếu kém dần. Những "sản phẩm con người" ấy lại tham gia các hoạt động nghệ thuật đang hàng ngày hàng giờ diễn ra, trong một môi trường văn hóa nghệ thuật, đời sống đang khủng hoảng; thì làm sao những giá trị nghệ thuật đích thực được tỏa sáng và phát triển.

Các loại hình nghệ thuật liên quan đến văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mất thương hiệu; thậm chí, nếu không sớm có những giải pháp tích cực có thể nói đang đứng bên bờ vực của sự xóa sổ. Các nghệ nhân, nghệ sĩ đầu đàn cứ mỗi năm lại trống vắng, mà mỗi người ra đi là mang theo cả một kho tàng nghệ thuật họ tích lũy cả một đời người mới có được. Nếu chiến lược con người cứ "hờ hững" như những năm trước, liệu vài chục năm nữa chúng ta sẽ còn lại những gì!

Nghị quyết Trung ương 9 đã đánh giá một cách sáng suốt và thấu đáo hiện trạng văn hóa nghệ thuật nước ta hiện nay. Một hoạch định chiến lược và lâu dài đã được đề ra. Có thể nói đây là một cuộc chấn hưng văn hóa nghệ thuật Việt Nam: "Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam…". Nghị quyết cũng khẳng định rõ ràng: "Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế".

Ngày hôm nay là quá khứ của ngày mai. Vậy hôm nay chúng ta để lại những tinh hoa gì của văn hóa- nghệ thuật cho hậu thế? Bởi vậy, việc chấn hưng văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng là yêu cầu bức thiết và khẩn cấp của thời đại

Cao Minh
.
.