Đưa nghệ thuật hàn lâm đến với giới trẻ

Độc hành liệu có thành công?

Thứ Tư, 19/12/2012, 09:00

Bước vào mùa thứ 2, chương trình "Giai điệu trẻ" của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc vũ kịch Tp HCM tiếp tục loạt đêm diễn nghệ thuật giao hưởng - nhạc kịch và vũ kịch miễn phí, định kì vào ngày 29 hằng tháng (bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 12/2012) dành cho đối tượng thanh thiếu niên. Chương trình bước đầu gặt hái được những thành công nhất định, thế nhưng để đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần với khán giả trẻ, đó vẫn là một cuộc hành trình đơn độc cần sự tiếp sức.

19h, trước giờ công diễn một tiếng, Nhà hát Thành phố đã đông nghẹt khán giả. Những chiếc ghế nhựa được tận dụng tối đa, chật kín lối đi. Khán giả là những gương mặt trẻ đầy háo hức: học sinh cấp 2, cấp 3, sinh viên các trường đại học, cao đẳng… Hình ảnh của đêm công diễn chương trình "Giai điệu trẻ" tháng 10, chủ đề "Tìm hiểu Âm nhạc Hòa tấu Thính phòng" và tháng 11, vũ kịch "Kẹp hạt dẻ" đã khiến không ít bậc phụ huynh ngạc nhiên.

Nhạc thính phòng, vũ kịch, nhạc kịch là nghệ thuật hàn lâm được đầu tư công phu với chất lượng rất cao. Tuy nhiên, đây vốn được coi là nghệ thuật bác học, khá xa lạ với tầng lớp bình dân. Hàng ghế khán giả của các buổi hòa nhạc, biểu diễn các kiệt tác kinh điển thính phòng, giao hưởng của thế giới dường như không có chỗ cho họ. Giá vé của các chương trình đỉnh cao này thường cao hơn các chương trình trình diễn ca khúc, kịch, điện ảnh… nên họ càng ít cơ hội tiếp cận. Nhạc thính phòng giao hưởng, nhạc kịch (Opera) rất kén khán giả, đòi hỏi người thưởng thức phải có ít nhiều trình độ cảm thụ. Không hiếm các trường hợp khán giả đi nghe hòa nhạc nhưng ngồi chưa được dăm phút là đã lẻn ra về vì chẳng hiểu gì.

Với thanh thiếu niên, họ thích nhạc dễ nghe, trẻ trung, sôi động như pop, hiphop, R&B… và thường là nhạc có lời hơn là những giai điệu phải động não. Hiện nay, nhạc Hàn Quốc đầy rẫy trai xinh gái đẹp, ngôn từ và chất lượng âm nhạc thấp kém đang tạo nên cơn sốt trong giới trẻ. Các fan "cuồng" ra đời, mất kiểm soát hành vi và tự trọng khiến các bậc làm cha làm mẹ lo lắng. Âm nhạc trong nước bị hàng nghìn nhạc phẩm kém chất lượng lấn át trên các phương tiện truyền thông. Các ca khúc bị liệt vào danh sách "thảm họa" ngày càng nhiều, lại được giới trẻ tán thưởng. Trong khi đó, những bạn trẻ có năng khiếu và yêu thích nghệ thuật hàn lâm lại ít có cơ hội tiếp cận.

Chương trình "Giai điệu trẻ" do Nhà hát Giao hưởng, Nhạc vũ kịch Tp HCM kết hợp với Thành Đoàn Tp HCM tổ chức được xem là bước đi chủ động mở rộng đối tượng khán giả, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên. Chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức và góp phần phát hiện những tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm, nâng cao trình độ thẩm mỹ của thanh thiếu niên trong đời sống âm nhạc xô bồ, thiếu định hướng như hiện nay. Nhà hát lo phần chuyên môn; Thành Đoàn, cụ thể là Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên hỗ trợ tìm kiếm khán giả, địa điểm, phát hành vé…; UBND Tp HCM cấp kinh phí hoạt động. Chương trình thực nghiệm từ tháng 5/2011 và đang bước vào mùa thứ hai, tổ chức tại Nhà hát Thành phố, Nhà Văn hóa Thanh niên và Nhà Thiếu nhi Thành phố định kỳ vào ngày 29 hằng tháng. Các nghệ sĩ của Nhà hát mang đến cho khán thính giả những loại hình nghệ thuật hàn lâm khác nhau theo chủ đề của mỗi tháng.

Đây không phải là chương trình biểu diễn nghệ thuật hàn lâm thuần túy mà mỗi đêm diễn đều có một nghệ sĩ dẫn giải những kiến thức sơ khai. Với phương châm trẻ hóa nghệ thuật hàn lâm nên êkíp thực hiện và diễn giả cũng là những gương mặt trẻ đầy tâm huyết: Nguyễn Mạnh Duy Linh, Trần Nhật Minh, Nguyễn Phúc Hùng… Để "nhập môn" cho khán giả trẻ, các tiết mục đều được chọn lọc, không quá "nặng ký", nhẹ nhàng, đơn giản nhưng vẫn giữ được nền tảng cơ bản. Trong chương trình "Giai điệu trẻ" tháng 10 chủ đề "Tìm hiểu Âm nhạc Hòa tấu Thính phòng" tại Nhà hát Thành phố, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Mạnh Duy Linh đã dẫn giải những kiến thức cơ bản về đàn cello, piano, violin…, chỉ ra đặc trưng âm thanh, tính năng của từng loại nhạc cụ, giới thiệu về dàn nhạc giao hưởng, lịch sử của nhạc thính phòng. Đồng thời, anh cũng phân tích cái hay của mỗi bản nhạc và tiểu sử của nhà soạn nhạc cho khán giả trước khi các nghệ sĩ trình diễn bản nhạc đó. Còn trong đêm trình diễn vũ kịch "Kẹp hạt dẻ", khán giả đã biết ballet xuất xứ từ đâu, các nghệ sĩ tập luyện cực nhọc thế nào trên đôi giày ballet.

Trên sân khấu luôn kê sẵn các dãy ghế dành cho khán giả muốn tiếp cận sân khấu. Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh cho biết, đây là cách tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả, tạo điều kiện cho khán giả trẻ có cơ hội trải nghiệm. Mỗi chương trình sẽ có những cách tương tác khác nhau. Ví dụ như đêm múa ballet, các bạn sẽ được mang thử giày của vũ công ballet, học một vài động tác cơ bản… Trong các chương trình âm nhạc thính phòng, những bạn có năng khiếu, biết chơi một loại nhạc cụ nào đó hoặc chỉ đơn giản là yêu thích đều được mời biểu diễn hoặc chơi thử ngay trên sân khấu. Đồng thời mỗi chương trình đều có phần giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả. Đã có rất nhiều thắc mắc của các bạn trẻ được giải đáp.

Bạn Nguyễn Thu Thảo (sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng) tỏ ra rất thích thú khi lần đầu tiên trực tiếp quan sát nhạc cụ và nghệ sĩ trình diễn ở một khoảng cách gần như thế. "Bây giờ em mới biết là đàn cello có âm thanh gần giống tiếng người và chơi được chúng phải khổ luyện rất lâu. Lần đầu được tiếp xúc và chơi thử đàn cello, em rất hồi hộp và vui sướng" - Thảo cho biết.

Trước đây, Nhà hát từng "một thân một mình" thực hiện các chương trình biểu diễn cho học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng. Nhưng kinh phí không có nên chương trình diễn ra rời rạc và những nỗ lực của Nhà hát coi như muối bỏ bể. Hiện nay, ngoài chương trình "Giai điệu trẻ", các đêm diễn thường xuyên của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc vũ kịch Tp HCM có giá vé trung bình từ 200 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng, nhưng với đối tượng học sinh, sinh viên, Nhà hát triển khai giá vé ưu tiên 60.000 đồng. Tuy nhiên, mức độ lan tỏa và hiệu ứng không cao. Sự "độc hành" của Nhà hát một lần nữa xem như không có hiệu quả.

Nếu như trước đây, khi chương trình "Giai điệu trẻ" mới thực nghiệm, khán giả rất thưa thớt, Ban tổ chức gần như phải "lùa" học sinh, sinh viên đi để lấp đầy chỗ trống thì hiện nay, với sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên, mỗi tháng, 1.000 vé miễn phí đều được phát hành nhanh chóng. Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh cho hay: "Sau mỗi chương trình "Giai điệu trẻ", chúng tôi và Thành Đoàn, các Câu lạc bộ của Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên đều phát phiếu thăm dò và ghi nhận phản hồi của khán giả để rút kinh nghiệm, xây dựng chương trình gần gũi, thiết thực hơn. Các đêm diễn của chương trình tuy diễn ra cách tháng nhưng xuyên suốt, nối tiếp nhau chứ không hề rời rạc. Do đó nếu khán giả đi xem đều đặn, liên tục thì kiến thức nghệ thuật hàn lâm và trình độ cảm thụ sẽ được nâng lên đáng kể. Nếu xem đơn lẻ một vài chương trình thì họ cũng sẽ hiểu nhưng hiệu quả không cao".

Theo NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc vũ kịch Tp HCM, Nhà hát không có tham vọng với vài chương trình là tạo cho công chúng sự yêu thích bởi đó là quá trình lâu dài, cần sự chung tay góp sức của nhiều ban ngành. Có thể nói, chương trình "Giai điệu trẻ" là một nỗ lực rất lớn của những người tâm huyết với âm nhạc chuyên nghiệp nước nhà. Tuy nhiên chương trình cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Mặc dù lúc mở màn, khán giả khá thích thú, nhưng chương trình chưa được một nửa, khán giả đã bỏ về rất nhiều. Số khác thì ngái ngủ, nói chuyện râm ran… Nhiều khán giả đến chương trình chỉ vì tò mò. Sự diễn giải của các nghệ sĩ cũng chưa mang lại hiệu quả cao, chưa khiến khán giả thích thú lắng nghe. 

Là một nhạc sĩ trẻ luôn trăn trở cho nền âm nhạc nước nhà, đặc biệt là nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho thanh thiếu niên, nhạc sĩ Trần Quế Sơn chia sẻ: "Hiếm hoi lắm tôi mới gặp một bạn trẻ biết nghe thanh nhạc. Các bạn trẻ biết nghe nhạc thính phòng giao hưởng thì càng hiếm hơn. Người thích nghe nhạc thì nhiều, nhưng biết nghe nhạc thì rất ít". Theo nhạc sĩ Trần Quế Sơn: "Để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho thanh thiếu niên cần tổ chức những hoạt động âm nhạc bổ ích, tác động trực tiếp đến người nghe, đặc biệt tác động ngay đến những người đang làm cha làm mẹ trong mỗi gia đình. Từ đó, các bậc phụ huynh sẽ định hướng cho con em".

Chương trình "Giai điệu trẻ" được xem là một liều thuốc kịp thời nhưng dường như nó chưa đủ mạnh để đẩy lùi những vi rút âm nhạc độc hại đang tiêm nhiễm vào giới trẻ trong khi đời sống nghệ thuật hàn lâm dành cho họ quá khan hiếm. Nhạc sĩ Trần Quế Sơn cho rằng: Chương trình "Giai điệu trẻ" sẽ thiết thực hơn nếu được phát sóng trực tiếp rộng rãi trên truyền hình. "Có như vậy, thanh thiếu niên cả nước mới có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật hàn lâm chứ không chỉ gói gọn với các bạn trẻ Tp HCM". 

Xây dựng thẩm mỹ âm nhạc, đưa nghệ thuật hàn lâm đến với thanh thiếu niên - những người chủ tương lai của đất nước là việc làm cần thiết, một chặng đường dài cần sự chung tay góp sức của cả xã hội. Chương trình ý nghĩa, thiết thực như trên cần được nhân rộng và liên kết chặt chẽ với nhau chứ không nên thực hiện đơn độc, mạnh ai nấy làm

U.P.
.
.