Do không để ý?!

Thứ Tư, 26/10/2011, 08:00
Năm nay là năm mà nhiều tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ lần lượt xét và trao giải thưởng về văn học - nghệ thuật của địa phương mình theo định kỳ 5 năm 1 lần. Sẽ có nhiều tác phẩm đoạt giải ở nhiều lĩnh vực khác nhau theo kiểu lựa "bó đũa" chọn "cột cờ", trong đó có văn chương...

Sẽ có người rất vui và có người không vui lắm. Sẽ có người bằng lòng và có người không bằng lòng. Sẽ có những lời bàn ra tán vào. Sẽ có người tán thành và có người phản đối. Sẽ có người ủng hộ và người không ủng hộ. Thậm chí có thể sẽ có những đơn thư thắc mắc hoặc khiếu nại. Đấy là những chuyện khó lòng tránh khỏi và không có gì là lạ. Bởi vì chuyện lạ nhất có lẽ là chuyện xảy ra cách nay cả một thập kỷ rồi. Chuyện rằng, có một người sau khi dự mấy cuộc thi thơ thấy không "dính" một giải nào (kể cả giải khuyến khích mà những người chơi xổ số thường gọi là "giải râu"), đã làm đơn kiện các ban tổ chức, các ban chung khảo lẫn những người đoạt giải.

Để các cuộc xét và trao giải diễn ra có màu sắc trung thực và khách quan hơn, năm nay, đã có nhiều địa phương mời nhiều người của trung ương hoặc ở địa phương khác tham gia thành phần ban chung khảo.

Ở các Hội văn nghệ địa phương, việc trao giải văn học luôn căng thẳng, bị kiện tụng nhiều hơn ở các Hội trung ương. Trong ảnh: Lễ trao giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007 (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Một lần, cách nay không lâu, tôi có hỏi chuyện một người là hội viên hội văn học nghệ thuật của một tỉnh phía Bắc (tạm gọi là nhà thơ X.) về "văn chương hàng tỉnh". Nhà thơ X. nói rất chân tình, thẳng thắn: "Quanh quanh việc này, cũng có nhiều điều để nói lắm. Có tỉnh nhiều năm nay không trao được giải thưởng vì kiện tụng triền miên. Có tỉnh đã trao giải rồi mà Sở Tài chính còn ra quyết định thu hồi tiền thưởng vì nghi có chuyện dựa vào giải thưởng để chia chác tiền nong. Ở mức độ thấp hơn, có tỉnh phải 2 năm sau mới trao giải thưởng được vì bị nghi ngờ làm ăn vừa tắc trách, vừa chưa minh bạch cho lắm". Khi tôi hỏi: "Thế "văn chương hàng tỉnh" có thực sự xuất sắc không? Và tại sao lại có lắm người quan tâm đến giải thưởng thế?" thì nhà thơ X. trả lời: "Cũng khó nói. Đến "văn chương hàng quốc gia" có năm còn mất mùa, còn thế này thế nọ, nữa là… Vấn đề quan trọng là chọn được những tác phẩm khá nhất trong 5 năm qua. Nếu có tác phẩm xuất sắc thì trao giải A, không có thì trao giải thấp hơn. Còn việc có lắm người quan tâm là điều dễ hiểu, vì dù sao cũng là "một miếng giữa làng". Mà "một miếng giữa làng" bao giờ chẳng hơn "một sàng xó bếp".

Trả lời xong câu hỏi của tôi, nhà thơ X. quay ra hỏi lại tôi:

- Thế ở địa phương ông có thế không?

Tôi trả lời giọng vui vui:

- Có lẽ vì chúng tôi bị "trung ương hóa" lâu rồi nên "địa phương tính" còn ít lắm.

Nhà thơ X. có vẻ hơi khó chịu:

- Ông nói gì tôi không hiểu. Xin ông đừng quanh co nữa. Thế ở địa phương ông, tình hình "văn chương hàng tỉnh" thế nào?

Tôi đành trả lời thẳng vào câu hỏi:

- Tôi không để ý đến giải 5 năm. Chỉ biết năm nào, hội nhà văn địa phương tôi cũng đứng ra trao giải. Họ trao nhiều giải lắm. Có năm còn vẽ thêm giải này giải nọ nữa kia. Có năm trao giải cho một tác phẩm văn xuôi có chất lượng không đâu vào đâu. Có năm trao giải cho một tác phẩm thơ mà tác giả của nó không phải là người của địa phương và không có một bài thơ nào trong tập thơ ấy viết về đề tài địa phương.

Nhà thơ X. hỏi ngay:

- Thế nhiều năm nay, có ai thắc mắc gì không?

Tôi trả lời ngay:

- Không.

Nhà thơ X. nhận xét:

- Thế thì… hiền quá đấy.

Tôi cười xòa:

- Chưa chắc. Cũng có thể do không quan tâm và không để ý thôi

Đặng Huy Giang
.
.