Điều tất yếu không thể bỏ qua

Thứ Hai, 25/02/2013, 08:00
Như chúng ta đã biết, ngày 2/1/2013, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chính thức công bố bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Và ngày 4/2/2013, một phái đoàn gồm 15 vị đại diện cho những người đầu tiên trực tiếp ký tên vào bản "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992" đã đến địa điểm tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân tại 37 Hùng Vương, Hà Nội để trao bản kiến nghị cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Bản kiến nghị này ngay sau đó đã được tải lên một số trang web.

Trong số 7 điểm mà các tác giả bản kiến nghị đặt ra, là một người lính, trước mắt, tôi xin trao đổi lại điểm thứ 5 - là phần kiến nghị về vai trò, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang. Bản kiến nghị viết: "Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo. Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam".

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức công tác lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong lực lượng CAND (Hà Nội ngày 18/1/2013).

Thật ra, nói "Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân" không có gì sai. Song nếu chỉ nói vậy thì quá chung chung, và không đáp ứng được những diễn biến xảy ra trong thực tế. Bởi nội hàm của hai chữ "nhân dân" quá rộng? Nhân dân là nhân dân nào? Ai có thể tự coi mình là đại diện cho nhân dân nếu không phải là một tổ chức hợp pháp do nhân dân bầu ra? Tôi nhớ, trước đây tôi từng được nghe một câu chuyện do nhà thơ Vũ Quần Phương - nguyên Tổng biên tập Báo Người Hà Nội kể lại: Lần ấy, do không chịu sửa cái măngsét tờ Người Hà Nội mà một vị lãnh đạo Hà Nội yêu cầu, Vũ Quần Phương đã bị vị này gọi lên "nhắc nhở". Chưa kịp nghe nhà thơ Tổng biên tập thuyết trình điểm hay điểm dở của cái măngsét trên ra sao, vị lãnh đạo nọ đã gay gắt: "Cậu bảo thủ bỏ mẹ. Dân người ta góp ý thì phải nghe chứ". Rồi ông trừng mắt: "Tớ là dân, dân nói cậu không nghe à!". Đấy, gọi là dân cũng có ba bảy đường. Khi cần, thiếu gì cách để người ta nhân danh "nhân dân"?

Tôi không rõ về vai trò, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng cảnh sát, an ninh, trong hiến pháp của các nước quy định ra sao, song tôi chắc chắn một điều, dù câu chữ được thể hiện thế nào (như trong Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam năm 1992, ở Điều 45 cũng đã ghi "Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…"), thì bao giờ nó cũng phải trung thành với chính phủ của nước đó và thực thi nhiệm vụ mà chính phủ của nước đó giao phó. Ở những nước có Đảng Cộng sản lãnh đạo thì hiển nhiên, lực lượng đó phải là lực lượng trung thành với Đảng lãnh đạo. Mọi người thường viện dẫn bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố ngày 9/11/1946, song cần nhớ là, ở thời điểm ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đang rút vào hoạt động bí mật. Sau này, vào năm 1948, khi mà Đảng chưa ra công khai, trong 6 điều dạy CAND, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu lực lượng này "Đối với chính phủ phải tuyệt đối trung thành". Và khi Đảng ra công khai (kể từ Đại hội Đảng lần thứ II, diễn ra vào năm 1951), trong lời dạy Quân đội nhân dân, Người viết rõ: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân". Một vị lãnh tụ từng đặt tên cho các lực lượng vũ trang của Việt Nam ta là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân chắc chắn rất coi trọng việc làm sao để các lực lượng này bảo vệ nhân dân, phục vụ nhân dân được tốt nhất, hiệu quả nhất. Song Người cũng không vì thế mà lạm dụng hai chữ "nhân dân" khi chỉ ra cho các lực lượng vũ trang những nhiệm vụ cụ thể, mang tính định hướng rõ nét, ấy là trung thành với chính phủ, với đảng cầm quyền. Vậy, trên tinh thần ấy, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nếu có đặt vấn đề lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam bên cạnh việc trung thành với Tổ quốc và nhân dân thì có gì là quá?

Như trên đã nói, việc lực lượng vũ trang được yêu cầu phải trung thành, phải tuân lệnh một chính phủ hay một chính đảng lãnh đạo nào đó là điều hiển nhiên xảy ra ở tất cả các quốc gia (còn việc chính phủ, chính đảng đó hay hay dở, có vì dân vì nước hay không thì vấn đề là người dân phải có giải pháp để "giải quyết" sự tồn tại của chính phủ, hay chính đảng đó). Đây là thực tế diễn ra trong cuộc sống, không phải chúng ta có thể dùng những ngôn ngữ mỹ miều mà thay đổi được. Và một đất nước muốn tình hình an ninh trật tự ổn định thì tất yếu không thể bỏ qua điều khoản này

Trần Hữu Thanh
.
.