Điều kiện "cần" và "đủ" cho một nền khoa học

Thứ Sáu, 29/08/2014, 08:00
Có lẽ sẽ chẳng ai phủ nhận việc đầu tư đầy đủ cho khoa học là cực kì cần thiết, điều đó quá rõ rồi. Tiền nhân chả phải đã dạy: Có bột mới gột nên hồ hay có thực mới vực được đạo. Tuy nhiên, có viển vông không nếu đưa ra một quan điểm tiền thì rất cần, nhưng không phải cứ nhiều tiền thì sẽ có nền khoa học phát triển? Liệu có phiến diện không nếu ai đó băn khoăn đưa ra sự so sánh giữa các nhà khoa học hiện nay với thế hệ đi trước chừng nửa thế kỉ?

Hình như, nếu tôi nhớ không lầm, chúng ta đi qua hai cuộc chiến với sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học. Dưới bom đạn, trong điều kiện khắc khổ, bao nhiêu sáng chế đã ra đời làm nên tên tuổi của nhiều nhà khoa học - những người mà bao thế hệ học trò ngày nay vẫn phải nghiêng mình, núp dưới bóng dù cho xét về điều kiện vật chất, sẽ là bất kính khi đưa ra bất cứ một sự so sánh nào.

Hãy kể ra đây vài ví dụ. Giới Sử học không biết từ bao giờ, do ai, đã "phong hàm" cho 4 nhà sử học "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" thành "tứ trụ" từ hơn nửa thế kỉ trước, khi các "tứ trụ" này còn rất trẻ và cho đến nay, chưa thấy "trụ" nào bị thay thế. Giới hội họa thì hẳn không ai không biết đên câu "nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn". Tranh của họ vẽ trong thời tao loạn nhưng hiếm có tác phẩm đương đại nào bì nổi. Nhìn từ văn học sang toán học, từ nông học sang y học, bản thân cứ tự lục vấn mình, sao thời đó mình có nhiều tên tuổi lớn đến thế? Để đến tận bây giờ, ngày nào bạn chả gặp lại vài trong số họ qua những tên phố!

Trong điều kiện của Việt Nam, phải thẳng thắn thừa nhận là nhà nước đầu tư chưa nhiều, nhưng cũng không hề ít cho khoa học. Rồi lại còn hẳn một bộ chuyên tâm lo về khoa học với cánh tay nối dài đến cấp tỉnh. Điều kiện làm việc của bất kì một nhà khoa học nào đều đã được cải thiện vượt bậc trong chừng một thập niên trở lại đây.

Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, nhiều nhà khoa học Việt Nam vẫn cho ra đời những sáng chế thực sự ích nước lợi dân. Trong ảnh: Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ giới thiệu kết quả kiểm tra nước lọc Pênixilin với Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí (Chiêm Hóa, Tuyên Quang năm 1952).

Tuy nhiên, điều đáng đặt câu hỏi là cơ chế phân bổ nguồn lực, đầu tư cho khoa học hiện nay. Dường như tập quán "đồng lần", "sếp hàng" hay "cào bằng" vẫn ngự trị và phổ biến. Đề tài khoa học được chia ra làm nhiều cấp, mỗi cấp tương ứng với một mức kinh phí, tương ứng với một cấp bậc. Anh là cán bộ trẻ, đương nhiên anh không được chủ nhiệm đề tài cấp Bộ hay cấp nhà nước. Cái đó dành cho những bậc trưởng lão.

Hẳn sẽ có nhiều "luận chứng" bảo vệ cho sự hợp lí của những quy định này. Thậm chí sẽ có hẳn vài luận án tiến sĩ được xây dựng để chứng minh tính đúng đắn của nó. Sự băn khoăn ở đây là tuổi tác, phẩm hàm có nhất thiết lúc nào cũng phải là lá bùa cho chất lượng nghiên cứu?

Khoa học cần sự sáng tạo và tính phản biện cao. Chất lượng, giá trị ứng dụng của mỗi sản phẩm khoa học hẳn không phải lúc nào cũng nằm ở tuổi tác, phẩm hàm. Lịch sử danh nhân khoa học của nhân loại đã chứng minh điều này. Chính bản thân các kết quả khoa học được thừa nhận rộng rãi cũng chỉ ra rằng giai đoạn sung sức nhất, sáng tạo nhất của một nhà khoa học là ở những năm trước 40 tuổi.

Rồi thì một luật bất thành văn khác. Ấy là nhìn chung, anh làm đề tài năm nay, năm sau anh nghỉ cho người khác làm. Bất luận đề tài anh làm cực kì xuất sắc, cực kì cần thiết, cần ngay lập tức phát triển thêm để đưa vào cuộc sống. Bất luận là người được chọn ở năm sau sẽ muôn thuở thủy chung với những đề tài kiểu "quả trứng có trước hay con gà có trước"; "hôn nhân trước hay gia đình trước"?

Thế thì còn gì là sáng tạo, còn gì là khoa học nhỉ?

Rồi thì tâm lí cào bằng. Thôi thì điều kiện nó thế, nguồn lực có thế, chỉ có chừng ấy. Cứ chia đều cho dân chủ, cho công bằng. Thường thì cùng một hệ đề tài, anh này được một thì chị kia cũng phải được một, thế là cả nhà cùng cười, cùng win-win. Rồi thì khi thực hiện nhiệm vụ khoa học nào đó, định mức lương cứ chia đều. Dù cho anh có 10 năm kinh nghiệm, chị mới vào cơ quan chưa được mấy tuần trăng, cứ bằng nhau cho nó vui vẻ, ấm cúng, trên tinh thần "chúng ta là một gia đình".

Thế thì lấy đâu ra động lực, lấy đâu ra công bằng?

Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (nay là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) từng phát biểu trong một hội nghị, đại ý là: Các quy định quản lí công tác khoa học hiện nay rườm rà, hình thức, nhiêu khê quá, khiến nhiều khi các nhà khoa học phải mất quá nhiều thời gian để lo chứng từ, hóa đơn ngõ hầu có thể thanh quyết toán, ngõ hầu không bị nhân viên kế toán của cơ quan trả hồ sơ bắt làm lại.

Các đề tài khoa học liên tục ra đời nhưng khả năng ứng dụng trong thực tế vẫn còn rất hạn chế. Trong ảnh: Quang cảnh một buổi bảo vệ đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2014 (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Một dự án khoa học khép lại, có khi chồng chứng từ, hóa đơn, biên nhận, biên bản, kí nhận, quyết định, giấy đi đường, nghiệm thu… dày hơn nhiều so với báo cáo khoa học rút ra từ dự án đó. Dường như chức danh "thư kí khoa học" cho các đề tài chỉ nhằm đúng một nhiệm vụ là hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán sao cho chuẩn, nét, hợp lí và đẹp.

Thế nên không có gì là lạ, một số cán bộ trẻ được đào tạo để nghiên cứu khoa học, sau vài năm công tác ở các viện nghiên cứu bỗng dưng trở thành các chuyên gia về thanh quyết toán. Thời gian biểu của họ bị ngập trong cơ man là những chứng từ và dường như mọi trí lực, tinh thần sáng tạo của họ đổ cả vào việc làm sao lách luật, làm sao hợp lí hóa những việc không làm, làm sao khiến các con số phải câm lặng…

Đó có phải là khoa học?

Rồi nữa, nhiều quy định khô cứng đến kì lạ được áp cho các nhà khoa học. Xin kể ra đây một ví dụ.

Hàng năm, cơ quan khoa học nào cũng phải phát động phong trào thi đua, phải to nhỏ để các nhà khoa học đăng kí thi đua cho một danh hiệu nào đó kẻo mang tiếng với cấp trên. Với mỗi chức danh thi đua đăng kí ấy, nhà khoa học phải điền vào phiếu đăng kí theo format định sẵn hàng loạt các chỉ số cụ thể. Để rồi cuối năm, người ta sẽ tổ chức một cuộc bình xét, nhà khoa học sẽ lại đứng dậy, trình bày những gì mình đã làm được dựa trên mức đăng kí đầu năm. Rồi thì phải giãi bày, phân trần, giải thích khi ai đó có ý kiến. Rồi thì phải tim đập thình thịch với hy vọng mình sẽ được lựa chọn qua một cuộc bỏ phiếu kín. Rồi thì phải chờ đợi để cấp trên xem xét, ra quyết định khen thưởng.

Tôi biết có nhiều nhà khoa học không bao giờ được bằng khen, dù kết quả nghiên cứu của họ có thể sẽ khiến đâu đó nhiều "chiến sĩ thi đua" thẹn thùng…

Tôi tin những nhà khoa học chân chính, có lòng tự trọng không lấy bằng khen là cảm hứng cho hoạt động nghiên cứu của mình.

Trách nhiệm lớn lao nhất mà mỗi nhà khoa học phải đối mặt là chất lượng công trình của mình đối với xã hội, với nhân dân - những người đóng thuế để nhà nước có tiền cấp cho các nhà khoa học. Chính vì thế, hãy dũng cảm dỡ bỏ những quy định hành chính cứng nhắc. Hãy quản lí họ dựa trên kết quả công việc.

Hãy xây dựng một cơ chế cạnh tranh dân chủ, khách quan trong hoạt động khoa học. Mọi nhà khoa học, dù già, dù trẻ, dù có học hàm hay không đều cùng có thể tham gia đấu thầu các nhiệm vụ khoa học. Hãy đánh giá, lựa chọn họ dựa trên đề cương nghiên cứu, tính khả thi, ứng dụng, khả năng trình bày, lập luận, bảo vệ các ý tưởng thay vì dựa trên số bằng cấp trong hồ sơ, số năm công tác, quan hệ họ hàng hay kích cỡ ghế họ ngồi nơi công sở.

Đánh giá quý báu nhất, chính xác nhất và công tâm nhất đối với một công trình khoa học là ý nghĩa, khả năng vận dụng, nhân rộng và tính hữu ích của nó đối với cộng đồng xã hội. Vì thế, xin đừng đánh giá, bó buộc sinh mệnh của mỗi công trình khoa học chỉ với vài lá phiếu của đâu đó vài vị trong hội đồng nghiệm thu - những người có đầy đủ hỷ - nộ - ái - ố

Nguyễn Công Thảo
.
.