20 năm đổi mới, văn học trên đường ra biển lớn:

Diện mạo đời sống mới, diện mạo văn học mới

Thứ Ba, 24/10/2006, 14:00

 Có thể nói, bức tranh toàn cảnh văn học bằng tiếng Việt Nam chưa bao giờ phong phú như giai đoạn đổi mới đã qua. Nhất là 10 năm trở lại đây, trên con đường ra biển lớn, hòa nhập với xu hướng phát triển của thời  đại, việc tiếp cận nhanh chóng các giá trị văn học nghệ thuật mới của nhân loại đã mở rộng tầm nhìn, làm thay đổi tâm thế, vị thế và cả tư thế của nhà văn Việt Nam.

1. Trong biển sách mênh mông được xuất bản, văn học Việt Nam qua các thời đại đã có một vị trí xứng đáng. Nhờ những điều kiện vật chất và kỹ thuật hiện đại, và quan trọng là định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, về xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị đều được trả về đúng vị trí của nó.

Trước thử thách của thời gian và qua những biến động của xã hội, nhiều tác phẩm ngỡ là sâu sắc đã dần phơi rõ sự nông cạn, hạn hẹp. Nhiều tác phẩm có phần tàn phai hương sắc theo thời gian. Nhưng cũng chính thực tiễn đời sống và trải nghiệm từng con người đã khiến cho người đọc nhận ra tầm vóc, chiều sâu của không ít tác phẩm, mà tưởng như nó đã được nằm yên trong bảo tàng lịch sử. Đó chính là giá trị thực của của những tác phẩm cổ điển.

2. Trên cái nền rộng lớn của văn học thế giới và xu hướng dân chủ hóa văn học trong nước, nhà văn Việt Nam đương đại đang có được những thuận lợi trong sáng tác và xuất bản. Nhà văn có thể in ấn, tái bản, làm tuyển tập của mình một cách dễ dàng. Sức mua thực tế của người đọc đang là một tín hiệu đáng mừng đối với văn học. Khi sách được xem như một sản phẩm hàng hóa, thì tên tuổi nhà văn trở thành một thương hiệu cũng là điều đương nhiên. Và, có thể chúng ta đang đối mặt với thời kỳ văn hóa đọc bị xuống cấp, nhưng dường như các tác phẩm văn học mới lạ, độc đáo vẫn luôn được bạn đọc chào đón.

Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc là hoạt động làm phong phú đời sống văn học thời kỳ đổi mới.

Các tác phẩm được xây dựng từ nguyên mẫu các nhân vật, sự kiện xã hội được dư luận xã hội chú ý. Nó là minh chứng cho việc văn học ngày một gắn bó mật thiết với đời sống. Các vụ án lớn, các sự kiện xã hội nóng bỏng, các hiện tượng được nhiều người chú ý đã lôi kéo nhiều ngòi bút xông xáo vào cuộc, trong các thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch... Ngôn ngữ văn học gần với ngôn ngữ đời sống, với lối viết hồn nhiên, trực diện, hài hước...

3. Với sự phát triển phong phú như vậy của bức tranh văn học trong đời sống hiện đại, có thể nhận thấy rằng, trong những năm đổi mới đã qua, không phải lúc nào công tác lý luận phê bình văn học cũng có mặt trong những thời điểm cần thiết, theo kịp với sự phát triển năng động của đời sống sáng tác. 20 năm đổi mới đã qua, xã hội Việt Nam đã có những thay đổi sâu sắc trên nhiều phương diện, vị trí của văn học nghệ thuật trong xã hội và thước đo của xã hội với các tác phẩm văn học đã có nhiều đổi khác. Để tiếp tục vai trò quan trọng của mình trong đời sống tinh thần, tình cảm của nhân dân và tham gia một cách tích cực vào tiến trình phát triển của đất nước dân chủ, nhà văn và văn học luôn cần đến sự thay đổi trong tư duy, nội dung và hình thức cho phù hợp với xu thế của thời đại...

Trong bối cảnh đó, hội nghị lý luận phê bình văn học lần thứ 2 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, với tinh thần “Phát huy thành tựu đổi mới văn học, phấn đấu có thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao” sẽ đánh thức vai trò và vị trí của nhà văn như một nhà văn hóa. Bằng các tác phẩm của mình, các nhà văn sẽ cùng với nhân dân tìm con đường đi đúng cho dân tộc trên hành trình hội nhập vào biển lớn của nhân loại văn minh và tiến bộ. Muốn như vậy, thì công tác lý luận phê bình hơn bao giờ hết, phải thực sự trở thành một người dẫn đường tin cậy cho cả người đọc và người sáng tác...

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.