Làm phim lịch sử:

Điện ảnh còn "mắc nợ" với lịch sử

Thứ Hai, 17/10/2011, 08:00
Phỏng vấn Gs.Ts Đinh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

-Thưa GS.TS Đinh Xuân Dũng, nước ta có bề dày lịch sử 4.000 năm mà 10 năm qua số lượng phim lịch sử được sản xuất chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông nghĩ gì về điều này?

+ Dĩ nhiên con số này là quá ít ỏi, quá khiêm tốn. Chúng ta có một bề dày lịch sử để tự hào, với bao nhiêu biến cố, sự kiện, nhân vật có thể xây dựng thành những tác phẩm điện ảnh tầm cỡ không kém gì các nước khác. Suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đã xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử chói sáng như Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Quang Trung… gắn với rất nhiều biến cố của các triều đại. Tìm trong lịch sử là biết bao bài học, biết bao vấn đề lớn không chỉ của dân tộc ta mà của toàn nhân loại, nếu khai thác để xây dựng thành tác phẩm điện ảnh thì sức hấp dẫn vô cùng lớn. Nó không chỉ góp phần nâng cao sự hiểu biết và lòng tự hào dân tộc của mỗi người Việt Nam mà còn là phương tiện để chúng ta giới thiệu với thế giới về văn hóa, lịch sử của dân tộc mình.

Trong thời kỳ hội nhập hôm nay, rất nhiều quốc gia đã nhìn nhận điện ảnh như một ngành mũi nhọn có thể quảng bá nhanh nhất và hiệu quả nhất hình ảnh của mình ra thế giới. Khi văn hóa đi trước được một bước thì nó sẽ là tiền đề bền vững cho phát triển kinh tế. Nhưng chúng ta chưa làm được điều này. Với bề dày lịch sử dân tộc mà cha ông để lại, có thể nói chúng ta đang có trong tay rất nhiều chất liệu "vàng ròng" để làm phim cổ trang lịch sử. Chưa có phim hay nghĩa là những người làm điện ảnh còn đang mắc nợ với cha ông mình.

- Dưới góc nhìn của một nhà lý luận, ông thấy rằng, muốn có phim lịch sử hay chúng ta phải chuẩn bị những gì?

+ Muốn có phim lịch sử hay thì phải có trường quay, phải đào tạo một đội ngũ đạo diễn, biên kịch, diễn viên có kiến thức về lịch sử, say mê với lịch sử, phải có những cơ quan chuyên nghiên cứu để bổ sung những thiếu hụt về các tư liệu, hiện trạng lịch sử làm cơ sở cho người làm phim sáng tạo. Ngoài ra còn cần đến một đội ngũ chuyên viên, cố vấn, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu về trang phục, họa sĩ mỹ thuật vừa hiểu biết về lịch sử vừa hiểu biết về điện ảnh hỗ trợ… Tóm lại, điện ảnh không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là một "nền công nghiệp" nên cần đến sự đồng bộ của nhiều khâu để có thể sản xuất ra một bộ phim hay. Với phim lịch sử, yêu cầu này lại càng khắt khe hơn. Chúng ta gần như chưa có được những điều kiện cơ bản để làm phim lịch sử. Nhà nước chưa có một chiến lược lâu dài, chưa thực sự đóng vai trò như một "bà đỡ" cần thiết cho sự phát triển của dòng phim này. Nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt từ giai đoạn sau chiến tranh thì có thể hiện nay chúng ta đã có được những bộ phim lịch sử tầm vóc để giới thiệu với khán giả không chỉ trong nước mà cả quốc tế, không kém gì Hàn Quốc, Trung Quốc…

- Khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất đã đành, song ngay cả quan điểm làm phim lịch sử của ta vẫn còn cứng nhắc, bảo thủ, "làm khó" cho người nghệ sĩ khi sáng tạo tác phẩm điện ảnh, ông nghĩ sao về điều này?

+ Hiện đang có sự nhầm lẫn trong việc đánh giá một bộ phim lịch sử với chính sử. Chúng ta đều biết, việc lưu giữ và lưu trữ những di tích và hiện vật lịch sử, văn hóa ở ta rất nghèo nàn. Qua bao nhiêu cuộc chiến tranh và biến động trong lịch sử, những ghi chép về đền đài, cung điện, trang phục, văn hóa ứng xử, đôi hài, cái khăn, cái mũ, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân… qua các triều đại lịch sử còn lại quá ít. Trong khi người làm phim lịch sử phải cụ thể hóa nó bằng hình ảnh thì đúng là một thách thức không nhỏ. Mặt khác dư luận đang tạo một sức ép lớn lên vai người làm phim lịch sử. Nếu cứ xét chuyện đúng - sai từ việc nhìn vào các tiểu tiết, nhất là trong điều kiện làm phim Việt Nam, thì rõ ràng làm khó cho các nhà làm phim, họ ngại chạm vào đề tài này là dễ hiểu thôi.

- Vậy theo ông, chúng ta cần tiếp cận phim lịch sử theo hướng nào?

+ Tôi cho rằng, cái "hồn cốt Việt" trong phim mới là cái lớn cần quan tâm. Lịch sử là cái nền cho người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm điện ảnh. Nó là "hiện thực thứ hai" và người nghệ sĩ có quyền gửi gắm những tư tưởng, ước mơ, khát vọng của mình vào tác phẩm. Khai thác lịch sử theo góc độ nào cũng là lựa chọn của mỗi đạo diễn khi bắt tay vào làm phim, miễn là họ trung thành với sự thật lịch sử, không bóp méo, bôi nhọ lịch sử. Chỉ khi ta nhìn phim lịch sử là một tác phẩm nghệ thuật thì ta mới giải phóng được năng lượng cho người nghệ sĩ sáng tạo. Mặt khác, lịch sử cũng cần được nhà làm phim nhìn trong sự đa chiều, ở đó họ không chỉ phản ánh những biến cố mà còn đề cập đến số phận con người, nghĩa là họ được quyền "nói nốt" cho nhân vật lịch sử.

Trong quá khứ, vì nhiều lý do khác nhau, có lúc chúng ta đã "né tránh" lịch sử, chỉ nói theo một chiều, thì bây giờ là lúc các nhà làm phim có thể nhìn lại lịch sử một cách sòng phẳng hơn. Sòng phẳng nhưng không phủ định. Vì sự thật lịch sử không chỉ có những trang huy hoàng mà còn có cả những bi kịch nữa. Những yếu tố này về mặt điện ảnh là rất hấp dẫn, và các nhà làm phim phải biết khai thác. Nếu chúng ta chỉ làm phim để kể và tả lại lịch sử rồi xét nét đúng sai trong sự kể và tả ấy thì phim lịch sử thiếu đi tầm vóc văn hóa và cũng không kích thích được sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

Khi tôi đến Hàn Quốc, các đạo diễn phim lịch sử ở đây cho biết, họ tái hiện lịch sử là để nói những câu chuyện, những vấn đề của hôm nay. Nghĩa là lịch sử chỉ là cái cớ để người đạo diễn thổi vào đó những ước mơ, khát vọng và cả những bài học quý giá về cuộc đời, về nhân tình thế thái. Trong phim của họ, nhân vật lịch sử ăn mặc đẹp, cung điện thành quách nguy nga, văn hóa sống, văn hóa cư xử, văn hóa ẩm thực… rất chuẩn mực. Họ không tái hiện hoàn toàn theo chính sử một cách máy móc, mà họ sáng tạo để lịch sử có thêm một vẻ đẹp mới, tầm vóc và lộng lẫy hơn. Khi đi ra ngoài biên giới, những bộ phim này đã thực sự trở thành các sứ giả văn hóa của Hàn Quốc, nó khiến cho thế giới hiểu về Hàn Quốc hơn, và quan trọng là người ta đã nhìn Hàn Quốc như một "cường quốc" về các giá trị văn hóa, lịch sử, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Chúng ta chưa nhìn ra vai trò và sức mạnh to lớn của điện ảnh trong việc giới thiệu lịch sử, văn hóa của mình với thế giới. Chúng ta lạc hậu hơn các nền điện ảnh trong khu vực rất nhiều.

- Năm ngoái, bộ phim lịch sử dài tập "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" do Công ty Trường Thành sản xuất với số vốn đầu tư kỷ lục 100 tỉ đồng đã bị hoãn phát sóng truyền hình dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long, vì phải sửa chữa một số chi tiết được coi là chưa phù hợp với lịch sử. Sau 3 lần sửa chữa, đến nay, bộ phim này vẫn chưa được lên sóng truyền hình, và nhà sản xuất thì đang "ngồi trên đống lửa". Thêm một ví dụ để thấy rằng, làm phim lịch sử đúng là gian nan dặm trường. GS nghĩ sao?

+ Là người đã đọc kịch bản, đã xem phim, tôi từng phát biểu trước dư luận rằng, những người làm phim đã rất nỗ lực trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất và nhân lực, phải đi thuê trường quay nước ngoài. Về tư tưởng, bộ phim bám sát lịch sử và nói được những vấn đề của thời đại hôm nay. Những sai sót phải sửa chữa theo tôi là bình thường và quan trọng là nhà làm phim đã thực hiện với thái độ cầu thị. Trong khi các hãng phim tư nhân đều hướng đến làm phim giải trí để thu hồi vốn nhanh, dễ hấp dẫn khán giả thì việc một đơn vị tư nhân dám chấp nhận thử thách, đầu tư để làm phim lịch sử một cách quy mô, hoành tráng theo tôi là cần được trân trọng. Chưa có sự đầu tư của Nhà nước cho dòng phim này thì việc khuyến khích các đơn vị tư nhân, xã hội hóa làm phim là rất nên chứ. Hơn nữa, đây là một phim điện ảnh, chứ không phải phim tài liệu lịch sử…Theo tôi, rất cần những cuộc hội thảo, nghiên cứu, trao đổi trên cơ sở học thuật với một cái nhìn phóng khoáng, bình đẳng về phim lịch sử để chuẩn bị lâu dài cho tương lai của dòng phim này.

- Xin cảm ơn GS.TS Đinh Xuân Dũng

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.