Điện ảnh Việt Nam: Mỗi thời mỗi khó

Thứ Hai, 09/01/2012, 09:00

ĐAVN đã đang cận kề ở tuổi 60, lớp nghệ sĩ đầu tiên, rồi lớp được học hành trong nước, ngoài nước cũng đã lần lượt từ giã điện ảnh. Điều kiện kinh tế làm phim bây giờ khó khăn là thế, vị trí của Điện ảnh giữa các phương tiện thông tin hiện tại đang bị "lép vế" là thế… cùng với bao nhiêu khó khăn khác nữa. Nhưng có phải vì thế mà ĐAVN bây giờ đã hết tài năng? Nghệ thuật thì "chạm đáy" và nhân tài thì như lá mùa thu?

Trước hết, phải thừa nhận một sự thật là phim Việt Nam ngày xưa hấp dẫn khán giả Việt Nam hơn bây giờ. Có lẽ vì vậy mà nhiều người yêu mến hoặc có công với điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) trước đây cứ rầu rĩ mà ao ước rằng: "Bao giờ cho đến ngày xưa?". Thậm chí, có người còn nói cụ thể rằng: "Những người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, những người có tài năng đã lần lượt về hưu và chết gần hết rồi". Và tiếp theo là những tiếng thở dài não nuột, chỉ còn thiếu chưa kêu lên thành lời ai điếu: "Ôi! Tài năng điện ảnh Việt Nam nay còn đâu!".

Như vậy có phải là tài năng ĐAVN chỉ có ở "ngày xưa", còn bây giờ thì đã mai một, đã "chạm đáy" và không bao giờ còn tìm lại được cái "ngày xưa" ấy? Câu trả lời là "Không phải vậy".

Vì sao phim Việt Nam ngày xưa hấp dẫn khán giả Việt Nam hơn bây giờ? Có hai lý do chính:

Một là: Ngày xưa có gì mà xem, ngoài mấy loại hình nghệ thuật ước lệ như: kịch, tuồng, chèo, cải lương… Lúc đó duy nhất chỉ có điện ảnh là có hình ảnh sống động về cuộc sống thật, con người thật.

Phim tài liệu phóng sự của ta lúc đó được làm ra từ mồ hôi và cả máu của hàng trăm phóng viên quay phim mặt trận và các cơ sở điện ảnh tiền tiêu trên mọi trận tuyến khắp trong Nam ngoài Bắc. Phim nào cũng đầy ắp những thông tin nóng bỏng, mới mẻ. Chỉ có qua phim, người xem mới thấy được tận mắt cuộc sống thật, con người thật - thứ mà mọi người đang khao khát, chờ mong.

Ngay cả phim truyện là loại phim được phép hư cấu nghệ thuật, được nghệ thuật hóa khi phản ánh cuộc sống con người cũng phải có hiệu quả thật, đôi khi còn thật hơn cả sự thật ngoài đời. Đó là ưu thế riêng của điện ảnh, hơn hẳn bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác.

Chính vì vậy, mà cái "ngày xưa" ấy, ở thành thị thì còn có cơ may chen nhau đến vài ba cái rạp toòng teng xem phim, còn ở nông thôn thì 100% vùng miền không có điện, lâu lắm, họa may có được một Đội chiếu bóng lưu động về làng, chạy cái máy nổ kêu rầm rầm, bật được ngọn đèn điện lên thì ai nấy đã thấy như được "đổi đời" rồi. Dù ở cách xa hàng chục cây số, đêm hôm cũng cố cơm nắm, cơm đùm, đi bằng được để được xem "chớp nhoáng" có con người thật, cảnh vật thật. Xem các loại phim Tây, phim Tàu (mà chỉ có phim của phe XHCN) đã sướng lắm rồi, nếu được xem phim có người Việt Nam, tiếng nói Việt Nam, cảnh vật Việt Nam giống làng quê mình thì còn gì mà chả sướng rên lên rằng: "Phim Việt Nam hay quá! Tuyệt vời quá! Giống quê mình quá!".

Tình trạng này chỉ được chấm dứt khi có vô tuyến truyền hình, có băng hình VHS, có đĩa hình video, và cho đến bây giờ thì… ôi thôi, chiếu bóng ở nông thôn và xem phim ở rạp không còn là cái gì hấp dẫn những ai đó nữa. Ngoài phim ở vô tuyến truyền hình, ở Internet, ở hệ có hình của Đài Tiếng nói Việt Nam, người ta còn tự tìm mọi nguồn khác xem phim quá dễ dàng. Ở thành thị thì đâu đâu cũng nhan nhản các cửa hàng cho thuê và bán quá rẻ các loại băng đĩa hình. Ở nông thôn, ngay cả những vùng quê hẻo lánh thì gần như 100% vùng miền đã có điện, người nông dân cũng chỉ cần bán dăm bảy chục cân thóc là có thể mua được cái đầu video hay cái vô tuyến truyền hình làng nhàng xem được rồi. Chưa kể, chỉ cần chiếc máy điện thoại di động, người ta cũng có thể ngồi bất cứ đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể xem được phim! Và còn bao nhiêu cái hiện đại, tiện lợi hơn nữa. Từ thực tế ấy, bây giờ mà "câu" được người vào rạp xem phim hay của nước ngoài đã khó, còn nói gì đến phim Việt Nam, nhất là những loại phim "ăn liền nửa sống nửa khê" thì thất bại là điều dễ hiểu.

Lý do thứ hai: Có hai áp lực lớn đối với người làm phim là tiền chi  cho phim và thời gian hoàn thành phim thì "ngày xưa" được tự do thoải mái hoàn toàn. Người làm phim từ biên kịch, đạo diễn cho đến những nhân viên phụ việc thấp nhất đều ăn lương Nhà nước, chẳng ai phải bận tâm lo thu vén cho lợi ích của riêng mình (mà có muốn cũng không dễ). Tất cả chỉ đổ tâm, đổ sức vào phim. Tiền chi cho phim hết bao nhiêu đã có "chủ nhiệm phim" lo thanh toán với Nhà nước. Vật liệu, tuy chỉ có một loại phim nhựa của Liên Xô, Trung Quốc, Đức… nhưng được dùng thoải mái, có cảnh phim quay năm bảy "đúp" thấy chưa đạt lại có thể quay hàng chục "đúp" (chẳng thế mà lúc đó có câu tục ngữ dân gian là "đã có Liên Xô chịu"). Máy móc và mọi phương tiện, vật tư khác cũng không hạn chế, miễn là cần và đủ cho phim. Mặc dù từ năm 1958, nhờ sự giúp đỡ của nước bạn, ĐAVN đã xây được cái gọi là "Trường quay Cổ Loa", nhưng hình như chưa có phim nào, quay được cảnh nào ở đó. Rồi nó được biến thành "giáo cụ trực quan" cho học sinh Trường Trung cấp Điện ảnh sau này. Hầu hết bối cảnh và đạo cụ của phim là dựa vào "tự nhiên". Đoàn làm phim đi đến đâu, dân chúng cũng vui mừng như được "đón Trạng về làng", cần bất cứ thứ gì, từ con trâu, con bò, cái tủ, cái giường, kể cả phá một phần vườn tược, tài sản của mình cho cảnh phim, họ cũng sẵn sàng ủng hộ. Nghệ sĩ làm phim, nhất là diễn viên hầu hết là người có được học qua nghề nghiệp. Không những vậy, quá trình hành nghề của diễn viên đôi lúc còn có cả chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc đến tận trường quay "cầm tay chỉ việc" nữa.

Còn thời gian hoàn thành bộ phim thì Nhà nước không khống chế, mà quyết định do sức sáng tạo của nghệ sĩ, và những yếu tố khách quan của "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" ở nơi thực hiện bộ phim.

Như vậy, rõ ràng hai áp lực chính của người làm phim ở giai đoạn này hoàn toàn được cởi mở. Khoan nói đến tài năng, chỉ riêng sự trong sáng minh bạch về kinh tế và sự không bị thúc bách về thời gian ấy đã giúp cho người nghệ sĩ yên tâm làm việc hết mình, và chính trên cơ sở ấy mà nảy nở dù ít dù nhiều những tài năng.

Từ thực tế ấy, đã dẫn đến một hệ quả tất yếu của phim Việt Nam, nhất là phim truyện, giai đoạn này là: chỉn chu, bài bản, có nghề và có lương tâm, trách nhiệm với người xem.

Nhiều bộ phim "ngày xưa" ấy vẫn còn giữ mãi ấn tượng khó quên cho người xem Việt Nam và được nhiều giải cao trong các Liên hoan phim quốc tế như: "Chung một dòng sông", "Vợ chồng A Phủ", "Chị Tư Hậu", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Hai người lính", "Ngày lễ Thánh", "Đến hẹn lại lên"… v.v… Bộ phim ngắn "Con chim vành khuyên" còn trở thành bài tập tốt nghiệp của Trường Trung cấp Điện ảnh và được coi là một trong những phim "kinh điển" về nghề nghiệp của ĐAVN.

Còn việc làm phim bây giờ, có thể nói, gần như ngược với ngày xưa. Một áp lực lớn nhất là tiền làm phim, không những bị khống chế bởi nơi đặt hàng (kể cả phim trong kế hoạch Nhà nước) mà ngoài tiền chi cho phim còn phải chi rất nhiều khoản to nhỏ khác (có Hãng phim Nhà nước trích 50-70% tiền làm phim để trả lương cho cán bộ, công nhân viên) và các loại "phí" đương nhiên khác. Ngày xưa, đoàn làm phim về miền núi, bà con mọi bản làng phải tranh nhau để được tiếp đón đoàn, cái gì ngon nhất, quý nhất đều dành cho đoàn. Còn bây giờ, có đoàn làm phim về bản được vài hôm, không hiểu trong đoàn có ai vi phạm luật tục gì của bản làng mà bị già làng yêu cầu Đoàn làm phim phải đưa người đó để dân làng "trị tội". Cả Đoàn phải khó khăn thương lượng mãi già làng mới chịu nhận cho "phạt vạ" một con trâu - 5 triệu đồng và một "Lễ cúng Giàng" 2 triệu đồng. Một đoàn khác về miền Trung làm phim chưa kịp đền bù một mái nhà tranh cho dân cũng bị phanh phui lên báo, Giám đốc Hãng phim phải về tận nơi xin lỗi và đền tiền mới yên… Những chuyện tương tự như vậy và nhiều sự cố "thượng vàng hạ cám" khác, nhất nhất đều phải chi bằng tiền. Mà tiền thì… chỉ có thế và đã chốt chặt rồi!

ĐAVN đã đang cận kề ở tuổi 60, lớp nghệ sĩ đầu tiên, rồi lớp được học hành trong nước, ngoài nước cũng đã lần lượt từ giã điện ảnh. Điều kiện kinh tế làm phim bây giờ khó khăn là thế, vị trí của Điện ảnh giữa các phương tiện thông tin hiện tại đang bị "lép vế" là thế… cùng với bao nhiêu khó khăn khác nữa. Nhưng có phải vì thế mà ĐAVN bây giờ đã hết tài năng? Nghệ thuật thì "chạm đáy" và nhân tài thì như lá mùa thu?

Lịch sử nghệ thuật thế giới đã chứng minh rằng, tài năng nghệ thuật đích thực không phụ thuộc vào bất cứ yếu tố kinh tế, xã hội nào, kể cả việc học hành cũng chỉ là học để phát triển tài năng sẵn có chứ không phải học để có tài năng. Trong mấy chục năm, Nhà nước Việt Nam gửi sinh viên ra nước ngoài học điện ảnh, số thành công trong nghề cũng chỉ chiếm tỷ lệ không nhiều.

Năm học 1974 - 1978, lần đầu tiên ở Trường BGIK (Liên Xô) có một lúc 5 sinh viên của một nước ngoài học cùng một lớp kinh tế điện ảnh - đó là Việt Nam. Nhưng ra trường, về nước, một người về quê làm chủ tịch xã rồi nay làm thầy lang; một người về Xưởng phim làm Trưởng phòng Hành chính; một người về Hải Phòng mở cửa hàng bán dụng cụ gia đình; một người làm Thư ký Giám đốc, rồi làm Giám đốc một xưởng phim; một người trở thành đạo diễn phim truyện truyền hình vào loại tài ba. Đó là Trần Thanh Mẫn của Đài Truyền hình Huế. Mối quan hệ giữa tài năng nghệ thuật với chuyện khoa cử học hành đôi khi là thế.

Cho đến bây giờ - năm 2011, khi mà người ta lớn tiếng kêu rằng ĐAVN đã "chạm đáy", rằng ĐAVN đã hết người tài thì sự thật vẫn nguyên là sự thật. Nghĩa là những khó khăn kể trên của ĐAVN vẫn là tất yếu khi từ bao cấp vào cơ chế thị trường, các nghệ sĩ và thành tựu điện ảnh thời chiến tranh vẫn được tôn vinh, còn cách làm phim của lớp trẻ vẫn là tài năng của lớp trẻ. Trong nghệ thuật không có con đường nào là mẫu mực, không ai lặp lại của ai và cũng không bao giờ lặp lại chính mình

VNCA Xuân Nhâm Thìn
.
.