Dịch văn học không chỉ là chuyển ngữ: Hăm hở như một người đi rừng

Thứ Hai, 18/06/2007, 10:30
Theo dịch giả trẻ Bạch Liên: Văn học Internet manh nha rồi sống khỏe là nhờ những người thực sự yêu công việc dịch và sáng tác, chứ không phải là mốt thời thượng vì nó đòi hỏi người ta cống hiến rất nhiều tâm sức và thời gian...

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho một bộ phận văn học đương đại đến với độc giả Việt Nam qua con đường Internet. Theo tôi biết thì dịch và sáng tác mạng đã âm ỉ rất nhiều năm nay trên những website như vnfiction.com, như trang hợp dịch Harry Potter và lẻ tẻ trên nhiều diễn đàn khác trước khi được nhắc đến thường xuyên như hiện nay.

Tôi nghĩ văn học Internet manh nha rồi sống khỏe là nhờ những người thực sự yêu công việc dịch và sáng tác, chứ không phải là mốt thời thượng vì nó đòi hỏi người ta cống hiến rất nhiều tâm sức và thời gian.

Thứ nữa, tôi nghĩ không nên phân biệt quá rạch ròi văn học internet và các loại hình văn học khác. Văn học đích thực sẽ có sức sống mãnh liệt, bất kể hình thức biểu hiện của nó như thế nào.

Sự khởi sắc của văn học dịch gần đây là một tín hiệu đáng mừng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người dịch trẻ. Thế hệ dịch giả tiền bối, với vốn sống, sự hiểu biết và bề dày kinh nghiệm luôn là đối tượng để chúng tôi học hỏi.

Những người mới bước vào lĩnh vực này chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, nhưng tôi tin rằng nhiều người trong số họ có đam mê, có mong muốn hoàn thiện và khẳng định bản thân. Mô phỏng cách nói của André Gide: “Anh phải tự nhủ bản dịch có thể tốt hơn, bản của anh và bản của những người khác”.

Là người mới làm quen với dịch thuật văn học, chưa có đóng góp gì đáng kể, tôi không dám tự huyễn hoặc trước cách gọi hào phóng với cụm từ “dịch giả trẻ”. Với mục đích chủ yếu là rèn giũa bản thân và chia sẻ cùng bè bạn, nên tôi thường chỉ tìm và dịch những gì mình tâm đắc.

Tôi đã đến với công việc dịch thuật một cách tự nhiên và đầy duyên phận, tôi hăm hở lao vào nó như người đi rừng, gặp cây chặt cây, tắc lối tìm lối, chẳng lo âu suy xét gì hết.

Hiện nay, ngoài “Thất kiếm hạ Thiên sơn” của Lương Vũ Sinh và “Tru Tiên” của Tiêu Đỉnh, tôi còn dịch vài ba truyện dài như “Kinh Sở Tranh Hùng Ký”, “Nguyệt Ma” của Hoàng Dị, “Bạch Khô Lâu” của Hoàn Châu Lâu Chủ, “Lên giường nào, xử nữ!” của Túc Vân và hiện tại đang chăm chút cho một bộ trường thiên tiểu thuyết

Việt Hà
.
.