Dịch COVID-19: Một phép thử, bước trưởng thành

Thứ Năm, 23/04/2020, 15:31
Dịch COVID - 19  tấn công con người trên khắp mọi nơi, không cần cân nhắc biên giới, quốc gia, giàu nghèo, cương vị, địa vị xã hội. Ở Việt Nam ta, cách ứng xử với COVID - 19 cũng có một số nét khác. Cái khác ấy bắt đầu từ cách gọi.


Lúc đầu, có người gọi COVID - 19 là giặc. Giặc thì phải đánh chứ trốn chạy nó à? Không, người Việt Nam chưa trốn tránh giặc bao giờ. Việc liên tưởng, liên hệ "con" COVID - 19 này với sóng thần, hỏa hoạn hay chiến tranh - nghĩa là biến đổi môi sinh, là thiên tai hay do con người vô ý và tàn ác bất lương gây ra, đều là có thể. Nhưng khi gọi nó đúng với nó là "dịch", là "đại dịch", thì cách hành xử với nó đã khác. 

Dịch thì phải phòng tránh. Đại dịch thì sự phòng tránh gắt gao hơn và khẩn trương hơn, có kế hoạch quy mô và cụ thể hơn. Ta đã ráo riết tìm cho ra, nhỡ có đồng bào hay người bạn nào đến Việt Nam làm việc hoặc để thăm thú một Việt Nam đang đổi mới có nét gì kì thú, mà bị lây nhiễm, thì cách ly người đó, tức là bao vây bọn virus này đang trú ẩn và gây hại trong mỗi người mà tiêu diệt. 

Cách làm có vẻ đơn giản mà cụ thể này có người bảo là giống như cách bộ đội ta đánh giặc hồi trước. Đánh kiểu ấy, là để giải phóng, giải thoát dần dần cho từng người và thôn làng.

Xem ra, việc gọi đúng tên hiện tượng, tức là đã thể hiện một trình độ, đã báo hiệu một cách ứng xử thế nào cho phải, cho hợp lý và hợp tình.

Dịch COVID - 19 quả là đang gây ra khủng hoảng toàn cầu, và nó trở thành một phép thử đối với tất cả. Giải quyết một chiến dịch, một trận đánh, có người bảo là có thể có chút không may mắn gì đó (hôm đó trời bỗng mưa to, đường sụt lở, bộ binh và cơ giới gặp khó khăn…). Nhưng chống dịch thì không thể nại vào yếu tố bị bất ngờ.

Một mẫu tranh cổ động về phòng chống dịch COVID - 19 đã được in ấn rộng rãi.

Ở nước ta, Chính phủ Việt Nam không bị rơi vào thế bị động hay bị buộc phải ứng phó với những bất ngờ. Nhờ có các biện pháp - một chuỗi, một hệ thống biện pháp nên ta đã vây hãm, khu trú được ổ bệnh. Kết quả bước đầu là đến nay ta chưa có người nào phải tử vong. So với các nước khác, kết quả này hẳn là vô song.

Nhìn lại các lực lượng xã hội trong những ngày chống dịch COVID- 19 này, rất đáng khâm phục, biểu dương là lực lượng quân đội, công an và đặc biệt các cán bộ, nhân viên, y bác sĩ ngành y tế luôn phải căng mình ở những tuyến đầu chống dịch, từ những ngày đầu dịch khởi phát. Những đồng chí, đồng bào ta đang đóng vai trò chủ lực của việc chế ngự COVID - 19 này đã nêu cao trách nhiệm mà tận tụy tác nghiệp, hành nghề. Sự hiệp đồng công tác giữa các lực lượng này với nhau thật là nhịp nhàng. Họ đáng được nhận khen thưởng, những lời động viên, khuyến khích kịp thời hơn lúc nào hết.

Còn dân chúng?

Có một hiện tượng khác thường là: Chống COVID - 19 mà hát ca tập thể rồi đơn ca đủ giọng Bắc - Trung - Nam. Bà con ở nước ngoài cũng hát dựng thành clip để chia sẻ. Đó là những bài hát dựa theo nhạc các ca khúc sôi động một thời đánh Mỹ như "Bác đang cùng chúng cháu hành quân", "Nối vòng tay lớn", "Quảng Bình quê ta ơi",… hay là các bài dân ca cổ truyền ở các vùng miền trong nước, còn lời, là nhắc nhau các cách phòng chống dịch, là kêu gọi nhau quyết tiêu diệt COVID - 19 như chỉ đạo của Chính phủ, là quyên góp gạo và tiền giúp cho người thiếu thốn vượt qua buổi khó khăn. Văn nghệ bao giờ cũng là nơi phản ánh trạng thái tư tưởng, cung bậc tình cảm của thời đại, văn nghệ Việt Nam thời dẹp đại dịch COVID- này đang gợi cho ta nghĩ đến một sự phục hưng tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc.

Người Việt Nam hay phải chiến chinh, chúng ta có thực tế để rất hiểu một điều giản dị là chính những lời ca vút lên từ gian nguy và đau thương lại đã tiếp cho ta sức mạnh và cả sự tường minh mà vượt qua thật nhiều trở ngại để chiến thắng.

Do số phận lịch sử, đất và người Việt Nam đã không biết bao nhiêu lần phải xử trí khủng hoảng do đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh, và đặc biệt, do giặc giã cướp bóc, xâm lăng. Việt Nam dần dần vượt qua các cuộc khủng hoảng vô cùng to lớn và hiểm nguy ấy. Phần minh mẫn và ngay thẳng của nhân loại mấy chục năm nay khi tìm hiểu về Việt Nam xung quanh câu hỏi chính là "Tại sao Việt Nam đã chiến thắng ngoan cường như vậy?" thì đi đến kết luận rất đáng suy ngẫm tiếp, là: Việt Nam chiến thắng những thế lực siêu cường dăm bảy trăm năm nay không chỉ vì có mẹo mực quân sự, mà vì Việt Nam có hẳn một nền văn hóa chiến tranh. Các nhà văn hóa - văn nghệ Việt Nam từng là chiến binh từ lâu đã nghĩ như vậy, nhưng chưa tiện nói ra chăng? Trong số họ, có các nhà thơ, các nhà tiểu thuyết thì đã có cách "nói" ra thế bằng hình tượng văn chương rồi.

Ngày nay, như chúng khẩu đồng từ, chúng ta - người Việt và bạn bè của mình nói: "Việt Nam có văn hóa chiến tranh giữ nước" (và phát triển đất nước).

Vào vài tháng chiến đấu với đại dịch COVID - 19, có nhiều người lại nói là có Văn hóa thời COVID - 19 ở Việt Nam. Gọi thế là mạnh dạn (và phá cách) chăng? Thì thật ra, cũng là có cơ sở - biểu hiện thực tế. Chẳng hạn: Đã trở lại thói quen, nền nếp xếp hàng để mua gạo như thời bao cấp, đã có những bữa ăn không phải trả tiền cho hàng trăm người cơ nhỡ không có việc làm giúp họ đỡ phải đứt bữa. Nhường cơm sẻ áo, đấy là văn hóa Việt Nam, cũng là của văn minh nhân loại từ xửa xưa nay được kế thừa. Đã có nhiều sáng kiến làm mặt nạ tránh COVID - 19 xâm nhập, đã có hàng chục ngàn khẩu trang mới làm để phát miễn phí cho ai cần dùng. Hiện tượng trên bảo dưới không làm, trống đánh xuôi kèn thổi ngược ở đâu đấy, vào giai đoạn dẹp dịch COVID - 19 này đã bớt bỏ đi thật nhiều.

Đáng quý hơn, Chính phủ Việt Nam thay mặt nhân dân Việt Nam đã tặng nhân dân các nước bạn hàng vạn khẩu trang, hàng trăm thiết bị y tế để dẹp dịch COVID - 19…, ấy là văn hóa thời COVID - 19 ở Việt Nam lan tỏa, phát đi thông điệp Việt Nam là bạn của nhân loại trong lúc hiểm nghèo.

Tinh thần dân tộc và văn hóa ứng xử của người Việt được phục hưng. Sự kết hợp của một nhà nước có tư tưởng pháp quyền thực sự và bài bản của Chính phủ vì nhân dân mà kiến tạo, mà hành động kiên quyết, với ý chí và nguyện vọng của nhân dân đã được phát triển thực sự chứ không chỉ ở các văn bản, nghị quyết.

Chỉ trong mấy tháng đầu năm nay (2020), người quan sát thấy rõ là nhân quá trình ngăn chặn - đẩy lùi để chiến thắng, vượt qua đại dịch COVID - 19, dưới sự điều hành của Nhà nước, các ngành nghề ở Việt Nam đang bước vào một chặng đường mới từ việc sắp xếp nhân lực lao động đến nhân sự quản lý, và tiếp đó là quy trình tác nghiệp theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Trong đó, đáng chú ý là việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động điều hành và sản xuất, như họp và giao ban giao việc trực tuyến, học tập qua thiết bị điện tử từ xa, dùng robot chuyển hàng trong bệnh viện… Người ta có cảm nhận là chưa bao giờ các ứng dụng khoa học công nghệ được phát triển và chế tác rồi đem ra dùng nhanh như bây giờ.

Ấy là nói về những cái được trong mùa đánh dẹp COVID - 19 này.

Hi vọng và tin tưởng rằng những cái được này rồi sẽ được nhân rộng và phát huy nhiều và nhanh hơn trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc các ngành nghề.

Còn cái chưa được, có không?

Cũng có, chẳng hạn: Còn có làng xã, thị trấn chưa nghiêm khi thực hiện các biện pháp đã phổ biến; cũng còn có một ít người chưa đeo khẩu trang khi có việc đến chỗ đông người, đã thế, còn ngang tàng chống người thi hành công vụ.

Nhân dịp này, chúng tôi thiết nghĩ: Cần phải chấm dứt tình trạng trên nóng dưới chỉ ấm, thậm chí là còn lạnh? Phải tăng cường sức mạnh - hiệu lực của nhà nước pháp quyền ở ta, và nhân dịp này mà củng cố thêm một bước nền nếp hành chính - công vụ, làm việc theo pháp luật nghiêm minh, công bằng, có như vậy thì mới huy động toàn lực của xã hội vào việc tiêu diệt COVID - 19 hoàn toàn và chiến thắng đại dịch toàn cầu.

Nguyên An
.
.