Sưu tầm kỷ vật của nhà văn

Di sản của một nền văn học không chỉ là tác phẩm

Thứ Hai, 16/04/2012, 08:00
Đối với nhà văn, không có gì quan trọng hơn tác phẩm. Nhiều người đã nói như vậy. Và đúng là như vậy. Chỉ có những tác phẩm có sức sống lâu bền trong lòng công chúng mới làm nên tên tuổi nhà văn. Nhưng một khi ai đó đã trở thành nhà văn, nhất lại là nhà văn lớn, nhà văn có ảnh hưởng rộng rãi đến cộng đồng, thì di sản mà họ để lại cho đời lại không chỉ là tác phẩm. Đó còn là các kỷ vật, hiện vật, những trang bản thảo, những giai thoại trong đời sống, những thú chơi và những mối quan hệ…

Không ít ví dụ về một ngôi nhà nơi nhà văn đã từng ngồi viết tác phẩm lớn trong cuộc đời mình đã trở thành một địa chỉ văn hóa, một điểm du lịch được yêu thích. Hay một kỷ vật nào đó gắn bó với họ cũng kể cho chúng ta nghe rất nhiều câu chuyện độc đáo xung quanh nó. Ý thức được điều này, một số tổ chức cá nhân và thân nhân gia đình các nhà văn quá cố đã làm nhà lưu niệm cho họ. Chúng ta đã được đến thăm hoặc nghe nói tới nhà lưu niệm của Nguyễn Bính, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Kim Lân, Phạm Tiến Duật… Đó là những địa chỉ mà người yêu văn học có thể đến tưởng niệm, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn.

Cách đây hơn 10 năm, Hội Nhà văn Việt Nam đã khởi công xây dựng Bảo tàng Văn học Việt Nam trên một khu đất tương đối rộng rãi ở Quảng Bá, nhằm mục đích trưng bày các hiện vật, tư liệu liên quan đến từng nhà văn và cả nền văn học. Vì nhiều lý do khác nhau mà đến nay, Bảo tàng Văn học Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn về số lượng hiện vật trưng bày và nhiều khâu thi công khác vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành.

Một góc trưng bày tại nhà lưu niệm Kim Lân.

Nói không chỉ tác phẩm, mà ngay cả các hiện vật, tư liệu liên quan đến các nhà văn cũng là di sản của nền văn học còn bởi lẽ, nó có một ý nghĩa đặc biệt trong việc kết nối các thế hệ người viết và người đọc. Nói như nhà văn Lê Hoài Nam thì "Sở dĩ thế hệ chúng tôi thường hay viết bài nói đến các thế hệ nhà văn lớp trước là bởi chúng tôi không bị cắt đứt mối liên hệ với họ, qua tác phẩm, qua những hiện vật. Với các nhà văn trẻ hiện nay tôi cũng mong họ sống như thế. Nếu vì một lý do gì mà họ cắt liên hệ với các thế hệ trước thì sẽ rất đáng buồn, dễ nảy sinh thói tự phụ, vênh vang dị hợm, viết bằng giọng văn tiểu khí, chỉ nói về cá nhân họ và những người cùng trang lứa với họ"

Hoa Quỳnh
.
.