Để thực sự là những người hạnh phúc

Thứ Năm, 07/03/2019, 07:53
Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20-3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Việt Nam là một trong số 193 nước thành viên cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.


Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan - Vương quốc bé nhỏ, nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước nghèo, chậm phát triển, nhưng có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

Tháng 1 - 2018, Việt Nam được Tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation có trụ sở chính tại Vương quốc Anh đánh giá là quốc gia có chỉ số hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2018 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 95/156 quốc gia về chỉ số hạnh phúc. Các đánh giá này có lẽ chỉ có tính chất tham khảo, bởi mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân đều có tiêu chí đánh giá riêng về mức độ hạnh phúc, nhưng cho dù ở mức độ xếp hạng thứ 5 hay thứ 95 thì trước tiên chúng ta phải nhìn nhận lại, tự đánh giá lại chính mình để xem người Việt Nam đã thực sự hạnh phúc hay chưa.

Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao. Ảnh: “Nụ cười của những em bé HMông”.

Về đời sống vật chất, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo, vươn lên vị trí các quốc gia có thu nhập trung bình và đang nỗ lực phấn đấu để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Khoảng cách giàu nghèo được kéo giảm, số người nghèo đói ở Việt Nam cũng giảm mạnh còn dưới 6% vào năm 2018.

Đồng hành với phát triển kinh tế thì đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng từng bước được nâng lên. Dẫu cho cuộc sống có thể chưa được như ý muốn nhưng người dân Việt Nam biết tận hưởng những gì đang có trong khi không quên lao động và sản xuất để phát triển mức sống của mình lên cao hơn.

Ngày 27-2-2019, nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động “Chương trình sức khỏe Việt Nam”. Tại lễ phát động, Thủ tướng đã nêu ra những con số khiến tất cả người dân Việt Nam đều phải giật mình và nghi ngại khi mà các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mạn tính đang chiếm tới hơn 70% số tử vong hằng năm và chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ, sau hơn 25 năm mới tăng được 3cm.

Thật quá đáng buồn khi Việt Nam nằm trong tốp 10 nước người dân “lùn” nhất thế giới. Việc hạn chế về sức khỏe, chiều cao sẽ đem lại nhiều bất lợi cho giới trẻ, đặc biệt là đối với các cơ hội phát triển đến tầm cỡ quốc tế.

Bên cạnh đó, người dân chúng ta vẫn phàn nàn, lo lắng bởi môi trường sống gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra triền miên; ô nhiễm, nạn thực phẩm bẩn đe dọa đời sống thường nhật; thực trạng xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bất ổn, đó là tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, bạo lực, xâm hại trẻ em; tiêu cực, tham nhũng tuy đã bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp…

Liệu rằng khi chúng ta luôn luôn lo lắng về những vấn đề an ninh, an toàn xã hội, về những nguy cơ nhiễm bệnh, nhất là khi chúng ta ốm yếu thì có thể vui vẻ tận hưởng niềm vui và hạnh phúc hay không? Thế mới thấy, sức khỏe là tài sản quý giá, quan trọng nhất của con người. Tuy nhiên, thử quan sát nhanh tại các địa điểm như bờ hồ, công viên... thì đa phần là các cụ già, người có tuổi, còn thanh, thiếu niên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó, thanh niên còn bận ngủ, dành thời gian rảnh để lướt Facebook, chơi game và những thú vui mang tính chất "ngồi cố định một chỗ" khác.

Một đất nước giàu có không hẳn là một đất nước hạnh phúc và ngược lại, một đất nước nghèo khó chưa hẳn là đất nước bất hạnh, mà phải dựa trên nền tảng triển phải bền vững, không hủy hoại môi trường, sống hài hòa với tự nhiên, con người ít phải lo với cuộc sống mưu sinh, với những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Đặc biệt phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau và quan trọng là người dân ở đất nước ấy được sống thoải mái.

Nếu chỉ lấy riêng tiêu chí sức khỏe để đánh giá mức độ hạnh phúc thì thấy ngay là người Việt Nam chúng ta chưa thực sự hạnh phúc mà chỉ hài lòng với cuộc sống. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” (Đề án 641). Đây là đề án quốc gia có tổng kinh phí lên tới 6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai, Đề án này vẫn “chậm lớn” vì thiếu kinh phí. Mới đây, chúng ta lại tiếp tục triển khai chương trình “Sữa học đường” và “Chương trình sức khỏe Việt Nam”. Đây là những chương trình không chỉ có ý nghĩa nhân văn và xã hội to lớn đối với sự phát triển của trẻ em Việt Nam mà còn thể hiện rõ nét sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả các cấp, các ngành trong việc nâng cao thể lực cho thế hệ tương lai của đất nước.

Thủ tướng đã dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh”.

Hãy biết tự chăm sóc sức khỏe của chính mình, bởi không phải đương nhiên mà mỗi người chúng ta có cơ thể to khỏe mà đó phải là kết quả của quá trình gìn giữ và luyện tập thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày để cho người Việt khỏi mặc cảm, “xứng tầm”với bè bạn năm châu bốn biển. Hãy nhìn vào Nhật Bản, Hàn Quốc thì Việt Nam chúng ta chưa hề hết hy vọng. Hạnh phúc nằm chính trong bản thân bạn, tôi, và chúng ta.

Cù Tất Dũng
.
.